Thứ Sáu, 31 tháng 7, 2015

CHUYỆN XÓM GIỀNG

Một hôm, có người thông luật kia đứng lên hỏi Ðức Giêsu để thử Người rằng: "Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?"  Người đáp: "Trong Luật đã viết gì? Anh đọc thế nào?" Anh ấy thưa: "Ngươi hãy yêu mến Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi và người thân cận như chính mình".  Ðức Giêsu bảo anh ta: "Anh trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống" (Lc. 10,25-28).

Nhưng ai là người thân cận của tôi? Tục ngữ VN có câu “nhất cận thân, nhì cận lân” rất ý nghĩa. Người thân cận với tôi không phải là một ý niệm trừu tượng. Không chỉ là những người cùng huyết thống, cùng nhà, cùng đoàn thể, cùng tôn giáo, cùng quê hương, cùng lý tưởng. Người thân cận với tôi còn là những người lao động chung cơ quan, đoàn thể và nhất là người những người hàng xóm mà tôi phải chung sống và chịu đựng hằng ngày.

Con người ngày nay quá quen với lối sống ích kỷ, thực dụng. Họ đề cao tự do cá nhân nhưng lại muốn đùn đẩy trách nhiệm cho người khác. Họ muốn được hơn người trong cộng đồng, khu xóm và luôn cảm thấy thấy khó chịu với những người hàng xóm. Khó chịu vì những âm thanh karaoke ồn ào được phát ra từ những chiếc loa phóng thanh công suất lớn, vì những bãi phóng uế bừa bãi của vật nuôi, vì những bịch rác để không đúng chỗ, từ vũng nước xả ra từ sân nhà bên đọng lại…

Những khó chịu đó cứ chất chứa trong lòng và tích tụ lâu ngày như thùng thuốc súng chờ đợi có ngòi nổ châm vào là bùng lên những to tiếng, cãi vã - nhất là trong những ngày nắng nóng, oi bức vừa qua. Nếu ta hay cáu gắt lên vì những chuyện vặt với người hàng xóm của mình, ta rất có thể đi đến chỗ phát khùng, cãi cọ, thậm chí đi đến ẩu đả bởi vì sẽ có rất nhiều chuyện không đâu với những người hàng xóm để mà tranh cãi.


Những người thân cận của ta như vậy đó. Nói yêu thương thì dễ nhưng áp dụng vào đời sống thường ngày sao khó quá! Con người hôm nay cứ tưởng mình đã biết yêu và thường thấy tự mãn, hạnh phúc khi mình được yêu. Nhưng tình yêu thực sự bao giờ cũng cụ thể: chấp nhận chịu thua thiệt, chấp nhận gặp rắc rối, xáo trộn và hi sinh. Vì vậy lúc nào người ta cũng có cớ để né tránh yêu thương và sẵn sàng ăn thua đủ với nhau.

Đạo Công giáo là đạo của yêu thương: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34). Đức Giêsu đã làm mẫu gương tuyêt vời cho tình yêu ấy. Đặc biệt qua hành động rửa chân cho các môn đệ trong bữa Tiệc ly, và đỉnh cao là cái chết trên Thập giá. Đây là hành động tự hiến tế của Tình yêu cứu chuộc, là tự hủy mình đi để cho người mình yêu được sống.

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu phải là người biết yêu thương, sự yêu thương này phải được thể hiện bằng mọi hành động trong cuộc sống. Thái độ sống thường nhật giữa các thành viên và với những người khác trong cộng đoàn phải là “nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả.” (1Cr 13,4-7).

Yêu thương thì phải yêu thương người khác ngoài mình. Yêu thương mà  không có đối tượng là yêu chính mình, là ích kỷ. Yêu thương là cho đi. Khi ta yêu thương ai, ta thích cho người đó hoặc cái này hoặc cái nọ, yêu thương cao độ nhất là cho người ấy chính bản thân mình. Cho đi thì hạnh phúc hơn là lãnh nhận. Người thích cho đi thì yêu thương thật, kẻ thích lãnh nhận thì chưa biết yêu thương. Yêu thương còn phải hòa hợp, chấp nhận và tôn trọng những khác biệt của nhau.

Khởi điểm của yêu thương là mở lòng ra và chia sẻ. Thái độ mở ra, chia sẻ nầy đòi hỏi ta phải ra khỏi bản thân và đi đến với người khác. Thái độ nầy đòi hỏi ta phải từ bỏ tính ích kỷ vốn tiềm ẩn trong não trạng mỗi người. Thực sự biết quan tâm đến ích lợi và hạnh phúc của người khác ngay trong những suy nghĩ, ước mơ, và tính toán của mình. Biết nhìn nhận người khác ngay trong cái khác biệt của họ.

Cần đặt mình vào vị trí của những người hàng xóm và cố gắng có những cảm thông để chung sống hòa bình. Điều này không có nghĩa là ta nhu nhược và để mặc cho họ “tung hoành” theo bất cứ cách nào họ muốn. Hãy khởi sự xây dựng mối quan hệ hòa thuận bằng cách gạt bỏ những khó chịu và là người chìa tay ra trước. Hãy dùng những lời lẽ nhẹ nhàng và xắn tay áo lên để dọn dẹp những nguyên nhân làm ta khó chịu. Những người hàng xóm vẫn hiện diện mỗi ngày trong cuộc sống và ta chỉ có thể thay đổi cách nhìn về họ. Hãy chú ý đến những điều tốt đẹp họ làm và phớt lờ đi những thói quen có thể gây bực mình của họ.

Có một câu chuyện kể rằng: trong một xóm đạo, có hai người hàng xóm kia thường xuyên cãi nhau về những chuyện vặt vãnh. Mâu thuẫn của họ ngày càng trở nên gay gắt và cuộc sống căng thẳng hầu như không thể nào giải hòa được. Những cuộc cãi vã, gấu ó ngày càng tăng đến nỗi người ta phải đề nghị hai người tìm gặp Thiên Chúa ở trên một ngọn núi cao để xin Ngài hóa giải giúp.

Người thứ nhất vất vả leo lên tận đỉnh núi và thấy Thiên Chúa đang đợi anh ta ở đó. Anh ta kinh ngạc không thể tin vào mắt mình vì Thiên Chúa có khuôn mặt giống y hệt người hàng xóm đầy ác cảm và khó chịu của mình. Không ai biết Thiên Chúa đã nói gì mà khi trở về anh ta đã thay đổi và đến bắt tay làm hòa với người hàng xóm. Nhưng anh này vẫn cố chấp và thậm chí còn có những thái độ quá quắt hơn xưa.

Nhưng rồi vì áp lực của dân chúng, người hàng xóm còn lại cũng miễn cưỡng cố leo lên đỉnh núi để xem Thiên Chúa ra sao. Ở trên đỉnh núi, anh ta cũng bắt gặp Thiên Chúa có khuôn mặt giống như người hàng xóm khó ưa của mình. Từ lúc đó, anh ta thay đổi thái độ cư xử và chung sống hòa thuận không những với anh hàng xóm kia mà còn với mọi người khác trong xóm.

Nhờ gặp gỡ với Thiên Chúa, hai người hàng xóm trong câu chuyện trên đã “ngộ” ra tha nhân chính là hình ảnh của Thiên Chúa. Quả thật, Thiên Chúa đã hóa thân làm người và cùng sống chia vui, sẻ buồn với kiếp người chúng ta. Ta không cần phải tìm kiếm Thiên Chúa nơi cao xa chót vót. Thiên Chúa đã và đang hiện diện quanh ta trong mỗi phút giây cuộc sống, ngay trong những người hàng xóm quanh ta. Mỗi Kitô hữu chúng ta phải sống thế nào để “tỏa sáng giữa đời thường”, để những người hàng xóm cũng nhận ra được hình ảnh sống động của Thiên Chúa trong ta.

Đức Thánh Cha Phanxicô trong Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền giáo 2015 đã kêu gọi mọi thành viên của Hội Thánh hãy rao giảng Tin Mừng bằng chứng tá đời sống của mình. Đức Thánh GH Gioan Phaolô II cũng đã nói đến sứ mệnh của mỗi gia đình là “gìn giữ, biểu lộ, và thông truyền tình yêu, và đây vừa là một phản chiếu sống động vừa là một sự thông dự thực sự vào Tình yêu Thiên Chúa dành cho con người, Tình yêu của Chúa Kitô dành cho Hội thánh, Hiền Thê Người”.

Ước chi mỗi người, mỗi gia đình Kitô hữu hãy Tân Phúc-Âm-hóa đời sống Giáo xứ và Cộng đoàn bằng chính những người hàng xóm thân cận của mình để xây dựng những khu xóm không còn những tiếng cãi vã và trở thành một cộng đoàn hiệp thông để truyền rao Tình Yêu Thiên Chúa. Amen.

Đã đăng trên:

Thứ Sáu, 10 tháng 7, 2015

ĐƯỢC SAI ĐI


Loan báo Tin Mừng là công việc của người môn đệ Chúa, là ơn gọi Chúa ban cho mỗi chúng ta. Xã hội đương thời đang sống trong khủng hoảng “nhiều người, việc ít”. Nhưng Chúa Giêsu lại gợi lên một thực trạng ngược lại “việc nhiều nhưng thiếu người”, “lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít”.
Lời Chúa trong phụng vụ Chúa nhật XV thường niên mời gọi ta ý thức lại ơn gọi của kẻ được sai đi để trao bình an giữa những nghịch cảnh đời người.
12 Tông đồ được sai đi theo bài sai của chính Chúa Giêsu. Bài sai này xuất phát từ sự quan tâm thao thức trước tình trạng thiếu hụt thợ gặt trên cánh đồng truyền giáo của Chúa. Việc sai đi từng hai người một nói lên tính cộng đoàn, nghĩa là các môn đệ của Chúa cần cộng tác và liên đới với nhau trong sứ vụ.
Các ông không làm việc riêng lẻ mà làm việc theo nhóm với tinh thần trách nhiệm. Cùng chung vui-chia cực-sẻ khổ với nhau, và cùng theo một đường hướng nhất định. Sau này thời tông đồ công vụ cũng thực hiện y như thế: Phê-rô và Gio-an (Cv 3,1; 4,13), Phao-lô và Ba-ra-ba (Cv 13,2), Giu-đa và Si-la (Cv 15,22b).
Hành trang, lương thực, bao bị, tiền đồng để giắt lưng… là những nhu cầu dự phòng của cá nhân dễ làm cho người môn đệ phân tâm. Đơn giản Chúa không cần mấy thứ đó. Hành trang cần mang chính là sự tín thác và tinh thần siêu thoát để dễ trao ban cho người khác.

Người chỉ thị cho các ông không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy; không được mang lương thực, bao bị, tiền đồng để giắt lưng; được đi dép, nhưng không được mặc hai áo. Người bảo các ông: "Bất cứ ở đâu, khi anh em đã vào nhà nào, thì cứ ở lại đó cho đến lúc ra đi. Còn nơi nào người ta không đón tiếp và nghe lời anh em, thì khi ra khỏi đó, hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ." (Mc 6, 8-11)

Các tông đồ được sai đi không phải để làm công việc tiếp thị Tin Mừng  nhưng là đem Tin Mừng tiếp cận với con người, ngay cả trong những nghịch cảnh đời tông đồ: được và không được đón nhận. Nghịch cảnh ấy không nhận chìm căn tính tông đồ nhưng giúp họ có sức mạnh trung thành với sứ mạng và can đảm khôn ngoan hiền hòa như chiên giữa bầy sói.

Chúa muốn Lời sức mạnh của Ngài là hành trang thiết yếu trong những chuyến đi của các môn đệ. Họ cất bước ra đi trong sự nghèo nàn để không cậy dựa vào bất cứ điều gì ngoài sự tin tưởng, phó thác. Ngay cả những nhu yếu phẩm hàng ngày như cơm ăn, áo mặc thì cũng chỉ nhận lãnh như những quà tặng của những người họ ghé thăm.
Nhưng con người thường tự trang bị cho mình đủ các thứ: tham vọng, kiêu căng và bao nhiêu ảo vọng không phải thuộc về Chúa. “Con người cũ” vẫn còn hiện diện trong mỗi chúng ta. Người môn đệ phải từ bỏ tất cả những gì có thể ngăn cản lời Chúa. Làm việc tông đồ, càng bỏ mình, càng tin phục vào Chúa thì mới đạt hiệu quả.

Khi sai các tông đồ đi, Chúa Giêsu cũng chia sẻ với họ một phần quyền năng của Ngài, quyền trên sự dữ. Các ông ra đi là đi vào cuộc chiến chống ma quỷ. Xua tan đi ma quỷ đang chiếm hữu các tâm hồn, giải thoát con người khỏi ách nô lệ của thần dữ và những bệnh tật tâm hồn, thể xác.
Lên đường đến với muôn dân, người môn đệ được mời gọi trao truyền bình an cho người khác. Bình an đó là bình an cứu độ, bình an nội tâm, bình an siêu nhiên. Bình an có thể hiểu là của những người mang dấu tích cuộc khổ nạn của Đức Kitô như trong thư Galát của Thánh Phaolô.
Chúa vẫn sai chúng ta, những người tông đồ của Thánh Tâm Chúa từ bỏ tất cả để ra đi. Từ ngày chúng ta chịu phép Thêm sức là chúng ta đã lãnh bài sai ra đi và ngày chúng ta tuyên hứa là một lần tái nhận. Ra đi ngày nay là biến cuộc sống hằng ngày thành một tuyên xưng đức tin sống động và rõ rệt. Hành trang của chúng ta không có gì khác ngoài niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự yêu thương của Thánh Tâm Chúa.
Công Đồng Vatican II, trong sắc lệnh về truyền giáo (Ad gentes) đã nêu rõ: “Giáo Hội nhờ Chúa Thánh Thần thúc đẩy, cũng tiến bước trên con đường mà Chúa Giêsu đã đi, là nghèo khó, vâng phục, phục vụ và tự hiến thân cho đến chết”. Ngày nay, liệu chúng ta có dám từ bỏ tất cả để ra đi loan báo Tin Mừng chỉ với niềm tin tuyệt đối vào Đấng đã sai chúng ta đi không?


Đã đăng trên: