Thứ Tư, 2 tháng 5, 2018

NHỚ THÁNG HOA ĐỨC BÀ


Người Công giáo Việt Nam vốn có lòng kính mến Đức Mẹ cách đặc biệt. Hầu như xứ đạo nào cũng có hang đá hoặc đài Đức Mẹ trong khuôn viên nhà thờ để mọi người đều có thể “tâm sự nhỏ to” cùng Mẹ. Rồi những chuyến hành hương Đức Mẹ La Vang, Tà Pao, sông Mê Kông, … thậm chí xa xôi như Đức Mẹ Fatima, Lộ Đức (Lourdes), Mễ Du (Medjugorje)… đều thu hút đông đảo tín hữu tham gia; đủ thấy lòng tin của người Công giáo Việt Nam vào Đức Mẹ mãnh liệt đến chừng nào.

Tháng Giêng, ăn Tết ở nhà
Tháng Hai ngắm đứng, tháng Ba ra mùa.
Tháng Tư tập trống, rước hoa……

Bài vè lịch lễ Công giáo được truyền khẩu tại các xứ đạo Công giáo vùng đồng bằng Bắc bộ xưa cho ta thấy việc chuẩn bị cho tháng Năm - tháng Hoa Đức Bà - với nhiều hình thức phong phú. Chúa nhật mỗi tuần các giáo xứ đều tổ chức rước kiệu, múa hát dâng hoa với các vãn hoa mà giai điệu được cải biên từ các làn điệu dân ca và các điệu múa được biên đạo qua các hình thức dân vũ. Một số giáo xứ còn tổ chức thi đua giữa các giáo họ để chọn ra đội hoa múa hát hay nhất dâng hoa vào Chúa nhật cuối tháng được gọi là giã hoa, kết thúc tháng Hoa Đức Mẹ.

Việc tôn kính Đức Mẹ trong tháng hoa thường tập trung vào hai hoạt động chính là rước kiệu Đức Mẹ và Dâng hoa kính Mẹ. Hôm rước kiệu, tượng Đức Mẹ xinh đẹp uy nghi được đặt trên kiệu với muôn sắc hoa khoe mầu rực rỡ. Giáo dân các họ ai nấy đều ăn mặc chỉnh tề, kéo nhau đến địa điểm theo giờ ấn định. Tại đây mọi người sẽ nhập vào đoàn thể của mình tùy theo tuổi tác hay giới tính. Ở độ tuổi thiếu niên thì vào đoàn Nghĩa binh Thánh thể. Các thanh niên thanh nữ thì có hội hát, hội Con Đức Mẹ, hội Liên minh Thánh Tâm. Cao tuổi hơn nữa thì có hội Phạt tạ, hội Dòng ba v.v.

Cuộc rước sẽ xuất phát từ một điểm nào đó trong một giáo họ, vòng quanh làng xóm tiến về nhà thờ. Trên đường đi, ngoài những lúc hát hay đọc kinh, thỉnh thoảng hội kèn Tây lại trỗi lên những bài nhạc thánh ca hùng tráng. Đội trống với những trống lớn, trống con, chũm chọe tạo nên những nhịp trống rộn ràng vui tươi. Đội trắc với những thanh trắc gõ vào nhau rất đều tạo ra những âm thanh quyện vào nhau dòn dã, cùng những cử điệu hình thể nhịp nhàng nghe vui tai lại trông đẹp mắt.

Hình ảnh Mẹ Maria được cung nghinh trên kiệu giữa ngàn hoa nhắc ta nhớ đến lời Giáo hội xưng tụng Mẹ trong Kinh cầu Đức Bà: “Ðức Bà như hoa hường mầu nhiệm vậy”. Vâng, Mẹ đã được Thiên Chúa tuyển chọn, và qua tiếng "Xin Vâng" Mẹ đã trở nên tuyệt mỹ hơn muôn ngàn phụ nữ. Mẹ đã trở nên đóa hoa thơm ngát trước ngai tòa Thiên Chúa, đã trở nên đóa hoa độc nhất vô nhị của thế giới loài người. Khi ví Đức Mẹ là “hoa hường mầu nhiệm”, Giáo hội không chỉ nói đến sự tươi đẹp ở dáng vẻ bên ngoài mà còn nói đến nét đẹp xinh tươi trong tâm hồn vì Mẹ luôn sống trong ơn thánh và luôn làm đẹp lòng Chúa.

Bông hoa tuyệt vời đó được dành riêng để dâng kính Thiên Chúa và cũng chính bông hoa ấy đã làm cho Thiên Chúa hài lòng. Trong Kinh thánh, hình ảnh của Đức Mẹ uy nghi lộng lẫy được ví như: "một người Phụ Nữ, mình khoác mặt trời, chân đạp mặt trăng, và đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao" (Kh 12,1) đồng thời cũng là một người nữ xinh đẹp duyên dáng số một: "Kìa bà nào xuất hiện như rạng đông, diễm kiều như vầng nguyệt, lộng lẫy tựa thái dương, oai hùng như đạo binh chỉnh tề hàng ngũ ?" (Dc 6,10).

Khi đoàn rước vừa về đến nhà thờ thì tất cả các chuông lớn chuông nhỏ đều đổ liên hồi chào mừng. Tại đây bàn thờ kính Đức Mẹ đã được trang hoàng bằng đủ loại hoa đầy màu sắc. Kiệu Đức Mẹ được đặt sát gian cung thánh hướng về phía giáo dân. Buổi dâng hoa do các thiếu nhi đảm trách diễn ra liền sau đó thu hút sự chú ý theo dõi của mọi người. Không ai không khỏi bồi hồi, xúc động khi nhìn những em thiếu nhi trong trang phục áo dài cổ truyền như những bông hoa sống động tinh tuyền múa ca nhịp nhàng tiến hoa lên Đức Mẹ. 


Nghiên cứu lại vãn Hoa Đức Mẹ tháng năm xưa, ta thấy bố cục của buổi dâng hoa rất rõ ràng: Khởi đầu là phần khai hoa, rồi đến ngũ bái (Chúa Cha, Chúa Con, Chúa Thánh Thần, Đức Mẹ và chư thánh). Tiếp theo là phần dâng hoa được chia thành: ngợi ca các nhân đức Đức Mẹ, năm sắc hoa tượng trưng cho 5 nhân đức của Đức Mẹ (Hoa trắng chỉ sự trong sạch của tâm hồn, hoa tím chỉ sự tuân phục thánh ý Chúa, hoa vàng chỉ đức mến vẹn toàn, hoa xanh chỉ sự trọn lành thánh thiện, hoa đỏ chỉ sự hy sinh hãm mình), bảy loại hoa (Quỳ, Sen, Lê, Cúc, Mai, Lan và Mẫu Đơn) và diễn ý hoa đã dâng. Cuối cùng là phần cảm tạ và kết hoa. Trong mỗi phần đều có qui định những chỗ đứng, quỳ, bái, cúi, … rõ ràng.

Nhà sử học Công giáo Võ Long Tê đã viết: “Dân Việt vốn ưa ca hát. Tiếng Việt vốn có nhạc tính phong phú, ngay trong những lời kinh nguyện. Nhật tụng cũng đã là những cung điệu trầm bổng, nhịp nhàng. Cao hơn một bậc nữa là những cung ngân nga khi đọc Sách Thánh, những điệu bi ai mùa Thương Khó, những bài vè vãn dâng tiến Đức Bà. Tất cả đều thấm nhuần hồn nhạc, lời thơ cổ truyền của dân tộc và sống động đức tin. Sốt sắng và đặc sắc hơn hết là những bài vãn dâng hoa, tổng hợp được ba nghệ thuật: thi, vũ, nhạc trong niềm kính mến Đức Mẹ.” (Lịch sử văn học Công Giáo Việt Nam, Sài Gòn 1965).

Di cư vào miền Nam, nhiều giáo xứ vẫn còn giữ những tập tục như ngoài Bắc, nhưng dần dà con người và không gian sống đã hoàn toàn khác xưa. Ở những giáo xứ tại thành phố, không còn những đội trống, đội trắc để tập dợt. Không còn những kiệu rước trong xóm, quanh làng. Không còn những con hoa, đội hát của các khu để thi thố tài năng. Nơi nào khuôn viên nhà thờ rộng thì còn kiệu rước chung quanh nhà thờ vào đầu tháng hoa còn không thì chỉ rước kiệu từ đài Đức Mẹ vào nhà thờ.

Ngày nay, người ta muốn cải biên và cách tân những bài vãn dâng hoa bằng những bài hát có nhịp điệu hiện đại. Nhiều đội hoa chạy theo trào lưu ca múa của thời đại bằng các “liên khúc dâng hoa” với những trang phục, cử điệu màu mè. Đội hoa chỉ làm những động tác theo một số bài hát trong băng, đĩa nhạc do ca sĩ, hay ca đoàn hát. Có thể nói đó là một cuộc “múa hoa” hơn là “dâng hoa” vì mặc dù trông đẹp mắt hơn, hoành tráng hơn nhưng lại thiếu đi tâm tình cầu nguyện và dâng tiến bên trong. Cộng đoàn thì chỉ như những khán giả ngồi xem một màn trình diễn chứ không thể tham dự cách tích cực vào việc đạo đức này.

Dâng hoa phải được hiểu và được làm như thế nào để vừa phát huy được những tinh hoa của truyền thống, lại vừa đáp ứng được những nhu cầu cách tân trong sinh hoạt đạo đức của người Công Giáo Việt Nam. Có lẽ đây cũng là những trăn trở của các nghệ sĩ Công giáo vì đây là một trong những sinh hoạt đạo đức bình dân, đậm nét vui tươi; nhằm diễn tả tâm tình yêu mến, thảo hiếu đối với Mẹ Maria và qua Mẹ để tôn vinh Thiên Chúa.

Hoa nở rồi sẽ tàn, lòng người cũng sẽ phai nhạt và nguội lạnh nếu không đón nhận được ý nghĩa linh thiêng từ những việc đạo đức này. Chỉ những bông hoa lòng được vun tưới bằng tâm tình cầu nguyện, được ấp ủ bằng kinh Mân Côi, được chăm bón bằng Tin Mừng mới tỏa hương khoe sắc và sẽ được đón nhận bằng chính Trái tim yêu thương của Mẹ. Trong tháng hoa, đồng thời với việc dâng lên Đức Mẹ những bông hoa hữu hình tươi thắm, ta cũng cần dâng lên Thiên Chúa qua Mẹ Maria những đóa hoa thiêng không bao giờ tàn phai. Những bông hoa nhân đức lúc nào cũng khoe sắc và tỏa hương thanh thoát trong tâm hồn mỗi người con dân đất Việt.


Tháng hoa Đức Mẹ 2018


Thứ Năm, 15 tháng 3, 2018

THÁNH GIUSE - XIN VÂNG THẦM LẶNG


Con người hôm nay phụ thuộc nhiều vào khoa học, kỹ thuật và dường như chỉ tin vào nó. Ngoài những thứ mà họ tận “mục sở thị “ bằng tri thức, họ chẳng tin vào thứ gì. Có thể nói đây là một “tôn giáo” mới của thời đại hôm nay, nhất là đối với những người trẻ được học hỏi nhiều về khoa học kỹ thuật từ trong nhà trường hay trong cuộc sống.

Tin Mừng lễ Thánh Giuse - Bạn Trăm Năm Đức Maria minh họa cuộc đời thánh Giuse như gương mẫu cho chúng ta về một đức tin chân thật. Luôn lắng nghe và sẵn sàng vâng theo ý Chúa. Dù chưa hiểu được ý nghĩa hay thấu cảm được gì nhưng vẫn ký thác mọi sự và dốc lòng tin vào Chúa.

Thánh Phaolô trong thư Do Thái đã nói: “Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy” (Dt 11, 1). Nhờ đức tin mà thánh Giuse được chọn làm bạn Đức Maria, và ông có sứ mạng “chăm sóc Đức Giêsu và Đức Maria”. Trong Tin Mừng, thánh Giuse không giỏi về ăn nói, nhưng trỗi vượt về “Công Chính”.

Công chính ở chỗ ông biết can đảm tín thác trong nghịch cảnh. Công chính vì ông luôn tuân phục Thánh Ý Chúa. Tin Mừng không ghi lại lời nói nào của ông, mà chỉ mô tả những việc ông đã âm thầm thực hiện qua những giấc mơ báo mộng của Thiên Thần.

Khi nói đến hai tiếng “xin vâng”, ta thường nghĩ ngay đến Đức Maria khi được sứ thần truyền tin mà thường ít để ý đến tiếng xin vâng thầm lặng của thánh Giuse. Bốn lần Sứ thần báo mộng đều được ngài đáp trả bằng hai tiếng “xin vâng” trong thinh lặng. Thinh lặng cũng là một ngôn ngữ. Ngôn ngữ nội tâm, tín thác và chân thật.

Trong tường thuật về gốc tích Đức Giêsu Kitô, thánh Matthêu giới thiệu bà Maria là thân mẫu của Đức Giêsu đã đính hôn với ông Giuse, nhưng trước khi chung sống thì đã có thai bởi phép Chúa Thánh Thần. Ông Giuse, vốn là người công chính, không muốn tố cáo bà công khai, nên đã toan tính bỏ bà một cách kín đáo. Khi đang trằn trọc toan tính như vậy thì có sứ thần của Chúa đến báo mộng rằng: “Này Giuse, đừng sợ rước Maria về...” Thức giấc, ông Giuse vâng theo lời sứ thần Chúa dạy rước vợ mình về nhà (Mt 1, 18-24).

Trong ánh sáng huy hoàng của ngôi sao phương Đông cùng sự sấp mình cung kính thờ lạy của ba vị đạo sĩ, có lẽ Giuse cũng đã nghĩ đến việc “sinh cơ lập nghiệp” tại Bêlem cho đến khi Hài Nhi và mẹ Người mạnh khỏe. Nhưng khi sứ thần Chúa lại hiện đến báo mộng phải thức dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập vì vua Hê-rô-đê sắp tìm giết Hài Nhi! Ông trỗi dậy đi ngay giữa đêm khuya, không ngại ngần, thắc mắc (Mt 2, 13-14).

Cũng vậy, khi cuộc sống gia đình trên đất Ai-cập đang dần dần ổn định. Sứ thần Chúa lại hiện ra báo mộng và “ông liền trỗi dậy đưa Hài Nhi và mẹ Người về đất Israel” (Mt 2, 19-21). Rồi ở Giuđê ông cũng đã vâng theo lời Thiên Chúa báo mộng đưa thánh gia lánh sang vùng Galilê và đến ở tại thành Nazaret, để ứng nghiệm lời đã phán qua miệng các ngôn sứ rằng: Người sẽ được gọi là người Nazaret (Mt 2,23).

Thật là một gia đình “di dân” long đong vất vả, trầy trật mãi mới tìm được chốn “an cư lạc nghiệp” chỉ vì nghe theo những lời báo mộng! Nếu không có một đức tin chân thật, một đức ái chân thành, thánh Giuse sẽ không làm theo điềm báo của giấc mộng. Tính chân thành của thánh Giuse là sống đức ái thinh lặng, là dám hi sinh cho người mình yêu. Nhờ đó, thánh Giuse đã sống và chết cho Đức Maria và Chúa Giêsu với hai tiếng xin vâng thầm lặng.

Thánh nhân thật là người tôi tớ trung thành và khôn ngoan, và là người có một lòng tin mãnh liệt vào Thiên Chúa. Không lý lẽ thâm sâu uyên bác, không bóng bảy hoạt ngôn. Người hoàn toàn tuân phục, hoàn toàn để cho Chúa hành động và mau mắn thực thi điều Chúa muốn. Ðó là kiểu mẫu tuyệt vời về lòng tin tưởng, phó thác.

Trong cuộc sống duy lý ngày nay, khi chưa hiểu rõ được vấn đề, người ta thường hay phân bua rằng mình đúng lý chứ không phải đuối lý. Khi gặp những khó khăn, thất bại người ta thường hay buông xuôi và oán trách cuộc đời. Những lúc như thế, người Kitô hữu chúng ta có giữ được thái độ như thánh Giuse thinh lặng cầu nguyện để tìm kiếm và xin vâng theo Thánh Ý Chúa không?

Kính dâng Thánh Quan Thầy, tháng kính thánh Giuse 2018.


Thứ Bảy, 3 tháng 2, 2018

BÁC THẰNG BẦN


Những ngày cuối năm, trên các phương tiện truyền thông đại chúng, bên cạnh những tin liên quan đến tổng kết lại rộ lên những tin tức liên quan đến tiền bạc như bể hụi, đòi nợ, trốn nợ …. Nguyên nhân thì nhiều, nhưng tựu trung có thể nói đa phần vì lòng tham của con người. Trong kinh nhà Phật, tham đứng đầu trong tam độc tham, sân, si  những nguyên nhân gây ra bất hạnh, phiền não và ưu tư cho con người.

Lòng tham khiến con người đầu tư hầu hết thời gian và tâm trí vào những việc để có thể đạt được danh vọng đồng thời tích lũy cho được thật nhiều tiền bạc, của cải vật chất. Lòng tham lam sẽ dẫn người đi xa đến mức sẵn sàng dùng bất cứ thủ đoạn nào, cách thế nào để có thể vơ vét và gom hết về cho bản thân mình mọi thứ được coi là quí giá dưới mắt con người.

Tệ hơn nữa, vì muốn chiếm hữu hết mọi thứ nên khi đang lo chạy theo tiền của, người ta sẽ mù quáng đến mức quên mất cả sự an toàn cho bản thân mình. Để rồi đến một lúc nào đó không ngờ, họ sẽ bị rơi tỏm xuống vực thẳm của nó và có khi phải trả giá đắt bằng chính mạng sống mình. Ðúng như câu nói “tham thì thâm” rất chí lý mà ông bà ta đã để lại.

Đó thường là những người lười biếng, ngán ngại lao động; chỉ muốn ngồi mát ăn bát vàng, gặt những thứ mà họ không bao giờ gieo. Họ nghĩ rằng mình sẽ có thể kiếm tiền, làm giàu dễ dàng bằng chơi cờ bạc, cá độ, xổ số; và lao đầu vào những cuộc đen đỏ. Lúc đầu chỉ là mua một vài tờ vé số cầu may, nhưng rồi ngày càng nhiều hơn; cho đến lúc máu ăn thua nổi lên thì những hình thức cờ bạc bất hợp pháp bắt đầu lôi kéo họ.


Ngày nay có rất nhiều hình thức đánh bạc: người giàu có thể du lịch nước ngoài vào casino, đánh bài với máy, chơi games sử dụng tiền ảo nhưng lại chung chi bằng tiền thiệt, đá gà, cá độ trên mạng internet...; nhưng phổ biến và bình dân nhất là chơi số lô, số đề. Nhiều người cho rằng ngay từ khi nhà nước phát hành xổ sổ kiến thiết thì việc đánh bạc bằng hình thức chơi lô đề cũng đã xuất hiện. Nó đánh trúng tâm lý thích ăn thua đủ của dân ham mê cờ bạc và muốn làm giầu một cách nhanh chóng.

Không cần phải đi đâu xa, chỉ cần ngồi tại nhà bấm điện thoại là người ta có thể ghi “đề”. Thiếu tiền ư? Đã có đội ngũ những “ngân hàng cột điện” sẵn sàng cho vay với “lãi suất 0%” và thủ tục tối giản! Tất cả những kịch bản này như những cái vòi bạch tuộc len lỏi vào mọi tầng lớp, mọi thành phần… khiến nhiều người (trong đó không ít những người Công giáo chúng ta) mang nợ nần ngập đầu; tài sản và sự nghiệp tiêu tan, gia đình lâm vào hoàn cảnh bi đát.


Đã là con bạc tất nhiên phải “khát nước”, thắng thì họ nhất định muốn chơi tiếp để kiếm thêm, khi có người can ngăn thì họ nói rằng khi nào kiếm đủ thì sẽ thôi. Nhưng cuộc đời biết thế nào là đủ, biết lúc nào mới đáp ứng được cái lòng tham vô đáy của con người. Rồi lại có lúc thua, thua thì xót xa nhưng vẫn hậm hực muốn chơi tiếp để gỡ lại khoản tiền đã mất. Thế là họ cứ loanh quanh luẩn quẩn với cái vòng chơi ấy.

Khi hết tiền, họ sẵn sàng vay công mượn nợ với lãi suất cao, mượn đầu này đắp đầu kia. Khi không còn khả năng xoay sở, bị chủ nợ đe dọa, khủng bố; họ “đưa” cha mẹ, anh em, con cháu đứng ra trả thay. Nhục nhã ê chề nhưng họ vẫn chứng nào tật ấy. Như con thiêu thân liều chết lao đầu vào lửa, họ vẫn tiếp tục quay cuồng đánh cược với những con số, để rồi biết bao đồ đạc trong nhà phải ra đi mà không thèm đội nón. Khi đến cái nhà cũng bị siết nợ thì “bần cùng sinh đạo tặc” làm liều trộm cướp, dấn thân vào con đường phạm pháp tù tội như câu nói dân gian:
Cờ bạc là bác thằng bần
Cửa nhà bán hết tra chân đi cùm.


Có những con bạc đi nhà thờ, hành hương khắp nơi với mục đích cầu xin cho mình được trúng số, trúng lô trúng đề hoặc thắng bạc để có nhiều tiền dâng hiến cho nhà thờ này, xứ đạo kia hoặc cho các mục đích từ thiện! Nhưng thực sự thì ít có người nào đạt được điều mình xin, từ đó người ta dần dần xa rời đạo Chúa. Còn số ít những người may mắn trúng thì chỉ vài năm sau lại rơi vào hoàn cảnh tồi tệ hơn trước khi họ trúng số.

Thi thoảng nếu có người nào đó dùng tiền cờ bạc để làm việc bác ái thì chắc chắn đây không phải là việc đẹp lòng Chúa vì "Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được.” (Mt 6, 24; Lc 16, 13). Hàng ngàn năm trước, Chúa Giêsu đã cảnh báo: "Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu." (Lc 12, 15).

Khi nói vậy, Chúa Giêsu không có ý khinh chê tiền bạc và của cải; vì chúng là phương tiện để trao đổi những sản vật nuôi sống con người đồng thời tạo cho việc phân phối, chia sẻ và giúp đỡ nhau trong xã hội được dễ dàng. Mặt khác, Ngài cũng nhắc nhở chúng ta hãy thận trọng đừng sa vào cạm bẩy của nó. Tiền của có sức thu hút rất mạnh, và nhất là theo một lập luận rất logic khiến người ta sẵn sàng làm việc vì nó và cho nó một cách mù quáng như một nô lệ trung thành và tự nguyện.


Cờ bạc thể hiện rõ nét nhất qua việc tập trung vào lòng yêu thích, ham muốn tiền của và sức cám dỗ có thể làm giàu nhanh chóng và dễ dàng. Chúng ta hãy cảnh giác với cờ bạc, đừng nghĩ rằng mình chỉ chơi cho vui trong những ngày nghỉ lễ, Tết hoặc với những đồng tiền lẻ là vô hại. “Đánh bạc quen tay, ngủ ngày quen mắt, ăn vặt quen mồm”, thói quen tưởng chừng như vô hại đó sẽ dẫn chúng ta đến sự đam mê tiền bạc và lòng ao ước sự giàu có.

“Còn những kẻ muốn làm giàu, thì sa chước cám dỗ, sa vào cạm bẫy và nhiều ước muốn ngu xuẩn độc hại; đó là những thứ làm cho con người chìm đắm trong cảnh huỷ diệt tiêu vong. Thật thế, cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham muốn tiền bạc, vì buông theo lòng ham muốn đó, nhiều người đã lạc xa đức tin và chuốc lấy bao nỗi đớn đau xâu xé.” (1Tm 6, 9-10). Thế nên người Kitô hữu hãy tránh xa tệ nạn cờ bạc, lô đề để “đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái; vì ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật.” (Rm 13, 8).