Thứ Sáu, 25 tháng 12, 2015

GIÁNG SINH TÌNH YÊU

Noel là ngày lễ vui của toàn thể nhân loại, không phân biệt chủng tộc, quốc gia, tôn giáo. Đây là mùa của đèn nến rực rỡ cùng những dây kim tuyến, trái châu lóng lánh trên những cây thông và hang đá với những dây đèn điện tử chớp tắt đầy màu sắc. Mùa của những tiếng hát réo rắt của ca đoàn với những bài thánh ca bất hủ. Mùa của tiệc tùng lễ hội đầy tiếng cười vui vẻ, và những bộ trang phục hào nhoáng.

“Dĩ lễ tồn tâm”, lấy những cái bên ngoài để duy trì và củng cố đời sống nội tâm. Tất cả những âm thanh và màu sắc đó đều có sức thu hút mãnh liệt và cần thiết để con người có thể hòa vào niềm vui chung của toàn nhân loại cùng triều thần Thiên quốc trong ngày lễ kỉ niệm con Thiên Chúa giáng trần.

Nhưng khi không còn những ngọn đèn nhấp nháy xanh đỏ, khi những âm thanh chỉ còn sót lại một cung bậc trầm trong tĩnh lặng của tâm hồn. Hãy nhìn ngắm Chúa Giêsu Hài đồng đơn sơ, khó nghèo nằm trên nắm cỏ rơm trong hang đá dưới ánh nến lung linh của tâm hồn. 

Noel là từ thu gọn của tước hiệu Emmanuel, tiếng Do Thái nghĩa là "Thiên Chúa ở cùng chúng ta". Noel nói lên tình yêu của một Thiên Chúa yêu thương, sáng tạo nên con người. Nhưng con người kiêu căng, không vâng phục Thiên Chúa. Họ đã bị ma quỷ cám dỗ muốn được ngang hàng với Thiên Chúa và chọn lựa cách sống tự do theo bản năng của mình. Thế nhưng Thiên Chúa vẫn thương xót con người đến nỗi đã sai Con Một Người là Đức Giêsu Kitô nhập thể, xuống thế để cứu rỗi con người.
                             
Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta (Ga 1,14). Là con người được sinh ra bởi Đức Trinh nữ Maria. Người cùng đồng hành, chia sẻ mọi nỗi vui, buồn của kiếp nhân sinh. Là Thiên Chúa, Người giáng trần để làm cầu nối trung gian giữa đất với trời, để con người có cơ hội được trở lại với Thiên Chúa. Người kêu gọi con người hãy thương yêu nhau vì tất cả đều là con cái Chúa, đều được Thiên Chúa yêu thương.

Trong mùa Noel mọi người đều hướng về Chúa Giêsu Hài đồng, xin Người ban cho nhân loại khỏi chiến tranh, nghèo đói, bất hạnh. Người đến xóa mọi bất công nhưng không mang theo quyền lực, vũ khí. Quyền lực của Người là sự bình an ánh lên trong đôi mắt thơ ngây. Vũ khí của Người là đôi tay yêu thương mở rộng.

Nhưng hơn hai ngàn năm đã trôi qua, nhân loại hình như vẫn chưa thấu hiểu được sứ điệp ấy. Vẫn còn tiếng bom đạn, vẫn còn những tiếng khóc vì hành tinh này chưa một ngày vắng bóng chiến tranh. Nạn khủng bố có nguồn gốc từ chủ nghĩa bạo lực cực đoan, cuộc tranh chấp giữa người Palestin và Israel tại Trung Đông … vẫn đang là những tin tức thời sự nóng bỏng trên báo chí thế giới. 

Ngày 11/4/2015 vừa qua, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã ban hành tông sắc Dung mạo lòng thương xót, công bố Năm Thánh Lòng Thương Xót. Lòng thương xót không phải là một từ ngữ trừu tượng, nhưng là từ ngữ diễn tả dung nhan Thiên Chúa cũng như đời sống và hành động của Chúa Giêsu, đồng thời là phương cách thể hiện tính khả tín của Giáo Hội.

Trong Thư mục vụ gửi Cộng đồng Dân Chúa ngày 17/9/2015, Hội đồng Giám mục Việt Nam cũng nhắc lại rằng Năm Thánh Lòng Thương Xót này trùng với “Năm Tân Phúc-Âm-hóa đời sống xã hội” của Giáo hội Việt Nam và kêu gọi các tín hữu sốt sắng đón nhận lòng thương xót của Chúa qua bí tích Giao hoà, tha thứ cho nhau và làm hoà với nhau, đồng thời biết quan tâm giúp đỡ những người bị gạt ra bên lề xã hội và những ai đang đau khổ về tinh thần cũng như thể xác.

Hài nhi Giêsu không sinh ra trong cung vàng điện ngọc, nhưng lại sinh ra trong hang bò lừa hôi tanh. Người đã muốn trở nên người nghèo để cảm thông với những người nghèo trên trần gian này. Người không chỉ dạy chúng ta sống nghèo mà còn phải cảm thông, chia sẻ với những người nghèo.

Những mục đồng nghèo nàn, làm thuê làm mướn, ăn bờ ngủ bụi, nay đây mai đó là những người đầu tiên được mời gọi đến hang đá Bêlem. Họ chẳng có gì, ngoài tấm thân dãi dầu sương gió và tâm hồn vô tư, trong trắng, chẳng vương vấn chuyện đời lọc lừa, xảo trá.

Người muốn trở thành kẻ bị người đời xua đuổi, không nơi nương thân để thấu hiểu thân phận của những người bị bỏ rơi. Đó là những di dân và tị nạn, những người vì hoàn cảnh kinh tế phải từ bỏ nơi chôn nhau, cắt rốn của mình để “tha phương cầu thực”. Họ không những phải từ bỏ nhà cửa, ruộng vườn mà còn bị tước mất quyền thuộc về cộng đoàn, quốc gia nơi họ đã từng sinh sống vì hoàn cảnh chiến tranh, chính trị.

Họ là những người thấp cổ bé họng, suốt đời hy sinh cho sự nghiệp giáo dục và chăm sóc cho người nghèo. Họ đã bỏ biết bao công sức khai hoang vỡ đất, biến một vùng hoang vu thành cơ sở tu trì và những trường học, góp phần giáo dục hàng trăm ngàn thanh thiếu niên trong các khu lao động nghèo. Đến nay đất đai bị chiếm, tài sản của họ bị đập phá …

Họ là những bệnh nhân nghèo khổ mang trong mình những chứng bệnh nan y, đã không tiền còn lại bị tăng viện phí ngày ngày đang chờ đợi những tô cháo tình thương để sưởi ấm cõi lòng. Họ là những người già neo đơn, những em thiếu nhi mồ côi hay những người lầm lỡ vướng mắc căn bệnh nan y của thế kỷ đang sống vật vờ không biết ngày mai sống  chết ra sao!

Và còn nhiều nữa biết bao phận người nghèo khổ tha hương, sống ở khu nhà ổ chuột hay ở dưới gầm cầu giữa chốn thị thành đang vất vả mưu sinh, kiếm ăn từng bữa …. Những cư dân nơi vùng cao, vùng sâu, vùng xa nghèo khổ tay lấm chân bùn, phải vất vả với miếng cơm manh áo từng ngày.

Họ rất cần mỗi Kitô hữu chúng ta đem ánh sáng Tình yêu của Thiên Chúa đến ở giữa họ, ở cùng họ, chia vui sẻ buồn với họ. Chỉ cần một hành động nhỏ như gần gũi, hỏi thăm chân thành của chúng ta cũng đủ để thắp lên ngọn lửa yêu thương ấm áp.

Lạy Chúa Giêsu Hài đồng, chúng con vừa bước vào Năm Thánh Lòng Thương Xót của Giáo hội Công giáo hoàn vũ và cũng là Năm Tân Phúc-Âm-hóa đời sống xã hội của Giáo hội Việt Nam. Xin cho chúng con sống trong lòng thương xót theo gương Cha trên trời. Xin dạy chúng con đừng xét đoán và kết án, nhưng hãy tha thứ và yêu thương vô giới hạn.

Xin Tình Yêu và Lòng Thương Xót của Chúa Hài Đồng nâng đỡ, ủi an những di dân, tị nạn. Trả lại công bằng cho những người bị áp bức bất công. Chữa lành những vết thương tinh thần và thể xác cho những bệnh nhân đau yếu. Đưa về nơi chốn bình an những ai đang cơ nhỡ, lang thang không nơi nương tựa. Làm ấm lòng những người đói khát, vất vả mưu sinh vì sinh tồn cuộc sống.

Xin cho Ánh Sáng linh thiêng của đêm Noel không bị che lấp bởi những niềm vui trần tục. Cho chúng con lòng hăng say mới để có thể mang Tin Mừng đến cho người nghèo. Bớt tiêu xài, vui chơi mua sắm trong mùa Noel, để chia sẻ tiền bạc và của cải vật chất cho những người kém may mắn. Biết đồng cảm, đồng hành cùng những người thiện tâm như những cọng rơm khô nhỏ bé luôn tỏa nồng hơi ấm Noel Tình Yêu. Amen.


Đã đăng trên:
http://gdpttthathocmon.org/?p=6081#more-6081

Thứ Ba, 22 tháng 12, 2015

CHÚT SUY TƯ CUỐI MÙA VỌNG 2015


Một chút se se lạnh với sương mù sớm mai lãng đãng. Những đèn sao nhấp nháy ẩn hiện trên những ngôi nhà cao tầng, những cây thông Noel. Những hang đá đã được dựng lên và đâu đó tiếng nhạc Silent Night văng vẳng báo hiệu một mùa Giáng Sinh lại đến.

Mùa Giáng sinh, mùa Tình yêu Ngôi Lời giáng thế. Ngôi Hai Thiên Chúa đã chấp nhận kiếp con người, mang thân phận nô lệ, sinh ra trong hang đá nghèo và lạnh lẽo để đồng cảm với thân phận con người mỗi chúng ta. Ngôi Hai Thiên Chúa đã tự khiêm hạ, chấp nhận mang thân phận con người, giáng sinh trong cảnh nghèo hèn vì yêu thương nhân loại.

Thiên Chúa là Cha luôn đi trước trong việc bày tỏ tình thương với con người. Để cứu độ con người, Con Chúa phải trở nên con người. “Ngôi Lời trở nên người phàm” từ tình yêu ở giữa đời người để cứu độ con người.

Lời loan báo về Đấng Messia thời Cựu Ước đã trở thành hiện thực khi Con Chúa mặc lấy xác thân giống phàm nhân như chúng ta chỉ trừ tội lỗi. Nhập Thể không chỉ là sự kiện lịch sử cứu thế mà còn là sự thật: Con Chúa bỏ trời đến với trái đất nhằm cứu độ con người.

Ngôi Lời là ánh sáng thật chứ không ảo, là mầu nhiệm “ở giữa” trong tính phổ quát như lời ngôn sứ Isaia “mọi người phàm sẽ nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”. Việc ở giữa của Đấng Cứu Thế mang cho nhân loại một nhãn quan mới, đó là biết nhận ra Thiên Chúa đang hiện diện trong một thế giới đầy bóng tối của tội lỗi.

Đấng Cứu Thế không cứu độ một tư tưởng mà là cứu độ trọn vẹn con người. Khi nghe Gioan Tẩy Giả rao giảng, người ta lũ lượt kéo đến xin chịu phép rửa và dốc lòng ăn năn thống hối. Họ còn muốn thay đổi cuộc đời nên hỏi thánh Gioan: “Chúng tôi phải làm gì đây?”.

Để trả lời, thánh Gioan thúc giục mọi người chuẩn bị đón Đấng Messia đến bằng cách thực hiện những việc làm ý nghĩa và cụ thể nhất. Ngài mời gọi họ sống tốt trong hoàn cảnh riêng của mình và quảng đại chia sẻ những gì mình đang có. (x. Lc. 3,10-14)

Vậy chúng ta ăn năn thống hối và “đổi đời” cách nào để đón Chúa đến trong năm Thánh Lòng Thương Xót và Tân Phúc-Âm-hóa đời sống xã hội? Rất đơn giản và thực tế: hãy bắt đầu từ việc chu toàn bổn phận hàng ngày của mình, tha thứ và hòa giải với tinh thần tôn trọng lẫn nhau. Sẵn sàng rộng tay chia sẻ với tha nhân, nhất là những người đang bị thử thách vì nghèo khổ, bệnh tật và cô đơn.

Thiên Chúa “nhân từ và giàu lòng thương xót” đã sai Con Một của Ngài mang tình thương cứu độ đến cho nhân loại, đặc biệt cho những người nghèo khổ. Chúng ta hãy đến với những người khác, hãy sẵn sàng giao lưu, đối thoại với họ. Hãy tạo nên những nhịp cầu rất cần thiết cho thế giới chúng ta hôm nay. Để mọi người có thể đến với nhau, trao đổi với nhau trong tình huynh đệ, vì tất cả đều là con của một Cha ở trên Trời. Hãy nối kết với nhau, hãy hợp nhất với nhau, làm thành một Gia Đình Nhân Loại Duy Nhất. (Thư Mục vụ Mùa Vọng 2015 của Đức TGM Phaolô Bùi Văn Đọc)

Hãy nhìn ngắm Chúa Giêsu Hài Đồng nằm trên máng cỏ trong hang đá Bêlem. Người là hiện thân của lòng thương xót, của tình yêu, của hòa bình, của tự do. Chiêm ngắm Người, ta sẽ rút ra được những câu trả lời cho những vấn đề nan giải của thế giới, của con người, và nhất là của chính bản thân ta. Sống theo lòng thương xót Người, ta sẽ góp phần xây dựng một thế giới tràn đầy tình yêu thương, tha thứ.

“Người đến nhà mình, mà người nhà không chịu đón nhận …”. Liệu có giả tạo không khi một mặt người ta vui vẻ đón Chúa nhưng mặt kia lại rắp tâm loại trừ người khác! Liệu ánh sáng sao dẫn đường trong ta có phải là ánh hào quang nội tâm hay chỉ là dạ quang phát sáng ban đêm nhưng lại tắt ngúm ban ngày?

Trong suốt mùa Vọng, chúng ta đã dọn lòng, sám hối. Sám hối là dọn đường cho Chúa đến nhưng cũng là dọn lối để đến với tha nhân. Xin cho chúng ta luôn biết sám hối và quyết tâm sống công bình bác ái, tha thứ cho nhau. Xã hội hôm nay còn đó rất nhiều hoàn cảnh bất hạnh cần đến lòng thương xót. Xin hãy mở lòng thương xót như Chúa Cha để Ngôi Lời nhập thể trong lòng ta mang lại nguồn ơn cứu độ, hạnh phúc cho trần gian.



Đã đăng trên:
http://gdpttthathocmon.org/?p=6073#more-6073