Thứ Sáu, 25 tháng 12, 2015

GIÁNG SINH TÌNH YÊU

Noel là ngày lễ vui của toàn thể nhân loại, không phân biệt chủng tộc, quốc gia, tôn giáo. Đây là mùa của đèn nến rực rỡ cùng những dây kim tuyến, trái châu lóng lánh trên những cây thông và hang đá với những dây đèn điện tử chớp tắt đầy màu sắc. Mùa của những tiếng hát réo rắt của ca đoàn với những bài thánh ca bất hủ. Mùa của tiệc tùng lễ hội đầy tiếng cười vui vẻ, và những bộ trang phục hào nhoáng.

“Dĩ lễ tồn tâm”, lấy những cái bên ngoài để duy trì và củng cố đời sống nội tâm. Tất cả những âm thanh và màu sắc đó đều có sức thu hút mãnh liệt và cần thiết để con người có thể hòa vào niềm vui chung của toàn nhân loại cùng triều thần Thiên quốc trong ngày lễ kỉ niệm con Thiên Chúa giáng trần.

Nhưng khi không còn những ngọn đèn nhấp nháy xanh đỏ, khi những âm thanh chỉ còn sót lại một cung bậc trầm trong tĩnh lặng của tâm hồn. Hãy nhìn ngắm Chúa Giêsu Hài đồng đơn sơ, khó nghèo nằm trên nắm cỏ rơm trong hang đá dưới ánh nến lung linh của tâm hồn. 

Noel là từ thu gọn của tước hiệu Emmanuel, tiếng Do Thái nghĩa là "Thiên Chúa ở cùng chúng ta". Noel nói lên tình yêu của một Thiên Chúa yêu thương, sáng tạo nên con người. Nhưng con người kiêu căng, không vâng phục Thiên Chúa. Họ đã bị ma quỷ cám dỗ muốn được ngang hàng với Thiên Chúa và chọn lựa cách sống tự do theo bản năng của mình. Thế nhưng Thiên Chúa vẫn thương xót con người đến nỗi đã sai Con Một Người là Đức Giêsu Kitô nhập thể, xuống thế để cứu rỗi con người.
                             
Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta (Ga 1,14). Là con người được sinh ra bởi Đức Trinh nữ Maria. Người cùng đồng hành, chia sẻ mọi nỗi vui, buồn của kiếp nhân sinh. Là Thiên Chúa, Người giáng trần để làm cầu nối trung gian giữa đất với trời, để con người có cơ hội được trở lại với Thiên Chúa. Người kêu gọi con người hãy thương yêu nhau vì tất cả đều là con cái Chúa, đều được Thiên Chúa yêu thương.

Trong mùa Noel mọi người đều hướng về Chúa Giêsu Hài đồng, xin Người ban cho nhân loại khỏi chiến tranh, nghèo đói, bất hạnh. Người đến xóa mọi bất công nhưng không mang theo quyền lực, vũ khí. Quyền lực của Người là sự bình an ánh lên trong đôi mắt thơ ngây. Vũ khí của Người là đôi tay yêu thương mở rộng.

Nhưng hơn hai ngàn năm đã trôi qua, nhân loại hình như vẫn chưa thấu hiểu được sứ điệp ấy. Vẫn còn tiếng bom đạn, vẫn còn những tiếng khóc vì hành tinh này chưa một ngày vắng bóng chiến tranh. Nạn khủng bố có nguồn gốc từ chủ nghĩa bạo lực cực đoan, cuộc tranh chấp giữa người Palestin và Israel tại Trung Đông … vẫn đang là những tin tức thời sự nóng bỏng trên báo chí thế giới. 

Ngày 11/4/2015 vừa qua, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã ban hành tông sắc Dung mạo lòng thương xót, công bố Năm Thánh Lòng Thương Xót. Lòng thương xót không phải là một từ ngữ trừu tượng, nhưng là từ ngữ diễn tả dung nhan Thiên Chúa cũng như đời sống và hành động của Chúa Giêsu, đồng thời là phương cách thể hiện tính khả tín của Giáo Hội.

Trong Thư mục vụ gửi Cộng đồng Dân Chúa ngày 17/9/2015, Hội đồng Giám mục Việt Nam cũng nhắc lại rằng Năm Thánh Lòng Thương Xót này trùng với “Năm Tân Phúc-Âm-hóa đời sống xã hội” của Giáo hội Việt Nam và kêu gọi các tín hữu sốt sắng đón nhận lòng thương xót của Chúa qua bí tích Giao hoà, tha thứ cho nhau và làm hoà với nhau, đồng thời biết quan tâm giúp đỡ những người bị gạt ra bên lề xã hội và những ai đang đau khổ về tinh thần cũng như thể xác.

Hài nhi Giêsu không sinh ra trong cung vàng điện ngọc, nhưng lại sinh ra trong hang bò lừa hôi tanh. Người đã muốn trở nên người nghèo để cảm thông với những người nghèo trên trần gian này. Người không chỉ dạy chúng ta sống nghèo mà còn phải cảm thông, chia sẻ với những người nghèo.

Những mục đồng nghèo nàn, làm thuê làm mướn, ăn bờ ngủ bụi, nay đây mai đó là những người đầu tiên được mời gọi đến hang đá Bêlem. Họ chẳng có gì, ngoài tấm thân dãi dầu sương gió và tâm hồn vô tư, trong trắng, chẳng vương vấn chuyện đời lọc lừa, xảo trá.

Người muốn trở thành kẻ bị người đời xua đuổi, không nơi nương thân để thấu hiểu thân phận của những người bị bỏ rơi. Đó là những di dân và tị nạn, những người vì hoàn cảnh kinh tế phải từ bỏ nơi chôn nhau, cắt rốn của mình để “tha phương cầu thực”. Họ không những phải từ bỏ nhà cửa, ruộng vườn mà còn bị tước mất quyền thuộc về cộng đoàn, quốc gia nơi họ đã từng sinh sống vì hoàn cảnh chiến tranh, chính trị.

Họ là những người thấp cổ bé họng, suốt đời hy sinh cho sự nghiệp giáo dục và chăm sóc cho người nghèo. Họ đã bỏ biết bao công sức khai hoang vỡ đất, biến một vùng hoang vu thành cơ sở tu trì và những trường học, góp phần giáo dục hàng trăm ngàn thanh thiếu niên trong các khu lao động nghèo. Đến nay đất đai bị chiếm, tài sản của họ bị đập phá …

Họ là những bệnh nhân nghèo khổ mang trong mình những chứng bệnh nan y, đã không tiền còn lại bị tăng viện phí ngày ngày đang chờ đợi những tô cháo tình thương để sưởi ấm cõi lòng. Họ là những người già neo đơn, những em thiếu nhi mồ côi hay những người lầm lỡ vướng mắc căn bệnh nan y của thế kỷ đang sống vật vờ không biết ngày mai sống  chết ra sao!

Và còn nhiều nữa biết bao phận người nghèo khổ tha hương, sống ở khu nhà ổ chuột hay ở dưới gầm cầu giữa chốn thị thành đang vất vả mưu sinh, kiếm ăn từng bữa …. Những cư dân nơi vùng cao, vùng sâu, vùng xa nghèo khổ tay lấm chân bùn, phải vất vả với miếng cơm manh áo từng ngày.

Họ rất cần mỗi Kitô hữu chúng ta đem ánh sáng Tình yêu của Thiên Chúa đến ở giữa họ, ở cùng họ, chia vui sẻ buồn với họ. Chỉ cần một hành động nhỏ như gần gũi, hỏi thăm chân thành của chúng ta cũng đủ để thắp lên ngọn lửa yêu thương ấm áp.

Lạy Chúa Giêsu Hài đồng, chúng con vừa bước vào Năm Thánh Lòng Thương Xót của Giáo hội Công giáo hoàn vũ và cũng là Năm Tân Phúc-Âm-hóa đời sống xã hội của Giáo hội Việt Nam. Xin cho chúng con sống trong lòng thương xót theo gương Cha trên trời. Xin dạy chúng con đừng xét đoán và kết án, nhưng hãy tha thứ và yêu thương vô giới hạn.

Xin Tình Yêu và Lòng Thương Xót của Chúa Hài Đồng nâng đỡ, ủi an những di dân, tị nạn. Trả lại công bằng cho những người bị áp bức bất công. Chữa lành những vết thương tinh thần và thể xác cho những bệnh nhân đau yếu. Đưa về nơi chốn bình an những ai đang cơ nhỡ, lang thang không nơi nương tựa. Làm ấm lòng những người đói khát, vất vả mưu sinh vì sinh tồn cuộc sống.

Xin cho Ánh Sáng linh thiêng của đêm Noel không bị che lấp bởi những niềm vui trần tục. Cho chúng con lòng hăng say mới để có thể mang Tin Mừng đến cho người nghèo. Bớt tiêu xài, vui chơi mua sắm trong mùa Noel, để chia sẻ tiền bạc và của cải vật chất cho những người kém may mắn. Biết đồng cảm, đồng hành cùng những người thiện tâm như những cọng rơm khô nhỏ bé luôn tỏa nồng hơi ấm Noel Tình Yêu. Amen.


Đã đăng trên:
http://gdpttthathocmon.org/?p=6081#more-6081

Thứ Ba, 22 tháng 12, 2015

CHÚT SUY TƯ CUỐI MÙA VỌNG 2015


Một chút se se lạnh với sương mù sớm mai lãng đãng. Những đèn sao nhấp nháy ẩn hiện trên những ngôi nhà cao tầng, những cây thông Noel. Những hang đá đã được dựng lên và đâu đó tiếng nhạc Silent Night văng vẳng báo hiệu một mùa Giáng Sinh lại đến.

Mùa Giáng sinh, mùa Tình yêu Ngôi Lời giáng thế. Ngôi Hai Thiên Chúa đã chấp nhận kiếp con người, mang thân phận nô lệ, sinh ra trong hang đá nghèo và lạnh lẽo để đồng cảm với thân phận con người mỗi chúng ta. Ngôi Hai Thiên Chúa đã tự khiêm hạ, chấp nhận mang thân phận con người, giáng sinh trong cảnh nghèo hèn vì yêu thương nhân loại.

Thiên Chúa là Cha luôn đi trước trong việc bày tỏ tình thương với con người. Để cứu độ con người, Con Chúa phải trở nên con người. “Ngôi Lời trở nên người phàm” từ tình yêu ở giữa đời người để cứu độ con người.

Lời loan báo về Đấng Messia thời Cựu Ước đã trở thành hiện thực khi Con Chúa mặc lấy xác thân giống phàm nhân như chúng ta chỉ trừ tội lỗi. Nhập Thể không chỉ là sự kiện lịch sử cứu thế mà còn là sự thật: Con Chúa bỏ trời đến với trái đất nhằm cứu độ con người.

Ngôi Lời là ánh sáng thật chứ không ảo, là mầu nhiệm “ở giữa” trong tính phổ quát như lời ngôn sứ Isaia “mọi người phàm sẽ nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”. Việc ở giữa của Đấng Cứu Thế mang cho nhân loại một nhãn quan mới, đó là biết nhận ra Thiên Chúa đang hiện diện trong một thế giới đầy bóng tối của tội lỗi.

Đấng Cứu Thế không cứu độ một tư tưởng mà là cứu độ trọn vẹn con người. Khi nghe Gioan Tẩy Giả rao giảng, người ta lũ lượt kéo đến xin chịu phép rửa và dốc lòng ăn năn thống hối. Họ còn muốn thay đổi cuộc đời nên hỏi thánh Gioan: “Chúng tôi phải làm gì đây?”.

Để trả lời, thánh Gioan thúc giục mọi người chuẩn bị đón Đấng Messia đến bằng cách thực hiện những việc làm ý nghĩa và cụ thể nhất. Ngài mời gọi họ sống tốt trong hoàn cảnh riêng của mình và quảng đại chia sẻ những gì mình đang có. (x. Lc. 3,10-14)

Vậy chúng ta ăn năn thống hối và “đổi đời” cách nào để đón Chúa đến trong năm Thánh Lòng Thương Xót và Tân Phúc-Âm-hóa đời sống xã hội? Rất đơn giản và thực tế: hãy bắt đầu từ việc chu toàn bổn phận hàng ngày của mình, tha thứ và hòa giải với tinh thần tôn trọng lẫn nhau. Sẵn sàng rộng tay chia sẻ với tha nhân, nhất là những người đang bị thử thách vì nghèo khổ, bệnh tật và cô đơn.

Thiên Chúa “nhân từ và giàu lòng thương xót” đã sai Con Một của Ngài mang tình thương cứu độ đến cho nhân loại, đặc biệt cho những người nghèo khổ. Chúng ta hãy đến với những người khác, hãy sẵn sàng giao lưu, đối thoại với họ. Hãy tạo nên những nhịp cầu rất cần thiết cho thế giới chúng ta hôm nay. Để mọi người có thể đến với nhau, trao đổi với nhau trong tình huynh đệ, vì tất cả đều là con của một Cha ở trên Trời. Hãy nối kết với nhau, hãy hợp nhất với nhau, làm thành một Gia Đình Nhân Loại Duy Nhất. (Thư Mục vụ Mùa Vọng 2015 của Đức TGM Phaolô Bùi Văn Đọc)

Hãy nhìn ngắm Chúa Giêsu Hài Đồng nằm trên máng cỏ trong hang đá Bêlem. Người là hiện thân của lòng thương xót, của tình yêu, của hòa bình, của tự do. Chiêm ngắm Người, ta sẽ rút ra được những câu trả lời cho những vấn đề nan giải của thế giới, của con người, và nhất là của chính bản thân ta. Sống theo lòng thương xót Người, ta sẽ góp phần xây dựng một thế giới tràn đầy tình yêu thương, tha thứ.

“Người đến nhà mình, mà người nhà không chịu đón nhận …”. Liệu có giả tạo không khi một mặt người ta vui vẻ đón Chúa nhưng mặt kia lại rắp tâm loại trừ người khác! Liệu ánh sáng sao dẫn đường trong ta có phải là ánh hào quang nội tâm hay chỉ là dạ quang phát sáng ban đêm nhưng lại tắt ngúm ban ngày?

Trong suốt mùa Vọng, chúng ta đã dọn lòng, sám hối. Sám hối là dọn đường cho Chúa đến nhưng cũng là dọn lối để đến với tha nhân. Xin cho chúng ta luôn biết sám hối và quyết tâm sống công bình bác ái, tha thứ cho nhau. Xã hội hôm nay còn đó rất nhiều hoàn cảnh bất hạnh cần đến lòng thương xót. Xin hãy mở lòng thương xót như Chúa Cha để Ngôi Lời nhập thể trong lòng ta mang lại nguồn ơn cứu độ, hạnh phúc cho trần gian.



Đã đăng trên:
http://gdpttthathocmon.org/?p=6073#more-6073

Thứ Năm, 5 tháng 11, 2015

SỐNG VÀ CHẾT

Cuộc sống mong manh của con người cứ đều đều trôi theo tháng ngày, ít ai đề ý. Chỉ khi đứng trước nấm mồ của người thân hoặc khi chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa của sự chết, người ta mới có những giây phút lắng lòng để suy tư về nó.

Người quá biết ta được nhồi nắn bằng gì,
hẳn Người nhớ: ta chỉ là cát bụi.
Kiếp phù sinh, tháng ngày vắn vỏi,
tươi thắm như cỏ nội hoa đồng,
một cơn gió thoảng là xong,
chốn xưa mình ở cũng không biết mình.
(TV 103,14-16)

Ngày nay con người vẫn “bó tay”, không thắng nổi cái chết dù có trong tay sức mạnh vạn năng của khoa học kỹ thuật tiên tiến. Quan quyền binh tướng, giàu sang nghèo hèn … ai ai rồi cũng phải chết. Đứng trước cái chết, mọi người đều bình đẳng - có khác chăng chỉ là những lễ nghi hoặc nấm mồ đơn sơ hay hoành tráng.

Nói như các triết gia bi quan, khi sinh ra là bắt đầu một tiến trình hướng về sự chết. Theo dòng thời gian, con người dần lớn lên với những buồn vui, sướng khổ của kiếp nhân sinh. Khi còn trẻ, sung sức người ta ít khi để ý đến những dấu hiệu cảnh báo của cơ thể. Về già, con người cảm thấy yếu dần. Yếu dần là dấu hiệu của sự chết đang đến.

Thiên Chúa là Chúa của kẻ sống. Theo quy luật tự nhiên mỗi người đều sinh ra, sống và tất cả đều ra đi âm thầm để chờ đợi hưởng nhan Chúa một cách trọn vẹn. Chúa Giêsu khi cầu nguyện cùng Chúa Cha đã không xin cho con người khỏi chết nhưng xin “Những kẻ cha ban cho Con, Con muốn rằng Con ở đâu thì chúng cũng ở đấy với Con”. Ước nguyện của Chúa là muốn ở với con người theo nghĩa siêu nhiên là đảm bảo được đón nhận trong tình yêu thương của Thiên Chúa.

Vì tình thương, Chúa luôn gởi đến cho chúng ta nhiều dấu hiệu báo trước cái chết. Những cái chết của người thân, một chứng bệnh xuất hiện, những sợi tóc bạc, mắt mờ chân mỏi, xương cốt rã rời, … tất cả đều là những dấu hiệu. Vì thế chúng ta đừng làm ngơ trước những dấu hiệu tình thương ấy. Hãy đón nhận chúng, nhận ra ý nghĩa của chúng và chuẩn bị.

Khi được sống trong một xã hội văn minh, vật chất sung túc đầy đủ, không phải lo chiến tranh, loạn lạc…. Người ta sẽ thoải mái, yên tâm giữ đạo thờ phượng Chúa. Nhưng mặt trái của nó là lối sống tự do, hưởng thụ đâm ra trụy lạc, tự mãn, coi thường, bất cần đến đạo, bất cần đến Thiên Chúa. 

Ngược lại, nếu phải sống trong một môi trường bất ổn, nghèo đói. Người ta cảm thấy mạng sống mình mong manh, của cải vật chất thiếu thốn không thỏa mãn được nhu cầu sống. Khi đó người ta dễ chạy đến cầu xin với Chúa. Nhưng nếu cứ phải sống triền miên trong bất ổn, nghèo khổ, túng quẫn. Người ta thường dễ trách móc “ông Trời”, xa lìa đạo giáo và tiêu cực hơn là tự tìm đến cái chết để giải thoát.

Đời người có nhiều chuyến đi. Có những chuyến đi vội vã. Có những chuyến đi được lên kế hoạch, sắp xếp cẩn thận. Ra đi và trở về là công việc lập đi lập lại thường xuyên. Nhưng có một chuyến đi quyết định và quan trọng. Một chuyến đơn hành không trở lại và ta không thể mang theo những của cải vật chất đã gắn bó và gom góp suốt cả đời.

Một chuyến đi du lịch đôi ba ngày, vài tuần, vài tháng … đã khiến ta phải sắp xếp chuẩn bị nhiều ngày, có khi nhiều tuần …. Còn chuyến đi cuối cùng và thật quan trọng của cuộc đời mình, ta đã chuẩn bị được những gì? Đã sắp xếp được bao nhiêu hành trang cho chuyến đi vĩnh viễn và không bao giờ trở lại này?

Đối với người Kitô hữu, chết không phải là hết mà là cửa ngõ của sự sống mới - sự sống trường sinh bất tử được Thiên Chúa tái tạo. "Vậy anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo Ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em, vì Ngày ấy sẽ ập xuống trên mọi dân cư khắp mặt đất. Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người." (Lc 21,34-36)

Vậy khi sống ở cõi tạm đời này không nên để mình bị cuốn hút vào những trào lưu của xã hội. Đừng quá chú tâm vào những việc thế gian để rồi lo chè chén say sưa hoặc chỉ lo chuyện sống chết, chỉ lo chuyện trần tục... Những nhân sinh quan này làm cho lòng con người ra nặng nề, chai đá và quên đi điểm cuối của cuộc lữ hành đời mình.

Sống và chết là hai kỳ công do Thiên Chúa an bài. Con người không có quyền gì trên sự chết và sự sống. Hãy cầu nguyện liên lỉ để xin ơn đứng vững trước những xáo trộn bên ngoài. Bất cứ lúc nào cũng chuẩn bị sẵn sàng theo tiếng Chúa gọi, dù bất thình lình, đột ngột. Hãy vững lòng trông cậy và phó thác cho Chúa cuộc sống và cái chết đời này để được sự sống đời sau bất diệt.

Đứng trước những nấm mồ của kẻ chết hôm nay, ngày mai chúng ta không biết sẽ ra sao, ngày cuối đời lại càng mù mịt. Xin Chúa cho chúng ta biết sống từng giây phút hiện tại, luôn ưu tiên đặt Chúa lên trên hết mọi sự trong việc chu toàn bổn phận làm người. Xin tình thương Chúa luôn che chở và giúp chúng ta biết nhận ra những dấu hiệu của sự sống vĩnh cửu trong cuộc đời để đừng sống như đã chết. Amen.

Tháng các linh hồn 2015


Đã đăng trên:

Chủ Nhật, 1 tháng 11, 2015

THÁNG CÁC LINH HỒN 2015: NHỮNG NGÔI NHÀ

Ngôi nhà gợi lên trong lòng chúng ta bao nhiêu hình ảnh, bao nhiêu kỉ niệm. Có những ngôi nhà to lớn sang trọng với đầy đủ tiện nghi nhưng những người sống trong đó vẫn cảm thấy cô đơn và thiếu vắng tình thương yêu. Có những ngôi nhà bé nhỏ tuềnh toàng nhưng tình yêu thương chan hòa giữa những người thân đã khiến ngôi nhà trở nên một mái ấm.
Thông thường một đời người từ khi sinh ra đến khi nhắm mắt lìa đời có thể sống trong nhiều ngôi nhà: nhà thừa kế, nhà “tình thương - tình nghĩa”, nhà sở hữu “chính chủ” hay nhà thuê trọ, ở mướn .... Tất cả đều là bến đỗ bình yên, là vỏ bọc an toàn cho con người. Nhưng vẫn có những người vì hoàn cảnh nào đó không có được một chỗ nương thân hay phải rứt ruột từ bỏ ngôi nhà của mình.
Những người tị nạn với những hình ảnh thương cảm nhất tại châu Âu vừa qua đã khiến toàn thế giới phải nao lòng. Họ không những phải từ bỏ nhà cửa, ruộng vườn để “chạy lấy người” mà còn bị tước mất quyền thuộc về cộng đoàn, quốc gia nơi họ đã “chôn nhau, cắt rốn”. Không có được một nơi để họ trú chân, được chăm nom, được yêu thương và chia sẻ. 
Đồng cảm với tình trạng khốn khổ đó, trong buổi đọc kinh Truyền tin trưa Chúa nhật 06 tháng Chín vừa qua. Đức giáo hoàng Phanxicô đã kêu gọi mỗi giáo xứ, mỗi cộng đoàn dòng tu, đan viện, đền thánh ở châu Âu, hãy tiếp nhận một gia đình tị nạn; đồng thời ngài nhấn mạnh Vatican và hai giáo xứ của Vatican cũng sẽ tham gia việc này. 
Nhưng cả những người được coi là “vô gia cư” cũng có được ngôi nhà đầu tiên do Thiên Chúa an bài trong lòng mẹ. Tuy nhỏ hẹp, nhưng rất ấm áp và đầy đủ nghĩa tình. Nơi đó mỗi người không phải lo lắng đói no, ấm lạnh. Đó là nơi trú ngụ an toàn nhất, đầy đủ nhất trước khi bước vào những ngôi nhà khác trong cuộc trần gian buồn vui - sướng khổ.
Ai cũng có những kỷ niệm trong kí ức lúc thì đẹp lấp lánh như pha lê, lúc lại long lanh gợn buồn như những giọt nước mắt về ngôi nhà gắn bó suốt cuộc đời mình. Nơi đã từng nghe những tiếng khóc đầu đời, chứng kiến tuổi ấu thơ rồi trưởng thành bước vào đời; nụ cười hạnh phúc của ngày tân hôn hay những giọt nước mắt tiễn đưa người thân lần cuối.
Ngôi nhà là tổ ấm thân thương, nơi không có chỗ cho sự sợ hãi. Nơi mỗi người thật sự thoải mái, không phài bận tâm lo lắng vì mọi căng thẳng, áp lực của cuộc sống. Nơi mỗi người có thể sống thật với chính mình để trao đổi tình cảm chân tình với nhau và cũng là nơi người đi trước chuyển giao kinh nghiệm từng trải và khôn ngoan cho những người đi sau.
Ngôi nhà còn là cung thánh sống động, nơi đó người ta học biết những tương quan mang nghĩa “thánh thiêng”. Đẹp thay khi có những nghi thức nho nhỏ trước bữa ăn, giờ kinh nguyện khi đi ngủ và thức dậy. Chính những thói quen đơn sơ này đã trở thành những dấu ấn mà khi vượt ra khỏi hàng rào nhỏ bé của gia đình, mọi người lại cùng nhau hướng về ngôi nhà chung lớn hơn trong những tiếng chuông reo vui rộn rã.
Đó là Thánh đường giáo xứ, nơi mà khi mới chào đời tôi đã được người thân đưa đến nhận bí tích thanh tẩy. Cũng tại đây tôi đã được vỡ lòng về giáo lý, được nghe những tiếng cầu kinh, tiếng hát cùng tiếng đàn phong cầm trầm bổng; được cùng tham dự Thánh lễ, nhận lãnh các bí tích khai tâm. Nơi những người yêu nhau tìm đến kết giao trước mặt Thiên Chúa, nơi con người chào từ biệt lần cuối trước chuyến lữ hành miên viễn...
Ngôi nhà lớn nhất tuy không có hình tượng rõ rệt nhưng lại bao bọc toàn thể nhân loại chính là hành tinh xanh – trái đất của chúng ta. Đức giáo hoàng Phanxicô trong thông điệp Laudato si’ đã kêu gọi tất cả và từng người - cá nhân, gia đình, tập thể địa phương, quốc gia và cộng đồng quốc tế - hãy đón nhận vẻ đẹp của “chị đất, mẹ đất” và có trách nhiệm dấn thân để “săn sóc ngôi nhà chung”. Ngài muốn gửi đến tất cả mọi người một sứ điệp rõ ràng và đầy hy vọng: ”Nhân loại còn có khả năng cộng tác để xây dựng một ngôi nhà chung”.
Chung cuộc, ai cũng sẽ phải chọn cho mình một ngôi nhà riêng. Có người chọn vài mét vuông đất tại nghĩa trang để ký gởi thân xác của mình. Có người dùng lửa để hóa thân trở lại kiếp tro bụi với hũ hài cốt bé nhỏ chỉ chiếm không gian vài chục xen-ti-mét trong nhà hài cốt, hoặc muốn được rải tro than mình hòa vào thiên nhiên trên núi hay dòng sông, biển cả.
Nhưng không ai biết được ngôi nhà cuối cùng đã lựa chọn trước có bảo bọc cho mình mãi mãi được không? “Nhất điền thiên vạn chủ”, nơi này hôm nay đang là nghĩa trang đìu hiu quạnh quẽ của người chết nhưng sau nhiều lần qui hoạch lại trở thành phố phường đông vui cho người sống. Hoặc thiên tai có thể quét sạch, san bằng những kiến trúc có kết cấu bền vững nhất huống chi là những nấm mồ liêu xiêu, bất ổn.
Sinh ký tử quy – sống gửi thác về”, đời sống người Ki-tô hữu như một hành trình “hướng về nhà” và cái chết là được “về đến nhà”. Ngôi nhà này mới thực sự là ngôi nhà cuối cùng, là đích đến cho con người trong cuộc lữ hành trần thế. Vâng, chúng ta đang lữ hành đến ngày Sabbát vĩnh cửu, đến Giêrusalem mới, ngôi nhà chung ở trên trời.(Laudato si’)
Vậy ngay khi còn sống tạm ở cõi vật đổi sao dời này, hãy chuẩn bị cho ngày trở về nhà. Hãy chuẩn bị sẵn cho mình một chỗ trong ngôi nhà vĩnh cửu được xây dựng trên nền móng vững chắc không gì có thể lay chuyển nổi như lời Thánh Phao-lô đã xác tín: "không ai có thể đặt nền móng nào khác ngoài nền móng đã đặt sẵn là Đức Giê-su Ki-tô." (1Cr 3,11).


Đã đăng trên:

Thứ Bảy, 17 tháng 10, 2015

KHÁNH NHẬT TRUYỀN GIÁO: LÀM CHỨNG

“Anh em là chứng nhân của Thầy”. Hai tiếng chứng nhân ấy không còn xa lạ với mỗi chúng ta. Chúa Giêsu trước khi về trời đã trao bài sai cho các môn đệ: “Anh em hãy ra đi khắp tứ phương thiên hạ, giảng dạy cho muôn dân và làm phép rửa cho họ”. Sứ điệp Lời Chúa ngày Khánh nhật Truyền giáo nhắc chúng ta về sứ mạng làm chứng cho Chúa bằng đời sống đức tin trong lòng xã hội hôm nay.

Chính Chúa Giêsu là nhà truyền giáo đầu tiên và Ngài đã mời gọi: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em”. Không chỉ có hàng Giáo phẩm, Giáo sĩ mới có nhiệm vụ làm chứng nhưng mọi Kitô hữu đều có nghĩa vụ và bổn phận đó. Để có thề làm chứng, trước hết người tông đồ giáo dân cần phải có niềm tin tuyệt đối vào Đức Kitô như thánh Phaolô đã nói: “Tôi biết tôi đã tin vào Đấng nào” (2Tm 1,12).

Chính niềm tin vào Đức Giêsu Kitô Phục Sinh sẽ thúc đẩy người tông đồ mạnh dạn sống và loan báo Ngài cho người khác, như hai thánh tông đồ Phêrô và Gioan đã mạnh dạn nói trước Thượng hội đồng khi bị cấm rao giảng về Đức Giêsu: “Những gì tai đã nghe, mắt đã thấy, chúng tôi không thể không nói ra” (Cv 4,20).

Trong Sứ điệp cho Ngày Thế giới Truyền giáo 2015, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói: “mọi thành viên của Hội Thánh được kêu gọi rao giảng Tin Mừng bằng chứng tá đời sống của mình“. Và trong tông huấn Niềm vui của Tin Mừng ngài cũng “mời mọi Kitô hữu ở khắp nơi, ngay từ lúc này, đi vào một cuộc gặp gỡ cá vị và mới mẻ với Đức Giêsu Kitô”. Gặp gỡ Đức Kitô  nơi giáo lý và giáo huấn của Giáo Hội, gặp gỡ Đức Kitô  trong những giây phút lắng đọng tâm hồn để lắng nghe, học hỏi Lời Ngài … là những điều cần thiết cho hành trang người tông đồ giáo dân.

Sống chứng nhân bằng đức tin đòi hỏi người tông đồ phải có hoài bão, lí tưởng đem Lời Chúa đến cho mọi người. Luôn băn khoăn xao xuyến, thao thức dấn thân đế biến hoài bão, lí tưởng đó trở thành hiện thực. Trong thư thứ 1 gởi giáo đoàn Côrintô, Thánh Phaolô nhắn nhủ người tông đồ cần xác định việc “… rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm …” (1Cor 9,16)

Sắc lệnh Tông đồ Giáo dân của công đồng Vatican II đã nhấn mạnh đến sự góp phần của giáo dân vào công cuộc loan báo Tin Mừng bằng chứng tá của đời sống và bằng lời rao giảng. “Chính chứng tá của đời sống Kitô hữu và những việc lành được làm với tinh thần siêu nhiên có sức lôi kéo người ta đến đức tin và đến với Thiên Chúa, vì Chúa phán: "Sự sáng của các con phải chiếu giãi trước mắt mọi người, để họ xem thấy việc lành các con mà ngợi khen Cha các con ở trên trời" (Mt 5,16).

Tuy nhiên việc tông đồ này không chỉ ở tại việc làm chứng bằng đời sống. Người tông đồ đích thực còn tìm dịp loan truyền Chúa Kitô bằng lời nói hoặc cho người chưa tin để đưa họ đến đức tin, hoặc cho tín hữu để giáo huấn họ, củng cố và thúc đẩy họ sống sốt sắng hơn vì “tình yêu Chúa Kitô thôi thúc chúng ta" (2 Cor 5,14) và trong lòng mọi người phải âm vang lời Thánh Tông Ðồ: "Thật khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Phúc Âm" (1Cor 9,16.)”


Sứ mạng làm chứng của chúng ta không được ngộ nhận như một nghề nghiệp để tìm vinh danh cho mình, muốn người ta chú ý đến việc tốt mình làm. Người Kitô hữu truyền giáo không phải để bám rễ, xí phần nơi truyền giáo. Nhưng phải từ bỏ mình với những lợi lộc, vinh hoa trần thế như lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô : “Ra đi từ vùng đất tiện nghi của mình, để đến với mọi vùng “ngoại vi” đang cần ánh sáng Tin Mừng”. Làm chứng bằng đời sống đức tin là luôn nhân danh Chúa, để Chúa lớn lên trong lòng mọi người bằng những tương quan bác ái.

Không phải ai cũng có thể truyền giáo bằng đời sống tương quan bác ái hoàn hảo. Chúa Giêsu đã Nhập Thể để kết nối tương quan tình thương của Thiên Chúa với tương quan bác ái cho con người. Để xây dựng tốt mối tương quan này, người tông đồ giáo dân phải luôn luôn ở trong Chúa. Nghĩa là chúng ta luôn ở trong lời cầu nguyện đơn sơ và hoàn toàn phó thác.

Chúa Giêsu không sai các môn đệ đi truyền bá lý thuyết hay những tư tưởng cao siêu, nhưng sai đi để làm chứng về những gì các ông đã thấy, đã nghe và đã tin. Người tông đồ giáo dân cũng được mời gọi làm chứng về những điều mình đã tin. Nhưng để trở thành một chứng nhân đích thực, cần phải có kinh nghiệm bản thân về những điều mình tin, và sống kinh nghiệm ấy trong con người của mình.

Một cô bé trước khi được phẫu thuật tim đã xin các bác sĩ trong ê-kíp giải phẫu cho mình được cầu nguyện cùng Thiên Chúa và dĩ nhiên đã được chấp thuận. Nhìn cô bé quỳ gối thành khẩn cầu nguyện với nét mặt ngây thơ tín thác, các bác sĩ đã xúc động. Cuộc phẫu thuật kéo dài hơn mấy tiếng đồng hồ và đã thành công.

Chúa Nhật sau đó, vị bác sĩ trưởng bất ngờ đến thăm cô bé và nói: ”Chú cám ơn con nhiều lắm! Thật ra chú cũng là người có đạo như con, nhưng chú không tuyên xưng được đức tin như con vì nhiều lẽ. Chú đã sống như một người vô đạo, không nhớ tới Chúa. Chính con đã làm thức tỉnh lòng chú khi thấy con là một cháu bé mà tuyên xưng đức tin mạnh mẽ như vậy.”

Sống đức tin đơn sơ phó thác như cô bé phải chăng là một chứng nhân  của đời sống Kitô hữu chưa cần tới lời rao giảng? Gặp trường hợp phải tuyên xưng đức tin của mình, chúng ta có dám làm như cô bé dù chỉ là một dấu thánh giá trên trán?


Đã đăng trên:

Thứ Tư, 30 tháng 9, 2015

KHIÊM NHƯỜNG


Con người ngày nay thường dễ tự ái - hay nói theo cách của các bạn trẻ là dễ “quê độ”. Từ đó phát sinh nhiều chuyện xích mích, bạo lực có thể dẫn đến đổ máu như ta thường thấy nhan nhản trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng dưới nhãn quan của người Kitô hữu, con người ngày nay đang mất dần đi một nhân đức rất cần thiết để có thể có được mối quan hệ tốt trong xã hội là đức khiêm nhường.

Khiêm nhường là thái độ không tự đề cao mình, đánh giá đúng mực về bản thân. Luôn coi trọng và học hỏi cái hay của người khác. Những người khiêm nhường thường rất hòa nhã, biết kính trên nhường dưới và nghe nhiều hơn nói. Họ không tự mãn với những gì đã đạt được, nhanh chóng nhận biết và sửa đổi các khuyết điểm của mình.

Khiêm nhường dễ gây được lòng yêu mến của tha nhân và từ đó tạo được niềm tin để chinh phục người khác. Nhưng phải khiêm nhường thật sự trong lòng chứ không phải giả vờ khiêm nhường để dè bỉu, chê bai người khác như trình thuật Lc 18, 9-14 nói về dụ ngôn người Pha-ri-sêu và người thu thuế cùng lên đền thờ cầu nguyện.

Người Pha-ri-sêu hiên ngang tự nhận mình tốt lành và nhân đức. Không những vậy, ông ta còn tố gian người thu thuế. Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời. Vừa đấm ngực vừa thưa ngắn gọn: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”. Lời cầu xin rất khiêm nhường vì vậy Chúa Giêsu đã tuyên bố thẳng: “Người này (thu thuế), khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia (Pha-ri-sêu) thì không”.

Khiêm nhường luôn gắn kết với sự khoan dung, còn kiêu ngạo luôn dính líu với ganh tị và ghen ghét. Thánh Phaolô từng cảnh báo: “Đừng làm chỉ vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình.” (Pl 2,3). Ngược lại với khiêm nhường, người kiêu ngạo luôn khẳng định mình là người thông thái, toàn năng, cái gì cũng biết. Người kiêu ngạo chỉ thấy mình là tất cả, mình hay hơn, khôn hơn người khác, ý của mình luôn đúng.

Người khiêm nhường biết đánh giá đúng ưu điểm và sẵn lòng sửa chữa những khuyết điểm của mình. Còn kẻ kiêu ngạo luôn khoe khoang những điểm mạnh nhưng lại lờ đi những điểm yếu của mình. Trong cuộc sống ngày nay có nhiều người quá coi trọng danh tiếng, đẳng cấp và quyền lợi. Họ sẵn sàng “bới bèo ra bọ”, giành giật những điều tốt đẹp về mình dù có phải đụng chạm đến lòng tự trọng của người khác. Đôi khi chỉ là một tờ giấy khen, một danh hiệu trong đoàn thể nhưng vì nhiều người cùng ham muốn đạt được, chẳng ai biết khiêm nhường, chẳng ai chịu lùi ra sau mà gây nên bao tranh giành, chia rẽ mất đoàn kết.

Nếu giảng giải ý nghĩa từng từ một ta thấy khiêm nhường bao hàm nghĩa khiêm tốn và nhường nhịn. Nhường nhịn thật sự rất khó, bởi nó gây cho ta cảm giác thất bại, thua cuộc. Xét về mặt vật chất nó đem lại sự thiệt thòi về quyền lợi mà ai cũng đua tranh giành giật. Vì thế muốn có được lòng khiêm nhường trước hết chúng ta phải học cách nhường nhịn, phải biết hào phóng nhường đường cho kẻ yếu thế tiến lên dù ta có thừa khả năng để làm điều đó.

Có hai hình ảnh diễn tả về sự khiêm nhường: một là cánh buồm bằng vải, mềm mỏng không cứng cáp như tôn, sắt, thép … nhưng chính sự mềm mại đó đã giúp nó nương theo chiều gió để đưa con thuyền đi mau. Hai là đất, là nơi thấp nhất, bị mọi người đạp lên. Vừa bị bầm dập, vừa dơ bẩn nhưng lại là nơi những hạt giống được nảy mầm, cung cấp bao tài nguyên, lương thực cho con người.

Chúa Giêsu đã dạy các mộn đệ: “Nếu không trở lại mà nên như trẻ nhỏ thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 18,3). Trở nên như trẻ nhỏ tức là phải sống khiêm nhường. Con đường thơ ấu của Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu là một quá trình thực hành nhân đức khiêm nhường trong đời sống thiêng liêng. “Hãy luôn sống như trẻ thơ theo ý muốn của Chúa Giêsu trong Tin Mừng, Ngài chẳng muốn nói với ta rằng: ”Nước Trời thuộc về những người giống như trẻ nhỏ” sao?”


Cuộc đời thánh nữ Têrêsa thay đổi hoàn toàn khi bắt đầu bước vào dòng tu. Là con út trong gia đình lại có chị là bề trên và các chị khác cùng tu một dòng nên không tránh khỏi bị mang tiếng là “con ông, cháu cha; nhất thân nhì thế”. Tuy bị dèm pha, nghi kỵ nhưng thánh nữ vẫn chấp nhận làm những công việc bé nhỏ, đơn sơ thường ngày một cách vui vẻ. Đó là khiêm nhường để phục vụ chứ không phải khiêm nhường để được phục vụ.

Khiêm nhường theo lời Chúa dạy không phải là nhu nhược, nhưng là học sống vâng phục thánh ý Chúa. Thánh nữ Têrêsa luôn suy niệm Lời Chúa: “Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11,29) để vâng phục bề trên một cách đơn sơ, bé nhỏ và khiêm nhường. Muốn học được khiêm nhường cần bắt chước Têrêsa thực hiện theo thứ tự ưu tiên JOY (Jesus – Others – You). Mọi thái độ của ta phải đặt ưu tiên cho Chúa, kế đến cho tha nhân và sau cùng mới đến mình.

Đã đăng trên:                              
http://www.thanhlinh.net/node/94281

Thứ Tư, 9 tháng 9, 2015

MỪNG SINH NHẬT MẸ


Chín tháng sau lễ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội, với tiết trời mát mẻ êm dịu, với bầu trời tươi sáng của mùa thu. Giáo hội mừng lễ Sinh nhật Đức Mẹ, nên có người còn ví von đây là "lễ Noel mùa Thu”.

Phụng vụ ngày hôm nay cho chúng ta thấy Đức Maria “đã mang đến nguồn hy vọng và bình minh ơn Cứu độ cho trần thế”. Sinh nhật Mẹ báo trước hừng đông của Mặt Trời công chính, là Đức Giêsu Kitô đem đến cho toàn thể loài người ơn Cứu độ.

Mừng kính sinh nhật Đức Mẹ, chúng ta hãy cùng Giáo hội hoàn vũ: “vui mừng cử hành lễ sinh nhật Đức Trinh Nữ Maria, vì từ nơi Người đã xuất hiện Mặt Trời Công Chính, là Đức Kitô, Thiên Chúa chúng ta“. (Ca nhập lễ)

Từ ngày ông bà nguyên tổ Adam và Eva sa ngã, ăn trái cấm do sự xúi giục của ma quỉ, phản bội lại tình thương cao vời, tuyệt đối của Thiên Chúa. Loài người đã phải ngậm ngùi rời xa vườn địa đàng và lầm lũi đi trong bóng tối sự chết.

Tuy nhiên tình thương của Thiên Chúa vẫn kiên vững và vượt trên mọi sự. Ngài lại tiếp tục tô điểm lịch sử cứu độ bằng cách chọn lựa một người nữ có tên là Maria.

Maria, Eva mới là niềm hy vọng cậy trông cho trần gian đang sa lầy trong tăm tối. Từ nay những tiếng tung hô Ave sẽ thay thế cái tên Eva trong lịch sử cứu độ nhân loại. Lịch sử nhân loại đã hồi sinh, trở nên tinh tuyền sau thời gian dài bị trừng phạt do tội phản nghịch, bất tuân của ông bà nguyên tổ. Hai tiếng “xin vâng” của Maria đã làm cho sự sống của nhân loại bất toàn trong sự chết trở nên viên mãn.

Được sinh ra, cùng đồng hành với con người trong trần gian đầy dấu tích của tội lỗi nên Mẹ rất cảm thông, chia sẻ và là nơi nương tựa của những người con trần gian yếu hèn, tội lỗi. Mừng sinh nhật Mẹ là dịp tốt nhất để cảm ơn Mẹ đã có mặt trong từng cuộc đời chúng ta. Cám ơn Mẹ đã nhận chúng ta là con của Mẹ để tình Mẹ luôn dõi bước ta trong cuộc lữ hành trần thế.

Nhưng lễ sinh nhật Đức Maria không được Kitô hữu chúng ta lưu ý đúng mức vì những tất bật, lo toan trong cuộc sống. Nhiều người đã để lễ ấy vô tình qua đi hoặc thậm chí không hề hay biết có ngày lễ sinh nhật như thế. Có lẽ vì nó được xếp vào phụng vụ của một tuần lễ thường, hoặc không phải là một bậc lễ trọng!

Trong tâm tình tạ ơn và hối lỗi, chúng ta hãy dành chút thời gian để hiệp dâng Thánh lễ mừng sinh nhật người Mẹ Thánh. Chuẩn bị cho sinh nhật của Chúa Giêsu, Đấng Cứu độ trần gian. Hơn hai ngàn năm qua, Mẹ vẫn chờ đợi chúng ta đến dự tiệc Thánh mừng sinh nhật Mẹ, vẫn chờ đợi chúng ta cùng thổi nến và cắt bánh sinh nhật với Mẹ.

Lạy Mẹ Maria, mẹ là món quà quý giá nhất, là tuyệt tác tình yêu mà Thiên Chúa đã tặng ban cho chúng con. Mẹ là người quan trọng nhất trong cuộc đời, là người cầu bầu, che chở cho chúng con trong những lúc lầm lỡ, là người ủi an trong những lúc u sầu ….

Lòng Mẹ bao la tình thương như sóng biển Thái Bình ôm ấp vỗ về khi con lầm đường lạc lối. Không  có Mẹ, “giữa nơi lưu đầy ngày gian nan con biết thở than với ai?” Không có mẹ hộ phù con đâu “lớn nổi thành người” Kitô hữu, vì Mẹ là Sao Mai, Sao Biển dẫn lối cho chúng con.

“Chúc Mừng Sinh Nhật Mẹ – Happy Birthday to You”. Chúc mừng tuổi Mẹ! Chúc mừng người phụ nữ xinh đẹp tuyệt trần, trẻ trung mãi mãi và đầy ân sủng để chia sẻ cho chúng con phúc lộc của trời cao.

Mừng sinh nhật Mẹ, chúng con cùng quây quần bên Mẹ chia sẻ tấm bánh hằng sống là Đức Giêsu Kitô. Khi thổi tắt các ngọn nến cắm trên tấm bánh sinh nhật, xin Mẹ lại thắp sáng ngọn nến Đức Tin trong tâm hồn mỗi người chúng con bằng tình yêu phó thác, khiêm nhu và tinh tuyền của Mẹ.

Xin dâng Mẹ những lời kinh Mân Côi như 1001 hoa hồng tươi thắm với lời nguyện ước Mẹ - con được mãi mãi bên nhau trong cõi thiên thu bất diệt. Và “xin cho chúng con cũng tìm được niềm vui trong ngày mừng sinh nhật Đức Trinh Nữ Maria. Chính Người đã đem đến cho nhân loại niềm hy vọng và ơn cứu độ là Đức Giêsu Kitô, Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen“.

Đã đăng trên:                              
Nội san Lửa Mến tháng 9/2015
http://gdpttthathocmon.org/?p=5504#more-5504
http://www.thanhlinh.net/node/93456

Chủ Nhật, 6 tháng 9, 2015

LO MÙA KHAI TRƯỜNG

Ở Việt Nam, năm nào cũng thế, cứ sắp vào đầu năm học mới. Khi các em học sinh háo hức với niềm vui được cắp sách đến trường gặp lại bạn bè, thầy cô. Nhiều bậc phụ huynh lại không giấu được sự lo lắng, đứng ngồi không yên bởi chưa biết lấy đâu ra tiền để sắm sửa quần áo, sách vở, dụng cụ học tập và nhiều khoản đóng góp đầu năm cho con em mình.
Đối với các gia đình khá giả, khoản tiền này có thể “nhỏ như con thỏ” nhưng lại là vấn đề làm đau đầu những phụ huynh có thu nhập thấp, nhất là ở khu vực nông thôn. Hằng ngày, họ phải đầu tắt mặt tối mới tạm đủ sống, tiền kiếm được thì quá ít, trong khi bảng kê các khoản chi phí thì lại quá nhiều...
Thật ra thì nỗi lo không chỉ xuất hiện trong mùa tựu trường, lễ tết …. Cuộc sống của con người kể từ ngày bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng là một chuỗi dài những lo lắng. Bất kỳ lứa tuổi nào, nơi nào, thời điểm nào, chúng ta cũng có những nỗi lo lắng riêng của mình. Vậy chúng ta sẽ phản ứng ra sao, chúng ta sẽ thích nghi thế nào khi phải đối diện với những lo lắng ấy?
Trong bài giảng trên núi, Chúa Giê-su cũng đề cập đến sự lo lắng và đưa ra những lời giáo huấn chí tình. Một trong số những giáo huấn đó là: “Đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy.” (x.Mt 6, 25-34). Đừng lo âu thái quá tìm kiếm của ăn, cái mặc vì “Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó”.
Có bao giờ chúng ta bớt chút thời giờ, thưởng thức cảnh bình minh đang lên với lũ chim sẻ ríu rít đón chào ngày mới. Ngẫm xem chúng không gieo không gặt, không thu tích vào kho mà Thiên Chúa vẫn luôn quan tâm săn sóc, cho của ăn để cho chúng có thể tồn tại.
Hoặc giả như có dịp chúng ta một mình ngoài đồng nội trong cảnh hoàng hôn tĩnh mịch. Nghe tiếng gió reo, chiêm ngắm những bông hoa tự mọc lên, không cần ươm tơ kéo sợi mà vẫn được Cha trên trời khoác cho tấm áo đẹp lộng lẫy hơn áo bào vinh hoa tột bậc của vua Salomon.
Chim trời không có giá trị bao nhiêu, bông hoa ngoài đồng nay còn mai mất mà Thiên Chúa còn nuôi ăn, ban cho mặc đẹp. Con người là con cái Thiên Chúa chả lẽ lại không được Ngài quan tâm chăm sóc đặc biệt hơn những thứ phù vân đó sao?
Có ai trong chúng ta, nhờ lo lắng, mà “kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang tay?” Hơn nữa, dù ta có lo lắng bao nhiêu đi nữa cũng vô ích, vì mọi sự đều do ơn Chúa ban như lời thánh Phao-lô: “Tôi trồng, anh A-pô-lô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên” (1Cr 3,6). 
Những lo lắng của chúng ta là những cái lo trước mắt để kiếm thêm thu nhập, còn cái lo của Thiên Chúa là con người không quan tâm những điều nằm trong thánh ý của Ngài. Những điều cần cho thân xác như của ăn, áo mặc không đáng giá mảy may nào trước sự tín thác vào tình thương quan phòng của Thiên Chúa. 
Tín thác không đồng nghĩa với thái độ thụ động, ỷ nại phó mặc cho Chúa định liệu mọi sự, còn mình thì nằm hưởng nhàn chờ “sung rụng”. Tín thác là an tâm làm việc để kiếm tiền nuôi thân với niềm tin Chúa sẽ ban cho đủ lương thực hằng ngày như lời cầu trong Kinh Lạy Cha: “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hàng ngày” (Mt 6,11). 
Tín thác vào Chúa quan phòng cũng đồng nghĩa với việc sẵn sàng nhìn nhận những sai lầm, thiếu sót của mình để tu sửa. Khoan dung, chân thành góp ý hướng dẫn trước những khuyết điểm của người dưới. Chấp nhận các sự thất bại như cơ hội giúp mình thêm kinh nghiệm để làm tốt hơn trong tương lai.
Người không nhận biết Thiên Chúa và không tin có đời sau chỉ lo tìm kiếm hạnh phúc vật chất cho đời tạm này. Người Ki-tô hữu chúng ta tin vào Chúa nên đừng lo tìm kiếm những giá trị tương đối mà hãy lo tìm những giá trị vĩnh củu. Đó là ưu tiên làm sáng danh Thiên Chúa như Chúa Giê-su đã dạy cầu nguyện trong Kinh Lạy Cha: danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.
Mỗi tối, hãy dâng lên Thiên Chúa những lời cảm tạ vì những ơn lành Chúa đã ban và phó thác nơi Người những nỗi lo âu, vất vả trong cuộc sống. Hãy tín thác đời mình vào bàn tay Chúa quan phòng và thư thái nghỉ ngơi trong Trái Tim Chúa thay vì nằm vắt tay lên trán trằn trọc suy nghĩ lo lắng thái quá.
Thử nghĩ xem, nếu đêm nay, thần chết đến gọi ta, liệu ta có thể nói với hắn rằng: “Hãy khoan, để tôi lo kiếm thêm ít của ăn cái mặc, để tôi lo kiếm thêm một ít tiền, để tôi lo …” được không? Vì vậy hãy “quẳng gánh lo đi” để sống ung dung trong từng giây phút hiện tại. Bình tâm chu toàn các việc bổn phận với lòng mến Chúa yêu người, và tín thác cậy trông vào tình thương quan phòng của Thiên Chúa.
Mùa tựu trường năm học 2015-2016



Đã đăng trên:
http://gdpttthathocmon.org/?p=5494#more-5494

Chủ Nhật, 16 tháng 8, 2015

CHUYỆN LỄ LẠT


“Tháng Giêng là tháng ăn chơi, tháng Hai cờ bạc, tháng Ba hội hè”. Câu nói đó trong dân gian đã phản ảnh được phần nào thói quen trong sinh hoạt của người Việt Nam. Ngày xưa, khi còn là một nước nông nghiệp, ngoài những thời vụ vất vả như lúc cày bừa, gieo cấy, gặt hái. Còn lại là lúc nông nhàn, người ta tổ chức các thứ hội hè, lễ lạt, đình đám để lấp đầy khoảng thời gian trống vắng đó.

Ngày nay dù không còn những lúc rảnh rỗi như xưa, nhưng thói quen này đã ăn sâu vào tiềm thức mỗi người, nhất là khi đời sống vật chất và tinh thần đang dần được nâng cao. Như ông bà ta thường nói “phú quý sinh lễ nghĩa”, con người thường có nhu cầu tự đề cao, tôn vinh mình qua việc tổ chức các ngày lễ riêng.

Thông thường người ta hay dùng từ “lễ lạc” để nói về hội hè vui tươi trong các dịp lễ. Nhưng theo đúng từ điển thì khẩu ngữ “lễ lạt”, theo cách nói khái quát là các cuộc lễ hội hoặc lễ vật. Ở đây ta cũng có thể hiểu chữ “lạt” là nhạt nhẽo như nét chữ không đậm mà nhạt, và ăn cơm mà kiêng món mặn thì gọi là ăn lạt. Còn từ lạt mà đọc ra lạc, có thể là do phát âm sai hoặc là muốn chuyển sang chữ lạc với ngụ ý là vui vẻ.

Những năm gần đây, người ta khơi lại những đám cưới vàng, đám cưới bạc …. Tùy thuộc vào thời gian đôi vợ chồng đã chung sống với nhau bao nhiêu năm mà người ta thường tổ chức lễ kỷ niệm ngày cưới có tên gọi lễ bạc, lễ vàng. Đặc biệt có cả đám cưới kim cương để tôn vinh những cuộc hôn nhân mỹ mãn, vợ chồng cùng chung sống hạnh phúc lâu bền.

Ngoài ý nghĩa là lễ kỉ niệm dành cho cặp vợ chồng, cho gia đình, nó còn là cách để người ta khẳng định đẳng cấp, phong cách sống của người thành đạt.  Nhiều người không cần đợi đến 25 năm hay 50 năm, mà thích tổ chức kỷ niệm ngày cưới ở các cột mốc dễ nhớ như 5 năm, 10 năm, 15 năm… giống như nhà nước hoặc thậm chí năm nào cũng tổ chức!

Từ đó người ta đua nhau bày ra những ngày, những loại lễ kỉ niệm tương tự. Đành rằng đây là tự do cá nhân và những ngày lễ đó cũng đáng mừng, nhưng là mừng sao cho hợp lý và phải đạo. Những lễ mừng kèm theo tiệc tùng quá linh đình tốn phí, có thể gây tiếng tăm hãnh diện nhưng cũng thường để lại trong lòng người chút dư âm không mấy thiện cảm.

Người Kitô hữu chúng ta cũng sống trong nền văn hóa đó. Trong các giáo xứ, hầu như tháng nào cũng có ngày lễ mừng bổn mạng của các khu, đoàn thể hay cá nhân. Ai cũng muốn ngày lễ của khu, của đoàn thể hoặc của mình được tổ chức long trọng, hoành tráng như là một dịp báo công. Điều này cũng đúng vì đây là dịp để các thành viên noi gương Thánh quan thầy, xét lại mình trong thời gian qua đã giúp ích gì cho Giáo hội, cho giáo xứ chưa.

Nhưng thường thì “lạc” sẽ đi kèm theo lễ và muốn vui thì phải có ăn uống. Đây là phần phức tạp, dễ gây mất lòng và dễ bị phê bình là mở tiệc đề nhân cơ hội nhận quà cáp và tiền bạc. Có những vị giữ nhiều chức vụ trong Hội đồng mục vụ hàng tháng đều nhận được từ 1 đến 2 thiệp mời. Đành rằng “nay người, mai ta”, nhưng nếu đoàn thể có quỹ dồi dào hay cá nhân có điều kiện thì không sao; còn không thì khi cầm tấm thiệp mời có “lạc” đi kèm trong tay, đa số đều “chán như con gián”.


"Vô tửu bất thành lễ", khi gắn với “lạc”, rượu là một chất men không thể thiếu. Trong các bữa tiệc, người ta đua nhau “dzô, dzô” và nếu không tự chủ được thì điều thường gặp là “rượu vào, lời ra". Nói nhiều, nói dài nhưng không ý thức hết điều đã nói, gây chuyện “đa ngôn đa quá", lắm lúc tạo nên sự hiểu lầm, gây mất đoàn kết. Không nhiều thì ít, cũng gây phiền toái đến người chung quanh.

Ở đời chẳng biết sợ ai, 

Sợ thằng say rượu nói dai tối ngày. 

Rượu nào rượu lại say người, 

Bớ người say rượu, chớ cười rượu say. 


Lại có những lễ lạc để lại những dư vị đắng lòng khi mà người ta so đo tính toán hơn thiệt ngay lúc tiệc chưa tàn. Có những vị ngồi không yên, ăn không ngon vì mải lo điểm mặt thực khách mà vì mời nhiều quá nên không biết hết mặt những người đại diện. Nghi ngờ người này, người nọ lợi dụng “ăn chùa” nhưng không dám hỏi. Nhất là khi kiểm lại phong bao tiền mừng thấy chưa đủ sở hụi hoặc không thấy tên đoàn thể này, ông bà kia thì đâm ra bực tức, tấu sàm đủ kiểu.

Trước con mắt của những người ngoài Công giáo, cách chúng ta sử dụng tiền bạc tổ chức lễ lạt đình đám như thế dễ bị mang tiếng là không biết xử thế ở đời; vô cảm trước cảnh nghèo khổ của những người túng đói, hay lợi dụng cơ hội để làm tiền. Tuyên ngôn Hội nghị các Giám mục Á châu tại Manila năm 1971 không muốn Giáo Hội là một ốc đảo giữa đại dương mênh mông của nghèo đói và khốn cùng.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô ngay từ khi mới lên ngôi năm 2013 cũng xác định Giáo hội ưu tiên cho người nghèo và theo đuổi con đường xây dựng Giáo hội sống tinh thần nghèo khó. Vậy nên chăng ta cần hạn chế đi phần “lạc” sau khi mừng lễ, nếu cần thiết thì đôi ba năm một lần nhưng cần liệu sao cho vừa phải, tránh lãng phí để các ngày lễ không “lạt” mà trở nên “lạc” thực sự.

Đã đăng trên:
http://www.thanhlinh.net/node/92398

Thứ Sáu, 31 tháng 7, 2015

CHUYỆN XÓM GIỀNG

Một hôm, có người thông luật kia đứng lên hỏi Ðức Giêsu để thử Người rằng: "Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?"  Người đáp: "Trong Luật đã viết gì? Anh đọc thế nào?" Anh ấy thưa: "Ngươi hãy yêu mến Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi và người thân cận như chính mình".  Ðức Giêsu bảo anh ta: "Anh trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống" (Lc. 10,25-28).

Nhưng ai là người thân cận của tôi? Tục ngữ VN có câu “nhất cận thân, nhì cận lân” rất ý nghĩa. Người thân cận với tôi không phải là một ý niệm trừu tượng. Không chỉ là những người cùng huyết thống, cùng nhà, cùng đoàn thể, cùng tôn giáo, cùng quê hương, cùng lý tưởng. Người thân cận với tôi còn là những người lao động chung cơ quan, đoàn thể và nhất là người những người hàng xóm mà tôi phải chung sống và chịu đựng hằng ngày.

Con người ngày nay quá quen với lối sống ích kỷ, thực dụng. Họ đề cao tự do cá nhân nhưng lại muốn đùn đẩy trách nhiệm cho người khác. Họ muốn được hơn người trong cộng đồng, khu xóm và luôn cảm thấy thấy khó chịu với những người hàng xóm. Khó chịu vì những âm thanh karaoke ồn ào được phát ra từ những chiếc loa phóng thanh công suất lớn, vì những bãi phóng uế bừa bãi của vật nuôi, vì những bịch rác để không đúng chỗ, từ vũng nước xả ra từ sân nhà bên đọng lại…

Những khó chịu đó cứ chất chứa trong lòng và tích tụ lâu ngày như thùng thuốc súng chờ đợi có ngòi nổ châm vào là bùng lên những to tiếng, cãi vã - nhất là trong những ngày nắng nóng, oi bức vừa qua. Nếu ta hay cáu gắt lên vì những chuyện vặt với người hàng xóm của mình, ta rất có thể đi đến chỗ phát khùng, cãi cọ, thậm chí đi đến ẩu đả bởi vì sẽ có rất nhiều chuyện không đâu với những người hàng xóm để mà tranh cãi.


Những người thân cận của ta như vậy đó. Nói yêu thương thì dễ nhưng áp dụng vào đời sống thường ngày sao khó quá! Con người hôm nay cứ tưởng mình đã biết yêu và thường thấy tự mãn, hạnh phúc khi mình được yêu. Nhưng tình yêu thực sự bao giờ cũng cụ thể: chấp nhận chịu thua thiệt, chấp nhận gặp rắc rối, xáo trộn và hi sinh. Vì vậy lúc nào người ta cũng có cớ để né tránh yêu thương và sẵn sàng ăn thua đủ với nhau.

Đạo Công giáo là đạo của yêu thương: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34). Đức Giêsu đã làm mẫu gương tuyêt vời cho tình yêu ấy. Đặc biệt qua hành động rửa chân cho các môn đệ trong bữa Tiệc ly, và đỉnh cao là cái chết trên Thập giá. Đây là hành động tự hiến tế của Tình yêu cứu chuộc, là tự hủy mình đi để cho người mình yêu được sống.

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu phải là người biết yêu thương, sự yêu thương này phải được thể hiện bằng mọi hành động trong cuộc sống. Thái độ sống thường nhật giữa các thành viên và với những người khác trong cộng đoàn phải là “nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả.” (1Cr 13,4-7).

Yêu thương thì phải yêu thương người khác ngoài mình. Yêu thương mà  không có đối tượng là yêu chính mình, là ích kỷ. Yêu thương là cho đi. Khi ta yêu thương ai, ta thích cho người đó hoặc cái này hoặc cái nọ, yêu thương cao độ nhất là cho người ấy chính bản thân mình. Cho đi thì hạnh phúc hơn là lãnh nhận. Người thích cho đi thì yêu thương thật, kẻ thích lãnh nhận thì chưa biết yêu thương. Yêu thương còn phải hòa hợp, chấp nhận và tôn trọng những khác biệt của nhau.

Khởi điểm của yêu thương là mở lòng ra và chia sẻ. Thái độ mở ra, chia sẻ nầy đòi hỏi ta phải ra khỏi bản thân và đi đến với người khác. Thái độ nầy đòi hỏi ta phải từ bỏ tính ích kỷ vốn tiềm ẩn trong não trạng mỗi người. Thực sự biết quan tâm đến ích lợi và hạnh phúc của người khác ngay trong những suy nghĩ, ước mơ, và tính toán của mình. Biết nhìn nhận người khác ngay trong cái khác biệt của họ.

Cần đặt mình vào vị trí của những người hàng xóm và cố gắng có những cảm thông để chung sống hòa bình. Điều này không có nghĩa là ta nhu nhược và để mặc cho họ “tung hoành” theo bất cứ cách nào họ muốn. Hãy khởi sự xây dựng mối quan hệ hòa thuận bằng cách gạt bỏ những khó chịu và là người chìa tay ra trước. Hãy dùng những lời lẽ nhẹ nhàng và xắn tay áo lên để dọn dẹp những nguyên nhân làm ta khó chịu. Những người hàng xóm vẫn hiện diện mỗi ngày trong cuộc sống và ta chỉ có thể thay đổi cách nhìn về họ. Hãy chú ý đến những điều tốt đẹp họ làm và phớt lờ đi những thói quen có thể gây bực mình của họ.

Có một câu chuyện kể rằng: trong một xóm đạo, có hai người hàng xóm kia thường xuyên cãi nhau về những chuyện vặt vãnh. Mâu thuẫn của họ ngày càng trở nên gay gắt và cuộc sống căng thẳng hầu như không thể nào giải hòa được. Những cuộc cãi vã, gấu ó ngày càng tăng đến nỗi người ta phải đề nghị hai người tìm gặp Thiên Chúa ở trên một ngọn núi cao để xin Ngài hóa giải giúp.

Người thứ nhất vất vả leo lên tận đỉnh núi và thấy Thiên Chúa đang đợi anh ta ở đó. Anh ta kinh ngạc không thể tin vào mắt mình vì Thiên Chúa có khuôn mặt giống y hệt người hàng xóm đầy ác cảm và khó chịu của mình. Không ai biết Thiên Chúa đã nói gì mà khi trở về anh ta đã thay đổi và đến bắt tay làm hòa với người hàng xóm. Nhưng anh này vẫn cố chấp và thậm chí còn có những thái độ quá quắt hơn xưa.

Nhưng rồi vì áp lực của dân chúng, người hàng xóm còn lại cũng miễn cưỡng cố leo lên đỉnh núi để xem Thiên Chúa ra sao. Ở trên đỉnh núi, anh ta cũng bắt gặp Thiên Chúa có khuôn mặt giống như người hàng xóm khó ưa của mình. Từ lúc đó, anh ta thay đổi thái độ cư xử và chung sống hòa thuận không những với anh hàng xóm kia mà còn với mọi người khác trong xóm.

Nhờ gặp gỡ với Thiên Chúa, hai người hàng xóm trong câu chuyện trên đã “ngộ” ra tha nhân chính là hình ảnh của Thiên Chúa. Quả thật, Thiên Chúa đã hóa thân làm người và cùng sống chia vui, sẻ buồn với kiếp người chúng ta. Ta không cần phải tìm kiếm Thiên Chúa nơi cao xa chót vót. Thiên Chúa đã và đang hiện diện quanh ta trong mỗi phút giây cuộc sống, ngay trong những người hàng xóm quanh ta. Mỗi Kitô hữu chúng ta phải sống thế nào để “tỏa sáng giữa đời thường”, để những người hàng xóm cũng nhận ra được hình ảnh sống động của Thiên Chúa trong ta.

Đức Thánh Cha Phanxicô trong Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền giáo 2015 đã kêu gọi mọi thành viên của Hội Thánh hãy rao giảng Tin Mừng bằng chứng tá đời sống của mình. Đức Thánh GH Gioan Phaolô II cũng đã nói đến sứ mệnh của mỗi gia đình là “gìn giữ, biểu lộ, và thông truyền tình yêu, và đây vừa là một phản chiếu sống động vừa là một sự thông dự thực sự vào Tình yêu Thiên Chúa dành cho con người, Tình yêu của Chúa Kitô dành cho Hội thánh, Hiền Thê Người”.

Ước chi mỗi người, mỗi gia đình Kitô hữu hãy Tân Phúc-Âm-hóa đời sống Giáo xứ và Cộng đoàn bằng chính những người hàng xóm thân cận của mình để xây dựng những khu xóm không còn những tiếng cãi vã và trở thành một cộng đoàn hiệp thông để truyền rao Tình Yêu Thiên Chúa. Amen.

Đã đăng trên: