Thứ Ba, 28 tháng 4, 2015

THƠ: ĐẸP THAY ƠN GỌI THÁNH THIÊNG


Đẹp thay ơn gọi tu trì
Hồng ân huyền nhiệm Chúa ban cho người
Như xưa gọi các tông đồ
Theo Ta, Ta sẽ cho anh lưới người.

Ngàn xưa Chúa đã gọi con
Dù con không xứng, không hay biết gì
Khả năng, tài cán của con
Như là hạt bụi mong manh giữa trời

Khát khao phụng sự Chúa Trời
Con xin đáp lại - tự do theo Ngài
Hy sinh, từ bỏ, dấn thân
Cho Thiên Chúa cũng là cho con người.

Hôm nay Chúa vẫn kêu mời
Bước theo Ngài gọi mở mang nước Trời
Ươm mầm ơn gọi thánh thiêng
Giữa lòng thế giới bao la kiếm tìm.

Nguyện Xin Thiên Chúa là Cha
Hiệp thông với Chúa Con trong Thánh Thần
Mênh mông đồng lúa ngát hương
Sai nhiều thợ đến gặt bông lúa vàng. 


Chúa nhật Chúa chiên lành – Cầu cho ơn thiên triệu linh mục và tu sĩ



Đã đăng trên:
http://gdpttthathocmon.org/?p=4931#more-4931

Chủ Nhật, 5 tháng 4, 2015

NIỀM TIN SỐNG LẠI

Con người ngày nay sống trong một thế giới duy lý, nặng tính kỹ thuật; đòi hỏi phải có sự hiểu biết rõ ràng trước khi đặt niềm tin vào con người, sự vật, hiện tượng nào đó. Nhưng tiếc thay xã hội đầy dẫy những giả-chân lẫn lộn: giả danh, giả nhân, giả nghĩa …. Thiết thân nhất là trong cuộc sống hàng ngày,  nhiều loại hàng nhái, hàng giả lẫn lộn với hàng thật khiến người dùng rất khó phân biệt. Trước những hiện tượng đó, niềm tin của con người bắt đầu người chao đảo, chông chênh vì người ta không biết dựa vào đâu!

Niềm tin của người Công giáo dựa trên nền tảng Chúa Giê-su Ki-tô Phục Sinh, nếu không có Phục Sinh thì Phúc Âm không còn là Tin Mừng và đức tin trở nên vô ích. “Thưa anh em, tôi xin nhắc lại cho anh em Tin Mừng tôi đã loan báo và anh em đã lãnh nhận cùng đang nắm vững. Nhờ Tin Mừng đó, anh em được cứu thoát, nếu anh em giữ đúng như tôi đã loan báo, bằng không thì anh em có tin cũng vô ích. Trước hết, tôi đã truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là, Đức Ki-tô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh, rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã trỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh.(1 Cor 15,1-4).

Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, Ma-ri-a Mác-đa-la ra mộ từ sáng sớm vì lòng yêu mến Thầy. Đối với bà đó là công việc quan trọng nhất trong ngày dù Thầy mình giờ đây chỉ còn là cái xác. Bà một mình chạy thẳng tới mộ thì thấy tảng đá đã lăn ra khỏi cửa mộ.
Bà vội chạy về bà báo tin cho ông Phê-rô và Gio-an. Hai môn đệ nghe tin liền chạy ra mộ. Tin mừng nói Gioan chạy đến mộ trước, nhưng chắc là muốn kính trọng Phê-rô là thủ lãnh, nên đã nhường cho Phê-rô tuy đến chậm mà vào mộ trước mình.

Các ông kiểm tra mộ: xác đã biến mất, nhưng  khăn vải liệm được gấp gọn ghẽ nên kết luận không có chuyện lấy trộm thi thể. Ngôi mộ trống đã làm chứng rằng thân xác Chúa đã không còn ở đó nữa. Nhưng niềm tin vào sự sống lại không dừng lại ở đó, mà còn gắn liền với lòng mến nơi các môn đệ đầu tiên tiếp cận với cuộc Phục Sinh của Chúa.

Gio-an, người môn đệ được Đức Giê-su thương mến, là người sớm nhất trong số các tông đồ đã tìm lại được lòng tin khi chỉ nhìn thấy khăn vải liệm. Tiếp đến là Ma-ri-a Mác-đa-la, người ngồi bên chân Chúa để nghe lời Ngài giảng dạy, cũng đã tin khi nghe thấy tiếng Chúa gọi tên mình. (x Ga 20,1-18). Đó là một ơn ban và là một niềm tin được thể hiện bằng lòng yêu mến gắn bó với Thầy mình.

Còn Phê-rô chưa tin liền mà chỉ rất đỗi ngạc nhiên vì sự việc đã xẩy ra, (x Lc 24,12) nhưng dần dà ông đã tìm được niềm tin của mình. 
Ban đầu ông chưa hiểu lời Kinh thánh nói về Chúa sẽ sống lại, đến sự kiện ngôi mộ trống, rồi những lần gặp Đấng Phục Sinh. Cuối cùng chỉ đến khi chúa Giê-su hiện ra với các môn đệ lần thứ ba, ở Biển Hồ Ti-bê-ri-a thì Phê-rô mới lấy lại được lòng tin (x Ga 21).

Mầu nhiệm Vượt Qua là một người, là Con Chiên Thiên Chúa, là Đức Ki-tô. Chính Đức Ki-tô, một người bằng xương bằng thịt, đã chiến thắng sự chết. Mỗi lần Ngài báo cho các môn đệ biết “thầy phải chết”, các môn đệ lại lấy làm bối rối. Đức Ki-tô chịu chết là thử thách lớn nhất cho niềm tin của các môn đệ, bởi vì nếu Thầy bị bắt và bị giết chết, ắt là Ngài không phải là Đấng cứu thế! Chắc Phê-rô đã nghĩ như vậy, hai môn đệ trên đường Emmau cũng thất vọng như thế! 

Dưới ánh sáng Phục Sinh ta nhận biết được thân phận con người Ki-tô hữu là “sinh-lão-bệnh-tử-phục sinh” trái với nhân sinh quan thông thường “sinh-lão-bệnh-tử”, “chết là hết” .... Đức Ki-tô Phục Sinh đã mở toang cánh cửa của sự sống đằng sau cái chết bi thương, khổ đau, mất mát … của con người. Chết là sự tái sinh của thân xác dễ mục nát này sang một cuộc sống khác với con người mới bất diệt như Đức Ki-tô Phục Sinh. “Vì anh em đã được tái sinh, không phải do hạt giống mục nát, mà do hạt giống bất diệt, nhờ Lời Thiên Chúa hằng sống và tồn tại mãi mãi(1 Pr 1,23). 

Lạy Đức Ki-tô Phục Sinh, giờ đây vẫn còn có những rào cản như cái chết trong cuộc đời chúng con. Những học thuyết duy lý che khuất đức tin, chôn vùi bao ước mơ, hy vọng, bao điều chúng con yêu mến và ấp ủ. Chúng như dấu hiệu của sự mất mát, đổ vỡ, khổ đau, thất bại ... Nhưng sự sống lại của Chúa làm cho chúng con tin rằng chẳng có mất mát, khổ đau, thất bại nào lại không thể làm chúng con bừng tỉnh, lớn lên và trưởng thành.

Ước gì trong nước mắt, chúng con cảm nghiệm được niềm tin: dám quên đi điều phải quên, mất đi điều phải mất. Soi sáng cho chúng con ý thức về tình yêu của Thiên Chúa được tỏ lộ nơi Thánh Tâm bị đâm thâu của Chúa Giêsu trên Thánh Giá, và đến lượt chúng con phải dùng trái tim để đáp lại tình yêu ấy trong kinh nguyện đền tạ mỗi ngày. Cho chúng con đức tin mạnh mẽ, nỗ lực cải thiện cuộc sống mình và gặp gỡ Đức Ki-tô Phục Sinh.

Xin Thánh Tâm Chúa đánh thức tình yêu và mở rộng trái tim chúng con ra cho tha nhân. Để tình yêu của chúng con cùng các việc bác ái dành cho họ không còn là một mệnh lệnh bị áp đặt, mà là một kết quả phát sinh từ đức tin của chúng con, một đức tin trở nên tích cực qua đức ái. Alleluia! 

Mùa Phục Sinh 2015

Đã đăng trên:

Thứ Sáu, 3 tháng 4, 2015

PHÚT SUY TƯ NGÀY THƯƠNG KHÓ


YÊU THƯƠNG VÀ THA THỨ

Thứ Sáu Tuần Thánh, ngày cả Giáo hội hoàn vũ cùng nhau giữ chay, kiêng thịt để tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa Giê-su, thông phần đau khổ với Ngài và đặc biệt là để sám hối về những lần chúng ta đã hèn nhát, không dám tuyên xưng niềm tin vào Đức Giê-su Ki-tô là Đấng cứu độ.

Chính vì yêu thương và muốn tha thứ cho con người phạm tội bất tuân khởi đầu từ trái cấm của A-đam & E-và. Thiên Chúa đã sai con một Ngài là Đức Giê-su Ki-tô nhập thể, chịu chết và sống lại để mở đường cho nhân loại thoát khỏi ách tội lỗi của ma quỷ.

Khi tưởng niệm cuộc thương khó, chúng ta đau buồn về sự hi sinh không giới hạn và không chút oán hận của Chúa với những người âm mưu giết Ngài. Ngài chấp nhận từ bỏ chính cuộc sống mình để con người được cứu sống. Ngay cả khi bị sỉ nhục, đau khổ, bị hành hạ dã man; tình yêu của Ngài dành cho người mình yêu không hề thay đổi.

Với một tình yêu thương tột cùng sâu thẳm, Ngài đã vâng theo ý Thiên Chúa Cha tự hiến mình cho cả nhân loại. Những việc làm trong bữa tiệc ly đã trở nên một giá trị tuyệt vời cho lòng yêu mến và khiêm hạ: lấy máu, thịt mình để rửa sạch tội lỗi, nuôi dưỡng nhân loại và cúi xuống rửa chân cho từng môn đệ.

Chúa Giê-su trả giá quá đắt và quá đau cho chương trình cứu độ con người. Câu chuyện ấy đã có thật trong lịch sử cứu độ của Thiên Chúa. Ngài đã đón nhận chén đắng, một chén đắng đầy đau khổ đè nặng lên tâm hồn và thể xác. Nỗi khổ này lên đến cực độ khiến Người phải kêu lên trong vườn Giết-sê-ma-ni: "Áp-ba, Cha ơi, Cha làm được mọi sự, xin cất chén này xa con. Nhưng xin đừng làm điều con muốn, mà làm điều Cha muốn." (Mc 14,36).

Đức Kitô phải trải qua đau khổ mới đạt tới vinh quang phục sinh như những lần Ngài báo trước. Tình yêu thương và sự tha thứ của Ngài dành cho con người thật lớn lao. “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.” (Ga 15,13)

Cũng chính vì quá đỗi yêu thương mà thân thể Người đã bị nát tan vì roi vọt, bị đóng đinh và chết treo trên thập giá. Đây chính là kết quả của lòng ghen ghét, sự phản bội, sự bất trung và của những lời tố cáo lên án vô cớ.

Bắt đầu từ lòng ghen ghét của các vị thượng tế, kinh sư và kỳ mục mà đứng đầu là Cai-pha. Họ gán cho Ngài đã làm những điều trái tai gai mắt, ăn nói lộng ngôn, vi phạm lề luật, dám cả gan đánh đuổi những người buôn bán ra khỏi đền thờ… và nhất là việc đám đông dân chúng đi theo Ngài vào thành Giêrusalem với tiếng tung hô vang trời: "Hoan hô! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa! Chúc tụng triều đại đang tới, triều đại vua Đa-vít, tổ phụ chúng ta. Hoan hô trên các tầng trời! " (Mc 11,9-10).

Chúa Giêsu bị phản bội hai lần, lần thứ nhất là của Giu-đa Ít-ca-ri-ốt và cái hôn là dấu hiệu để cho quân lính bắt Đức Giê-su. Thông thường, nụ hôn là cử chỉ thân thiện, là dấu chỉ của tình yêu mà những người thân muốn trao cho nhau. Nhưng nụ hôn của Giu-đa là “nụ hôn của thần chết”, là dấu hiệu “bán đứng” Thầy mình lấy 30 đồng bạc.

Lần thứ hai là của Phê-rô chối Thầy, dù ông là một người nhiệt tình sôi nổi, là một tông đồ trưởng đầy năng động: Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy (Mt 26,35). Nhưng chỉ vài giờ sau khi Chúa Giêsu bị bắt, vì  sợ nên ông đã chối phăng là không biết Ngài đến ba lần khi có người nhận ra ông là người đi theo Chúa Giêsu.

Ánh mắt đầy lòng trắc ẩn, tha thứ của Chúa Giê-su nhìn ông sau tiếng gà gáy lần thứ hai đã khiến Phê-rô bật khóc ăn năn vì tính hèn nhát của mình. Ông đã được Chúa tha thứ, can đảm rao giảng Tin Mừng và hạnh phúc được chết trên thập giá như Thầy mình.

Dân chúng là những người dễ bị kích động hơn bao giờ hết. Mới hôm nào họ còn theo chân Chúa vào thành với những lời chúc tụng hân hoan thì giờ đây họ lại la ó, gào thét : "Đem đi! Đem nó đi! Đóng đinh nó vào thập giá! " và cuồng nhiệt hơn: "Máu hắn cứ đổ xuống đầu chúng tôi và con cháu chúng tôi! " (Mt 27,25). Kể cả khi đã bị đóng đinh và treo lên trên thập giá, Ngài còn bị người đi đường qua lại bĩu môi khinh bỉ trong cơn hấp hối. (x Mc 15,29-43)

Trong cuộc sống, đã bao lần chúng ta phản bội Chúa khi không dám xưng khai mình là người Công giáo trong các tờ lý lịch xin việc, thăng quan, tiến chức… Đã bao lần chúng ta bất trung với Chúa khi mải mê tìm kiếm tiền tài, danh vọng mà quên đi lương tâm công bằng của người Công giáo. Đã bao lần chúng ta quay lưng lại với Chúa khi tham dự vào những thú vui trần tục mà quên tham dự Thánh lễ ngày Chúa nhật và các ngày lễ trọng.

Người ta đóng đinh vì người ta ghen ghét Ngài, nhưng Ngài không chấp nhất. Chính Thánh giá tình yêu đã nói với chúng ta rằng Ngài đã yêu và tha thứ không chỉ cho người mình yêu mà còn tha thứ cho cả những người tội lỗi tìm đến với Ngài vào giây phút cuối. Đó là tên trộm lành trở về với Chúa một cách muộn màng trên thập giá nhưng lại được vào Nước Trời với Ngài ngay hôm đó.

Cái chết của Ngài là sự hòa giải chúng ta với Thiên Chúa. Thánh giá Ngài là nhịp cầu bắc qua vực thẳm bị khắc sâu bởi tội lỗi, cứu vớt chúng ta thoát khỏi cõi chết vì chống lại Thiên Chúa và kết hiệp chúng ta một lần nữa với tình thương của Chúa Cha.

Tình yêu của Chúa dành cho con người trước sau như một, ngay cả khi bị liệt vào hàng tội nhân, bị treo trên thập tự giá, trái tim của Ngài tuy bị đâm thủng vẫn rộng mở tuôn tràn ơn tha thứ và cứu độ. Sự hi sinh của Ngài là một hi sinh chấp nhận chết để cứu con người tội lội. Ngài chấp nhận bị dày xéo để chúng ta được tràn đầy ơn của Chúa. Chúa Giê-su chấp nhận hi sinh là chấp nhận bỏ mình đi và đi trọn con đường tha thứ không giới hạn.

Trên Thánh giá, sự yêu thương và tha thứ của Thiên Chúa cũng đi tới tận cùng! Tha thứ cho đến cùng có nghĩa là hi sinh cho đến tận cùng của tình yêu, một hi sinh vượt mọi chướng ngại, xuyên thấu không gian và thời gian. Ngài chấp nhận cho người ta đóng đinh cũng chỉ vì muốn làm cho tình yêu tìm lại được dung mạo thật.

Chúa Giê-su đã tha thứ cho những kẻ giết Ngài: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Nếu Ngài đã tha thứ cho kẻ thù, chúng ta cũng có thể tha thứ cho nhau. Tình yêu thương sẽ đi đến tột đỉnh khi chúng ta sẵn sàng tha thứ và trao kẻ thù của ta cho Thiên Chúa, để Ngài xử lý.

Năm 1983, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã noi gương Thầy chí Thánh của mình khi đích thân đến nhà giam để nói chuyện và tha thứ cho Ali Agca, kẻ đã mưu sát mình. Còn chúng ta, đã bao lần chúng ta tham dự nghi lễ tưởng niệm, chiêm ngắm Chúa chịu thương khó nhưng lòng ta vẫn khó thương những người làm mình khó chịu; không tha thứ cho họ dù đó là anh em ruột thịt, bạn bè thân thích!


Tam Nhật Thánh 2015

Đã đăng trên:

Thứ Năm, 2 tháng 4, 2015

TAM NHẬT THÁNH


RỬA CHÂN

“…Thầy mà lại rửa chân cho con sao?”

Con cúi xuống nhìn đôi chân thảng thốt
Đôi bàn chân cáu bẩn bụi trần
Đôi bàn chân đã lầm đường lạc lối
Đôi bàn chân mang thương tích nhọc nhằn.

Ngày xưa đó vì yêu thương Người phục vụ
Kỳ cọ cho sạch mọi nỗi đau thương
Nhẹ nhàng tẩy, rửa mọi vết nhơ phản bội
Dịu dàng phủi đi lớp bụi kiêu căng
Lặng lẽ xoá những dấu hằn mặc cảm
Để từ nay nhân loại đứng thẳng lên
Và vững bước vào đường ngay nẻo chính
Ôi Thiên Chúa, không trí nào tưởng tượng nổi
Người hạ mình để tôn vinh con người.

Hơn hai ngàn năm Tiệc ly vẫn tái diễn
Vẫn yêu thương lòng Chúa tín trung
Con quỳ gối khiêm cung chiều thứ Năm Thánh
Vậy thưa Thầy, xin cứ rửa ... thân con đây.

CÁI CHẾT TUYỆT VỜI

Hơn 2000 năm trước Chúa Giêsu đã chết
Ngài đã chết... như nhiều người đã chết
Một cái chết đau thương, cô đơn và nhục nhã
Một cái chết không vòng hoa, chẳng vòng cườm
Một cái chết không kèn, không trống
Không người đốt nhang, chẳng ai thắp nến.

Thế mà suốt hơn hai mươi thế kỷ qua
Và chắc chắn hàng ngàn thế kỷ sau nữa
Mỗi khi tưởng nhớ đến cái chết này
Bao người đã, đang và vẫn còn phải ngậm ngùi, rơi lệ
Đó là một cái chết đẹp, đẹp tuyệt vời
Không ở hình thức nhưng ở nội dung, ý nghĩa
Là cái chết của Người Con Một, Duy Nhất
Tự nguyện hy sinh chuộc tội cả loài người

Cái chết nói lên lòng trung thành tuyệt đối
Với Thánh ý từ xa xưa của Thiên Chúa
Cái chết cũng bày tỏ sự yêu thương
Của người Con sẵn sàng làm mọi sự Cha muốn
Dù có phải hy sinh, tủi nhục, đau khổ, bị bỏ rơi
Và nhất là phải chết treo thân trên Thập Giá.

Xin cúi đầu tạ ơn Thiên Chúa
Đã chết đi vì quá đỗi yêu thương
Xin cho chúng con biết
Sống xứng đáng với tình thương Chúa
Và mãi mãi trung thành với hồng ân cao quí
Chúa đã dành cho chúng con. Amen.

VƯỢT QUA


Vượt qua từ không sang có
Ánh sáng bừng lên từ bóng tối hư vô
Trời đất, biển khơi
Cỏ cây xanh tươi cùng muôn vàn hạt giống
Mặt trời, mặt trăng,
Các vì tinh tú cùng muôn loài động vật ...
Và đẹp nhất: con người giống hình ảnh Chúa.

Vượt qua từ con người ích kỷ
Chỉ sống cho riêng mình
Để theo Thánh ý Chúa trên cao
Như Abraham dâng người con yêu quý
Lễ toàn thiêu vâng phục sấm ngôn Người.

Vượt qua Biển đỏ đêm vào miền đất hứa
Chúa ra tay đánh bại Pha-ra-ô
Cứu Ít-ra-en thoát khỏi đời nô lệ
Và bước vào cuộc sống tự do.

Vượt qua kiếp nhân sinh lỗi tội
Sống đời trong ân sủng Thánh nhan Người
Rũ bỏ đi những con người cũ
Thanh tẩy trong nước Thánh tinh tuyền
Ta nên một với Đức Ki-tô
Được chết đi cùng mai táng với Người
Và sống lại như Người đã sống lại
Vượt qua sự chết  hữu thường
Trường sinh, bất tử dắt ta theo vào.

Đã đăng trên: