Thứ Tư, 30 tháng 9, 2015

KHIÊM NHƯỜNG


Con người ngày nay thường dễ tự ái - hay nói theo cách của các bạn trẻ là dễ “quê độ”. Từ đó phát sinh nhiều chuyện xích mích, bạo lực có thể dẫn đến đổ máu như ta thường thấy nhan nhản trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng dưới nhãn quan của người Kitô hữu, con người ngày nay đang mất dần đi một nhân đức rất cần thiết để có thể có được mối quan hệ tốt trong xã hội là đức khiêm nhường.

Khiêm nhường là thái độ không tự đề cao mình, đánh giá đúng mực về bản thân. Luôn coi trọng và học hỏi cái hay của người khác. Những người khiêm nhường thường rất hòa nhã, biết kính trên nhường dưới và nghe nhiều hơn nói. Họ không tự mãn với những gì đã đạt được, nhanh chóng nhận biết và sửa đổi các khuyết điểm của mình.

Khiêm nhường dễ gây được lòng yêu mến của tha nhân và từ đó tạo được niềm tin để chinh phục người khác. Nhưng phải khiêm nhường thật sự trong lòng chứ không phải giả vờ khiêm nhường để dè bỉu, chê bai người khác như trình thuật Lc 18, 9-14 nói về dụ ngôn người Pha-ri-sêu và người thu thuế cùng lên đền thờ cầu nguyện.

Người Pha-ri-sêu hiên ngang tự nhận mình tốt lành và nhân đức. Không những vậy, ông ta còn tố gian người thu thuế. Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời. Vừa đấm ngực vừa thưa ngắn gọn: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”. Lời cầu xin rất khiêm nhường vì vậy Chúa Giêsu đã tuyên bố thẳng: “Người này (thu thuế), khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia (Pha-ri-sêu) thì không”.

Khiêm nhường luôn gắn kết với sự khoan dung, còn kiêu ngạo luôn dính líu với ganh tị và ghen ghét. Thánh Phaolô từng cảnh báo: “Đừng làm chỉ vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình.” (Pl 2,3). Ngược lại với khiêm nhường, người kiêu ngạo luôn khẳng định mình là người thông thái, toàn năng, cái gì cũng biết. Người kiêu ngạo chỉ thấy mình là tất cả, mình hay hơn, khôn hơn người khác, ý của mình luôn đúng.

Người khiêm nhường biết đánh giá đúng ưu điểm và sẵn lòng sửa chữa những khuyết điểm của mình. Còn kẻ kiêu ngạo luôn khoe khoang những điểm mạnh nhưng lại lờ đi những điểm yếu của mình. Trong cuộc sống ngày nay có nhiều người quá coi trọng danh tiếng, đẳng cấp và quyền lợi. Họ sẵn sàng “bới bèo ra bọ”, giành giật những điều tốt đẹp về mình dù có phải đụng chạm đến lòng tự trọng của người khác. Đôi khi chỉ là một tờ giấy khen, một danh hiệu trong đoàn thể nhưng vì nhiều người cùng ham muốn đạt được, chẳng ai biết khiêm nhường, chẳng ai chịu lùi ra sau mà gây nên bao tranh giành, chia rẽ mất đoàn kết.

Nếu giảng giải ý nghĩa từng từ một ta thấy khiêm nhường bao hàm nghĩa khiêm tốn và nhường nhịn. Nhường nhịn thật sự rất khó, bởi nó gây cho ta cảm giác thất bại, thua cuộc. Xét về mặt vật chất nó đem lại sự thiệt thòi về quyền lợi mà ai cũng đua tranh giành giật. Vì thế muốn có được lòng khiêm nhường trước hết chúng ta phải học cách nhường nhịn, phải biết hào phóng nhường đường cho kẻ yếu thế tiến lên dù ta có thừa khả năng để làm điều đó.

Có hai hình ảnh diễn tả về sự khiêm nhường: một là cánh buồm bằng vải, mềm mỏng không cứng cáp như tôn, sắt, thép … nhưng chính sự mềm mại đó đã giúp nó nương theo chiều gió để đưa con thuyền đi mau. Hai là đất, là nơi thấp nhất, bị mọi người đạp lên. Vừa bị bầm dập, vừa dơ bẩn nhưng lại là nơi những hạt giống được nảy mầm, cung cấp bao tài nguyên, lương thực cho con người.

Chúa Giêsu đã dạy các mộn đệ: “Nếu không trở lại mà nên như trẻ nhỏ thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 18,3). Trở nên như trẻ nhỏ tức là phải sống khiêm nhường. Con đường thơ ấu của Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu là một quá trình thực hành nhân đức khiêm nhường trong đời sống thiêng liêng. “Hãy luôn sống như trẻ thơ theo ý muốn của Chúa Giêsu trong Tin Mừng, Ngài chẳng muốn nói với ta rằng: ”Nước Trời thuộc về những người giống như trẻ nhỏ” sao?”


Cuộc đời thánh nữ Têrêsa thay đổi hoàn toàn khi bắt đầu bước vào dòng tu. Là con út trong gia đình lại có chị là bề trên và các chị khác cùng tu một dòng nên không tránh khỏi bị mang tiếng là “con ông, cháu cha; nhất thân nhì thế”. Tuy bị dèm pha, nghi kỵ nhưng thánh nữ vẫn chấp nhận làm những công việc bé nhỏ, đơn sơ thường ngày một cách vui vẻ. Đó là khiêm nhường để phục vụ chứ không phải khiêm nhường để được phục vụ.

Khiêm nhường theo lời Chúa dạy không phải là nhu nhược, nhưng là học sống vâng phục thánh ý Chúa. Thánh nữ Têrêsa luôn suy niệm Lời Chúa: “Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11,29) để vâng phục bề trên một cách đơn sơ, bé nhỏ và khiêm nhường. Muốn học được khiêm nhường cần bắt chước Têrêsa thực hiện theo thứ tự ưu tiên JOY (Jesus – Others – You). Mọi thái độ của ta phải đặt ưu tiên cho Chúa, kế đến cho tha nhân và sau cùng mới đến mình.

Đã đăng trên:                              
http://www.thanhlinh.net/node/94281

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét