Thứ Sáu, 29 tháng 8, 2014

Monica Nữ Thánh



Mừng lễ Thánh Monica – Quan thầy các bà mẹ Công giáo Việt Nam 2014


Giòng nước mắt
Đẫm lời kinh khấn nguyện
Mười tám năm
Giọt mặn, đắng tuôn rơi
Tình thảo hiếu
Âm thầm hi sinh chịu
Tình phu thê
Trông chờ bước quay về
Tình mẫu tử
Mẹ bên con từng bước
Mẹ tuyệt vời
Vợ kiên nhẫn đảm đang.
Chồng trở lại
Đạo chính chuyên thờ Chúa
Chết an lành
Trong lòng Chúa xót thương.
Con yêu dấu
Quay về theo chân Chúa


(Augustin,
Vị Thánh đầy nhiệt tâm
Nhà giảng thuyết
Chống tà thần, lạc giáo).
Mẹ yên lòng
Thanh thản Chúa đưa về
Để lại đời
Tiếng vang danh muôn thuở
Trong gia đình
Là hiền mẫu, hiền thê
Trước mặt Chúa
Luôn liên lỉ nguyện cầu.

Xin nữ Thánh
Cầu bầu cho người mẹ
Luôn vẹn toàn
Trung nghĩa với ơn thiêng
* Giúp gia đình
Thành cộng đoàn cu nguyện,
Sống tình yêu
Trong hợp nht thủy chung,
Cùng hiệp nhất
Để phục vụ sự sống
hăng say
Luôn loan báo Tin Mừng
Tiếp bước theo
Gương lành thánh của người
Hạnh phúc sao
Gia đình yêu kính Chúa!
Monica
Con mừng hát khen người.

* Thư Chung của HĐGMVN ngày 10/10/2013, năm Tân Phúc âm hóa Gia đình.

Đã đăng trên website:
http://www.thanhlinh.net/node/76628

Chủ Nhật, 24 tháng 8, 2014

Mônica - Hiền mẫu gia đình

Dù ở Châu Phi hàng ngàn năm trước
Người vẫn đầy chất Á Đông phụ nữ Việt Nam:
“Công, Dung, Ngôn, Hạnh” và “Tam tòng, Tứ đức”
Một người vợ, người mẹ đầy lòng tin
Bao la tình yêu không mỏi mệt
Luôn âm thầm hy sinh, kiên trì, chịu đựng
Trong nước mắt của nguyện cầu
Bảo vệ hạnh phúc gia đình qua tính nết hiền lành và đạo đức
Bi quyết đơn giản thôi nhưng rất nhiệm mầu.

Con biết về người qua “Tự Thú” của Augustine
Đạo đức, yêu thương tha nhân, chia sẻ với người nghèo
Lấy nguyện cầu làm hạnh phúc cho đời mình
Biến những phút giây ấy thành phút giây cứu độ
Cho chính mình và cho người khác tin theo
Luôn chứng tỏ người có Chúa ở cùng
Ở nơi người tín đức mãi giương cao
Liên lỉ nguyện cầu xin ơn cứu độ
Ròng rã suốt mười tám năm trời
Bao nhiêu giọt mặn, đắng tuôn rơi:
Cho người chồng khô khan nóng nẩy
Bà mẹ chồng ưa gắt gỏng nàng dâu
Và người con thông minh nhưng bướng bỉnh
Trở lại đường ngay tin kính Chúa Trời.
Chính những giọt nước mắt chân tình, đau khổ
Đầy tình yêu thấm đẫm những lời kinh
Chúa đã khứng nhận Đức Tin mãnh liệt
Cho mọi người trở lại Chúa cao quang
Và hơn thế - Augustine – vị đại thánh
Luôn nhiệt thành chống lạc giáo tà thần
Việc Chúa làm thật vĩ đại dường bao!

Lạy Thánh Monica xin người bầu cử
Cho các người vợ, người mẹ có đời sống thánh thiện,
Biết coi trọng việc giáo dục con cái mình
Bằng đời sống gương mẫu của bản thân
Hiền lành, yêu thương và nhẫn nhục
Để hướng dẫn gia đình trong tình thương Thiên Chúa.
Cầu xin Chúa cho các bà mẹ công giáo
Luôn có tấm lòng quảng đại, kiên nhẫn và yêu thương
Biết noi gương tinh thần đạo đức của thánh nhân
Biết lắng nghe và thực thi Lời Chúa dạy
Qua những giáo huấn của Hội thánh Chúa Kitô.

Lễ Thánh Monica 27/08/2013

Đã đăng trên các website

Thứ Năm, 14 tháng 8, 2014

Thơ: Mẹ về trời


Mẹ về trời trong ánh quang vàn rực rỡ
Lớp lớp thiên thần nghênh rước tung hô
Con yêu dấu – Chúa Giêsu đón Mẹ
Cả xác hồn được Thiên Chúa cất lên

Mẹ về trời, xưa mẹ Chúa Kitô
Mẹ Thiên Chúa nay hiển vinh tuyệt mỹ
Chốn Thiên Đàng, nơi trần thế hỉ hoan
Tung hô Mẹ Nữ Vương cả trời đất

Mẹ về trời vẫn vẹn toàn trinh khiết
Dù mang thai Con Chúa rất uy quyền
Và hạ sinh Đấng Cứu Tinh nhân loại
Theo quyền năng Thiên Chúa đã an bài

Mẹ về trời tội riêng không vương vấn
Tội tổ tông không hề bén gót chân
Bởi Thiên Chúa luôn yêu thương gìn giữ
Thuở đời đời cho nhận lãnh đặc ân

Mẹ về trời sau trần gian sống thánh
Luôn xin vâng hợp tác với ơn thiêng
Đầy ơn phúc vì Thiên Chúa ở cùng
Và làm cho biết bao điều cao cả

Mẹ về trời nhưng vẫn đang dìu dắt
Đỡ nâng con trong kiếp sống lữ hành
Thắng ác thần kinh Mân Côi huyền nhiệm
Được chết lành trong giờ phút lâm chung

Mẹ về trời xin cầu bầu cùng Chúa
Ngày cánh chung khi phán xét xác, hồn
Con được hưởng phúc trường sinh bất diệt
Mãi tụng ca Thiên Chúa nơi thiên đường.

Lễ Đức Mẹ linh hồn và xác lên trời 15/ 8/2014

Đã đăng trên website:

Thứ Hai, 11 tháng 8, 2014

XIN VÂNG THEO MẸ VỀ TRỜI

Hình ảnh đẹp lung linh huyền nhiệm của người phụ nữ trong Thánh Kinh : “Kìa bà nào xuất hiện như rạng đông, diễm kiều như vầng nguyệt, lộng lẫy tựa thái dương, oai hùng như đạo binh chỉnh tề hàng ngũ” (Dc 6,10), “Có một điềm lớn xuất hiện trên trời : một Phụ nữ, mình khoác mặt trời, chân đạp vầng trăng, và đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao” (Kh 12,1) là hình bóng Đức Maria đón nhận ý Chúa qua sứ mạng thập giá đời mình bằng lòng tin của Mẹ.
Tin Mừng theo Thánh Luca (1, 39-56) ngày lễ Đức Mẹ lên trời đã kể lại việc làm đầy ý nghĩa của Mẹ: nối kết tình yêu Thiên Chúa với tình yêu thương người là đi thăm bà Elisabeth. Mẹ đã nối kết niềm vui với lòng mến. Mẹ đã tạ ơn Chúa trong sâu thẳm nội tâm mình và bật thành lời qua bài ca Mangificat:
“Linh hồn tôi ngợi khen Thiên Chúa
Thần trí tôi hớn hở vui mừng
Vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.
Phận nữ tỳ hèn mọn,
Người đoái thương nhìn tới.
Từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc”.
Niềm tin đã làm Mẹ trỗi vượt hơn mọi người trần thế. Mẹ xác quyết xin vâng theo ý Chúa chứ không bắt Chúa phải theo ý của mình. Đón nhận ý Chúa bằng lòng tin là luôn sống đẹp lòng Chúa trong sự giằng co của cái tôi chính mình. Niềm tin ấy giúp Mẹ biết từ bỏ chính mình, quên mình vì Chúa và vì hạnh phúc con người. Khi đón nhận hai tiếng xin vâng, Mẹ luôn đón nhận mọi thăng trầm của cuộc sống trong bình an. Mẹ luôn bình an khi được trao ban sứ mạng, dù biết trước sứ mạng ấy sẽ gây đớn đau rướm máu cho người Con yêu dấu của mình. Sự bình an ấy nằm trong lời chúc tụng: ”Linh hồn tôi ngợi khen Thiên Chúa”. Linh hồn tôi là chính tôi, trọn vẹn con người tôi, cuộc sống tôi. Có bình an mới có khả năng dấn thân tốt, làm sao có thể dấn thân khi lòng mình bất an, chênh vênh bất ổn!
Mẹ đã nhận ra nhu cầu đem Chúa đang hiện diện trong cung lòng mình đến với người chị họ Elizabeth. Bà Elizabeth đã ca ngợi Mẹ Maria là người diễm phúc hơn hết mọi phụ nữ vì bà nhận biết Mẹ là kẻ đã tin mọi điều Chúa truyền phán cho Mẹ sẽ thành hiện thực. Lời ca ngợi của bà Elizabeth cũng giống như lời ca khen của một phụ nữ: "Phúc cho lòng dạ cưu mang Ngài và vú Ngài đã bú" (Lc 11, 27-28) Sau khi chấm dứt cuộc đời dương thế, Mẹ được Thiên Chúa cất về trời cả xác và hồn. Mẹ lên trời để xin Chúa chuẩn bị con đường cho chúng ta về trời. Con đường về trời không xa mà cần có sự chuẩn bị lối sống ngay tại trần gian này. Cần tập sống đạo bằng chiều sâu của bình an như Mẹ, chứ không phải bằng chiều cạn chông chênh cảm tính. Sống làm sao để thích nghi với Thiên Đàng trong lòng mình, xin vâng theo thánh ý Chúa trong tất cả mọi sự, lúc ấy chúng ta mới có thể thanh thản theo mẹ “về Trời”.
Xin Mẹ ban cho chúng ta ơn can đảm sống thánh giống như mẹ, xin dâng tất cả lòng cậy trông, tin yêu phó thác nơi Thánh Tâm Chúa để tạ ơn trong mọi sự. Amen.
Lễ kính Đức Mẹ linh hồn và xác lên trời 15/08/2014

Bài đã đăng trên website:  

Chủ Nhật, 10 tháng 8, 2014

Vu lan – Nhớ Mẹ trên trời

Tháng 7 Âm lịch với những cơn mưa dầm dề như nước mắt của Ngưu Lang và Chức Nữ sướt mướt tiễn biệt, sau khi được gặp nhau hằng năm vào đêm mùng 7. Đây cũng là thời gian các tín đồ Phật giáo bước vào mùa báo hiếu với đỉnh cao là lễ Vu lan tổ chức vào giữa tháng. Vu lan, còn được hiểu là lễ báo hiếu, là một trong những ngày lễ chính của Phật giáo. Lễ này trùng với Tết Trung nguyên của người Hán, và cũng trùng hợp với ngày Rằm tháng 7 xá tội vong nhân theo phong tục Á Đông. Đây là một đại lễ báo hiếu cha mẹ, ông bà, tổ tiên đã khuất – một tập tục đáng quý, đáng trọng của người Việt, thể hiện tấm lòng “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.

Trong ngày này, các Phật tử khi lên Chùa lễ Phật thường cài trên ngực áo một bông hoa: "Nếu anh còn mẹ, anh sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo, và anh sẽ tự hào được còn mẹ. Còn nếu anh mất mẹ, anh sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng. Người được hoa trắng sẽ thấy xót xa, nhớ thương không quên mẹ, dù người đã khuất. Người được hoa hồng sẽ thấy sung sướng nhớ rằng mình còn mẹ, và sẽ cố gắng để làm vui lòng mẹ, kẻo một mai người khuất núi có khóc than cũng không còn kịp nữa". (Theo tản văn Bông hồng cài áo của Thiền sư Thích Nhất Hạnh)

Tháng 7 Âm lịch cũng tương ứng với tháng 8 theo lịch Gregorien mà ta gọi là Dương lịch. Trong tháng này, người Công giáo cũng có một lễ trọng vào giữa tháng là lễ Đức Mẹ linh hồn và xác lên trời. Mỗi người Công Giáo, ngoài người mẹ trần thế - người mẹ mà khi người khuất núi, ta thấy xót xa, nhớ thương không nguôi và được cài trên áo một bông hoa trắng - còn có một người Mẹ chung của cả nhân loại luôn yêu thương, chăm sóc chúng ta suốt cuộc đời. Mẹ có mặt trong cuộc đời chúng ta không chỉ là linh hồn mà còn cả thân xác, đó chính là Đức Trinh Nữ Maria trọn đời đồng trinh. Người mẹ E-và của nhân loại đã từ bỏ Thiên Đàng khi nghe lời con rắn rủ rê chồng cùng mình nếm thử trái cấm và từ đó “Ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn, cho đến khi trở về với đất, vì từ đất, ngươi đã được lấy ra. Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất." (St 3,19). Trong lúc trần truồng trốn chạy khi biết mình phạm tội, E-và biết mình đã đánh mất thiên chức làm mẹ chúng sinh khi Thiên Chúa phán với con rắn: “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó." (St 3,15).

Cũng chính vì tội tổ tông mà khi từ giã cuộc sống trần thế, thân xác con người sẽ phải mục nát và trở về kiếp tro bụi. Sau khi đã mãn cuộc đời dưới đất, Mẹ đã được Chúa đưa cả hồn và xác về trời vì Mẹ là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội không hề mắc tội tổ tông và cũng không hề có tội riêng, vì suốt cuộc sống thánh thiện Mẹ hằng luôn hợp tác với ơn Chúa. Mẹ không hề phạm tội, nên thân xác Mẹ, cũng như thân xác Chúa Giêsu không bị huỷ hoại tiêu tan. Thân xác Mẹ trực tiếp đi từ tình trạng dương thế qua tình trạng vinh quang mà không bị hủy hoại, mục nát. Không giống như các Phật tử khi mất mẹ trở thành người mồ côi và ngậm ngùi nhận lấy bông hồng trắng trong ngày Vu lan với lời thơ tiếc nuối:

“Còn đâu cài đoá bông hồng,
Giờ đây dáng mẹ, chìm trong ngút ngàn.”

Người Công giáo chúng ta có niềm tin chắc chắn vào Đức Kitô Phục sinh. Đức Kitô là khởi đầu của những người sống lại, và Đức Maria là khởi đầu của những người được cứu rỗi, là người đầu tiên giữa “những người thuộc về Đức Kitô” đã sống lại. Đức Mẹ về trời là ấn tín bảo đảm cho những ai tin vào Đức Kitô cũng sẽ được sống lại - dù sẽ phải trải qua một thời kỳ huỷ hoại, mục nát - và lên trời sau khi hoàn tất cuộc sống lữ hành trần gian. Sự bảo đảm đó chỉ thành hiện thực nếu chúng ta luôn luôn cầu nguyện và tuân theo chỉ dẫn của Mẹ: sống vâng phục thánh ý Chúa (Lc 1,38). Chỉ một câu kinh Kính mừng, chúng ta ca tụng mẹ là Đấng đầy ân phước để rồi từ đó chúng ta xin Mẹ gìn giữ chúng ta khỏi mọi hiểm nguy trong cuộc đời. Bắt chước Mẹ xác quyết xin vâng theo ý Chúa chứ không bắt Chúa phải theo ý của mình. Đón nhận ý Chúa với lòng tin là luôn sống vâng phục và đẹp lòng Chúa trong sự giằng co của cái tôi chính mình, đón nhận mọi thăng trầm của cuộc sống trong bình an phó thác.

Trong tâm tình hân hoan mừng kính Đức Mẹ linh hồn và xác lên trời, chúng ta vui mừng cài một bông hoa màu hồng trên áo vì có một người Mẹ bất tử, một người Mẹ ở trên thiên quốc luôn sẵn lòng ban ơn cho con cái khi chúng kêu xin. Một người Mẹ đã đi qua biết bao thăng trầm của dòng đời để có thể hiểu hết những khó khăn của con người. Mẹ đã hiểu và chắc chắn Mẹ sẽ chia sẻ với chúng ta những khó khăn trong cuộc đời. Vì thế, chúng ta hãy cầu xin Chúa cho chúng ta - nhờ lời Mẹ chuyển cầu - sống cuộc đời thánh thiện đẹp lòng Chúa, xa tránh mọi tội lỗi, mọi dịp tội, để sau cuộc lữ hành trần thế này, chúng ta cũng được về trời hưởng phúc Thiên Đàng cùng Mẹ và các Thánh với niềm tin:

Mẹ về trời, con không mất mẹ
Mẹ về trời, dọn chỗ cho con
Mẹ về trời, khẩn cầu cùng Chúa
Cho chúng con được phúc Thiên Đàng. 

Mùa Vu Lan 2014

Đã đăng trên website

Thứ Tư, 6 tháng 8, 2014

Kí sự: GĐPTTT CGS Giáo xứ Trung Mỹ Tây, Hóc Môn hành hương năm Đức Tin - Kỉ niệm 2 năm thành lập

Từ lúc 4g00 sáng ngày 13/06/2013, các anh chị em đoàn viên đã tụ tập đông đủ tại Thánh Đường Giáo xứ cùng nhau dâng ngày hành hương cho Thánh Tâm Chúa Giêsu trong Thánh lễ do Cha phụ tá JB. Đào Quốc Chung chủ tế. Đúng 5g00, khi trời còn tờ mờ sáng, đoàn đã khởi hành trong sự rộn ràng, hân hoan, phấn khởi. Trên xe, bác xứ đoàn trưởng đã giới thiệu chương trình và sơ nét về địa điểm hành hương gồm có: Đài Đức Mẹ Lộ Đức thuộc giáo xứ Long Hương, Nhà thờ Chánh toà - tòa Giám mục Bà Rịa và Nhà thờ mồ kính các vị tử đạo Bà Rịa. Để bảo đảm sức khỏe cho chuyến đi, ông đoàn phó đã phân phối đến tận tay từng thành viên khẩu phần ăn sáng và nước uống. Sau khi ăn sáng, Cha phụ tá đã mời gọi toàn thể thành viên cùng đọc kinh cầu nguyện cho chuyến hành hương và sau đó là phần văn nghệ với những bài hát sinh hoạt đạo-đời theo từng tràng pháo tay vang lên rộn rã.
Lúc 7g 45 đoàn bắt đầu chinh phục đỉnh núi Dinh với 320 bậc thang để tiến lên tượng Đức Mẹ và Thánh giá được Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống làm phép ngày 07/07/2011. Được biết đài Đức Mẹ Lộ Đức thuộc giáo xứ Long Hương được xây dựng từ năm 1960 tuy chưa được xếp vào danh sách các trung tâm hành hương của Giáo phận Bà Rịa nhưng là nơi giáo dân và ngay cả các du khách thích dừng chân để tham quan và cầu nguyện. Đường lên với Thánh giá Chúa và Mẹ thật dài và mệt mỏi với 14 chặng đàng Thánh giá được xây dựng dọc theo lối đi. Đoàn phải dừng lại nhiều lần để nghỉ mệt và cũng để chụp hình ghi lại những cảnh quan lân cận tuyệt đẹp từ trên cao. Sau khi đã tập trung đầy đủ, Cha phụ tá cùng toàn thể thành viên đã cùng dâng lên Chúa và Mẹ Maria những lời kinh, những lời khấn nguyện cho Giáo xứ, cho GĐPTT cùng những người thân trong gia đình. Giờ kinh nguyện chấm dứt với phép lành toàn xá và bài hát “Mẹ ở con về” tha thiết ngân vọng theo từng bước chân đoàn hành hương xuống núi. Tại chân núi đoàn đã được đại diện giáo xứ Long Hương trao tặng những chai “Nước phép núi Đức Mẹ giáo xứ Long Hương” như một món quà của Mẹ cho đoàn con thỏa cơn khát. Xin cám ơn giáo xứ Long Hương và chào tạm biệt với những cái bắt tay siết chặt hẹn ngày gặp lại.
Đoàn tiếp tục thăm viếng Nhà thờ Chánh toà và tòa Giám mục Bà Rịa. Tại đây Cha phụ tá liên hệ để đoàn có thể chào và ra mắt Đức Cha Tôma Nguyễn Văn Trâm - Đức Giám mục tiên khởi của Giáo phận Bà Rịa. Nhưng rất tiếc vì Đức Cha mới được giải phẫu còn đang tĩnh dưỡng nên đoàn không dám làm phiền và kính gởi lời chào, thăm hỏi Ngài thông qua Cha phụ trách văn phòng tòa Giám Mục. Nhà thờ Chánh toà giáo phận nổi bật hẳn với hai ngọn tháp cao 45 mét trong màu đá hoa cương trang trọng với sáu quả chuông có đường kính từ 60 cm đến 114 cm. Bước qua cổng sân tiền đình là tượng đài Đức Maria Mẹ Thiên Chúa, Bổn mạng Giáo phận và là Tước hiệu của Nhà Thờ Chánh Tòa. Phía bên phải là Núi đá Đức Mẹ Lộ Đức xây từ năm 1952 và bao quanh tường rào nhà thờ là 14 chặng đàng Thánh giá với những non bộ, cây cảnh … đầy tính nghệ thuật. Ngay trước cửa chính diện thánh đường là tượng hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô trụ cột của Giáo Hội. Toàn bộ sân nền và tường nhà thờ đều được ốp đá hoa cương, tạo nên ấn tượng vững bền của Giáo Hội.
Bên trong nhà thờ, đoàn đã choáng ngợp trước vẻ đẹp lộng lẫy nhưng trang nghiêm. Khu vực Cung thánh được thiết kế theo dạng thức hình tròn liên cấp. Bàn tiệc Thánh Thể làm bằng cẩm thạch trắng với kích thước 4 mét dài và 1 mét 20 rộng đặt tại vị trí trung tâm, mặt trước là bức phù điêu khắc hoạ lại khung cảnh bữa tiệc thiết lập Bí tích tình yêu, mặt sau là nơi niêm ấn thánh tích của ba vị chứng nhân đức tin đến từ ba miền đất nước: miền Nam với thánh Matthêô Lê Văn Gẫm, tín hữu thuộc xứ Long Điền, Bà Rịa, tử đạo ngày 11-05-1847 tại Chợ Đũi, giáo phận Sài Gòn; miền Trung với thánh Phêrô Hoàng Khanh, tử đạo ngày 12-07-1842 tại Hà Tĩnh, giáo phận Vinh; miền Bắc với thánh nữ Anê Lê Thị Thành, tử đạo ngày 12-07-1841 tại Phúc Nhạc, giáo phận Phát Diệm. Di cốt của ba vị thánh tử đạo được cẩn khảm trong một tấm phù điêu ghi khắc chân dung của 117 vị hiển thánh tử đạo. Bệ đài Thánh Kinh và Nhà Tạm Thánh Thể được đặt hai bên tượng Chúa chịu nạn. Dưới chân tượng Chúa chịu nạn là huy hiệu với dòng chữ Hiền lành và Khiêm nhường và ngai toà của Đức Giám mục. Các khung cửa sổ kính màu với hình ảnh mười hai Thánh Tông Đồ phía trên Cung thánh và đặt dọc suốt hai bên tường nhà thờ dưới ánh sáng mặt trời soi rõ hai mươi mầu nhiệm Mân côi, hoà với những đường nét nghệ thuật của mười bốn chặng đàng Thánh Giá. Hai bên cuối nhà thờ là tượng hai thánh bổn mạng Giacôbê và Philipphê quen thuộc với những giáo dân Bà Rịa vẫn đứng tại vị trí quen thuộc hai bên cửa chính nhà thờ và hai toà giải tội đã có từ rất lâu, nay được phục chế theo đúng hình dáng cũ.
Sau giờ cầu nguyện trước Thánh Thể và nhận lãnh phép lành toàn xá, đoàn đã chụp hình lưu niệm và được hướng dẫn tiếp tục hành hương Nhà thờ mồ kính các vị tử đạo. Nhà thờ mồ kính các vị tử đạo Bà Rịa nằm cách Nhà thờ Chánh Toà khoảng 300m, trên khu đất trước đây là nghĩa trang giáo xứ. Dù chỉ là một ngôi nguyện đường khiêm tốn, không có dáng vẻ gì đặc biệt, nhưng đây chính là nơi cất giữ cả một ký ức hào hùng của cộng đoàn tín hữu Bà Rịa. Chính ngay trên mảnh đất này, vào năm 1861, trong cuộc hách bại Kitô giáo dưới triều vua Tự Đức, một nhà ngục đã dược dựng lên để giam giữ các tín hữu trong cuộc truy lùng các giáo dân vùng Bà Rịa, gồm các họ đạo Phước Dinh (Phước Lễ hiện nay), Thôm ( Long Tân), Thành ( Long Điền ) và Đất Đỏ. Bốn chữ - Biên Hòa Tả Đạo - được xăm vào hai bên má các tù nhân như lời bêu nhục Kitô giáo và cũng là lý do để các Kitô hữu bị giam cầm, ngươc đãi. Nhà ngục Phước Dinh được dành riêng để giam hơn 300 đàn ông, còn đàn bà và con trẻ được giam ở các nhà ngục khác ở Long Kiên, Long Điền và Đất Đỏ.
Từ tháng 9 năm 1861, các tín hữu bị giam tù phải chịu rất nhiều khổ cực đớn đau. Đêm 7 tháng 1 năm 1862, khi quân đội Pháp tiến quân từ Vũng Tàu theo ngã sông Dinh đế đánh chiếm Phước Tuy, quan quân triều đình biết là không thể kháng cự nổi nên đã quyết đinh rút khỏi Bà Rịa. Vì không muốn tha người Công Giáo, trước khl rút quân họ đã nổi lửa đốt cháy các nhà ngục, thiêu sống các tù nhân. Chính trong đêm ấy, mạng sống của các chứng nhân đức tin đã được trọn vẹn dâng lên Thiên Chúa trong cuộc tử đạo như một lễ vật toàn thiêu. Sáng ngày 08.01.1862, Cha Croc và Cha Tri, người đang phải lẩn tránh nhưng cũng đã từng cải trang vào gặp các tín hữu đang bị giam cầm, đã có mặt tại nơi nhà ngục Phước Lễ chứng kiến thi thể của 288 tín hữu vừa bị thiêu sinh. Các cha đã cho đào ba ngôi mộ lớn gần bên nhà ngục để an táng các tín hữu đã chết vì Đạo Chúa. Tháng 10 năm 1865, Linh mục Thừa sai Jules Jean-Baptiste Errard đến nhận nhiệm sở Bà Rịa, cha tìm gặp các nhân chứng và thân nhân của các vị tử đạo, ghi lại tên tuổi theo từng họ đạo và nơi bị giam giữ. Cha cũng cho cải táng hài cốt các vị từ ba ngôi mộ trước đây và an táng chung vào một ngôi huyệt đào ngay trên nền ngục thất cũ. Trong dịp sang Hồng Kông chữa bệnh năm 1871, cha đã đặt làm một ngôi mộ nổi trên mặt đất bằng đá cẩm thạch đưa về thay cho ngôi mộ bằng gạch trước đây. Bốn phiến cẩm thạch mang những dòng chữ được tạc khắc ghi nhớ cuộc khổ nạn và cái chết của các nhân chứng đức tin. Cha cho cất một ngôi nguyện đường ngay trên phần mộ, từ đó đã là nơi các cha thường xuyên đến dâng lễ, và cũng có các nhóm hành hương từ nhiều nơi tìm đến cầu nguyện.
Sau khi thuyết minh xong về sự tích Nhà thờ mồ, Cha phụ tá đã hướng dẫn đoàn cầu nguyện với chủ đề “Ai bền đỗ đến cùng người ấy sẽ được cứu rỗi”. Lời Chúa trong Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Mathêu (Mt 10, 18): “Anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy” cùng bài hát “Bài ca ngàn trùng” vang lên giữa lòng nhà thờ mồ đã gợi nhớ tới lời kêu gọi của vị Cha chung của TGP – Đức Hồng Y JB. Phạm Minh Mẫn - nhân dịp kỉ niệm 25 năm việc tuyên phong các Thánh Tử Đạo Việt Nam: “Hãy cùng nhau chung lòng cầu khẩn xin Chúa Thánh Thần mở rộng lòng tin đón nhận lòng Chúa thương xót vô biên và tạ ơn Thiên Chúa là Cha giàu lòng từ bi thương xót vô biên, thương ban cho dân Chúa tại Việt Nam những chứng nhân đức tin đã hy sinh đổ máu đào, góp phần vun tưới cho cánh đồng Việt Nam thêm màu mỡ, cho những hạt mầm các ơn Chúa ban đâm chồi nẩy lộc, kết sinh hoa thơm trái lành, vì sự sống và sự phát triển của gia đình và xã hội.”
Tạm biệt thị xã Bà Rịa với những địa chỉ hành hương đầy ý nghĩa trong Năm Đức Tin, đoàn đã đến khu bãi tắm Trân Châu – Long Hải để dùng cơm trưa, sinh hoạt và tắm biển. Đoàn đã lên xe trở về Hóc Môn lúc 16g00, trên xe phần văn nghệ lại được tiếp tục và kéo dài như bất tận cho đến khi Cha phụ tá mời gọi toàn đoàn cùng nhau dâng những lời kinh, tiếng hát tạ ơn Thánh Tâm Chúa Giêsu và Mẹ Maria đã ban cho một ngày hành hương tuyệt vời. Bác xứ đoàn trưởng cũng không quên cám ơn Cha phụ tá, các vị ân nhân, tài xế cùng toàn thể đoàn viên GĐPTTT và thân nhân đã cộng tác để chuyến hành hương được kết thúc tốt đẹp và hẹn gặp lại trong các chuyến hành hương sắp tới. Bài hát “Tán tụng hồng ân” một lần nữa lại vang lên trong niềm vui cảm tạ cùng với những lời tạm biệt trong tình yêu Thánh Tâm Chúa Giêsu.
 

Thứ Ba, 5 tháng 8, 2014

Lễ giỗ Cha cố Giuse Vũ Khánh Tường tháng 12/2012

Lúc 10g ngày 8/12/2012, Cộng đoàn - Tu hội Đắc Lộ đã cử hành Thánh lễ đồng tế cầu nguyện cho cố Linh mục Giuse Vũ Khánh Tường, nguyên là Giám đốc sáng lập Cộng đoàn - Tu hội Đắc Lộ nhân ngày giỗ thứ 32 tại Nhà thờ Đắc Lộ (97 Trường Chinh, Phường 12, Quận Tân Bình, Tp. HCM.).
Cha cố Giuse Vũ Khánh Tường sinh ngày 12/04/1925, tại làng Phú Nhai, Phủ Xuân Trường, Tỉnh Nam Định. Được du học và và đậu bằng tiến sĩ ở Institut Catholique de Paris, phân khoa Sử học. Năm 1957, cha đã kêu mời và quy tụ được một số linh mục, tu sĩ và một ít giáo dân ngoài đời, tình nguyện tận hiến để cùng nhau hoạt động tông đồ tuỳ theo môi trường, hoàn cảnh xã hội và ngành nghề của mình. Ngài đã kết hợp tinh thần cha Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes) là phó thác tin tưởng và truyền giáo với đường lối lý tưởng của Thánh Gioan Tiền Hô là loan báo Tin Mừng, dọn đường cho Chúa đến, bằng đời sống nhiệt thành, vị tha của các phần tử trong Cộng đoàn - Tu hội. Đặc biệt hợp tác với hàng giáo sĩ địa phận trong các ngành hoạt động như: truyền giáo, văn hoá, giáo dục, xã hội, truyền thông, phát triển mà hàng giáo sĩ địa phận vì quá bận rộn với công tác mục vụ xứ đạo, không có thời giờ đảm trách được.
Cơ sở vật chất ban đầu của Cộng đoàn - Tu hội Đắc Lộ là những căn nhà nhỏ lợp ngói, đến trước 1975 đã trở thành một trung tâm lớn với một trường Trung Tiểu học từ lớp 1 đến lớp 12, có gần 3 ngàn học sinh, một ký túc xá 500 giường ngủ, và một phân khoa Nhân Văn của Đại Học Minh Đức, một nhà nguyện và khu Tu Viện. Ngày 03/01/1978 Cha bị bắt vì lý do “can tội vụ phép lạ Fatima Bình Triệu”. Sau thời gian bị di chuyển qua nhiều nơi tạm giam, Cha được đưa về Khám Chí Hoà và chết tại đây ngày 08/12/1980.
Theo bài giảng của Linh mục Tôma, Giám đốc hiện nay của Tu hội Đắc Lộ, dù có khó khăn trong những ngày đầu thành lập và phát triển cũng như những ngày trong tù, Cha cố Giuse luôn thể hiện tinh thần lạc quan, tin tưởng phó thác vào Chúa quan phòng và Mẹ Maria đầy ơn phúc. Trong Thánh lễ này, ngoài việc cầu nguyện cho Cha cố, chúng ta cũng không quên cầu nguyện cho các linh mục, tu sĩ và giáo dân đã từng cộng tác với Cộng đoàn. Đặc biệt là cố Linh mục Gioan Baotixita Nguyễn Đức Hân, nguyên Giám đốc Tu hội Đắc Lộ và là chánh xứ Văn Côi - giáo hạt Tân Sơn Nhì, người con và là người có công xây dựng ngôi Thánh đường hiện nay (2001-2002) trên cơ sở ý tưởng của Cha cố Giuse lúc còn sinh thời.
Đăng lại từ bài viết tháng 12/2012

NGỤ NGÔN VỀ NGỌN NẾN


Một tối mất điện, ngọn nến được đem ra đặt ở giữa phòng. Người ta châm lửa cho ngọn nến và nến lung linh cháy sáng. Nến hân hoan ra rằng ngọn lửa nhỏ nhoi của nó đã mang lại ánh sáng cho cả căn phòng. Mọi người đều trầm trồ : “Ồ, nến sáng quá, thật may mắn, nếu không chúng ta sẽ chẳng nhìn thấy gì mất”. Nghe thấy vậy, nến vui sướng dùng hết sức mình đẩy lui bóng tối xung quanh. Thế nhưng, những dòng sáp nóng đã bắt đầu chảy ra, lăn dài theo thân nến. Nến thấy mình càng lúc càng ngắn lại. Đến khi chỉ còn một nửa, nến giật mình : “Chết mất, ta mà cứ cháy mãi thế này thì chẳng bao lâu sẽ tàn mất thôi. Tại sao ta phải thiệt thòi như vậy?”. Nghĩ rồi, nến nương theo một cơn gió thoảng để tắt phụt đi. Một sợi khói mỏng manh bay lên rồi nến im lìm. Mọi người trong phòng nhớn nhác bảo nhau : “Nến tắt mất rồi, tối quá, làm sao bây giờ?”. ết sức mình đẩy lui bóng tối xung quanh. Thế nhưng, những dòng sáp nóng đã bắt đầu chảy ra, lăn dài theo thân nến. Nến thấy mình càng lúc càng ngắn lại. Đến khi chỉ còn một nửa, nến giật mình : “Chết mất, ta mà cứ cháy mãi thế này thì chẳng bao lâu sẽ tàn mất thôi. Tại sao ta phải thiệt thòi như vậy?”. Nghĩ rồi, nến nương theo một cơn gió thoảng để tắt phụt đi. Một sợi khói mỏng manh bay lên rồi nến im lìm. Mọi người trong phòng nhớn nhác bảo nhau : “Nến tắt mất rồi, tối quá, làm sao bây giờ?”. ết sức mình đẩy lui bóng tối xung quanh. Thế nhưng, những dòng sáp nóng đã bắt đầu chảy ra, lăn dài theo thân nến. Nến thấy mình càng lúc càng ngắn lại. Đến khi chỉ còn một nửa, nến giật mình : “Chết mất, ta mà cứ cháy mãi thế này thì chẳng bao lâu sẽ tàn mất thôi. Tại sao ta phải thiệt thòi như vậy?”. Nghĩ rồi, nến nương theo một cơn gió thoảng để tắt phụt đi. Một sợi khói mỏng manh bay lên rồi nến im lìm. Mọi người trong phòng nhớn nhác bảo nhau : “Nến tắt mất rồi, tối quá, làm sao bây giờ?”.
Ngọn nến mỉm cười tự mãn và hãnh diện vì tầm quan trọng của mình. Nhưng bỗng một lời đề nghị : “Nến dễ bị gió thổi tắt lắm, để tôi đi tìm cái đèn dầu”. Mò mẫm trong bóng tối ít phút, người ta tìm được một chiếc đèn dầu. Đèn dầu được thắp lên, còn ngọn nến đang cháy dở thì bị bỏ vào ngăn kéo tủ. Ngọn nến buồn thiu. Thế là từ nay nó sẽ bị nằm trong ngăn kéo, khó có dịp cháy sáng nữa. Nến chợt hiểu rằng hạnh phúc của nó là được cháy sáng vì mọi người, dù chỉ có thể cháy với ánh lửa nhỏ và dù sau đó nó sẽ tan chảy đi. Bởi vì nó là ngọn nến. (1001 câu chuyện cảm động)
Cuộc đời mỗi Kitô hữu là 1 ngọn nến sáng "Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được. Cũng chẳng có ai thắp đèn rồi lại để dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế, và đèn soi chiếu cho mọi người trong nhà. Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.” (Mc 9:50; Lc 14:34-35). Ngọn nến tỏa sáng ngay từ khi mỗi người lĩnh nhận bí tích Thánh tẩy, Thêm sức và được Giáo Hội khơi rọi hằng năm trong Thánh lễ vọng Phục Sinh. Để giữ ngọn lửa tâm hồn luôn cháy sáng, chúng ta được mời gọi tham dự và chia sẻ trong cuộc sống thường ngày: gương mẫu trong gia đình và mối quan hệ láng giềng, hàng xóm; nơi xí nghiệp, cơ quan …Nhất là khi chúng ta được mời gọi tham gia công việc bác ái và tông đồ của các đoàn thể, của Giáo xứ: tham gia Gia đình PTTT Chúa Giêsu, ca đoàn …hay 1 công việc đơn sơ, thầm lặng nhất như quét dọn nhà thờ …
Nhưng có nhiều lúc ngọn lửa lại dần tàn lụi. Tàn lụi khi con người cảm thấy tự mãn với những việc mình đã cống hiến, tàn lụi khi ta so đo hơn thiệt với những người anh em và thậm chí để mưu cầu lợi ích riệng tư nào đó. Có những người tự hào vì những đóng góp của mình và sau khi được “ghi tên bảng vàng” lại rút lui trong khi mình vẫn còn điều kiện và khả năng cống hiến. Lại có những người nghĩ ý kiến của mình phải được tôn trọng hơn vì mình đóng góp nhiều hơn và tệ hơn có nhiều người tham dự các đoàn thể, công việc của Giáo xứ để tự đánh bóng mình, để lấy oai trong những ngày lễ lớn còn những sinh hoạt thầm lặng thường ngày như tham gia đọc kinh theo toán, tham gia ca đoàn, hỗ trợ công việc chung …thì để người khác làm với lí do “tôi bận lắm”. "Chính anh em là muối cho đời. Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi.” (Mc 9:50; Lc 14:34-35)
Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu, xin cho chúng con được như ngọn nến chấp nhận tiêu hao để thắp sáng cuộc đời Kitô hữu dù chúng con chỉ là hạt cát nhỏ bé giữa sa mạc. Xin cho ánh sáng cây nến rửa tội luôn cháy mãi trong con để chúng con biết yêu thương và phục vụ cộng đoàn dân Chúa không ngơi nghỉ với khả năng nhỏ bé của mình.
Tháng 07/2012

Chút tình tri ân Mục tử

Thực hiện tâm tình tri ân với quý cha đã cống hiến trọn đời mình cho Giáo hội, GĐPTTT CGS giáo xứ Trung Mỹ Tây do Ô. đoàn trưởng Vincentê Đặng Văn Đáp, các ủy viên trong BCH cùng 1 số đoàn viên đã tổ chức thăm hỏi và tặng quà tại nhà hưu dưỡng các Linh mục của TGP Sài Gòn (149 Bành Văn Trân, P7, Q. Tân Bình) vào lúc 8g00 ngày 27/07/2013.
Tại văn phòng, đoàn đã được các soeur phụ trách tiếp đón đồng thời giới thiệu sơ lược về quý cha tại nhà hưu dưỡng. Hiện nay, có 14 cha già, yếu và bệnh tật, đang nghỉ dưỡng sau một cuộc đời phục vụ Hội Thánh hết sức vất vả cả về tinh thần lẫn thể chất; phục vụ các Ngài là 3 soeur đã âm thầm gắn bó với mái ấm này cùng một số người phụ việc. Sau đó, các soeur đã thay nhau dẫn đoàn đến thăm quý cha tại phòng riêng. Phòng riêng của quý cha sạch sẽ, thoáng mát, đủ tiện nghi để sinh hoạt và được bày trí theo sở thích như nhà riêng của mình.
Trước mặt chúng tôi là những con người đã từng “vang bóng một thời”. Có cha đã từng học cao hiểu rộng, viết bao nhiêu sách, dạy bao nhiêu học trò, đào tạo biết bao vị mục tử cho Giáo hội; giờ biết mình tuổi già sức yếu lặng lẽ rút vào bóng tối để cho lớp đàn em tiến lên. Học trò của các cha bây giờ có người làm giám mục, bề trên, giám đốc, cha sở… đang hăng say, miệt mài với các công việc mục vụ nối tiếp truyền thống của cha anh. Tuy tuổi già sức yếu nhưng có ngài vẫn còn minh mẫn sáng tác và cần mẫn gõ từng con chữ trên máy vi tính đồng thời tự tay in tặng mỗi thành viên chúng tôi một bản “Kinh của con Trời”.
Có những cha đã xây dựng bao nhiêu nhà thờ, trường học, coi sóc bao nhiêu giáo xứ, nhà trường, trung tâm. Nói chuyện với chúng tôi, các ngài vẫn hào hứng kể về những ngày Lễ, Tết … được tổ chức ở giáo xứ ngày ấy như khi còn là một vị cha sở đương chức. Có vị còn tự hào say sưa kể cho chúng tôi nghe về xứ đạo nơi ngài từng coi sóc là quê hương của vị Chân phước tử đạo duy nhất của Sài Gòn nhưng đồng thời cũng rất hóm hỉnh với câu trả lời về tuổi của mình là 90 nếu người hỏi là đàn ông và 89 nếu người hỏi là quý bà!
Có những cha bước chân truyền giáo đã đi khắp các vùng, lặn lội nơi các vùng sâu, vùng xa, đưa dẫn bao nhiêu người tin theo Chúa, thực hiện biết bao chương trình bác ái xã hội. Có những cha theo bước chân mục vụ, đồng hành cùng thời cuộc và thăng trầm của đất nước; đã một thời trong chốn lao tù, trại cải tạo! Giáo dân của các ngài bây giờ nhiều người đã thành những “ông cố, bà cố”, nhà cao cửa rộng hoặc nắm giữ những địa vị cao trong nước cũng như ở nhiều nước trên thế giới. Bây giờ có mấy người còn nhớ đến người cha của mình năm xưa?
Vui vẻ và hồn nhiên như con trẻ là vị mục tử có tuổi đời sắp bước vào tuổi “bách niên”, ngài ưu ái trao tặng cho mỗi thành viên một chuỗi tràng hạt Mân Côi với lời nhắn nhủ ví von đó là mối dây để chúng ta liên lạc với nhau và là những bậc thang để chúng ta bước về quê Trời. Bên cạnh đó có những cha sức khỏe rất yếu mà dấu hiệu còn lại của sự sống chỉ là hơi thở nhè nhẹ mong manh như sương khói. Nhìn các cha nằm thiêm thiếp trên giường, trong đầu chúng tôi lại vang lên câu hát của cố nhạc sĩ Viết Chung trong bài “Giờ đây lạy Chúa”
Giờ đây lạy Chúa. Xin cho tôi tớ ra đi bình an.
Tai này đã nghe, mắt này đã rõ. Muôn lạy Chúa.
Nguồn ơn cứu độ Chúa đã tuôn đổ cho tôi tớ Ngài.
Một đời mỏi mong chờ đợi cậy trông. Lạy chúa.
Con đã mãn nguyện, con đã viên toàn.
Xin Ngài thương xót con.
Trở lại văn phòng, chúng tôi cũng ngỏ lời tri ân và gởi những phần quà cho các soeur phục vụ. Các soeur tuy dáng vẻ còn khỏe mạnh nhưng tuổi đời cũng đã khá cao; đã bỏ lại sau lưng mấy chục năm cuộc đời thiếu nữ của mình để trở thành những “người mẹ” vô cùng đặc biệt: chăm sóc cho những “người cha” có rất nhiều “con”, mà vĩnh viễn không bao giờ lập gia đình! Khiêm tốn và lặng lẽ, các soeur đề nghị chúng tôi không nêu tên tuổi để công việc của các soeur mãi mãi vẫn là những công việc thầm lặng như công việc nội trợ thường ngày. Lòng chúng tôi như chùng xuống với ao ước giản dị là sẽ còn có dịp trở lại nơi này. Ước mong có nhiều giáo dân và các đoàn thể cũng như chúng tôi hôm nay được tới đây. Đến đây như một sự trở về nhà thăm viếng chính cha mẹ của mình; để nơi tĩnh lặng này được rộn ràng những bước chân, tíu tít lời thăm hỏi và rộn rã những nụ cười.
(Bài viết đã đăng trong Nội san Lửa Mến tháng 09/2013)

YÊU THƯƠNG NGƯỜI!


Kính mến Chúa – yêu thương người là hai điều răn trọng nhất mà mỗi Kitô hữu đều thuộc nằm lòng từ khi được học giáo lý vỡ lòng. Hiện nay lối sống thực dụng ngày càng ăn sâu vào đời sống văn hóa của xã hội. Khi các giá trị sống, giá trị đạo đức tinh thần, lòng bao dung nhân ái, tình thương yêu đồng loại, sự hy sinh... đang dần bị thế chỗ bởi chủ nghĩa vật chất, chủ nghĩa duy lợi và chủ nghĩa cá nhân, thì con người không còn cảm giác trước nỗi đau của đồng loại.

Sự vô cảm, hay nói đúng hơn là một trạng thái tinh thần, mà khi ở trong đó, con người không có một tý cảm xúc hay tình cảm mang tính nhân bản nào đối với những sự vật, sự việc diễn ra xung quanh họ, trước mắt họ, miễn là không đụng chạm trực tiếp đến lợi ích cá nhân của họ là được. Sự thản nhiên của con người trước nỗi đau đồng loại càng nhiều, sự vô cảm càng nảy nở.

Trong Phúc âm ta thấy Chúa Giêsu cũng nói đến sự vô cảm: "Một người kia từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-khô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy người này, ông tránh qua bên kia mà đi. Rồi cũng thế, một thầy Lê-vi đi tới chỗ ấy, cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà đi. Nhưng một người Sa-ma-ri kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương. Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: "Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác." (Lc 10, 30-35)

Dụ ngôn người Sa-ma-ri tốt lành trên được Thánh Luca thuật lại sau tường thuật về một người thông luật hỏi Chúa Giêsu để thử Người về Lề Luật. Thầy tư tế và thầy Lê-vi là những người am hiểu về Luật nên họ cũng biết quá rõ "Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình." 

Nhưng họ đang lên Đền thờ, họ thấy nạn nhân không biết sống chết thế nào. Nếu nạn nhân chết rồi, mà họ đụng chạm vào thây ma, họ sẽ bị ô nhiễm không lên Đền thờ phục vụ được. Lí do chính đáng quá, công việc tế tụng ở Đền thờ quan trọng hơn vả lại nên để những công việc tầm thường này cho những người thấp hèn, những người có địa vị kém hơn mình! Không nói ra, nhưng Đức Giêsu không chấp nhận thái độ chấp kinh tới mức vô cảm của hai vị tăng lữ nói trên.

Lạy Chúa, chắc hẳn những người cùng chung con đường Kitô hữu là người thân cận, là những người anh em của con. Họ đã chia sẻ với con những lời kinh nguyện, cùng đồng hành với con trong việc tông đồ bác ái, trong các công việc phục vụ cộng đồng giáo xứ. Thật dễ dàng khi con tìm thấy người anh em của mình! Nhưng khi anh em con bị áp bức, bất công con yếu hèn không dám lên tiếng bênh vực chia sẻ với những lí do đầy khôn ngoan ngụy biện.


Nhưng liệu có phải là anh em con khi buổi sáng đón xe đến chỗ làm, con đã gặp một bà mẹ bồng đứa con thơ với ánh mắt van xin chìa tay xin giúp đỡ trong dòng người tấp nập, vất vả mưu sinh. Có phải là anh em con là những người vì hoàn cảnh nào đó đã phải từ bỏ nơi chôn nhau cắt rốn đến đây để cầu mong gầy dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn. 

Có phải là anh em con là những người đang bị tù đày vì một lí do nào đó mà con đã gặp với ánh mắt buồn bã qua khung cửa lưới hẹp của chiếc xe chở phạm nhân con chợt bắt gặp trong một sáng rong chơi. Có phải là anh em con là những bệnh nhân, những bệnh nhi… đang vật vã với những cơn đau vì không có đủ tiền chữa trị … và còn nhiều nữa những mảnh đời bất hạnh. Họ nhiều quá, họ đến từ muôn hướng. làm sao để con nhận diện được anh em con?

Cũng có lúc con lí luận rằng hiện nay thật giả khó lường. Con muốn giúp đỡ những người nghèo khó nhưng không biết ai đích thực nghèo khó, thôi thì đành giả lơ cho lương tâm khỏi cắn rứt. 

Chiều tan trường, trong đám đông phụ huynh đón con trước cổng con đã gặp 1 bà cụ già ngửa tay van xin. Con vội phóng xe qua với ý nghĩ nếu mình dừng lại sẽ làm dòng người bị nghẽn lại và chợt thấy 1 em học sinh nhỏ tiến lại bỏ vào tay cụ 1 đồng tiền giấy mà con nghĩ chắc cũng không nhiều nhặn gì. Nhìn ánh mắt và vẻ mặt hớn hở của em khi làm được một việc thiện lòng con như chùng lại và những lí lẽ so đo trước sau như chợt tan biến.


Lạy Thánh tâm Chúa Giêsu, xin cho con biết rung động trước những nghĩa cử đẹp, và biết chia sẻ trước những bất hạnh trái ngang. Bao nhiêu lần vì mệt mỏi, hoặc vì vô tình, vì ích kỷ hoặc vì sợ hãi, con đã nhắm mắt, con không muốn nhìn thực tại! Con không muốn can dự, không muốn dấn thân sâu xa và tích cực vào đời sống và những nhu cầu của anh em gần xa của con. 

Xin cho con nhớ rằng có Chúa đang ở trong mỗi con người trong tình cảnh đau khổ. Mỗi người, đẹp hay xấu, tài giỏi hay không, ngay từ lúc đầu tiên trong lòng mẹ, hay là ở tuổi già, đều là đại diện của Chúa. Không những thế, mỗi người anh em đều là hình ảnh Chúa. Xin cho con biết sống cho đi và hi sinh cho những người anh em của con bằng những công việc bác ái và kinh nguyện để xứng đáng là một chứng nhân loan truyền lòng yêu thương của Thánh tâm Chúa Giêsu. Amen.

(Bài viết đã đăng trong Nội san Lửa Mến tháng 07/2012)