Thứ Bảy, 27 tháng 9, 2014

Cỗ tràng hạt Mân Côi

Tháng 10 lại trở về với tín hữu Việt Nam với tên gọi quen thuộc là tháng Mân Côi vì trong tháng có lễ Đức Mẹ Mân Côi và từ lâu đời lòng sùng kính Mẹ Maria với chuỗi Mân Côi đã gắn bó với người Công Giáo Việt Nam. Chữ “Mân Côi” có nghĩa là “Hoa Hồng”, do tích truyện một thầy tu khi đọc kinh Kinh Mừng một cách sốt sắng trên môi đã nở những nụ hồng và Đức Mẹ đã lấy những nụ hoa hồng trên môi của thầy tu ấy kết thành vòng hoa đội lên đầu mình.
Trong đám đông tín hữu ra về sau Thánh lễ chiều Chúa nhật, tôi đã bắt gặp một vài bạn trẻ với chuỗi hạt Mân Côi khá to choàng trước ngực như một vật trang sức. Một chút bâng khuâng, suy tư chợt đến làm tôi bồi hồi nhớ lại cách đây vài chục năm khi còn là một cậu bé. Thuở ấy, chuỗi Mân Côi được gọi một cách trang trọng là “cỗ tràng hạt”.

Cỗ tràng hạt từ lâu đã gắn liền với cuộc đời những người Công Giáo Việt Nam. Khi tôi biết đọc ê a cuốn “Bổn đồng ấu” thì bà tôi đã già lắm với chiếc lưng còng xuống như chất chứa cả cuộc đời lam lũ. Hình ảnh bà tôi với cỗ tràng hạt trên tay và miệng thầm thì lời kinh Kính Mừng đã đưa anh em chúng tôi vào những giấc ngủ trưa hòa với tiếng võng kẽo kẹt như một khúc ru trộn lẫn cung bậc Tây phương và ngũ âm Việt.

Khi nhắm mắt xuôi tay, bà tôi vẫn không rời cỗ tràng hạt thân yêu gắn bó suốt mấy chục năm trời. Người ta đã trân trọng đặt vào đôi tay nắm chặt trên ngực bà cỗ tràng hạt mà tượng Thánh giá được đặt ngay trên trái tim đã vĩnh viễn ngừng đâp. Có lẽ nhiều người Công giáo khi qua đời cũng được người ta tẩn liệm như thế và phải chăng đó là chìa khóa mở cửa nước Trời cho những tín hữu luôn hằng ngày lần hạt với những lời kinh Mân Côi đơn sơ?


Rồi ngày lãnh nhận bí tích Thánh Thể lần đầu, tôi và các bạn đồng trang lứa cũng được nhận một cỗ tràng hạt “dạ quang” mà ngày ấy chúng tôi hằng mơ ước. Chúng tôi say mê ngắm nghía, bụm cỗ tràng hạt trong lòng bàn tay khép kín và ghé mắt vào để thấy từng hạt ánh lên ánh sáng diệu kỳ. Từ đó, mỗi chiều đọc kinh lần hạt tập thể với cỗ tràng hạt trên tay đã làm chúng tôi hãnh diện vì một lẽ đơn giản là được giống như cha mẹ, ông bà…

Rồi tuổi thơ dần dần qua đi, cỗ tràng hạt dần dần mất đi sức phát sáng theo thời gian. Đến lúc lớn khôn, đi học xa nhà, rồi bước vào đời với cuộc mưu sinh hối hả đã làm chúng tôi không còn nhớ mình đã để quên cỗ tràng hạt thuở nhỏ nơi nào!

Khi gia nhập GĐPTTTCG, được tham gia các giờ kinh đền tạ; tôi mới có lại được cái cảm giác trở lại tuổi thơ ngày ấy. Được đắm chìm trong lời kinh, được thanh thản tâm hồn qua những lời huấn đức của Cha Linh hướng, qua những chia sẻ của anh chị em đoàn viên. Được Vui trong mầu nhiệm Nhập Thể: Đức Giêsu xuống thế làm người sống cho mọi người. Thương trong mầu nhiệm Tử Nạn: Đức Giêsu chịu chết chuộc tội cho cả nhân loại. Mừng trong mầu nhiệm Phục Sinh: Đức Giêsu bước vào vinh quang mở ra tương lai tươi sáng cho mọi sinh linh. Sáng với cuộc đời Chúa Giêsu khi ra đi giảng đạo từ lúc chịu phép rửa trên sông Jordan tới khi lập phép bí tích Thánh Thể.

Chuỗi Mân Côi đã làm lòng tôi lắng xuống, thanh thản bình an để chiêm niệm lòng yêu thương của Thánh Tâm Chúa Giêsu và đôi môi thì thầm những lời ca ngợi, những câu nài xin với Đức Mẹ.

Lạy Mẹ Maria, xưa Mẹ đã phó thác cuộc đời cho Chúa với Đức tin mãnh liệt qua hai tiếng xin vâng để đồng công hoàn thành công trình cứu chuộc của Thiên Chúa. Xin cho chúng con được đi theo hành trình Đức tin của Mẹ với lòng tin tưởng phó thác nơi Mẹ như những người con ngoan thảo, để qua Mẹ chúng con được đến gần hơn với Thánh Tâm Chúa Giêsu.

Lạy Nữ Vương Rất Thánh Mân Côi, xin Mẹ ban cho chúng con biết siêng năng đọc Kinh Mân Côi hằng ngày. Xin giúp chúng con biết suy niệm các mầu nhiệm của kinh Mân Côi như một bản tóm lược Tin Mừng. Biết lắng nghe, suy niệm và thực hành Lời Chúa mỗi ngày trong đời sống chúng con. Amen.

Đã đăng trên website:
Nội san Lửa Mến số tháng 10/2013

Thứ Bảy, 13 tháng 9, 2014

Thập giá đời và Thánh giá phúc


Thập giá ngất cao ở trên thế gian này
Ôi hỡi thập giá chúa Giêsu.
Từ nơi Thánh Tâm yêu thương Ngài
Sông ơn thiêng khơi nguồn chan hòa
Qua ngươi máu cứu độ chảy xuống nơi đây
Ôi hỡi thập giá Chúa Kitô.
(LM. Hoàng Kim – Họp mừng Vượt qua)

Thập giá - là cách nói tắt chữ thập tự giá - là một dụng cụ hành hình tàn nhẫn thời đế quốc La Mã. Thông thường dùng để xử tử những người phản nghịch, dị giáo, nô lệ và những người không có quyền công dân của đế quốc Roma. Trong văn học phương Tây, thập giá tượng trưng cho sự đau khổ. Biểu tượng của cây thập giá đối với những người không có niềm tin vào Đức Giêsu Kitô là một biểu tượng của sự chết, là sự ô nhục, điên rồ và ngu xuẩn: “Trong khi người Do-thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy-lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Ki-tô bị đóng đinh, điều mà người Do-thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ.” (1 Cor 1,22-23). Thập giá, trong suy nghĩ của người trần mắt thịt là những khổ đau bất hạnh. Chính Chúa Giêsu trong vườn Cây Dầu cũng đã phải đổ mồ hôi máu khi nghĩ đến việc phải vác thập giá nên đã xin Chúa Cha : “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con.(Lc 22, 42a).

Cây thập giá được Chúa Giêsu chọn để làm nơi phó dâng linh hồn trong tay Chúa Cha đã trở nên một báu vật của nhân loại và được gọi là Thánh giá sau khi Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết và lên trời vinh hiển. Thiên Chúa đã thánh hóa cây thâp tự: từ một dụng cụ độc ác tàn nhẫn của con người thành công cụ của tình yêu thương, tha thứ. Từ biểu tượng của sự chết đã trở thành biểu tượng giải thoát con người khỏi phải án chết đời đời. Từ sự ô nhục, điên rồ và ngu xuẩn trở nên chiến thắng vinh quang của Đức Kitô. Đối với những người có niềm tin vào Đức Giêsu Kitô thì cây thập giá đã trở thành cây Thánh giá và là biểu tượng của Đức tin. Khi dâng Thánh lễ, trên bàn thờ phải có cây Thánh giá. Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma năm 2000 đã quy định: trên hoặc gần bàn thờ, kể cả ngoài Thánh lễ, thường xuyên phải có một Thánh giá, có tượng Đức Kitô chịu đóng đinh, mà cộng đoàn có thể nhìn thấy rõ ràng, để nhắc tín hữu cuộc thương khó cứu độ của Chúa.

Người Kitô hữu luôn kính mến và tôn xưng cây thập giá đồng hành với Chúa Giêsu trên đường lên núi Sọ là Thánh giá. Chúng ta thường đọc trước mỗi chặng đàng Thánh giá: “Chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa Kitô, vì Chúa đã dùng Thánh giá mà chuộc tội cho thiên hạ”, thường làm dấu Thánh giá trước khi cầu nguyện, dùng bữa … Chúng ta thực sự hãnh diện, vui mừng vì Thánh giá vinh quang của Chúa Giêsu trong chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa:

Vinh quang của ta
Là Thánh giá Đức Kitô
Nơi Ngài, ơn cứu độ của ta
Sức sống của ta
Phục sinh của ta
Nhờ Chúa ta được cứu độ
Nhờ Chúa ta được giải thoát.

Mỗi đoàn viên GĐPTTTCG chúng ta ai cũng có, cũng phải vác thập giá vì Chúa Giêsu đã nói:Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được.” (Lc  14,27). Con người khi gặp phải những đau khổ, những gánh nặng trong đời sống như vợ chồng bất hòa, con cái không vâng lời cha mẹ, thất nghiệp, đau ốm, bịnh tật... thường hay than thân trách phận, u sầu, tuyệt vọng thậm chí đi tìm tới cái chết! Con người ngày nay ai cũng muốn được tự do, muốn được hưởng thụ nên luôn ngại hy sinh, gian khổ, cho nên khó lòng đón nhận thập giá. Thập giá tuợng trưng cho sự vất vả, hy sinh gian khổ, gánh nặng đau thương, sự hiểu lầm bất công, sức nặng của tội lỗi, giới hạn của thân phận con người... Lẽ tự nhiên ai cũng tìm cách tránh né. Những lúc đó con người ít khi nhớ đến người đã từng hoàn tất việc mang vác thập giá trong sự đau đớn tủi nhục ê chề để đi đến vinh quang bất tử, một bậc “sư” của sự vâng phục tuyệt đối, đó chính là Chúa Giêsu Kitô con Thiên Chúa.

Chúng ta tin Chúa nhưng chưa chắc đã theo Chúa, vì chưa can đảm nhận lãnh những thập giá Chúa trao hằng ngày. Khi cuộc sống ta êm đềm, an vui, thành đạt ta khuyên bảo người khác đang chịu đau khổ, bệnh nạn…: “Hãy chịu khó bằng lòng vác Thánh giá Chúa trao!” một cách “ngon lành”. Nhưng khi thấy bóng dáng thập giá đến với mình thì tìm cách thoái thác, lẩn tránh trách nhiệm, đẩy qua cho người khác. Đổ lỗi cho người khác khi mình thất bại, chỉ trích khi người khác thành công và dè bỉu, kéo phe nhóm để đả kích những người bất đồng chính kiến! Thực tế nghe sao chua chát và “đắng lòng” nhưng vẫn xảy ra thường  ngày trong đời sống xã hội! Làm sao ta có thể sống và nói được một cách tích cực như thánh Phaolô khi ngài viết cho tín hữu Côlôsê: “Giờ đây, tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Ki-tô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh.(Cl 1, 24).

Vậy chúng ta hãy chạy đến với Chúa Giêsu vì chính Ngài là nguồn sức mạnh duy nhất có thể nâng đỡ và thêm sức cho chúng ta vác thập giá: "Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.” (Mt. 1,28). Xin Ngài ngự trị và cùng vác thập giá với ta hàng ngày. Nếu chúng ta mang vác những gánh nặng, những trách nhiệm, những lo toan hàng ngày một mình thì chúng ta sẽ cảm thấy sức nặng trì trệ của cây thập giá đời mình và phải gồng mình kéo lê từng bước nặng nhọc. Còn nếu chúng ta biết chạy đến với Chúa Giêsu, xin Ngài đồng hành với chúng ta thì những cây thập giá đời nặng nề sẽ biến thành những cây Thánh giá phúc nhẹ tênh bởi vì có Chúa ở với ta và Ngài luôn chúc phúc cho “mỗi kinh, mỗi việc” chúng ta làm vì danh Ngài.

Lễ Suy tôn Thánh giá 14/09/2014

Đã đăng trên:

Chủ Nhật, 7 tháng 9, 2014

Tản mạn dưới trăng thu

Tết Trung Thu tại Việt Nam không biết có tự bao giờ, không có sử liệu nào nói rõ về gốc tích của ngày lễ rằm tháng Tám âm lịch và cũng có nhiều ý kiến về nguồn gốc của nó. Theo các nhà khảo cổ học thì Tết Trung Thu (còn được gọi là Tết trông Trăng hay Tết Đoàn Viên) ở Việt Nam có từ thời xa xưa, đã được in trên mặt trống đồng Ngọc Lũ. Có lẽ Tết Trung thu được bắt đầu từ nền văn minh lúa nước của đồng bằng đồng bằng châu thổ sông Hồng của Việt Nam và Nam Trung Hoa. Việt Nam là một nước nông nghiệp nên nhân lúc tháng Tám gieo trồng đã xong, thời tiết dịu đi, là lúc “muôn vật thảnh thơi”, người ta mở hội cầu mùa, ca hát vui chơi Tết Trung Thu.

Các năm gần đây, do thời tiết địa cầu biến đổi và miền Nam “hai mùa mưa – nắng”, nên thiếu nhi thường phải vui Tết Trung Thu trong nhà vì những cơn mưa ập xuống bất chợt. Nhưng ở miền Bắc trước kia, rằm tháng 8 là thời kỳ thời tiết đẹp nhất, trời trong xanh, gió hiu hiu thổi, không khí mát mẻ, mặt trăng tròn đầy sáng vằng vặc, có thể đọc sách được. Trẻ con trông trăng để bay bổng cùng chị Hằng Nga, cây đa, chú Cuội, mong đợi được ba mẹ tặng đồ chơi, thường là lồng đèn ông sao, con tôm, con cá ... rồi bánh nướng, bánh dẻo.

Dưới ánh trăng các em nhỏ rủ nhau xếp thành từng hàng, rồng rắn nhau rước đèn, múa sư tử. Thời điểm trăng lên cao, trẻ em sẽ tụ nhau lại vừa ngắm trăng vừa phá cỗ. Người lớn thì tổ chức bày cỗ, trông trăng kiếm tìm hy vọng cơm áo năm sau. Bằng kinh nghiệm dõi theo chu kỳ của tạo hóa, người xưa đoán định mùa vụ qua ánh trăng đêm Trung Thu: trăng màu vàng trúng mùa tằm tơ, trăng xanh lục báo hiệu thiên tai, trăng màu cam đất nước thái bình thịnh trị hay “trăng quầng trời hạn, trăng tán trời mưa”…

Theo trình thuật của sách Sáng Thế, mặt trăng là hành tinh do Thiên Chúa tạo dựng trên nền trời vào ngày sáng tạo trời đất thứ tư, để chiếu soi ánh sáng vào ban đêm. “Thiên Chúa làm ra hai vầng sáng lớn: vầng sáng lớn hơn để điều khiển ngày, vầng sáng nhỏ hơn để điều khiển đêm; Người cũng làm ra các ngôi sao.” (St 1,15). Mặt trời và mặt trăng là hai hành tinh do Thiên Chúa tạo thành ngay từ thuở sáng tạo vũ trụ trời đất. Cả hai có hình thể to lớn khác nhau và vị trí làm việc cũng như hoạt động không giống nhau: mặt trời rực lửa chiếu ánh sáng ban ngày và mặt trăng thanh thoát tỏa sáng ban đêm.

Từ xa xưa, ở Á Đông người ta đã coi trọng mặt trăng và mặt trời, coi như một cặp vợ chồng. Họ quan niệm mặt trăng chỉ sum họp với mặt trời mỗi tháng một lần vào cuối tuần trăng. Sau đó, từ ánh sáng của chồng, nàng trăng mãn nguyện đi ra và dần dần nhận được ánh dương quang - trở thành trăng non, trăng khuyết, trăng tròn, để rồi lại đi sang một chu kỳ mới. Do vậy, trăng là âm tính, chỉ về nữ và đời sống vợ chồng. Ở Châu Âu, thần mặt trăng “Artemis“ trong thần thoại Hy-lạp và “Lucina“ trong thần thoại Rô-ma là quan thầy bổn mạng của sinh sản, đồng thời cũng là nữ thần của các trinh nữ.

Trong Kinh thánh, lối suy diễn này được quy chiếu nơi Ðức Mẹ Maria: là người mẹ sinh con nhưng vẫn còn đồng trinh. Ðức Mẹ Maria được vẽ hay chạm khắc đứng trên vầng trăng hình lưỡi liềm nói lên sức mạnh do Thiên Chúa tạo dựng làm nên cùng chiếu tỏa một đời sống mới trọn vẹn tràn đầy. Vì thế, mặt trăng được đặt dưới chân Đức Mẹ Maria như trong sách Khải Huyền của Thánh Gioan diễn tả: “Có một điềm lớn xuất hiện trên trời : một Phụ nữ, mình khoác mặt trời, chân đạp vầng trăng, và đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao” (Kh 12,1). Sách Diễm ca cũng đã ca tụng vẻ đẹp của Mẹ lộng lẫy như mặt trời và diễm lệ như vầng trăng sáng trong đêm tối: “Kìa bà nào xuất hiện như rạng đông, diễm kiều như vầng nguyệt, lộng lẫy tựa thái dương, oai hùng như đạo binh chỉnh tề hàng ngũ.” (Dc 6,10).

Thật là một sự trùng hợp tuyệt vời khi người Việt Nam và người Trung Hoa tổ chức lễ Trung thu vào ngày rằm tháng Tám âm lịch để ca ngợi vẻ đẹp của vầng trăng, thì người Công giáo cũng mừng kính lễ Sinh nhật Đức Trinh nữ Maria. Ngay trong ca nhập lễ, Giáo hội đã mời gọi: “chúng ta hãy hân hoan với tất cả tâm hồn, mừng kính việc sinh ra của Đức Trinh Nữ Maria, từ nơi Người đã xuất hiện Mặt Trời Công Chính là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta”. Câu xướng trước Phúc Âm cũng ca tụng: “Lạy Thánh Nữ Đồng Trinh Maria, Mẹ diễm phúc, Mẹ xứng đáng mọi lời ca tụng; vì từ nơi Mẹ đã xuất hiện Mặt Trời Công Chính là Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta!”.

Mặt Trời Công Chính trong cung lòng Mẹ là Ánh Sáng thật, Ánh Sáng bởi Ánh Sáng, tức là phản ánh hình ảnh của Chúa Cha là cội nguồn ánh sáng. Ánh sáng Chân Lý đó được Mẹ Maria là một thụ tạo hoàn hảo của Thiên Chúa đón nhận để rồi Mẹ thông truyền cho thế gian. Vì thế Mẹ đã được ví như một vầng trăng thanh với ánh sáng dịu dàng, thanh thoát nối tiếp mặt trời chiếu sáng ban đêm. Có thể nói: Chúa Giêsu càng tỏ hiện ra, vai trò của Đức Mẹ càng mờ nhạt đi. Ánh sáng Mặt Trời của Chúa Giêsu Kitô càng chiếu tỏ hiện, Vầng Trăng Maria Mẹ Thiên Chúa càng lùi vào bên trong, biến dần sang vầng trăng khuyết lưỡi liềm.

Dưới vầng trăng thu tỏa sáng ánh quang huyền ảo của Mẹ Maria, chúng ta cùng cầu xin Chúa ban phúc lành cho con em chúng ta và trẻ em toàn thế giới như lời Chúa trong Thánh lễ tết Trung Thu: "Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng.” (Mc 10,14). Xin Chúa ban cho các em luôn biết tin tưởng phó thác, vâng lời, đơn sơ và thật thà như con trẻ Giêsu trong gia đình Nazareth xưa.

Xin Chúa ban cho chúng ta cũng học được những đức tính đáng yêu giống như con trẻ để được cùng vào Nước Thiên Chúa và được hưởng những đêm trăng thu huyền nhiệm cùng Mẹ Maria, Thánh Giuse và các Thánh là những Đấng đã luôn sống đẹp lòng Chúa. Xin cho chúng ta luôn biết chung tay xây dựng gia đình thành một công đoàn cầu nguyện, sống tình yêu chung thủy và bảo vệ sự sống đồng thời góp phần vào việc loan báo Tin Mừng của Chúa cho mọi người chúng ta gặp gỡ hàng ngày trong năm Tân Phúc âm hóa Gia đình.

Mùa Trung thu Giáp Ngọ 2014

Đã đăng trên các website:

Thứ Hai, 1 tháng 9, 2014

Tin: Lớp Thường Huấn nâng cao đợt 1/2014 của GĐPTTTCG Sài Gòn


Lúc 08 giờ 30 ngày 30 ngày Thứ Bảy 30/ 08/ 2014, tại Hội trường Giáo xứ Chí Hòa, số 149 Bành Văn Trân P.7, Quận Tân Bình,  Ban chấp hành Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu TGP/TP.HCM (GĐPTTTCG TGP/TP.HCM ) đã khai giảng lớp thường huấn nâng cao đợt 1 năm 2014 dành cho các học viên thuộc khu vực I.

Đây là chương trình thường huấn nhằm bồi dưỡng cho các thành viên Ban chấp hành các cấp nâng cao kiến thức chuyên sâu về vai trò trách nhiệm của người tông đồ giáo dân. Góp phần đưa sinh hoạt của đoàn thể đi vào nề nếp,  đóng góp thiết thực và hiệu quả vào các sinh hoạt của Giáo hội địa phương.

Được biết chương trình thường huấn gồm 03 đợt, đợt 01 được tổ chức tại 3 khu vực:

 - Khu vực I: Dành cho thành viên Ban chấp hành các cấp thuộc các Giáo hạt: Chí Hòa, Hóc Môn, Phú Thọ, Tân Sơn Nhì. Tổ chức ngày Thứ Bảy 30/ 08/ 2014, tại Hội trường Giáo xứ Chí Hòa, số 149 Bành Văn Trân P.7, Quận Tân Bình,

- Khu vực II: Dành cho thành viên Ban chấp hành các cấp thuộc các Giáo hạt: Gia Định, Gò Vấp, Thủ Đức, Xóm Mới. Tổ chức  ngày Thứ Bảy 06/ 09/ 2014, tại Hội trường Giáo xứ Thanh Đa, số 801/67 Xô Viết Nghệ Tĩnh, P.26, Quận Bình Thạnh,

 - Khu vực III: Dành cho thành viên Ban chấp hành các cấp thuộc các Giáo hạt: Bình An, Sài Gòn Chợ Quán, Thủ Thiêm, Tân Định, Xóm Chiếu. Tổ chức ngày Thứ Bảy 13/ 09/ 2014, tại Hội trường Giáo xứ Bùi Phát, số 453/105KC Lê Văn Sỹ, P.12, Quận 3.


208 học viên (hv) khu vực I thuộc các Giáo hạt: Hóc Môn (72 hv), Tân Sơn Nhì (52 hv), Chí Hòa (51 hv) và Phú Thọ (33 hv) đã được hướng dẫn và thảo luận về:

-          Đề tài 1: “Xây dựng tinh thần hoạt động Tông đồ nơi thành viên Ban chấp hành Gia Đình  Phạt Tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu” – (Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Hồng, Tổng linh hướng GĐPTTTCG giảng huấn)

-          Đề tài 2: Giới thiệu chương 1 & 2 Sắc lệnh Tông đồ giáo dân (Ô. Đaminh Phan Văn Hùng, phó Trưởng ban ngoại vụ GĐPTTTCG/TGP) và thảo luận qua các câu hỏi gợi ý.

-          Đề tài 3: Sống và thực hành Lời Chúa: “ Các ông cũng thế, hãy vào làm vườn nho cho Ta” (Mt 20, 3-4) và học hỏi chương 1 & 2 Tông huấn “Ơn gọi và sứ mệnh người tín hữu giáo dân” (Cha Đaminh Đinh Văn Vãng, linh hướng GĐPTTTCG Giáo hạt Chí Hòa giảng huấn)

Kết thúc lớp hường huấn nâng cao đợt 1/2014 khu vực I, các học viên đã cùng nhau suy tôn Thánh Thể với chủ đề “Thánh Thể và ơn gọi phục vụ” tại Thánh đướng Giáo xứ Chí Hòa để tạ ơn Thánh Tâm Chúa Giêsu đã ban cho buổi thường huấn thành công tốt đẹp.

Xem thêm hình ảnh tại:

Đã đăng trên các website: