Thứ Năm, 30 tháng 6, 2016

HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH


Gia đình, hai tiếng thân quen ấy khi thốt lên thật ngắn ngủi nhưng ý nghĩa của nó lại kéo dài suốt cả cuộc đời. Đó là nơi ta được sinh ra, ôm ấp ta suốt quãng đời thơ ấu với bao kỉ niệm tình thân thương mến. Là chút vấn vương trong tâm hồn khi cất bước vào đời và là bếp lửa hồng ấm áp mời gọi ta trở về khi tâm hồn trở nên lạnh lẽo, băng giá.

Không như mọi người thường nghĩ, việc trình bày toàn bộ ý nghĩa của hai chữ gia đình không phải là một việc dễ dàng đơn giản. Bởi chính sự quen thuộc nhiều khi lại khiến chúng ta dường như quên đi những ý nghĩa sâu xa của nó.

Khái niệm gia đình không chỉ là một cộng đồng những người sống chung và gắn bó với nhau bởi các mối quan hệ tình cảm, hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng và giáo dục như định nghĩa lý thuyết. Nhưng còn là rất nhiều, rất nhiều … những cảm nhận khác nhau của từng người đã trải qua mà ta không thể trình bày một cách đầy đủ và trọn vẹn.

Vì thế, khi nói đến hạnh phúc gia đình người ta lại càng lúng túng hơn. Cũng như bao hạnh phúc khác, hạnh phúc gia đình vốn là cái người ta chỉ có thể cảm nhận chứ không thể nắm bắt, không thể nhìn thấy và càng không thể diễn tả bằng ngôn từ.

Thi hào Goethe đã nói thật đúng về gia đình: "Dù là vua chúa hay dân cày, kẻ nào tìm thấy được sự an bình trong gia đình là người sung sướng nhất". Thế nhưng sự bình an đó không dễ kiếm tìm và hạnh phúc vẫn là những mơ ước cho những lứa đôi đã, đang và sẽ bước vào cuộc sống gia đình.

Hạnh phúc gia đình có thể biểu hiện thông qua việc các thành viên trong gia đình luôn yêu thương, thấu hiểu và thông cảm cho nhau.

Trong thư gửi các gia đình Công giáo trên toàn thế giới vào tháng 10/2014 Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói: “Trong cuộc hành trình sống đời gia đình của mình, anh chị em chia sẻ rất nhiều giây phút đẹp đẽ như các bữa ăn, nghỉ ngơi, việc nhà, giải trí, cầu nguyện, du lịch và hành hương, và những lúc nâng đỡ lẫn nhau… Thế nhưng nếu không có tình yêu thì không có niềm vui, và tình yêu đích thực đến với chúng ta xuất phát từ nơi Chúa Giêsu. Ngài ban cho chúng ta Lời Ngài, soi đường cho chúng ta; Ngài ban cho chúng ta Bánh hằng sống nuôi dưỡng chúng ta trong cuộc hành trình của chúng ta”.

Cho nên gia đình muốn có hạnh phúc đích thực phải rất cần Chúa Giêsu. Chúa Giêsu là nền tảng của sự Bình An, Yêu Thương và Hạnh Phúc. Ngài đã nhập thế làm người và sống trong một gia đình suốt 30 năm rồi mới đi rao giảng. Gia đình Kitô hữu chúng ta khác với mọi gia đình trần thế là mở cửa đón mời Chúa Giêsu vào sống chung với gia đình, tôn vinh Ngài làm Chúa và làm chủ gia đình.

Gia đình còn là điểm tựa vững chắc, là mái ấm chở che, là bến đỗ bình yên nhất đối với mỗi thành viên khi phải đương đầu với những bão táp phong ba cuộc đời.

Một trong 10 điểm chính của Tông huấn “Amoris Laetitia” (Niềm vui yêu thương) là mọi thành viên trong gia đình cần được khuyến khích sống đời sống Kitô hữu tốt. Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở các đôi vợ chồng rằng một cuộc hôn nhân tốt đẹp là một “tiến trình động” và mỗi bên phải chịu đựng những gì không hoàn hảo. “Tình yêu không buộc phải hoàn hảo để cho chúng ta ca tụng” (122, 113).



Cuộc sống gia đình không phải lúc nào cũng “thuận buồm, xuôi gió”, càng sống lâu với nhau càng lộ ra những khiếm khuyết, bất toàn và đôi khi xẩy ra những lời qua tiếng lại, những tranh luận nhiều khi gay gắt. Nhưng tiên vàn hãy lấy tình yêu thương mà tỉnh táo giải quyết vấn đề vì “Thiên Chúa là Tình Yêu” và cha ông ta cũng đã từng bảo “một câu nhịn, chín câu lành”. Đừng vì cái “tôi” mà quyết chí ăn thua đủ với người mà ta đã một thời yêu thương nhất.

Và một biểu hiện thực tế tuy không phải điều kiện quan trọng nhưng lại cần thiết là gia đình phải có đời sống vật chất phù hợp.

Tình hình kinh tế và các vấn nạn về tài chính ngày nay đã phân rã, gây căng thẳng cho nhiều gia đình khi phải di cư hay tìm kiếm công ăn việc làm. Có những người, hạnh phúc gia đình với họ mãi mãi chỉ là một giấc mơ xa xôi nhưng thật đẹp đẽ. Có những người dù có địa vị chức quyền cao sang, có tiền rừng bạc biển nhưng vẫn không cảm nếm được hương vị hạnh phúc gia đình.

Ngày xưa, trong gia đình thường thì ông bố hoặc bà mẹ hoặc đứa con lớn làm chủ, cho nên thường xảy ra mỗi người một ý, hoặc ý người này đàn áp ý người kia. Ngày nay, ai là người có nhiều tiền của lo được cho gia đình thì ý người đó được tôn trọng nhất, cuối cùng tiền làm chủ. Nhưng tiền thường sóng đôi với “bạc” và là đầu mối của sự bất hòa, phân hóa trong gia đình.

Người ta thường nói: “tiền có thể mua được ngôi nhà nhưng không thể mua được tổ ấm”. Có những ngôi nhà to lớn, sang trọng với đầy đủ tiện nghi nhưng những người sống trong đó vẫn cảm thấy thiếu thốn dù lúc nào cũng được thỏa mãn tất cả các nhu cầu về vật chất, thậm chí còn nhiều hơn những gì người ta cần. Thiếu thốn tình thương yêu vì cha mẹ luôn cãi cọ nhau vì những bất đồng trong cuộc sống, vì anh chị em không biết quan tâm chia sẻ lẫn nhau, vì con cái nhiều khi hàng tuần không được nhìn thấy cha mẹ bởi lịch làm việc đi sớm về khuya của hai người ...

Ngược lại, gia đình sẽ trở nên nặng nề nếu hàng ngày người ta chỉ đầu tắt mặt tối với cơm áo gạo tiền hoặc sống theo quan niệm cổ hủ “Trời sinh voi, trời sinh cỏ”. Liệu gia đình có hạnh phúc được không nếu nhà cửa dột nát tạm bợ, cơm đường cháo chợ, khi ốm đau bệnh tật không tiền mua thuốc, khi nhà có việc “tang ma cưới hỏi” phải đi vay mượn khắp nơi và con trẻ “ngày tư ngày tết” vắng đi tiếng cười vì không có được manh áo mới khoe bè khoe bạn …

Người Kitô hữu chúng ta cũng cần tránh khuynh hướng viện dẫn và sống Lời Chúa một cách chủ quan hời hợt để rồi phó mặc đời sống vật chất gia đình cho vợ/chồng/con cái quán xuyến còn mình thì cứ ung dung “lo những chuyện trên trời”!

Đức cố TGM Phaolô Bùi Văn Đọc trong Thánh lễ mừng Thánh Tâm Chúa Giêsu, bổn mạng đoàn thể Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu TGP ngày 28/5/2016 đã căn dặn một điều hết sức quan trọng là luôn luôn cố gắng tối đa để bảo vệ hạnh phúc gia đình khi làm tông đồ giáo dân. Có bảo vệ được hạnh phúc gia đình thì đời sống đức tin mới được vững vàng và cuộc sống mới được vui tươi.

Hạnh phúc gia đình cũng không nhất thiết phải hiểu bằng những khái niệm cao siêu, trừu tượng mà đôi khi nó còn có thể được hình dung với những hình ảnh bình thường mà ai cũng có thể thấy.

Đó chính là những ánh mắt yêu thương, nụ cười mãn nguyện của ông bà, cha mẹ khi nhìn con cháu trở về bình an, đầy đủ sau một ngày học tập, làm việc vất vả. Là cảnh gia đình ngồi quây quần bên nhau cùng chia sẻ bữa cơm đạm bạc với những tiếng nói cười vui rộn rã. Là những ánh nến lung linh trên bàn thờ cùng những lời kinh gia đình râm ran mỗi tối.

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã khẳng định “Tương lai của nhân loại sẽ đến qua gia đình. Thế nên thật trọng yếu và cấp bách, tất cả mọi người thiện chí đều phải hết sức mình để bảo vệ và thăng tiến các giá trị và các đòi hỏi của gia đình.” (x. Familiaris Consortio, 86).

Vì vậy, hãy trân quý hạnh phúc gia đình như chính bản thân mình vì nó vốn mong manh và không phải ai cũng có được. Thời gian rồi sẽ trôi qua và có lúc chúng ta sẽ cảm thấy tiếc nuối vì chưa thể làm gì được cho gia đình thêm hạnh phúc. Xin hãy cầu nguyện liên lỉ và cố gắng gìn giữ hạnh phúc gia đình vì nếu để nó mất đi ta không thể nào tìm lại được.


Ngày Gia đình Việt Nam 28/06/2016



Đã đăng trên:
http://www.thanhlinh.net/node/104457

Thứ Sáu, 17 tháng 6, 2016

KÍ SỰ: HÀNH HƯƠNG TƯỢNG ĐÀI CHÚA KITÔ VUA - VŨNG TÀU

Thực hiện kế hoạch mừng lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, bổn mạng xứ đoàn (Xđ) Trung Mỹ Tây trong Năm Thánh Lòng Thương Xót (LTX) 2016. Sau Thánh lễ sáng thứ Bảy 11/06/2016, lúc 6g00 hai chiếc xe đã lăn bánh đưa những người con của Thánh Tâm Chúa Giêsu giáo xứ hành hương tượng đài Chúa Kitô Vua núi Tao Phùng – Vũng Tàu. Trên xe, ông Xđ trưởng đã thông báo cha chánh xứ kiêm linh hướng Xđ và cha phó cùng bận công tác mục vụ nên không thể tham dự đồng thời ngỏ lời chào mừng các Đv cùng thân nhân tham dự chuyến hành hương với chủ đề “Thánh Tâm Chúa Giêsu – Vua giàu Lòng Xót Thương”.
Ban tổ chức đã trao tận tay mỗi thành viên khẩu phần điểm tâm gồm gói xôi còn nóng hổi và chai nước tinh khiết. Sau khi ăn sáng xong, đoàn bắt đầu dâng những lời kinh cầu nguyện cho chuyến đi được bình an tốt đẹp, nghe lược sử về tượng Chúa Kitô Vua núi Tao Phùng và sau đó là phần sinh hoạt ca hát, kể chuyện … liên tục trên suốt quãng đường kơn 100 Km tới thành phố biển Vũng Tàu.
Lúc 9g30 xe đã đưa đoàn tới bến đỗ ngay đường vào mũi Nghinh Phong, Ô Quắn. Bước xuống xe chúng tôi bồi hồi nhớ lại sự kiện đầu những năm 70 của thế kỷ 20, giáo xứ Vũng Tàu do linh mục Nguyễn Minh Tri cai quản đã dự định xây một tượng đài Chúa Giêsu cao 10 mét với bệ tượng cao 5 mét tại đây. Công việc được khởi sự từ năm 1972 nhưng đến 1973 phải tạm ngưng thi công vì có đơn khiếu nại của Giáo hội Phật giáo nói rằng đây là vùng đất của họ. Nhiều cuộc họp thương lượng giữa hai bên tôn giáo diễn ra với sự chủ trì của chính quyền, kết quả đã dẫn đến thoả hiệp kết ngày 16/02/1974. Theo đó, Giáo hội Phật giáo toàn quyền sử dụng mũi Nghinh Phong, còn Giáo hội Công giáo thì xây dựng các công trình trên núi Nhỏ (Tao Phùng) với diện tích 10 hecta.
Xoay người nhìn hướng ngược lại, tượng Chúa Kitô Vua sừng sững uy nghi trên đỉnh núi với cánh tay dang rộng, mặt hướng ra biển Đông. Công trình hoàn thành giai đoạn 1 thì xảy ra sự kiện 30 tháng 4 năm 1975 nên phải ngưng lại. Do không có ai quản lý nên xảy ra tình trạng người dân khai thác đá tràn lan dưới chân núi. Thời điểm này, bức tượng đã bị hoang phế và xuống cấp, cỏ dại mọc um tùm, cuộn cáp đồng chống sét cũng bị mất trộm. Năm 1992, sau nhiều lần Toà Giám mục Xuân Lộc đề nghị, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có công văn cho phép linh mục Trần Văn Huyên - quản xứ Vũng Tàu được tiếp tục công việc sửa chữa, tu bổ lại tượng Chúa Kitô vua trên núi Nhỏ. Ban xây dựng do linh mục Tổng đại diện Đa Minh Nguyễn Chu Trinh làm trưởng ban, giáo dân Công giáo trong và ngoài nước góp công, góp của.
Bước qua đường Hạ Long, đoàn đã dành vài phút để chỉnh trang trang phục trước khi khởi hành tiến lên với Chúa. Đập vào mắt chúng tôi là những bậc đá với nhiều du khách lên xuống nườm nượp. Đường đi lên tượng đài dài trên 500m với 811 bậc thang bằng đá rộng từ 5-10m. Dọc đường có những trạm dừng để du khách có thể nghỉ chân, uống nước và ngắm cảnh. Hai bên đường là những bức tượng, phù điêu … với bia đá kể lại một số sự tích trong Cựu và Tân Ước.
Núi Tao Phùng cao 176 mét so với mực nước biển, khí hậu khắc nghiệt và gió to, nắng lớn. Vì vậy, tượng đài không thể giữ lại thiết kế như ban đầu năm 1972 mà đã phải thiết kế lại cả về qui mô, kết cấu. Vật liệu hầu hết lấy từ trong nước, trừ xi măng trắng nhập ngoại. Cát, sỏi khai thác dưới sông Đồng Nai, đá cẩm thạch lấy từ hòn Non Nước (Đà Nẵng). Khó khăn lớn nhất là việc chuyển hàng ngàn tấn vật liệu lên đỉnh núi.
Cả đoàn vẫn tiếp tục tiến bước, văng vẳng đâu đó tiếng hát hòa theo gió biển của một đoàn viên (Đv) cao niên: Ôi đường xa quá Hôréb cao con hết hơi ôi Chúa con thật hết hơi rồi... ”. Nhưng xa thì xa, cao thì cao nhưng đôi chân từng người vẫn thẳng tiến tuy cũng có lúc phải dừng lại đôi chút để xoay người ngắm cảnh biển Đông và hít thở cơn gió biển mát rượi lấy thêm sinh khí.
Đoàn đã đến gần tượng đài và sau khi quan sát địa điểm thuận lợi đã quyết định tụ họp tại tượng đài Pietà để cùng dâng lên Thiên Chúa những lời kinh, tiếng hát và gắn bia lưu niệm tại đây. Trời nắng gắt, từng giọt mồ hôi nhỏ xuống từng chân tơ kẽ tóc nhưng lời kinh tiếng hát vẫn vang lên trước con mắt có phần tò mò của những du khách không cùng đạo giáo.
Sau đó đoàn tiến về phía tượng đài Chúa Kitô Vua, Theo thiết kế xây dựng, dự trù móng của tượng sâu 6 mét nhưng móng tượng đài khi xây dựng phải sâu hơn. khi đào móng xây dựng, người ta phát hiện hệ thống công sự do Pháp xây dựng kiên cố từ cuối thế kỷ 19 và hiện nay di tích còn lại là 2 khẩu súng thần công trưng bày lộ thiên, được mang lên từ hệ thống công sự này.
Tượng Chúa Kitô Vua có chiều cao 32 mét, chiều dài hai cánh tay là 18,4 mét; đặt trên bệ khối chạm hình Chúa và 12 tông đồ. Trong lòng tượng có thể chứa được 100 khách tham quan cùng một lúc. Tượng được xây dựng năm 1974 và hoàn thành năm 1994. Khi bức tượng được xây xong, bắt đầu được mài tỉ mỉ từ cao xuống thấp, mài đến đâu thì giàn giáo được gỡ đến đó. Có chuyện kể rằng trước khi giàn giáo được gỡ hết, có một vị linh mục cao tuổi đã cố gắng trèo lên và kịp ôm hôn mặt Chúa, trở thành người đầu tiên và duy nhất có được phúc lành này. Năm 2012, bức tượng đã được xác lập kỷ lục “Tượng chúa Kitô lớn nhất châu Á”.
Tại đây, những Đv sức khỏe yếu ngồi nghỉ tại những ghế đá ẩn mình dưới bóng mát tàng cây sau tượng, những Đv khỏe quyết tâm chinh phục một độ cao mới. Sau khi leo lên hết 133 bậc cầu thang xoắn ốc chúng tôi đã lên tới khoảng không gian lộ thiên chỉ đủ chỗ cho 1-2 người trên vai tượng Chúa. Vươn vai hít thở một hơi dài, mỗi người trong chúng tôi đều dâng lời cảm tạ Thiên Chúa đã làm nên những việc lạ lùng qua bàn tay con người và thành tâm nguyện cầu những điều mong ước riêng vì tương truyền nơi đây mọi điều ước chân chính sẽ trở thành hiện thực. Vài bạn trẻ còn lách người chui ra lỗ hổng trên 2 ống tay để phóng tầm mắt quan sát, chụp hình toàn cảnh thành phố Vũng Tàu và một phần biển Đông.
Rời khỏi khu vực tượng đài, những mệt mỏi lúc ban đầu đã được xua tan với những nụ cười mãn nguyện dù mồ hôi vẫn thấm ướt vai áo, vẫn tuôn ra trên trán gây xon xót con mắt trên đường xuống núi. Đoàn lại lên xe ra khu du lịch Long Cung dùng bữa trưa, nghỉ ngơi và tắm biển. Những mái đầu xanh bên những mái đầu bạc cùng chia sẻ cho nhau những đồ ăn, thức uống, những tiếng cười, những trò chơi đùa vui sảng khoái.
Chia tay thành phố Vũng Tàu vào lúc 16g00, chương trình sinh hoạt lại tiếp tục trên xe với những bài hát Karaoke, với những bài hát cộng đồng và những mẩu chuyện vui với tiếng cười rôm rả. Gần về tới thành phố đoàn đã một lần nữa dâng lời kinh tiếng hát cảm tạ Thánh Tâm Chúa đã ban cho chuyến đi được bình an tốt đẹp. Đại diện các toán cũng cám ơn ban tổ chức và nêu ra những ưu khuyết điểm qua chuyến đi. Cuối cùng ông Xđ trưởng đã thay mặt BCH tiếp thu các ý kiến, cám ơn quý ân nhân đã đóng góp và tham dự chuyến đi, cám ơn tài xế đã đảm bảo tay lái an toàn để đi đến nơi về đến chốn.
Được biết thêm, trước đó vào lúc 19g30 ngày 20/05/2016, Xđ cũng đã tổ chức cho các Đv hành hương tại Thánh đường Đức Mẹ Vô Nhiễm giáo xứ Chợ Cầu - 30/7 Nguyễn Văn Quá, Đông Hưng Thuận, Q.12 - là nơi hành hương của giáo hạt Hóc Môn. Tại đây, đoàn đã được BCH Xđ Chợ Cầu tiếp đón và được cha chánh xứ kiêm linh hướng Giuse Trần Thanh Công chủ sự giờ chầu Thánh Thể.
Link xem hình ảnh:
Bài viết đã đăng trên:

Thứ Bảy, 4 tháng 6, 2016

TRÁI TIM MỤC TỬ


Mừng lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, chúng ta đặc biệt suy tôn Tình Yêu của Chúa Giêsu đã thể hiện qua trái tim của Người. Phụng vụ Lời Chúa năm C không có một từ nào nói về trái tim Chúa Giêsu, nhưng lại nói đến Tình Yêu của một Thiên Chúa là Cha qua hình ảnh của một người mục tử hết mình yêu thương đàn chiên.

Cùng với khẩu hiệu ”Thương Xót như Chúa Cha” (Lc 6,36), huy hiệu Năm Thánh Lòng Thương Xót (do Cha Marko I. Rupknik SJ sáng tác) trình bày người Cha đang vác người con lầm lạc trên vai. Một hình ảnh rất được Giáo Hội cổ kính quí chuộng, vì diễn tả tình thương của Chúa Kitô hoàn tất mầu nhiệm nhập thể của Người bằng công trình cứu chuộc. Hình của huy hiệu làm nổi bật sự kiện Vị Mục Tử nhân lành đi sâu vào thân thể con người, với tình thương yêu đến độ thay đổi cuộc sống của con người.

Ngoài ra, một sự kiện này không thể bỏ qua, đó là Vị Mục Tử nhân lành, với lòng thương xót tột độ, vác nhân loại trên vai, nhưng đôi mắt của Vị Mục Tử hoàn toàn giống như đôi mắt của con người. Chúa Kitô nhìn với con mắt của Ađam và Ađam nhìn với con mắt của Chúa Kitô. Như thế mỗi người nhận ra nơi Chúa Kitô là Ađam mới, chính nhân tính của mình và tương lai đang chờ đợi mình, khi chiêm ngắm, trong cái nhìn của Chúa Kitô, tình thương của Chúa Cha. (theo vi.radiovaticana.va)

Trong thời Cựu Ước, Thiên Chúa đã mạc khải cho dân Do Thái qua ngôn sứ Êdêkien về một thời đại mới mà chính Thiên Chúa sẽ là mục tử chăn dắt dân của Người. Vị mục tử sẽ tìm kiếm những con chiên bị tản mác khắp nơi, tập hợp và đưa chúng vào đất của chúng. Chăn dắt trong những đồng cỏ tươi tốt, màu mỡ trên các núi cao, các thung lũng Ít-ra-en và tại mọi nơi trong xứ có thể được. Con nào bị mất, Người sẽ đi tìm; con nào đi lạc, Người sẽ đưa về; con nào bị thương, Người sẽ băng bó; con nào bệnh tật, Người sẽ làm cho mạnh; con nào béo mập, con nào khoẻ mạnh, Người sẽ canh chừng. Người sẽ theo lẽ chính trực mà chăn dắt chúng. (x. Ed 34,11-16)

Trong những ngày nắng hạn khô cằn, vị mục tử là Thiên Chúa sẽ dẫn đưa đàn chiên chúng ta đến nơi đồng cỏ xanh tươi, chỗ suối nước mát lành để chúng ta được no nê bổ sức và yên tâm nghỉ ngơi. Không còn những lo lắng, buồn phiền, mệt mỏi …. vì “Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi. Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính vì danh dự của Người.” Và rồi bình an trong vòng tay yêu thương chăm sóc, chúng ta tin tưởng khẳng định: “Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Người  bảo vệ, con vững dạ an tâm.”  

Đối với Thiên Chúa, chúng ta là những người con yêu dấu. Trong đôi mắt Người, từng người chúng ta thật quý giá không trừ một ai. Tình Yêu xuất phát từ trái tim Người đã che chở chúng ta, đem lại cho chúng ta sự bình an. Thương lắm, quý lắm nên Thiên Chúa mới xức dầu thơm lên đầu chúng ta, châm rượu vào ly cuộc đời chúng ta với bao ân tình thương quý. “Chúa dọn sẵn cho con bữa tiệc ngay trước mặt quân thù. Đầu con, Chúa xức đượm dầu thơm, ly rượu con đầy tràn chan chứa”. (TV 23,1-6)

Đức Giêsu chính là Vị Mục Tử Nhân Lành mà Thiên Chúa đã hứa ban cho dân và chính Người  cũng xác nhận “Tôi chính là Mục Tử Nhân Lành. Mục Tử Nhân Lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10,11). Không chỉ chăm sóc, bảo vệ, tình yêu của Đức Giêsu  đối với chúng ta còn lên đến tột đỉnh khi Người  hiến mạng sống mình cho chúng ta, như lời Thánh Phaolô: “Quả vậy, khi chúng ta không có sức làm được gì vì còn là hạng người vô đạo, thì theo đúng kỳ hạn, Đức Kitô đã chết vì chúng ta. Hầu như không ai chết vì người công chính, hoạ may có ai dám chết vì một người lương thiện chăng. Thế mà Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta.” (Rm 5,5-11)

Tình yêu của Vị Mục Tử Nhân Lành không dừng lại ở việc chăm sóc, giữ gìn chúng ta. Dụ ngôn con chiên lạc là một trong ba dụ ngôn Đức Giêsu  nói đến lòng thương xót của Thiên Chúa không bỏ rơi con người tội lỗi. Sự lo lắng của vị mục tử này xuất phát từ việc trống vắng con chiên lạc trong trái tim ông. Ông dám liều lĩnh bỏ 99 con trong hoang địa và chấp nhận tất cả những rủi ro sẽ xảy đến cho bản thân để cất bước lên đường tìm 1 con. Khi tìm được con chiên lạc, ông mừng rỡ ôm nó vào lòng, vác trên vai đưa nó trở và mời bạn hữu đến chia vui “vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên đã bị mất”. Vui mừng không phải vì con số 100 tròn đầy mà là vì con chiên lạc đã được tìm thấy!

Đức Giêsu còn nhấn mạnh: “Vậy, tôi nói cho các ông hay: trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn”. Cần phải hiểu bối cảnh của dụ ngôn là sự bàn tán, xầm xì của những người Pha-ri-sêu và các kinh sư khi thấy những người thu thuế và tội lỗi lui tới với Đức Giêsu để nghe Người giảng dậy (x. Lc 15,1-7). Điều đó cho ta thấy sự khác nhau giữa lý luận của trí óc và cái lý lẽ của con tim. Chúa Giêsu muốn chúng ta phải nghe Lời Người bằng trái tim, để có thể hiểu được những hành động Người đã dành cho những người tội lỗi. Hơn thế, Người còn cho thấy, nếu một khi để cho trái tim thúc đẩy, thì ai cũng sẽ làm như Người đã làm.

Muốn cảm nghiệm được tình yêu, chúng ta cần phải biết nghe bằng trái tim, và để cho trái tim rung đập theo nhịp riêng của nó. Hãy suy ngẫm và cảm nghiệm tình yêu Thiên Chúa dành cho mỗi người chúng ta, để rồi nghe theo sự mách bảo của trái tim, chúng ta hãy sống sao cho xứng đáng với tình yêu hy sinh quảng đại Thiên Chúa đã dành cho mỗi người. Hãy mang lấy trái tim và cách cư xứ của Chúa đến cho anh chị em chung quanh để bất cứ ai khi tìm đến với những Kitô hữu như chúng ta, đều tìm được một ốc đảo từ bi thương xót. (ĐTC Phanxicô)

Nguyện xin Thánh Tâm Chúa Giêsu tuôn đổ Tình Yêu của Người vào trong trái tim của để chúng con luôn biết lấy Tình Yêu đáp trả Tình Yêu, luôn nhìn đời với ánh mắt yêu thương, biết cảm thông trước những nỗi khổ của tha nhân. Luôn biết tìm đến với những người đang cần chúng con cho đi dù chỉ là một lời cầu nguyện, một chút yêu thương, một chút chia sẻ.

Xin cho chúng con biết lắng nghe và thực hành Lời Chúa bằng con tim rộng mở, để qua lời rao giảng của các vị mục tử chúng con kín múc được những nguồn mạch thâm sâu của Tin Mừng. Cho chúng con có một trái tim khiêm nhường để biết mở lòng mình ra đón nhận những phê bình, sai sót của anh em. Biết từ bỏ cái tôi để tiếp thu những điều chưa hay, chưa biết thay vì tranh cãi, lí luận đủ điều để bảo vệ những thiếu sót, khiếm khuyết của mình.

Xin Trái tim nhân từ của Chúa Giêsu giúp con biết cảm thông, chia sẻ, nâng đỡ và cư xử với những người trong gia đình, những người cùng làm việc trong xí nghiệp công ty, những người hàng xóm, những bạn bè con gặp gỡ hằng ngày bằng sự hiền từ và tha thứ để cuộc sống ngày càng thêm thăng hoa và trổ sinh trái ngọt. Và khi trái tim con đã được đong đầy Tình Yêu Thiên Chúa, xin cho con vững bước đi làm chứng nhân cho cội nguồn Tình Yêu là Thánh Tâm Chúa Giêsu giữa lòng xã hội và thế giới hôm nay. Amen.

Lễ Kính Thánh Tâm Chúa Giêsu 2016