Chủ Nhật, 24 tháng 12, 2017

NOEL ẤM ÁP TÌNH NGƯỜI


"Vinh danh Thiên Chúa trên trời,
bình an dưới thế cho loài người Chúa thương." (Lc 2,14)

Những giai điệu Giáng sinh đã bắt đầu ngân vang khắp nơi. Có lẽ đây là ngày lễ duy nhất trên trái đất được đón mừng bởi mọi quốc gia, mọi sắc tộc, mọi tầng lớp xã hội. Từ vùng núi cao xuống đồng bằng, nơi miền quê thôn dã đến thị tứ giầu sang ... vang lên những tiếng chuông rộn rã hòa vào cung bậc trầm bổng của những bài thánh ca.

Tại các thành phố lớn, người ta trang hoàng đèn đóm, làm thành những thảm đèn treo như bầu trời sao lấp lánh thâu đêm. Những cây Noel, những hang đá máng cỏ thật hoành tráng. Những món quà tặng đắt tiền, những bữa tiệc linh đình được những người giầu có chuẩn bị như một phần không thể thiếu trong ngày mừng lễ sinh nhật Đấng Cứu Thế.

Nhưng Đấng mà người ta mừng sinh nhật thì lại rất nghèo: không nhà cửa, nôi ấm nệm êm mà chỉ có hang súc vật, máng cỏ rơm, tã lót sơ sài… Những khách mời đầu tiên cũng là những người chăn chiên nghèo, tay không quà cáp … Dấu chỉ mà thiên thần báo cho họ nhận ra Chúa cũng là dấu hiệu nghèo: "Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ." (Lc 2,12)

Trên mảnh đất hình cong như chữ S, bão số 15 chưa tan, gần biển Đông lại xuất hiện thêm một cơn bão mới. Người dân Sài Gòn đang trải qua những ngày lạnh nhất từ đầu năm. Miền Bắc và Bắc Trung Bộ lại tiếp tục xảy ra rét đậm diện rộng, vùng núi rét hại với tuyết phủ trắng khắp nơi.

Trong cái khắc nghiệt của thời tiết, vẫn còn đó những con người nghèo khó, khốn khổ. Cơm không đủ no, áo không đủ ấm để chống chọi với cái rét cắt da cắt thịt của mùa đông. Họ nào dám nghĩ đến niềm vui Giáng sinh, miếng ăn hàng ngày còn khó huống chi tiệc tùng quà tặng. Họ chỉ biết lao động quần quật, “tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ”!

Ấm áp thay, còn có những người với tấm lòng quảng đại đã tới thăm viếng và chia sẻ với họ một phần quà nho nhỏ. “Quả thật, anh em biết Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, đã có lòng quảng đại như thế nào: Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có.” (2Cr 8,9).

Đó là những bát cháo nóng, những hộp cơm từ thiện được trao gởi tận tay những bệnh nhân nan y đang từng ngày kiệt quệ vì bệnh tật. Là những bộ quần áo ấm, những đôi giầy được coi là thứ xa xỉ đối với đồng bào dân tộc nơi ánh sáng văn minh chưa với tới. Là những tô mì ăn liền nóng hổi được xì xụp húp vội để có sức đi bộ hàng chục cây số trở về nhà sau thánh lễ nơi rẻo cao trắc trở.

Đó là những bạn trẻ giữa đêm khuya rong ruổi suốt các con đường để trao tận tay chút quà nhỏ cho bác lao công, chú xe ôm, chị ve chai hay những người cơ nhỡ… Những chiếc mền, những hộp sữa, những chiếc bánh, chai nước … do các bạn chuẩn bị cho những người lao động nghèo đã được cho đi để họ có được một "Giáng Sinh ấm áp". 

Và còn biết bao sẻ chia làm ấm áp thêm lòng người như lời người đứng đầu TP HCM đã phát biểu trong dịp đến thăm, chúc mừng lễ Giáng sinh năm 2017 và Tết Dương lịch năm 2018 tại Toà Tổng giám mục TP HCM. "Dưới sự hướng dẫn của giáo hội, đồng bào công giáo TP đã có nhiều đóng góp trên các lĩnh vực giáo dục, y tế, từ thiện xã hội… Ước tính trong năm 2017 đã có hơn 80 tỉ đồng ủng hộ các hoạt động từ thiện, giúp đỡ người nghèo và hơn 6.000 lượt người hiến máu nhân đạo.”

Xin cho Tình Yêu Giáng Sinh luôn được mãi ấm nồng trong những con tim quảng đại và lan tỏa đến mọi người. Vẫn cần lắm nhiều tấm lòng biết đồng cảm, chia sẻ của cải vật chất cho những người kém may mắn để những mùa Noel ngày càng thêm ấm áp tình người.

http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20171223/41029

Thứ Tư, 1 tháng 11, 2017

VỀ CỘI

Khi ngắm nhìn những chiếc lá xa cành, những người đầu bạc từng trải thường nghĩ đến ngày chúng ta phải từ giã cõi đời này vì trần gian chỉ là nơi tạm trú. “Sinh ký, tử qui”, quan niệm sống – chết của các dân tộc Á đông nói chung và dân tộc Việt nói riêng đã đem lại cho chúng ta những giáo huấn khôn ngoan, những suy tư sáng suốt về cuộc đời. Vì vậy, người ta thường “nói” với người đã khuất “sống khôn chết thiêng” với ngụ ý chỉ có ai biết sống khôn thì mới được chết thiêng!

Như một nốt nhạc trầm rơi vào khoảng không tĩnh lặng khi nhận được tin một người bạn qua đời trong những ngày bận rộn với công việc. Bao kỉ niệm của thời thanh xuân với sức sống căng tràn hiện về lung linh trước mắt. Thời của những nỗ lực vươn lên, của những phấn đấu … để thoát khỏi khó khăn chung của thời bao cấp cộng hưởng với những tình cảm éo le của cuộc sống gia đình.

Bạn cùng tôi đều sinh ra trong gia đình đạo gốc, cùng sinh hoạt gắn bó với nhau ngay từ thuở nhỏ với những lớp giáo lý, giờ kinh buổi lễ …Rồi cùng nhau học tập và trở thành những cô giáo giảng dạy tại chính nơi mình lớn lên. Thay đổi là từ đây, tối vốn dĩ nhút nhát và an phận thủ thường nên tạm hài lòng với đồng lương ba cọc ba đồng. Bạn thì vốn khôn ngoan và lanh lợi ngay từ nhỏ nên đã trở thành cô giáo nổi danh và được nhiều học trò thụ giáo. Nhất là những năm khi việc dạy thêm, học thêm trở thành phổ biến.

Rồi thì quan hệ tình cảm cũng đến và chín mùi khi bạn thuyết phục được cha mẹ đồng ý cho lập gia đình với người bạn đời không cùng tôn giáo với phép chuẩn cho đời sống hôn nhân “đạo ai người đó giữ”. Tôi biết cha mẹ bạn buồn lắm nhưng vì thương con nên cũng đành chấp nhận và cố gắng thuyết phục được anh chồng để đứa con trai đầu lòng được chịu các phép bí tích như bao đứa trẻ Công giáo khác. Cuộc sống vẫn tiếp tục và tình bạn của chúng tôi vẫn khắng khít về cả về phần đời lẫn phần đạo khi vẫn cùng nhau tham dự Thánh lễ ngày Chúa nhật và các ngày lễ trọng khác.

Nhưng sau khi cha mẹ bạn khuất núi, anh chị em định cư phương xa, công việc càng ngày càng thuận lợi nên bạn tôi đã có điều kiện mua đất xây nhà ở một địa phương khác. Từ đó hiếm khi chúng tôi có dịp gặp nhau vì mỗi người mỗi việc. Buồn thay, nơi ở mới lại xa nhà thờ và bạn tôi lại tham công tiếc việc nên việc giữ đạo cứ từ từ vơi dần và đứa con gái ra đời sau đó cũng không còn được may mắn theo đạo.

Những chiếc lá được sinh ra và nuôi dưỡng bởi chất nhựa từ gốc rễ đưa lên cành. Nhưng cũng có nhiều chiếc bị môi trường xấu tác động, hoặc sâu bọ cắn phá làm cho tự thân nó không hấp thu được nhựa sống. Con người cũng vậy, cũng được sinh ra từ chính cội nguồn của sự sống là Thiên Chúa. Rồi khi lớn lên sinh hoạt giữa dòng đời, có những người bị đam mê trần thế cùng hỉ nộ ái ố của cuộc đời làm cho họ dần dần xa rời Thiên Chúa. Chính vì vậy, Thánh Kinh đã nhắc bảo chúng ta: ”Hãy nhớ rằng cái chết không trì hoãn đâu, và ngày hẹn của âm phủ, con nào có biết!” (Hc 14,12) và Chúa Giêsu cũng đã cảnh báo: ”Cho nên anh em cũng vậy, anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.” (Mt 24,44).

Khi đến tuổi hưu, bạn vẫn còn là một người hạnh phúc khi con cái thành đạt, nhà cao cửa rộng và vẫn còn tiếp tục đào tạo những lứa học trò kế tiếp. Nhưng tự nhiên trí nhớ của bạn mỗi ngày một sút giảm, mất bao tiền của, đi bao bệnh viện, khám bao bác sĩ vẫn không cải thiện được. Bạn trở nên như đứa trẻ, không còn nhận ra chúng tôi khi gặp dù trong ánh mắt vẫn còn có một chút gì đó lóe lên cùng những giọt lệ. Nhìn bạn mỗi ngày một héo hon, chúng tôi quyết định ngỏ lời cùng người chồng với lời cầu xin Chúa Thánh Thần soi sáng để thuyết phục cho bạn được chịu các bí tích cuối cùng.

Thiên Chúa là khởi thủy, từ Thiên Chúa mới có muôn loài muôn vật, có con người. Và ngay  từ khi lấy bụi từ đất nặn ra con người, Thiên Chúa đã nói với họ: ”Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất." (St 3,19). Mọi người giầu nghèo sang hèn, giỏi dốt ở bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì, rồi cũng có ngày phải rời bỏ cõi đời này để trở lại thân phận bụi đất.

Có thể nói cuộc sống làm nên ý nghĩa của sự chết. Khi sự sống bắt đầu thì nó cũng đã hàm chứa một điểm dừng. Đó là đích đến của một chuyến đi xa nhất, quan trọng nhất của đời người. Chuyến đi cô đơn nhất trở về nơi cội nguồn trong cuộc lữ hành trần thế.

Chết là một án lệ dành cho mỗi người và không ai có thể trốn tránh được. Người Công giáo chúng ta tin rằng con người có linh hồn bất tử, và khi chết, linh hồn của mình sẽ trở về cùng cội nguồn Thiên Chúa, Đấng tạo dựng nên mình. Bởi thế, chết là một cuộc “lá rụng về cội” lớn lao nhất, quan trọng nhất và ta phải chuẩn bị cho ngày đó như thế nào?

Có chiếc lá chao nghiệng mấy vòng rồi rụng xuống gốc, nhưng cũng có những chiếc lá bị gió cuốn đi vòng vèo nơi xa lắc. Lá rụng nhưng chưa về cội! Cũng thế, nếu lá rụng chưa chắc đã về cội thì con người khi chết cũng chưa chắc sẽ được về cùng Chúa. Về được với Chúa hay không, cái đó còn tùy ở cách sống của mỗi người và lòng từ bi xót thương của Thiên Chúa.

Như một phương thuốc mầu nhiệm, nét mặt bạn tôi trở nên thanh thản sau khi được chịu các bí tích cuối đời. Có lẽ chính giờ phút đó Lòng Chúa Thương Xót đã mở ra với bạn và Chúa Thánh Thần đã soi sáng để người chồng đồng ý nhờ chúng tôi liên hệ tiến hành an táng bạn theo nghi thức Công giáo. Tạ ơn Chúa, thế là sau bao năm bị những cơn gió cuộc đời đưa đẩy, bạn tôi đã được Chúa thương cho rụng về cội.

Bạn ơi! Xin vĩnh biệt bạn. Xin Thánh Tâm Chúa Giêsu là phần rỗi các linh hồn xót thương đón nhận bạn về nơi nguồn cội. Ở đó có ông bà, cha mẹ, những người đi trước …đã bao năm chờ bạn quay về.
(Tặng hương hồn Têrêsa NTH - Tháng các linh hồn 2017)

Nội San Lửa Mến – Tháng 11/2017

http://www.conggiaovietnam.net/index.php?m=home&v=detail&ia=17205

CHÚT SUY TƯ SAU THƯỜNG HUẤN


Không chỉ có hàng Giáo phẩm và các tu sĩ mới hoạt động tông đồ. Người Giáo dân qua bí tích Thánh Tẩy cũng được tham gia vào chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương đế của Đức Kitô. Đức Kitô là Ðầu và họ trở thành chi thể của nhiệm thể Người. Đồng thời khi nhận được ơn Thánh Thần Chúa là họ đã lãnh nhận bài sai ra đi rao giảng Tin Mừng, giúp cho mọi người nhận biết về Thiên Chúa và thấu hiểu về Hồng ân cứu độ của Chúa Giêsu Kitô. 

Với đoàn viên Gia đình Phạt tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu (GĐPTTTCG), muốn làm được công tác tông đồ phải có hoài bão ước mơ “mở mang Nước Chúa để Nước Chúa được trị đến” và “Thánh Tâm Chúa được ngự trị trong mọi gia đình, mọi người”. Nhưng không chỉ là hoài bão mông lung mà phải băn khoăn lo lắng, tâm hồn xao xuyến rung động và đầy lòng nhiệt thành phục vụ để tìm ra những biện pháp hoàn hảo, những hoạch định để biến hoài bão ước mơ thành hiện thực.

Lớp Thường Huấn Căn Bản dành cho các thành viên trong Ban chấp hành (BCH) các cấp do BCH GĐPTTTCG Tổng Giáo Phận (TGP) Sài Gòn tổ chức chỉ diễn ra trong thời gian một ngày, nhưng đã trang bị cho các tham dự viên những hành trang căn bản để có thể lãnh đạo đơn vị mình từng bước thực hiện nhiệm vụ tông đồ giáo dân của đoàn thể.

Nhưng khi va chạm thực tế trong sinh hoạt thường ngày tại các xứ đoàn, người làm công tác tông đồ không sao tránh khỏi những vướng mắc, những khó khăn, những cám dỗ … Chút suy tư dưới đây chỉ là những gợi mở để vận dụng những kiến thức tiếp thu được qua những bài học trong lớp thường huấn.

Nhiều người thường cho rằng đoàn thể có phát triển được hay không đều tùy thuộc vào cha xứ (kiêm linh hướng đoàn thể). Nhưng phần lớn các Giáo xứ ở TGP Sài Gòn đều “trăm hoa đua nở” đoàn thể. Đoàn thể nào cũng muốn mình được cha xứ quan tâm, chăm sóc.

Thường gia đình nào đông con thì nheo nhóc, cha xứ dù có ba đầu sáu tay cũng không thể kham nổi. Gặp cha xứ nhiệt tình, năng nổ thì các  đoàn thể còn được nhờ, còn nếu gặp phải cha xứ bận quá nhiều việc thì các đoàn thể phải tự thân vận động. Nhiều lúc còn đi chệch đường sinh ra mâu thuẫn, chống đối.

Cũng thế, việc sinh hoạt theo toán mang lại hiệu quả khá tốt vì nó dựa trên cơ sở mối quan hệ xóm giềng. Nhưng nếu BCH xứ đoàn mà cụ thể là xứ đoàn trưởng lơ là, không quán xuyến để cho các toán “tự tung tự tác” sẽ sinh ra phản cảm, mất “quan điểm”. Từ mối thâm tình mời anh em sau giờ kinh tối ở lại sinh hoạt dùng miếng bánh, li nước hàn huyên tâm sự sẽ biến tướng thành những “lời ra” khi có chút men cay trong “chén tạc chén thù”.

Không biết vì lòng hăng say nhiệt thành hay vì lí do nào khác mà nhiều người tham gia nhiều đoàn thể, thường có khi 2-3 đoàn thể cùng lúc.  Khi đoàn thể nào vui, có tiệc tùng … thì họ “vỗ tay vào”, còn những buổi sinh hoạt khác hay khi làm công tác tông đồ thì chẳng thấy mặt họ bao giờ. Hệ quả cuối cùng là số người ghi danh thì đông nhưng đoàn thể ngày càng trì trệ.

Nhiều nơi nhân lực lãnh đạo đoàn thể không có, không đủ, không đúng khả năng … nên mọi việc cứ “vũ nhu cẫn”. Nhiều người thích có chức có quyền nhưng khả năng hạn hẹp vẫn cố làm hết nhiệm kỳ này đến nhiệm kỳ khác. Ngược lại nhiều vị có tư cách, đủ khả năng để lãnh đạo nhưng lại kiêm nhiệm quá nhiều chức vụ trong Giáo xứ sẽ dẫn đến quá tải, không chu toàn.

Rồi lại có những anh chị em có khả năng lãnh đạo, đang xây dựng xứ đoàn phát triển thì lại được đề bạt về giáo hạt, giáo phận hoặc chánh trương, trùm trưởng … khiến đoàn thể chựng lại vì không tìm ra được những nhân tố kế thừa. Có những đoàn viên rất tích cực, hoạt động tông đồ mang lại nhiều thành quả tốt đẹp được nhiều người ngưỡng mộ. Từ ngưỡng mộ quá lại nẩy sinh những tình cảm vượt mức quan hệ bình thường. Từ đó gây ra những lời đàm tiếu ảnh hưởng không tốt đến đoàn thể và gây hậu quả trực tiếp đến hạnh phúc gia đình.

Gia đình là một Giáo hội tại gia, ở đó, người ta học được những bài học đầu tiên về tình yêu và sự đùm bọc nâng đỡ nhau và ơn gọi nên thánh. Làm công tác tông đồ mà không thu xếp, hài hòa được việc chung và riêng sẽ dẫn đến mang tiếng “việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng”. Vì vậy phải thu xếp sao cho việc gia đình ổn thỏa và là hậu phương vững chắc cho việc tông đồ.

Đức TGM Phaolô Bùi Văn Đọc cũng đã căn dặn - trong Thánh lễ mừng bổn mạng đoàn thể GĐPTTTCG TGP ngày 28/5/2016 - khi làm tông đồ giáo dân phải luôn luôn cố gắng bảo vệ hạnh phúc gia đình. Gia đình có hạnh phúc thì đời sống đức tin mới được vững vàng và việc tông đồ mới được khởi sắc.

Ước mong sao mỗi toán, mỗi xứ đoàn, nhờ ơn Thánh Tâm Chúa giúp sẽ biết cách vượt qua được những trở ngại để hoàn thành sứ mạng tông đồ giáo dân. Góp phần làm cho Nước Chúa được trị đến và Thánh Tâm Chúa được ngự trị trong lòng mọi người, mọi nhà.

 


Nội san Lửa Mến – Tháng 07/2017

Thứ Năm, 1 tháng 6, 2017

CẢM XÚC THÁNG SÁU


Mùa Hè đã đến từ những ngày tháng Năm với tiếng ve sầu kêu rỉ rả. Những chú ve với vòng đời ngắn ngủi cố gắng ngân lên khúc hòa âm cuối trước khi tắt lịm trở thành những cái xác không hồn rụng rơi trên đất. Chợt giật mình thảng thốt.... Lại sắp hết nửa vòng tuần hoàn, sao thời gian trôi đi nhanh thế! Mái tóc xưa xanh mướt giờ đã điểm sương muối để rồi mỗi năm Hè đến, những cảm xúc tháng Sáu lại trỗi dậy hòa lẫn vào thời tiết đất trời.

Tháng Sáu, hè vẫn râm ran trên những tán lá. Những chùm phượng vẫn thắm đỏ như những đốm lửa rực hồng trên những tàn cây bên đường cùng những cánh hoa bằng lăng tím ngắt và sắc vàng hoa điệp lung linh …. Nắng vẫn hừng hực như đổ lửa. Hơi nóng hầm hập trải dài trên đường phố, len lỏi qua từng ngóc ngách, đeo dính vào cảm giác con người từ những ngày sang hạ.

Nhưng cuộc sống vẫn tiếp diễn, con người vẫn phải căng mình ra dưới nắng rát vì cuộc mưu sinh. Những mầm cây, những tán lá xanh non vẫn khe khẽ cựa mình đón ánh nắng chói chang như để bớt già cỗi cùng thời gian, năm tháng.... Nắng tháng Sáu làm lòng người nhớ những cơn mưa rào bất chợt. Tiếng ve sầu chợt ngừng lại, lắng đọng trong cái không khí oi ả và chói nồng. Tiếng sấm động xa xa rồi những cơn mây dông ùn ùn kéo đến bủa vây báo hiệu cơn mưa đang đến.

Mưa rào mùa hạ rơi nhanh, đập mạnh nhưng phũ phàng, dứt khoát giống như ly nước lạnh làm mát dịu cõi lòng và giúp tâm trí nguội đi những nghĩ suy nóng nảy. Mưa đổ ào ào như trút hết những hạt mưa trên cao thấm sâu vào lòng đất để cây lá căng tràn nhựa sống và những mầm xanh nẩy chồi thức giấc. Những cơn mưa mát lịm làm dịu đi cái nắng hè oi ả, gội mát lòng người. Những cơn mưa thất thường, mau đến và vội đi để cho nắng lại lên, lộ ra một bầu trời trong trẻo tinh khôi, như một tâm hồn thanh khiết được lọc rửa những bụi trần.

Tháng Sáu được Giáo hội dành để kính Thánh Tâm Chúa Giêsu. Kính nh Tình Thương Cứu Độ của Thiên Chúa được tỏ bày ra nơi con người Đức Giêsu và nhất là trong cái chết trên thập giá vì tội lỗi con người. Trái Tim hiền lành và khiêm nhường đã bị lưỡi đòng chọc mở ra trên cây Thánh Giá. Từ đó Máu và Nước đã tuôn trào đến giọt cuối cùng để nhiều tội nhân được hưởng nhờ Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Nước để làm cho các linh hồn trở nên công chính và Máu để ban sự sống cho các linh hồn.

Vì thế tôn thờ và chiêm niệm Trái Tim Chúa là học hỏi về sự hiền lành và khiêm nhường vì chính Chúa Giêsu đã phán: Các ngươi hãy mang lấy ách của Ta, và hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng.” (Mt 11, 29). Với tôi, tháng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu còn cưu mang và cho tôi được sinh ra trong cái nôi ấm áp ngày 17 và cũng đón cha tôi về yên nghỉ trong ngày mồng ba.

Tháng Sáu năm nay cũng là thời điểm Ban chấp hành (BCH) Gia đình Phạt tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu các cấp được bình chọn ra mắt và tuyên hứa. Thực thi vai trò trách nhiệm của người giáo dân trong việc cộng tác với Giáo hội loan báo và làm chứng nhân Tin Mừng của Chúa Giêsu, Đấng cứu độ nhân loại.

Đây là những đoàn viên có tinh thần đạo đức, có năng lực và tinh thần trách nhiệm, có điều kiện tich cực dấn thân hi sinh phục vụ, biết cộng tác gắn bó mật thiết trong sinh hoạt đoàn thể, nhiệt thành cộng tác với Giáo hội địa phương để thực thi hiệu quả sứ vụ Tông đồ mà Giáo hội mời gọi. 

Ơn gọi của chúng ta đều là ơn ban từ Chúa Quan Phòng. Chúa mời gọi chúng ta trở nên Tông đồ của Ngài ngay trong môi trường mình đang sống và trong khả năng hạn hẹp của mình.  “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em...” (Ga 15, 16)

Như dụ ngôn thợ làm vườn nho (x. Mt 20,1-16), chúng ta được mời gọi vào làm vườn nho của Chúa. Tất cả đều được đặt ngang hàng với nhau dù kẻ đến trước, người đến sau. Không phải đồng hàng trong cái hư danh Tông đồ, nhưng đồng hàng dưới đôi mắt nhân lành của Thiên Chúa. Ngài không xét đoán chúng ta theo tài năng và công trạng nhưng chỉ xét đoán theo tình yêu của Ngài và chúng ta phải “lấy tình yêu đáp lại tình yêu” đó.

Nguyện xin Thánh Tâm Chúa Giêsu tuôn đổ những cơn mưa Tình Yêu của Người trong trái tim chúng con. Xin cho trái tim chúng con luôn rộng mở, để chúng con kín múc được những nguồn mạch thâm sâu của Tin Mừng. Một trái tim hiền lành biết mở ra đón nhận những đóng góp, phê bình của anh em. Một trái tim khiêm nhường biết từ bỏ cái tôi để tiếp thu những điều chưa biết thay vì tranh cãi, lí luận đủ điều để bảo vệ những thiếu sót, khiếm khuyết của mình.

Xin cầu chúc các anh em tân BCH các cấp trở thành những vị Tông đồ nhiệt thành loan truyền Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô cùng mở rộng Nước Chúa là Nước chan hoà ánh sáng Chân Lý và Tình Yêu, ánh sáng an bình. Amen.

Tháng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu 2017



Chủ Nhật, 16 tháng 4, 2017

CHẾT ĐI - SỐNG LẠI


Sống trên cõi đời, ai cũng phải đi qua hai cửa ải là sinh và tử. Khi lọt lòng mẹ, cất tiếng khóc chào đời cũng là lúc con người đang dần đi vào cửa tử, có người sớm, có người muộn. Cho nên “tham sống, sợ chết” là cái lẽ thường tình cho tất cả mọi sinh vật sống trên thế gian này.

Trong y học, chết là giai đoạn cuối cùng của sự sống. Chết được xem là sự chấm dứt các hoạt động của một sinh vật hay ngưng vĩnh viễn mọi hoạt động sống (không thể phục hồi) của mọi cơ thể. Tuy nhiên, ngoài cái chết thể lý, còn có những cái chết khác tùy thuộc vào các quan điểm tôn giáo, tín ngưỡng cũng như nhiều lãnh vực liên hệ.

Tín ngưỡng dân gian Việt Nam chúng ta quan niệm chết mà vẫn sống, mất mà vẫn còn (Sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn). Người chết vẫn còn sống, vẫn sinh hoạt bình thường ở cõi âm như người còn sống. Vì thế, có tục lệ đốt vàng mã, nhà cửa, xe cộ, quần áo, đầy tớ, v.v… để “chi viện” cho người chết.

Đức tin của người Công giáo dựa trên nền tảng Đức Kitô chết và đã sống lại. Ngay từ thời nguyên tổ, Ađam đã bất tuân lệnh Thiên Chúa ăn trái cấm để từ đó tội lỗi đã xâm nhập vào thế gian. Vì tội lỗi mà có sự chết và sự chết đã truyền tới mọi người. Tuy vậy, với tình yêu thương con người, Thiên Chúa đã ban ân sủng cứu độ nhờ người con duy nhất của Người là Ðức Giêsu Kitô. Thế là vì một người duy nhất đã sa ngã mà muôn người phải chết, thì nay cũng nhờ một người mà con người được hưởng sự sống muôn đời. (x. Rm 5, 12-19)

Sống lại là một sự kiện kỳ diệu nhất, bởi vì chưa hề có một người nào chết đi rồi mà được sống lại và không bao giờ chết nữa. Đây là một sự kiện quan trọng và là niềm hy vọng mới cho con người. Nếu Đức Kitô vẫn còn ở trong sự chết thì thập giá của Người quả là vô nghĩa và chẳng cứu độ được ai. Nếu Đức Kitô không sống lại thì tình yêu và đức tin của chúng ta chỉ là sự hoài tưởng về một con người đã chết hoàn toàn thuộc về quá khứ. “Nhưng không phải thế! Đức Kitô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu” (1Cor 15, 20).

Tin Đức Kitô đã chết và sống lại không phải là những lời nói suông, nhưng quan trọng hơn chính là chết đi và sống lại như Ngài, là trở thành môn đệ của Ngài trong mỗi ngày. Niềm tin ấy không chỉ dành cho riêng mình nhưng còn được loan báo cho những người xung quanh có liên hệ đến cuộc sống của mình.

Chết đi là chấm dứt mọi hoạt động của con người cũ, con người ích kỷ chỉ muốn mọi người phải chiều theo ý mình; con người vụ lợi chỉ muốn sống cho thỏa nguyện hạnh phúc của riêng mình. Con người cũ còn là con người xác thịt không hành động theo luật lương trí, sống buông thả cho mọi khuynh hướng sống. Đó là “Tất cả những người lấy cái bụng làm Chúa, những người đặt vinh quang của họ trong những việc chỉ làm cho họ xấu hổ vì chỉ thích những cái gì phàm tục” (Pl 3, 19).


Sống lại có nghĩa là sống một cuộc sống mới, một cuộc sống mà trước đó chưa từng sống: cuộc sống hoàn hảo, trọn vẹn, tươi đẹp và phong phú nhất. Đó là cuộc sống không còn dấu vết của chết chóc, đau thương sầu khổ nhờ cái chết và sống lại của Đức Kitô. Con người mới sống lại hiểu rõ và thực hiện thiên chức làm người của mình qua sự vâng phục làm trọn nhiệm vụ của mình ở đời này cho đến ngày chết.

Sống lại chính là từng giây từng phút “lột bỏ con người cũ” (Cr 3, 9), con người ích kỷ vụ lợi, không muốn “mình vì mọi người” mà chỉ muốn “mọi người vì mình”. Sống lại hôm nay chính là từng giây từng phút “mặc lấy con người mới” (Cr 3, 10), con người được sáng tạo theo hình ảnh của Thiên Chúa, sống vị tha quảng đại, trong sạch, gương mẫu và biết diệt trừ các tính hư nết xấu của mình.

Lạy Chúa Kitô Phục sinh, xin cho con được biết chết đi về tội lỗi mỗi ngày. Xin cho con được sống lại với một trái tim trong thần khí mới để con luôn sống theo các điều luật, tuân giữ và thi hành các mệnh lệnh của Người. Amen. Alleluia!

Mùa Chay – Phục Sinh 2017


http://gdpttthathocmon.org/?p=8218#more-8218

Chủ Nhật, 19 tháng 3, 2017

MẪU GƯƠNG GIUSE GIA TRƯỞNG



Ngày nay, khi nói đến từ “gia trưởng”, người ta thường nghĩ ngay đến một người đàn ông độc đoán, cứng nhắc, kiêu ngạo, áp đặt ý chí của mình lên người khác! Thật ra bản thân “gia trưởng” chỉ có nghĩa là người chủ gia đình.

Gia đình là tế bào của xã hội, gia đình có yên ấm hạnh phúc thì xã hội mới ổn định, đất nước mới hưng thịnh. Ngược lại, gia đình lục đục khiến xã hội rối ren, đất nước chậm phát triển.

Con người không thể sống cô độc, nhưng cần thiết phải biết nương tựa vào nhau. Khi chung sống quây quần bên nhau, cần có người đứng đầu, lãnh đạo. Gia đình cũng thế, trong lịch sử có những bộ tộc, dân tộc theo chế độ mẫu hệ dành vị trí này cho người phụ nữ. Nhưng thông thường – cũng như trong gia đình truyền thống Việt Nam - vị trí quan trọng này được dành cho người đàn ông, người cha trong gia đình.

Tùy theo nhận thức, trình độ học vấn, quan hệ xã hội … mà người gia trưởng khi điều hành gia đình được (hoặc bị) đánh giá tốt hoặc xấu. Quan niệm “tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” đều bắt nguồn từ việc “tu thân”, nghĩa là việc tu dưỡng đạo đức. Nhiều gia trưởng quá say mê trong việc hành xử quyền gia trưởng, quên việc tu thân nên đã vô tình tạo tiếng xấu cho từ “gia trưởng”.

Nhưng tu thân như thế nào thi tùy theo quan điểm tôn giáo, tín ngưỡng cũng như nhiều lãnh vực khác nhau. Đối với các gia trưởng Công giáo, mẫu gương tu thân tuyệt vời của Thánh Giuse bổn mạng đáng để chúng ta suy gẫm và thực hành. Ngài đã sống một cuộc đời bình thường của một gia trưởng, cầu nguyện và lao động để bảo vệ, nuôi dưỡng gia đình Nazaret.

Thánh nhân đã cầu nguyện liên lỉ suốt cuộc đời. Ngài luôn kết hiệp mật thiết với Chúa, đặc biệt là những khi gia đình thánh gặp phải sóng gió. Nhờ đó ngài luôn nhận ra thánh ý Chúa và mau mắn thi hành. Khi lo âu buồn phiền, khi mừng vui hoan hỉ, Giuse đều chạy đến cầu nguyện với Chúa để đón nhận thánh ý của Người.

Trong công việc thợ mộc, thánh Giuse tiếp xúc với nhiều người, làm những việc khác nhau tại xưởng nhà cũng như tại bất cứ nơi đâu người ta gọi tới. Dù có phải lao động đầu tắt mặt tối, đổ mồ hôi sôi nước mắt, …. Ngài vẫn không ngừng luyện tập để sống có trách nhiệm và đạo đức, luôn chọn những điều có ích cho người khác để làm gương cho “cậu bé” Giêsu.

Trong xã hội hiện đại, vai trò gia trưởng được thể hiện đa dạng và có nhiều thử thách khắc nghiệt hơn. Thật khó để chu toàn nhiệm vụ lãnh đạo, điều hành gia đình mà không bị mang tiếng là có “thói gia trưởng”. Có người nói rằng một người chồng tốt có thể là người cha tốt, nhưng một người cha tốt chưa chắc đã phải một người chồng tốt và cả hai trường hợp chưa chắc đã là một gia trưởng tốt!

Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi yết kiến chung ngày 28/1/2015 đã than phiền: “Thật buồn là trong xã hội hiện nay, chúng ta đang trải nghiệm một cuộc khủng hoảng nơi cương vị làm cha. Trong quá khứ, thông lệ phổ biến là nhận thức về hình ảnh người cha như là một người độc tài và đôi khi hà khắc; còn ngày nay, chúng ta có cảm tưởng về một sự không chắc chắn và lẫn lộn nơi vai trò của người cha”. Ngài kêu gọi những người làm cha phải có trách nhiệm, và cho rằng những bậc làm cha cần thiết phải nên như mẫu gương và người hướng dẫn cho con cái trong sự khôn ngoan và đạo đức.

Xin thánh Giuse bổn mạng phù hộ cho bậc gia trưởng, để họ có thể xây dựng gia đình mình thành cộng đoàn thờ phượng, ngôi nhà hiệp thông, mái ấm nuôi dưỡng và phát triển tình yêu khi thi hành những trách nhiệm là chồng, làm cha và làm chủ gia đình. Amen.

Mừng lễ kính Thánh Giuse bổn mạng 19/03/2017



http://gdpttthathocmon.org/

Thứ Hai, 27 tháng 2, 2017

TIỀN CỦA (SUY NIỆM CHÚA NHẬT TUẦN 7 TN A)


Sau những ngày nghỉ Tết, dòng người lại tấp nập trở về thành phố. Cuộc muu sinh lại tiếp tục vì các nhu cầu của đời sống. Ai cũng lo lắng sao cho có thể kiếm được thật nhiều tiền để thỏa mãn tối đa các nhu cầu sống. Hầu như mọi thứ trong đời sống vật chất đều có thể đánh đổi bằng tiền. Thậm chí tiền có thể mua cả một số giá trị tinh thần nếu như người ta muốn bán nó. Chính vì thế mà người ta đã ví von đề cao đồng tiền đến mức: “Tiền là tiên là Phật, là sức bật của tuổi trẻ, là sức khỏe của tuổi già, là cái đà danh vọng, là cái lọng che thân, là cán cân công lý …”. 

Ban đầu, người ta kiếm tiền để sống, nhưng càng ngày người ta càng muốn sở hữu nhiều hơn. Người đời thường hay "đứng núi này trông núi nọ" nên không ngại bỏ thời gian, công sức, bất chấp thủ đoạn, thậm chí bán rẻ lương tâm, đạo đức để theo đuổi mục đích kiếm cho thật nhiều tiền. Khi đó đồng tiền bắt đầu đóng một vai trò chính yếu, thậm chí còn quyết định đời sống sinh hoạt của con người.

Mặt tích cực của đồng tiền là có thể nâng cao dân trí, cải thiện đời sống xã hội. Nó mang lại niềm vui và hạnh phúc cho con người, nó có thể sửa xấu thành đẹp, có thể thay đổi cuộc đời nghèo khổ thành giàu sang tột bực. Nhưng cũng chính nó cướp đi niềm vui và hạnh phúc của con người, vì tiền thường đi liền với bạc: bạc tình, bạc nghĩa …. Dựa vào mãnh lực của đồng tiền, người ta có thể biến không thành có, đổi trắng thay đen hoặc trở nên kiêu căng ngạo nghễ, khinh dễ đồng loại.

Tục ngữ Pháp có câu: “Tiền có thể là một tên đầy tớ tốt, nhưng lại trở thành ông chủ xấu”. Khi người ta mù quáng lao vào kiếm tiền bằng mọi giá thì những giá trị khác của cuộc sống dễ dàng bị bỏ quên, không còn biết đến những gì đáng quý và quan trọng hơn, thậm chí đánh mất cả bản thân. “Mạnh vì gạo bạo vì tiền”, tiền bạc không những làm hư hỏng con người,  mà nó còn làm cho nhân loại lạc vào sa đọa, vì đồng tiền mà người ta sẵn sàng gieo đau khổ cho nhau và làm cho xã hội bất an, điên đảo.


Hiểu được lòng dạ của con người, Chúa Giêsu đã dạy cho cho chúng ta bài học: "Không ai có thể làm tôi hai chủ: vì hoặc nó sẽ ghét người này, và yêu mến người kia, hoặc nó chuộng chủ này, và khinh chủ nọ. Các con không thể làm tôi Thiên Chúa và tiền của được.” Chúa không khuyên chúng ta bàng quan với tiền bạc, nhưng Người muốn chúng ta đừng quá lao tâm tổn lực chạy theo đồng tiền mà quên đi những giá trị sống khác. Đừng để hết tâm trí vào việc tìm kiếm những giá trị tương đối mà hãy lo tìm những giá trị vĩnh cửu.

Những lo lắng của chúng ta là những cái lo trước mắt để kiếm tiền kiếm bạc, còn cái lo của Thiên Chúa là lo con người không quan tâm những điều nằm trong thánh ý của Người. “Vì thế Thầy bảo các con: Chớ áy náy lo lắng cho mạng sống mình: lấy gì mà ăn; hay cho thân xác các con: lấy gì mà mặc. Nào mạng sống không hơn của ăn, và thân xác không hơn áo mặc sao?”

Chúa không muốn ta sống vô lo, vô trách nhiệm. Người muốn chúng ta phải biết lo lắng, biết tính toán, biết hoạch định, biết phòng xa để cùng cộng tác với Người trong việc hoàn thiện và cứu độ thế giới. Là người Kitô hữu chúng ta phải tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa, Người luôn làm những điều tốt đẹp nhất cho chúng ta. Chim trời có giá trị không bao nhiêu, bông hoa ngoài đồng nay còn mai mất mà Chúa còn nuôi ăn, cho mặc đẹp. Huống chi con người là con cái Thiên Chúa lại không được Người quan tâm chăm sóc đặc biệt hơn những thứ phù vân đó?

Thế nên, chúng ta hãy tín thác vào Chúa. Hãy để cho Chúa hướng dẫn cuộc đời chúng ta. “ Vậy các con chớ áy náy lo lắng mà nói rằng: Chúng ta sẽ ăn gì, uống gì, hoặc sẽ lấy gì mà mặc? Vì chưng, dân ngoại tìm kiếm những điều đó. Nhưng Cha các con biết rõ các con cần đến những điều đó. Tiên vàn các con hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa và sự công chính của Người, còn các điều đó, Người sẽ ban thêm cho các con. Vậy các con chớ áy náy lo lắng về ngày mai. Vì ngày mai sẽ lo cho ngày mai. Ngày nào có sự khốn khổ của ngày ấy".

Ngày ngày, hãy dâng lên Thiên Chúa những lời kinh đền tạ vì những ơn lành Chúa đã ban và phó thác nơi Người những nỗi lo âu, vất vả trong cuộc sống. Hãy tín thác đời mình vào bàn tay Chúa quan phòng và thư thái nghỉ ngơi trong Chúa. Đừng quá mong cầu tiền của vì tiền của là thứ trao tay hết người này đến người khác không thể còn mãi được. Hãy chu toàn bổn phận của mình bằng những khả năng và hoàn cảnh Chúa ban. Hãy làm cho nén bạc đời mình sinh lợi thêm cho Chúa và để cuộc sống của chúng ta thực sự có ích cho tha nhân.

Lạy Chúa, chúng con tin vào sự quan phòng và phó thác đời sống trong tay Chúa. Xin Chúa chúc phúc cho những công việc chúng con làm để nuôi sống bản thân, gia đình và góp phần xây dựng xã hội. Xin cho chúng con biết dùng tiền của làm cho “danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”. Amen.

YÊU THƯƠNG (SUY NIỆM CHÚA NHẬT TUẦN 7 TN A)


Trong Tin Mừng Chúa Nhật VII thường niên, Chúa Giêsu tiếp tục giáo huấn môn đệ hoàn thiện luật cũ. Luật Mô-sê đòi hỏi phải yêu thương, nhưng luật Tân Ước của Đức Ki-tô dạy phải “yêu kẻ thù”. Tinh thần của luật cũ là “mắt đền mắt, răng đền răng” nhưng luật yêu thương mới mời gọi ta “cầu nguyện cho kẻ ngược đãi anh em”.  Chúa Giêsu dạy chúng ta phải yêu thương hết mọi người: kẻ thù của mình, kẻ ghét mình, kẻ ngược đãi và vu khống mình… để chúng ta được nên trọn lành giống như Chúa Cha trên trời.

Trong cuộc sống, chúng ta va chạm với nhau rất nhiều qua lời nói vô tình, cử chỉ vô ý …. Nếu chấp nhất, những việc đó có thể là nguyên nhân của chuyện thù ghét oán hờn. Tình yêu mà Chúa Giêsu đề nghị không khép kín nơi đồng bào hay những người thân nghĩa, mà còn đối với cả kẻ thù. Thật là khó! Bởi lẽ, trong tương quan con người với nhau, cách xử sự mà Chúa đề nghị trên đây sẽ bị coi là nhu nhược, yếu thế.

Trong bối cảnh xã hội đầy bon chen toan tính và loại trừ lẫn nhau, người ta dễ bốc đồng, hay dùng bạo lực để giải quyết những mâu thuẫn, muốn trả thù cho thỏa mãn tự ái, cho hả lòng tức giận. Người Kitô hữu  làm thế nào để giữ được lời dạy của Chúa? Nếu muốn có được sự yêu thương, trước hết, chúng ta phải học cách tha thứ. (Mẹ Thánh Têrêsa)

Nói tha thứ cho những kẻ xúc phạm và làm hại mình rất dễ trong lý thuyết nhưng rất khó trong thực hành, đến nỗi người ta đã thốt lên: “Sống để bụng, chết mang theo”. Tuy nhiên khó khăn không phải là không làm được, gương của Đức Giêsu xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ làm hại Ngài: Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Hay như gương bao nhiêu thánh nhân tử đạo cũng đã bắt chước Thầy Chí Thánh để cầu nguyện cho những kẻ bách hại mình.

Để có thể tha thứ, trước hết hãy nhớ mình cũng là kẻ có tội, vì vậy hãy tha thứ để được thứ tha. Kế đến phải nhớ rằng nếu không tha thứ, chính bản thân chúng ta là người chịu thiệt vì cứ nuôi mãi những điều ấm ức trong lòng. Và quan trọng nhất, tha thứ để chúng ta nên giống Chúa Cha trên trời, là Đấng hoàn hảo. Vì vậy chỉ những ai có sự thánh thiện mới dễ dàng tha thứ cho người khác, vì đó là đòi hỏi để họ được nên thánh.


Lạy Chúa, xin cho chúng con biết yêu thương như Chúa đã yêu thương. Yêu như Chúa yêu là không chỉ là yêu những người chúng con yêu mà là yêu cả những người đang ghét chúng con. Xin cho chúng con hàng ngày cũng biết tha cho kẻ xúc phạm chúng con và xin cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen.

GIỮ LUẬT (SUY NIỆM CHÚA NHẬT TUẦN 6 TN A)


Chu toàn lề luật là việc tốt, nhưng sẽ tốt hơn nhiều nếu sống đúng tinh thần của lề luật. Luật cũ gắn liền với giao ước giữa Thiên Chúa và dân Do Thái còn mang nặng tính cách hình thức, thích hợp với não trạng dân chúng vào thời ấy.
Luật mới gắn liền với giao ước giữa Đức Kitô và dân mới tức là Giáo Hội. Đây là luật tình thương, gắn liền với sự kết hợp thân mật giữa cá nhân với Đức Kitô. Đây cũng là luật vượt trội hơn luật cũ và bổ túc cho luật cũ, vì phải có đức tin và tình mến sâu xa nơi Đức Kitô.
Chúa Giê-su đòi hỏi các môn đệ không dừng lại ở những việc tuân giữ luật một cách hình thức mà đòi hỏi một tinh thần tuân thủ, xuất phát tự nội tâm, tự cõi lòng và trở nên nguồn gốc cho mọi tư tưởng, lời nói và việc làm.
Hãy yêu mến Thiên Chúa hết tâm hồn, hết trí khôn là một sự đòi hỏi gắt gao. Chính vì thế, khi giữ luật, Chúa Giêsu đòi chúng ta phải chính trực hơn các luật sĩ và biệt phái thì mới được vào Nước Trời.
Luật yêu thương của Đức Kitô đòi hỏi ta phải giữ luật không chỉ bề ngoài mà tận trong tâm hồn vì có lòng giận ghét đã là đã giết người, có ý muốn ngoại tình đã là ngoại tình trong tư tưởng rồi. Phải bao dung hơn vì không còn “mắt đền mắt, răng đền răng”  nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa. Phải triệt đề hơn vì nếu mắt phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mà ném đi;  nếu tay phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy chặt mà ném đi. Tóm lại luật yêu thương đòi hỏi ta phải công chính hơn tới mức hoàn thiện “như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48)
Quan niệm sai lầm và hẹp hòi về sống đạo chỉ là đi nhà thờ, xem lễ và giữ những việc luật buộc vẫn tồn tại trong chúng ta. Bởi thế mỗi người chúng ta hãy tự vấn lương tâm xem luật Chúa đối với chúng ta là một gánh nặng hay là gánh nhẹ nhàng. Chúng ta đã giữ luật Chúa với tinh thần nào: qua loa chiếu lệ hay là vì lòng yêu mến Chúa.

Lạy Chúa, xin đừng để chúng con tự mãn vì đã chu toàn những gì luật buộc, nhưng xin giúp chúng con biết làm mọi việc chỉ vì mến Chúa và yêu người. Amen.

MUỐI VÀ ÁNH SÁNG (SUY NIỆM CHÚA NHẬT TUẦN 5 TN A)


Cả hai hình ảnh muối và ánh sáng đã được Chúa Giêsu dùng để nói lên sứ vụ truyền giáo của người môn đệ. Người ta dùng muối để nêm nếm thức ăn là thứ gia vị làm cho món ăn thêm đậm đà, ngon miệng và  còn dùng nó để ướp thức ăn cho khỏi hư hỏng thối rữa. Các môn đệ của Chúa được kêu gọi phải là muối mặn để ướp cho thế gian khỏi sa ngã, khỏi hư hỏng.

Môn đệ Chúa còn phải là ánh sáng chiếu giãi thế gian. Người ta không thắp đèn rồi để nó xuống đáy thùng nhưng đặt trên giá cao để soi sáng cho cả nhà. Môn đệ của Chúa sống giãi sáng trước mặt tha nhân tức là phải nêu gương sáng, làm việc lành trước mặt người đời để họ xem thấy những việc lành ấy mà ngợi khen cha trên trời.  

Cuộc đời mỗi Kitô hữu là 1 ngọn nến sáng. "Các con là sự sáng thế gian. Một thành phố xây dựng trên núi, không thể che giấu được. Và người ta cũng không thắp đèn rồi để dưới đáy thùng, nhưng đặt nó trên giá đèn, hầu soi sáng cho mọi người trong nhà. Sự sáng của các con cũng phải chiếu giãi ra trước mặt thiên hạ, để họ xem thấy những việc lành của các con mà ngợi khen Cha các con trên trời".

Để giữ ngọn lửa tâm hồn luôn cháy sáng, chúng ta được mời gọi tham dự và chia sẻ trong cuộc sống thường ngày: gương mẫu trong gia đình và mối quan hệ hàng xóm láng giềng, đồng nghiệp …. Nhất là khi chúng ta được mời gọi tham gia công việc bác ái và tông đồ của các đoàn thể, của giáo xứ dù là một công việc đơn sơ, thầm lặng nhất như quét dọn nhà thờ …

Nhưng có nhiều lúc ngọn lửa lại dần tàn lụi. Tàn lụi khi con người cảm thấy tự mãn với những việc mình đã cống hiến, tàn lụi khi ta so đo hơn thiệt với những người anh em và thậm chí để mưu cầu lợi ích riệng tư nào đó. Có những người tự hào vì những đóng góp của mình và sau khi được “ghi tên bảng vàng” lại rút lui trong khi mình vẫn còn điều kiện và khả năng cống hiến.

Lại có những khi “chất mặn” trong ta lại nhạt dần chỉ vì ý nghĩ mình phải được tôn trọng hơn vì mình đóng góp nhiều hơn và tệ hơn là mục đích mình tham gia các đoàn thể, các công việc của Giáo xứ để tự đánh bóng mình, để lấy oai trong những ngày lễ lớn còn những sinh hoạt thầm lặng thường ngày thì để người khác làm với lí do “tôi bận lắm”. "Các con là muối đất. Nếu muối đã lạt, người ta biết lấy gì mà ướp cho mặn lại? Muối đó không còn sử dụng vào việc chi nữa, chỉ còn ném ra ngoài cho người ta chà đạp lên nó”.


Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con được như ngọn nến chấp nhận tiêu hao để thắp sáng cuộc đời Kitô hữu. Xin cho chúng con luôn được là những hạt muối Kitô ướp cho cuộc đời luôn mặn nồng. Xin cho ánh sáng cây nến rửa tội luôn cháy mãi trong chúng con để chúng con biết yêu thương và phục vụ cộng đoàn dân Chúa không ngơi nghỉ với khả năng nhỏ bé của mình. Amen.

Thứ Sáu, 27 tháng 1, 2017

TẢN MẠN GIAO THỪA

Đêm trừ tịch, mọi tất bật lo toan cho những ngày Tết hầu như đã xong, vạn vật không gian như chùng xuống để đón chờ những giây phút tống tiễn năm cũ và nghênh đón năm mới. Theo tục lệ từ trước đến nay, đêm nay là đêm quan trọng không kém ngày đầu năm, là đêm canh thức để chuẩn bị đón mừng tổ tiên về cùng đón giao thừa, ăn Tết.

Người Việt Nam rất có nghĩa tình, cho dù phải trải qua nhiều rủi ro trắc trở hoặc tài vận hanh thông, mọi người vẫn tiễn đưa năm cũ với tấm lòng biết ơn vì được Trời Đất cho hưởng lộc sống trọn vẹn năm qua.

Người Công giáo cũng hòa mình vào tục lệ truyền thống của dân tộc, người người tham dự Thánh lễ tạ ơn được cử hành trước giây phút giao thừa để cảm tạ Thiên Chúa vì những hồng ân đã nhận lãnh trong năm vừa qua và cầu xin những ơn phúc cho năm mới đang tới.

Bỏ lại sau lưng bao niềm vui - nỗi buồn, thành công - thất  bại, bao điều mãn nguyện cũng như thất vọng năm cũ. Ai cũng nao nức hướng tới năm mới với tâm nguyện “cầu sung dzừa đủ xài” như mâm ngũ quả truyền thống được chưng trên bàn thờ ngày Tết.

Theo quan niệm dân gian, con số năm gồm số chẵn 2 tượng trưng cho sự cân bằng âm dương tạo thành thái lưu hay nguồn gốc của vạn vật, kết hợp với số lẻ 3 tượng trưng cho tam đa (đa phúc, đa lộc, đa thọ) nên ngày Tết người ta thường hay chúc nhau được ngũ phúc lâm môn.

Ngũ phúc lâm môn là năm điều phúc đến nhà gồm trường thọ (sống lâu, không bị chết yểu, chết non), phú quý (nhiều tiền nhiều của, địa vị cao quý), khang ninh (thân thể khoẻ mạnh, tâm hồn yên ổn), hiền đức (lương thiện, nhân hậu, bình tĩnh), thiện chung (chết lành, thân thể không đau đớn vì  bệnh tật, trong lòng không vương vấn và phiền não, ung dung tự tại rời khỏi nhân gian). 

Nhưng hạnh phúc sao nổi khi kiếp nghèo, kiếp mạt, kiếp nô lệ, kiếp phụ thuộc … vẫn còn đầy dẫy trong xã hội. Bao mùa Xuân đã qua đi nhưng lời cầu chúc vẫn còn nguyên vì đó là mơ ước của con người. Đức Giêsu trong Tin Mừng Thánh lễ tạ ơn Giao thừa đã công bố bát phúc có vẻ “khó nghe”, chẳng mấy phù hợp với não trạng và mơ ước của con người.


Thay vì chúc nhau phú quý thì Đức Giêsu lại ban phúc cho những ai có tâm hồn nghèo khó vì Nước Trời là của họ. Phúc nghèo không phải là sự mỉa mai mà là tinh thần biết sống “nghèo cho sạch, rách cho thơm”. Không tham, không ham của người vì sgiàu có làm cho tâm hồn chúng ta chất đầy tự mãn, chỉ lo tích cóp của cải trần gian và không còn chỗ tiếp thu Lời Chúa.

Trong thế giới chồng chất những bon chen, cạnh tranh, ganh ghét… những người ăn ở hiền lành xem ra không được khôn ngoan cho lắm. Người hiền lành thường bị coi là kẻ yếu thế, nhu nhược. Họ thường bị ức hiếp, chịu bất công, sầu khổ, nhưng theo Tin Mừng lại là người có phúc.

Nghịch lý của mối phúc không phải là sự gồng mình cam chịu những nghịch cảnh phi lý, mà là sự đón nhận thử thách bằng nội tâm của mình. Người “hiền” là người biết sống vì người khác. Dám chấp nhận đau khổ như quà tặng của Thiên Chúa ban vì thế họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.

Ta thường tin rằng hạnh phúc, niềm vui và giải trí là những điều tốt nhất trong cuộc sống. Và xem những nỗi đau trong gia đình, những bệnh tật … là điều “phiền não”, bất hạnh. Con người không muốn đau khổ, thích lờ đi những tình huống đớn đau và cố che giấu chúng. Nhưng “phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an”, chỉ có những có tâm hồn sầu khổ mới dám đối diện với chúng và mới hiểu thế nào là được Thiên Chúa ủi an và ban hạnh phúc.

Với chủ nghĩa vị kỷ, hưởng thụ, con người rất dễ đi vào những con đường bất chính và thường ngụy biện rằng: ngày nay nó phải thế! Họ khéo léo luồn lách, chạy chọt, giẫm đạp lên bao nhiêu người để thỏa mãn lợi ích cá nhân và khiến bao người phải chịu đau khổ, bất công.

Chỉ có những ai khát khao nên người công chính thì mới được Thiên Chúa cho thoả lòng. Và những người tâm hồn trong sạch, có trái tim tinh khiết, biết yêu thương một cách tinh ròng, không hai lòng, không bụi bẩn rồi ra sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.



Nhưng không chỉ có thế, con người còn phải sống chung với nhau và vì nhau nên còn cần phải yêu thương tha nhân, vun đắp mối tình nhân ái, cũng như sẵn sàng dấn thân, bảo vệ làm chứng cho sự thật, đạo Chúa. Theo dòng lịch sử biết bao người đã bị bách hại, và tiếp tục bị bách hại chỉ đơn giản là vì họ đã sống công chính và chiến đấu cho công lý. 

Năm 2016 đã khép lại với sự cảnh giác cao độ về hiểm họa khủng bố, vẫn còn đó niềm mơ ước về một thế giới hòa bình. Nhưng không chỉ là khủng bố, giết chóc. Trong cộng đồng xã hội ngày nay – như ĐGH Phanxicô đã nói - đầy dẫy những kẻ gây chiến và những người “ngồi lê đôi mách”, thủ phạm gây ra nhiều hiểu lầm!

Họ nghe ngóng điều gì đó từ người này, và tức thời đi “tám chuyện” với người khác, thêm thắt thành những “chuyện giật gân” để dè bỉu, khích bác …. Họ không được phúc xây dựng hòa bình, không phải là con Thiên Chúa dù có vỗ ngực xưng tên là Kitô hữu.

Người ta thường có thói quen làm ngược điều bát phúc: không xót thương nhưng muốn được thương xót, không đóng góp mà muốn hưởng quyền lợi. Con người vừa muốn ngũ phúc lâm môn nhưng lại vừa muốn được hạnh phúc Nước Trời!

Đức Giêsu đã đưa ra hệ quả: đặt bát phúc là hạnh phúc thánh thiêng. Mối phúc trong Tin Mừng phải ở bậc cao hơn mối phúc mà ngươi ta vẫn chúc nhau. Chỉ có Thiên Chúa mới là hạnh phúc vĩnh cửu, nhờ Ngài mà mối phúc Nước Trời được mở ra để đón tiếp những ai biết sống và dấn thân.

Vậy, hãy thanh thản để lòng mình cộng hưởng với những tiếng chuông ngân báo hiệu thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới. Hãy phó thác những ưu phiền lắng lo vào tay Chúa quan phòng và đặt trọn niềm tin vào sự vần xoay của Ngài để khởi đầu những điều tốt đẹp trong năm mới.

Xin Chúa Xuân ngự trị trong mỗi gia đình, mỗi người, nhất là những người trẻ sắp bước vào đời sống hôn nhân gia đình. Xin cầu chúc mọi người biết lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa (Lc 11,28) để xứng hưởng bát phúc lâm môn trong suốt năm Đinh Dậu.