Thứ Bảy, 25 tháng 10, 2014

Tháng các linh hồn 2013: LUNG LINH ÁNH NẾN GỌI MỜI


Sau hơn năm tháng thi công với mong ước có nơi khang trang, sạch đẹp cho các linh hồn chờ ngày Phục Sinh. Chiều ngày lễ các Thánh, nghĩa trang giáo xứ tôi nhộn nhịp hẳn lên với Thánh Lễ tạ ơn, làm phép tượng đài Đức Mẹ Sầu bi, bàn thờ và khánh thành nhà hài cốt. Cụm công trình mới được xây dựng rực sáng trong buổi chiều tà và những phần mộ được sửa sang sạch sẽ, trang hoàng nến hoa và nghi ngút khói hương như dấu chỉ sự hiệp thông giữa kẻ sống – người chết. Thánh Lễ đồng tế trọng thể chiều nay thể hiện sự hiệp thông của Giáo hội lữ hành nơi trần thế và Giáo hội đang thanh luyện nơi luyện ngục cùng Giáo hội vinh thắng trên thiên quốc chuyển thông các công phúc cho nhau trong Mầu Nhiệm Giáo hội cùng thông công.

“Con người có tổ, có tông,
như cây có cội như sông có nguồn”

Người Việt Nam thường lấy chữ hiếu làm trọng, nhà có người qua đời được gọi là “nhà hiếu”. Chữ hiếu cũng đã được cha ông ta nâng lên thành đạo: Đạo Hiếu. Với đạo Công Giáo, Giáo Hội luôn nhắc các tín hữu hãy nhớ công sơn sinh thành dưỡng dục của tổ tiên: “Hỡi con, lệnh cha con truyền, hãy lo tuân giữ, lời mẹ con dạy, chớ bỏ ngoài tai.” (Cn 6,20), “Mỗi người trong các ngươi phải kính sợ cha mẹ.” (Lv 19,3), “Đáng nguyền rủa thay kẻ khinh dể cha mẹ!” (Đnl 27,16) và mạnh mẽ hơn “Bất cứ người nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử. Nó đã nguyền rủa cha mẹ, thì máu nó đổ xuống đầu nó.” (Lv 20,9).

Vì thế, Giáo Hội Công Giáo, đã dành trọn tháng 11 hằng năm là tháng cuối cùng trong niên lịch Phụng vụ, để cầu nguyện cho các linh hồn đồng thời để nhắc nhở chúng ta nhớ đến những ngày cuối cùng của thế giới và của mọi người chúng ta. Trong tháng này, nhiều hoạt động mang tính hiếu nghĩa được thực hiện như: xin lễ cầu cho ông bà tổ tiên, viếng nghĩa trang, chỉnh trang những ngôi mộ cho mới hơn ...

Khi thắp nén nhang, cây nến chắc hẳn lòng ta không khỏi bùi ngùi khi tưởng nhớ những người đã khuất. Đối với người đời, chết là hết, là trở về với cát bụi vì “… hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để  một mai tôi về làm cát bụi …”. Vâng, đời người như một cơn gió thoảng, mây bay "Phù vân, quả là phù vân. Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân” (Gv 1,2) nhưng từ chỗ phù vân ấy, người Công giáo “nhận ra rằng mọi sự Thiên Chúa làm sẽ tồn tại mãi mãi. Không có gì để thêm, chẳng có gì để bớt. Thiên Chúa đã hành động như thế để phàm nhân biết kính sợ Người” (Gv 3,14).

Qua giáo huấn của Giáo hội chúng ta đã được biết: có thiên đàng để thưởng người lành, có địa ngục để phạt kẻ dữ, và có luyện ngục để thanh tẩy các linh hồn còn vướng mắc các tội nhẹ chưa đền hết. Các linh hồn chính là những người trước đó đã từng sống kiếp làm người với những tội lỗi như chúng ta: tổ tiên, ông bà, cha mẹ, những người thân …. Họ là những người đã ra đi trước chúng ta để trở về nơi mà họ đã được Thiên Chúa tạo dựng từ bụi đất. 

Khi cầu nguyện cho các linh hồn, chúng ta thể hiện lòng biết ơn, tinh thần hiệp thông, liên đới trong đức ái. Khi thực hiện mầu nhiệm tín  điều các thánh cùng thông công, có lẽ không gì quý hơn là chúng ta cầu nguyện cho họ, bởi vì họ chưa được về cùng Chúa, nên họ còn bị giam cầm trong luyện ngục để thanh luyện cho tinh ròng trước khi được diện kiến tôn nhan Chúa cách trọn vẹn.

Dòng người đổ về nghĩa trang mỗi lúc một đông hơn và từng tốp quây quần bên cạnh các ngôi mộ của người thân hướng về bàn thờ trên lễ đài. Thắp cây nến trên mộ phần người cha và người em đã ra đi trước tôi. Ánh sáng tỏa chiếu từ ngọn nến trước di ảnh cha và em tôi là ánh sáng của cây nến đức tin vào Thiên Chúa - đã được thắp từ cây nến Chúa Giêsu phục sinh - mà ngày xưa họ đã tiếp nhận ngày lãnh nhận Bí Tích rửa tội. Ánh sáng đó còn là lời cầu nguyện, lòng yêu mến biết ơn và tưởng nhớ. Ánh sáng đó còn nói lên lòng tin tưởng: tôi tin xác loài người ngày sau sống lại.

Sự tin tưởng càng được rõ nét hơn trong bài giảng ứng khẩu của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Thánh lễ ngoài trời tại nghĩa trang Verano của Roma ngày 1/11/2013: “Hôm nay chúng ta nhớ đến những anh chị em chúng ta đã sống trước chúng ta và bây giờ đang ở trên trời, họ ở đó vì họ đã được rửa sạch bằng máu Chúa Kitô. Đó là hy vọng của chúng ta, và niềm hy vọng này không làm chúng ta thất vọng. Nếu chúng ta sống cuộc sống của chúng ta cùng với Chúa, Người sẽ không bao giờ làm chúng ta thất vọng”.

Thánh lễ đã xong, hoàng hôn đang bàng bạc phủ xuống trên Thánh giá nơi lễ đài trung tâm nghĩa trang. Một số người như không muốn rời xa giây phút hiệp thông linh thiêng đã trở lại tụ tập cùng nhau bên mộ người thân của mình cất lên những lời kinh nguyện cuối trước khi trở về. Những lời kinh kết thúc râm ran: "Giêsu - Maria - Giuse con mến yêu, xin cứu rỗi các linh hồn"  hàm chứa tất cả các đẳng linh hồn trong luyện ngục cũng như hết tất cả các linh hồn trong Giáo Hội lữ hành nơi trần thế; các linh hồn tội lỗi cũng như các linh hồn vô tội, những người hấp hối, những kẻ vô thần ...

Trời nhá nhem tối, mọi người lục tục ra về khi những ngọn nến hình như sáng hơn trên mỗi ngôi mộ. Những ánh nến lung linh như những con mắt dõi theo từng bước chân của những người thân nhắc nhở sự hiệp thông trong lời cầu nguyện và chờ đợi gặp nhau trong ngày Phục Sinh sau hết như lời Chúa Giê-su đã phán: "Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết" (Ga 11, 25-26)





Tháng các linh hồn 2013

Đã đăng trên:

Thứ Bảy, 18 tháng 10, 2014

GIÁO DÂN TRUYỀN GIÁO



Chúa nhật Truyền Giáo 19-10-2014

Lúc còn là một cậu thiếu niên khi nghe đoạn Tin Mừng trong ngày lễ khánh nhật truyền giáo có câu "Hãy đi khắp cả thiên hạ rao giảng tin mừng cho mọi loài thụ tạo.” (Mc 16,15) và tiếng hát hân hoan, ca tụng:

Đẹp thay những bước chân gieo mầm cứu rỗi.
Đẹp thay những bước chân rảo khắp nẻo đời.
Ôi đẹp thay những bước chân tiến vào giữa lòng thế giới
Loan tình thương Chúa Trời, loan niềm vui cứu đời
Cho mọi người và mọi nơi.
                    (Đẹp thay – Mi Trầm – Thánh ca cộng đồng)

Lòng tôi lại rạo rực ước mơ được trở thành một tông đồ đi đến những miền đất xa lạ để rao giảng Tin Mừng cho những người, những dân tộc chưa biết Chúa. Những cảnh tượng đồng lúa mênh mông trĩu nặng những hạt lúa chín vàng không có người gặt hái khiến tôi ngây ngất tưởng tượng như mình là một người thợ gặt chính hiệu dù chưa bao giờ cầm tới một cái liềm, cái hái!

Dần dà tôi cảm nghiệm ra rằng truyền giáo không chỉ như Thánh Phanxicô Xaviê từng bôn ba nơi cuối trời góc biển nhưng còn là những lời kinh nguyện âm thầm trong nhà tu kín của Thánh nữ Têsêsa Hài đồng Giêsu. Ngoài ra còn biết bao hình thức truyền giáo khác nhau của hàng giáo sĩ và tu sĩ, là những người được huấn luyện đặc biệt có trường lớp để tiếp nối sứ mạng cứu thế của Đức Giêsu.  

Khi được học hỏi về Sắc lệnh Tông đồ giáo dân trong lớp Thường Huấn nâng cao đợt 1/2014 của Gia đình Phạt tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu (GĐPTTTCG) Sài Gòn, tôi mới vỡ lẽ thêm rằng: giáo dân cũng có bổn phận và quyền làm tông đồ vì qua bí tích Thánh Tẩy, họ cũng được tham gia vào chức vụ Tư Tế, Ngôn Sứ và Vương Giả của Đức Kitô. Đức Kitô là Ðầu của họ và họ trở thành chi thể của nhiệm thể Người. Họ được chính Chúa chỉ định làm việc tông đồ. Việc tông đồ được thực thi nhờ đức tin, đức cậy, đức ái.

Để thực hiện tông đồ giáo dân, có hai phương pháp hoạt động là tông đồ tập thể và tông đồ cá nhân. Các hội đoàn Công Giáo Tiến Hành trong đó có GĐPTTTCG là phương pháp hoạt động tông đồ tập thể được Giáo hội khuyến khích vì nó có tổ chức qui củ sẽ đáp ứng hữu hiệu hơn cho nhu cầu của con người và tín hữu.

Để có thể nói về Chúa cho mọi người, người tông đồ giáo dân cần phải được huấn luyện: huấn luyện chung cho mọi tín hữu và những lớp huấn luyện chuyên biệt cho đoàn thể tông đồ có nhiều đoàn viên và hoàn cảnh khác nhau. Đồng thời tự thân họ cũng phải cố công học hỏi để hiểu sâu Lời Chúa và để biết cảm thông với những người mình gặp gỡ. Biết lắng nghe, đọc, chiêm ngắm, suy niệm và sống Lời Chúa mỗi ngày là điều kiện nòng cốt để có thể chu toàn sứ mệnh loan báo Tin Mừng cho tha nhân, bởi ta không thể cho ai điều mình không có.

Trong Tông huấn ”Niềm Vui Phúc Âm”, Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định rằng “với các việc làm và cử chỉ của mình, cộng đoàn rao giảng Tin Mừng cần bước vào cuộc sống thường ngày của người khác …”. Không cần thiết phải đi đến những nơi xa xôi, không cần có khả năng thuyết giáo với những lí lẽ mang tính thuyết phục …mỗi giáo dân trong cuộc sống thường ngày có thể làm việc tông đồ như men ủ trong bột ở ngay môi trường sống “theo mức độ Đức Ki-tô ban cho” (Ep 4,7). Người tông đồ giáo dân ý thức mình sẽ đóng nhiều vai trò vừa trong Giáo hội vừa nơi xã hội, nơi làm việc, gia đình của mình… Nơi nào họ cũng mong mình trở thành ánh sáng, là men, là muối cho trần gian. (x Mt 5,13-14)
 

Khi thực hiện đọc kinh Đền tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu luân phiên tại các gia đình, các đoàn viên GĐPTTTCG đã đem Lời Chúa đến từng gia đình, khu xóm nơi gia đình mình sinh sống. Lời Chúa, câu kinh ta đọc cần phải được tỏa sáng bằng những việc làm thường ngày trong sinh hoạt cộng đồng. Để trở nên men Tin Mừng cho mọi người, người đoàn viên tông đồ giáo dân phải là người có cuộc sống mẫu mực, luôn vui vẻ chu toàn bổn phận, nói đi đôi với làm, dám quên mình vì ích chung, quảng đại góp phần vào những việc bác ái – xã hội chung trong khu xóm, trong giáo xứ. Vì người khác chỉ có thể bị thu hút bởi những người sống có uy tín đối với mọi người và biết cách làm cho điều tốt đi vào lòng người.

Khi chịu phép thanh tẩy, mỗi tín hữu đã mặc lấy chiếc áo trắng tinh tuyền, tức là đã mặc lấy Đức Kitô và đạo của Đức Kitô là đạo yêu thương. Muốn loan truyền Tin Mừng yêu thương cho tha nhân, mỗi người tông đồ giáo dân phải thực hiện việc bác ái ngay trong gia đình mình. Phải biết nói lời cám ơn, xin lỗi nhau như ĐTC Phanxicô đã nói: “Khi trong một gia đình người ta không xâm lấn nhau, nhưng biết xin phép. Khi trong một gia đình người ta không ích kỷ, nhưng tập nói tiếng cám ơn. Khi trong một gia đình người ta nhận ra mình đã làm điều xấu và biết xin lỗi, thì trong gia đình ấy có an bình và niềm vui”.

Xã hội nói chung và từng khu xóm hiện nay đều có những hoàn cảnh sống trái ngược nhau: kẻ lắm tiến nhiều của, người nghèo khó neo đơn ... Người tông đồ giáo dân cần bắt chước Đức Kitô khiêm hạ, chuyên lo làm đẹp lòng Thiên Chúa và yêu thương con người. Quan tâm đến mọi người sống chung quanh, không phân biệt giai cấp, tín ngưỡng trong tinh thần bác ái – xã hội. Khi thực thi bác ái cần phải nhận ra hình ảnh Thiên Chúa nơi tha nhân và bất cứ sự gì trao tặng cho người nghèo là đã thực sự được dâng cho chính Đức Kitô.

Lạy Chúa, xin cho ngày Chúa nhật Truyền Giáo đánh thức nơi mỗi kitô hữu sự đam mê và nhiệt huyết cần thiết để đem Tin Mừng cho toàn thế giới. Xin cho chúng con luôn ý thức về trách nhiệm truyền giáo của một Kitô hữu và hun đúc trong chúng con ơn gọi làm tông đồ, dù chúng con chỉ là những giáo dân bình thường. Xin cho lòng chúng con luôn rộng mở khi đóng góp vào công việc mở mang nước Chúa. Xin cho chúng con lắng nghe và thực thi Lời Chúa mỗi ngày để gia đình chúng con trở thành một “cộng đoàn cầu nguyện, sống tình yêu hợp nhất thủy chung, phục vụ sự sống và hăng say loan báo Tin mừng”.

Xin Chúa giúp chúng con trở nên những tia sáng, hạt muối, hạt men tốt: nhập thể nhiều hơn vào những lãnh vực trần thế để biến cải môi trường mình sống trở nên tốt đẹp hơn. Xin cho chúng con biết quan tâm sống tinh thần Tin Mừng là tinh thần yêu thương trong gia đình, trước khi loan báo cho người khác cùng sống theo. Xin giúp chúng con biết yêu thương tha nhân để quan tâm tới đau khổ và hạnh phúc của những người chung quanh. Xin thánh hóa để chúng con trở nên một chứng nhân Tin Mừng trong môi trường nhỏ bé chúng con đang sống, là môi trường nghề nghiệp, khu xóm, giáo xứ của chúng con, v.v… Amen.

Đã đăng trên Website:

Thứ Tư, 1 tháng 10, 2014

Lần chuỗi Mân Côi trong giờ kinh đền tạ


Hầu hết người Công Giáo Việt Nam đều có lòng sùng kính Đức Mẹ và không nhiều thì ít đều đã đọc kinh Mân Côi. Lời kinh đơn sơ, dễ nhớ, dễ thuộc và có thể đọc một mình hay tập thể bất cứ khi nào, nơi nào. Trong 5 mẫu “Giờ kinh nguyện đền tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu” của GĐPTTT CG VN  đều có suy niệm một mầu nhiệm và đọc 10 kinh Mân Côi.

Chính Tổng Lãnh Thiên Thần Gabriel trong ngày Truyền Tin đã khởi xướng kinh Mân Côi đầu tiên: Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Ðức Chúa Trời ở cùng Bà”, tiếp theo là lời chào mừng của  bà Elisabeth: Bà có phúc lạ, hơn mọi người nữ, và Giêsu con lòng Bà gồm phúc lạ” và đến năm 1569, Thánh GH Piô V đã chính thức công nhận Kinh Mân Côi như hiện nay, sau khi thêm lời nguyện: “Thánh Maria Ðức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi này và trong giờ lâm tử. Amen.”

Sự hình thành chuỗi Mân Côi có một lịch sử lâu dài. Vào những thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo, các tu sĩ trong vùng sa mạc Ai Cập có thói quen dùng những hạt cây hay những hòn sỏi nhỏ để đếm số kinh đã đọc. Đến thời Trung Cổ, các tu sĩ có thói quen đọc 150 bài Thánh Vịnh (chia làm ba nhóm) mỗi ngày trong giờ Kinh Phụng vụ sáng, trưa và chiều tối. Nhưng sau đó được phép đọc 150 kinh Lạy Cha để thay thế. Để đếm các kinh ấy, người ta dùng những hạt gỗ xâu vào nhau nhờ một sợi dây và gọi đây là tràng hạt kinh Lạy Cha.

Tới thế kỷ thứ 7, với việc sùng kính Đức Mẹ, giáo dân bắt đầu phổ biến việc đọc 150 kinh Kính Mừng thay cho 150 kinh Lạy Cha và gọi các kinh này là "sách Thánh Vịnh của Đức Mẹ". Sau cùng các mầu nhiệm tương ứng với một sự kiện về cuộc đời Chúa Giêsu và Đức Mẹ Maria theo Tân Ước đã được thêm vào trước mỗi chục kinh Kính Mừng.

Một bộ mười kinh Mân Côi gồm một "mầu nhiệm" (suy niệm) bắt đầu là một kinh Lạy Cha do chính Chúa Giêsu phán dậy để nhắc nhở chúng ta cầu xin cùng Đức Chúa Cha là người đã khởi xướng ơn cứu chuộc, sau đó là mười kinh Kính Mừng giúp chúng ta cùng với Mẹ Maria suy niệm về mầu nhiệm này và kết thúc bằng một kinh Sáng Danh vinh danh Thiên Chúa Ba Ngôi cùng đích của mọi sự sống.

Đến thế kỷ 20, theo lời dạy của Đức Mẹ Fatima lời nguyện “Lạy Chúa Giêsu, xin tha tội chúng con, xin cứu chúng con khỏi sa hoả ngục, xin đem các linh hồn lên Thiên Đàng, nhất là những linh hồn cần đến lòng Chúa thương xót hơn” được đưa vào sau mỗi chục kinh Mân Côi.

Các mầu nhiệm được chia theo 50 kinh (thường gọi là mùa). Vui trong mầu nhiệm Nhập Thể, Đức Giêsu xuống thế làm người sống cho mọi người. Thương trong mầu nhiệm Tử Nạn, Đức Giêsu chịu chết chuộc tội cho cả nhân loại. Mừng trong mầu nhiệm Phục Sinh, Đức Giêsu bước vào vinh quang mở ra tương lai cho mọi sinh linh. Mùa Sáng hay mầu nhiệm sự Sáng có từ năm 2002 dưới thời Thánh GH Gioan Phaolô II, dành để suy niệm cuộc đời Chúa Giêsu khi ra đi giảng đạo từ lúc chịu phép rửa trên sông Jordan tới khi lập phép bí tích Thánh Thể.

Khi lần chuỗi Mân Côi, nếu miệng đọc các kinh Kính Mừng còn tâm trí chiêm ngắm và suy niệm mỗi biến cố quan trọng trong cuộc đời Đức Giêsu và Mẹ Maria thì chúng ta đã lần chuỗi với tinh thần của Tin Mừng, cũng chính là tâm tình của Đức Maria: “Còn bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng.” (Lc 2,19). Đó là biết lắng nghe, suy niệm và thi hành Lời Chúa qua sự nhìn ngắm, tôn thờ, chiêm ngưỡng, suy niệm những mầu nhiệm của Chúa Giêsu và thì thầm những lời ca ngợi, những câu nài xin với Đấng đã ban cho chúng ta Đấng Cứu Thế.

Trong các giờ kinh đền tạ của GĐPTTT CG luân phiên trong các gia đình nhằm đền tội cho chính mình hoặc cho những người thờ ơ, vô ơn bội bạc không biết hay không màng đến tình yêu của Trái Tim Chúa. Chúng ta thường “…cậy vì lời Ðức Nữ Ðồng Trinh Maria, đã đồng công chuộc tội cầu bầu, xin Chúa nhận lễ đền tội chúng con thật lòng kính dâng mà tạ Chúa, cùng xin ban cho chúng con được ơn bền đỗ, giữ lòng trung tín lo việc bổn phận làm tôi Chúa cho đến trọn đời…”

Ước mong sao trong tháng 10 hằng năm, tháng Mân Côi, các đoàn viên GĐPTTT CG hãy dành thêm ít thời gian trong các giờ kinh đền tạ để suy niệm 20 mầu nhiệm (bốn mùa) luân phiên và đọc 50 kinh Kính Mừng thay vì 10 kinh như thường lệ để nhờ Trái Tim Đức Mẹ chuyển cầu ý nguyện đến tạ Thánh Tâm Chúa. Chắc chắn Đức Mẹ sẽ nhận lời nài xin của chúng ta vì “…xưa nay chưa từng nghe có người nào chạy đến cùng Đức Mẹ, xin bầu chữa cứu giúp mà Đức Mẹ từ bỏ chẳng nhận lời…”
Chân Phước Têrêsa Calcutta

Tháng Mân Côi 2014

Đã đăng trên website: