Thứ Bảy, 27 tháng 12, 2014

Thơ: Đêm Giáng Sinh dâng Chúa

Con có gì để dâng Chúa đêm nay
Kỉ niệm hơn hai ngàn năm giáng thế
Chúa vào đời để chung kiếp nhân sinh
Trong máng cỏ tanh hôi hang gia súc

Chút cỏ rơm con dâng Ngài lạy Chúa
Những nỗi đau thấm nước mắt lưng tròng
Những con bệnh vật vờ trong sống – chết
Bệnh viện gần nhưng lại quá xa xôi

Dâng lên Ngài túp lều che tạm bợ
Sống qua ngày trong bóng tối đô thành
Đời nghèo khó chốn nương thân đất khách
Ngày qua ngày lầm lũi chốn đi về

Những bé thơ sinh ra không cha mẹ
Đứa tật nguyền, đứa lãng đãng ngu ngơ
Cần có lắm những bàn tay chăm sóc
Mái ấm nào che chở suốt đời con?

Dâng lên Ngài chút ưu tư cuộc sống
Không vui tươi, hào nhoáng đêm Noen
Xin hãy nhận như xưa Ngài đã nhận
Giáng thế trong kiếp cơ cực nghèo hèn.

Đã đăng trên :

Thơ: Giáng Sinh - Emmanuel



Quê hương con những ngày rét đậm
Trắng Sapa sương muối chập chùng
Đỉnh Phanxipăng tuyết phủ trắng ngang trời
Đón Giáng Sinh mùa nữa lại quay về.

Ngày giáng thế năm xưa Chúa đến
Cũng mùa đông sương tuyết lạnh lùng
Trong máng cỏ, rơm hèn thân phận
Kiếp làm người Chúa mặc cứu sinh linh
Theo kế hoạch từ ngàn xưa Chúa định
Thuở hồng hoang khi trái cấm an bài
Tình yêu Chúa cho con người sa ngã
Chính Người Con rất yêu dấu của Ngài
Emmanuel tiếng vọng từ ngàn xưa vang mãi
Mỗi Giáng sinh về: Thiên Chúa ở cùng ta.

Bên hang đá con say sưa chiêm ngắm
Chúa Hài Nhi đang hé môi cười
Để loan báo mùa hồng ân cứu độ
Chúa làm người và ở giữa chúng nhân.

Đã đăng trên :

Chút suy tư cuối mùa Vọng 2014

Những con đường dẫn vào Thánh đường giáo xứ đã bắt đầu tràn ngập những ánh đèn lung linh đầy màu sắc. Đi lễ buổi sáng khi ánh kim ô chưa kịp tỏ rạng ta có cảm giác như đi dưới ngàn vì sao lấp lánh. Người ta đang gấp rút hoàn thành những cây thông, hang đá, máng cỏ, treo đèn kết hoa để chuẩn bị đón mừng đại lễ Giáng Sinh kỉ niệm 2014 năm Chúa Ngôi Hai giáng thế.

Trong mùa Vọng mỗi giáo xứ đều có những buổi tĩnh tâm, mỗi Kitô hữu đều được nghe những lời mời gọi sám hối, xưng tội … để chuẩn bị không chỉ mừng lễ Giáng Sinh mà còn chuẩn bị đón Chúa đến lần thứ hai trong cuộc đời mỗi người. Xin cùng lắng đọng tâm hồn và mở lòng ra để mỗi người trong chúng ta không chỉ chuẩn bị đón Chúa Giáng Sinh bằng những dấu chỉ bên ngoài nhưng còn thật sự đón Chúa đến trong tâm hồn mỗi người qua Tin Mừng Chúa nhật cuối mùa Vọng.

Sau khi nguyên tổ phạm tội, Thiên Chúa liền thực hiện lời hứa cứu độ con người, lời hứa này gắn liền với một trinh nữ tên là Maria. Đức Maria là người được Thiên Chúa tiền định đầu tiên, để khai mở một con đường cho Đấng Cứu Thế vào trần gian. Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca thuật lại: Khi ấy, thiên thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nadarét, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Ðavít, trinh nữ ấy tên là Maria. Thiên thần vào nhà trinh nữ và chào rằng: "Kính chào trinh nữ đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng trinh nữ".

Thách đố lòng tin của Đức Maria bắt đầu từ lời chào đó của sứ thần. Mẹ bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì. "Maria đừng sợ, vì đã được ơn nghĩa với Chúa. Này trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Ðấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Ðavít tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp, và triều đại Người sẽ vô tận".

Ơn phước được chọn làm Mẹ Đấng Cứu Thế đã làm Mẹ càng bối rối hơn vì "Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?". Mẹ bối rối để tìm kiếm thánh ý Chúa, chứ không phải vì hoang mang sợ hãi. Khi sứ thần giải thích đó là ý Thiên Chúa và "Chúa Thánh Thần sẽ đến với trinh nữ và uy quyền Ðấng Tối Cao sẽ bao trùm trinh nữ”, Mẹ bắt đầu suy nghĩ và chọn lựa. Một sự chọn lựa của lòng tin, nhưng vẫn có sự giằng co và sự giằng co cuối cùng vẫn thuộc về Chúa. "Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền".

Thế là hai tiếng “xin vâng” được cất lên từ trái tim Mẹ. Một khi xin vâng Mẹ cũng đem cả lòng tin chấp nhận để Thiên Chúa sống trong Mẹ, có nghĩa là Mẹ đã chấp nhận cộng tác và gánh vác mọi sự, không gì lay chuyển hai tiếng xin vâng nữa. Hai tiếng xin vâng của Mẹ Maria có giá trị ngàn trùng lấy lại những gì đã mất từ Eva bất tuân. Hai tiếng xin vâng của Mẹ nhẹ nhàng nhưng tràn đầy sức mạnh lòng tin, đồng thời tràn đầy vâng phục trong hành trình tin yêu của Mẹ với Thiên Chúa.

Nếu như trước khi xin vâng, Đức Maria tin tưởng vào ý Chúa thì sau tiếng xin vâng Mẹ đã tin tưởng và phó thác vào quyền năng của Thiên Chúa một cách mạnh mẽ và xác tín hơn. Cho dù đã tiên liệu từ trước, nhưng Thiên Chúa vẫn để Mẹ tự do quyết định và quyết định xin vâng của Mẹ đã khiến Ngôi Lời nhập thể vào trong cung lòng Mẹ. Đây là một cử chỉ khiêm hạ của Thiên Chúa hết lòng yêu thương, tự hủy ra không để nâng con người lên.

Khi ngỏ lời với Đức Maria, mặc nhiên Thiên Chúa đã tha thứ cho con người. Để mở đường cho Con Thiên Chúa nhập thể làm người cứu độ chúng ta, Thiên Chúa bắt đầu lại câu chuyện với con người từ Đức Maria. Mẹ Maria đã đại diện cho nhân loại đón nhận cuộc nói chuyện này bằng thái độ xin vâng tín thác. Mẹ đã không đặt điều kiện xin vâng như một hợp đồng hai chiều bắt Thiên Chúa phải cho Mẹ điều này, điều kia mà chỉ hoàn toàn phó thác mọi sự trong tay Chúa an bài với ý thức thân phận con người “là tôi tớ Chúa”.

Mùa Vọng là thời gian của hy vọng, đợi chờ trên nền tảng tin tưởng và phó thác như Mẹ Maria xưa. Tin tưởng Thiên Chúa không bao giờ thất vọng về con người, nên chúng ta cũng đừng thất vọng về tha nhân và chính mình. Phó thác cho Thiên Chúa Tình yêu, nên dù tội lỗi có ngập tràn, khổ đau có chồng chất, chúng ta vẫn một niềm cậy trông vào ơn Cứu độ của Ngài. Tin tưởng và phó thác là đôi mắt của người Kitô hữu nhìn vào Chúa mà hy sinh, từ bỏ tội lỗi. Là bài ca xin vâng vang lên trong mỗi phút giây cuộc sống dù buồn vui, sướng khổ.

Lạy Chúa, chúng con đang bước vào những ngày cuối cùng của mùa Vọng 2014 với không khí se lạnh của những ngày cuối năm nhưng cũng rất ấm áp trong tình yêu thương qua kế hoạch cứu độ của Ngài. Xin cho chúng con biết noi gương Mẹ Maria luôn tin tưởng và phó thác vào Thiên Chúa Tình yêu qua những tiếng xin vâng trong suốt cuộc đời.

Xin cho chúng con nhận biết những ngày chúng con sống mãi mãi là mùa Vọng để chúng con luôn luôn chuẩn bị, trang hoàng tâm hồn chúng con bằng Lời Chúa. Để mỗi năm khi chúng con cất tiếng hát “Trời cao hãy đổ sương xuống …” chúng con lại được cảm nghiệm hơn nữa tình yêu thương của Chúa qua con trẻ Emmanuel – Thiên Chúa ở cùng chúng con.

Đã đăng trên :

Thứ Hai, 24 tháng 11, 2014

Vua Giêsu Kitô & Vương quốc Tình Yêu


Trong thời đại tự do, dân chủ ngày nay, khái niệm vua theo đúng nghĩa của nó hầu như chỉ còn trong sử sách; còn chăng chỉ mang tính tượng trưng, hình thức. Qua rồi cái thời quân chủ với các vị vua “cha truyền, con nối” dùng uy lực để cai trị dân chúng. Tôn vinh Chúa Giêsu Kitô là Vua vũ trụ, Giáo Hội không chủ trương đi ngược với trào lưu tự do, dân chủ đó mà chỉ muốn xác định một chân lý, đó là địa vị tuyệt đối của Đức Giêsu Kitô trong chương trình sáng tạo và cứu chuộc của Thiên Chúa.

Đức Giêsu Kitô với bản tính là Ngôi Hai Thiên Chúa đã tham dự vào công cuộc sáng tạo vạn vật. Mọi vật và muôn loài được tạo dựng nên bởi Ngài và vì Ngài. Vì lòng yêu thương, Ngài đã vâng lệnh Chúa Cha xuống thế để cứu chuộc nhân loại. Ngài đã chiến thắng ma quỉ, tội lỗi và sự chết để thành lập một vương quốc mới khác biệt với tất cả mọi vương quốc trần thế.

Vương quốc của Vua Giêsu Kitô là vương quốc của Tình Yêu vì Ngài là Thiên Chúa, mà “Thiên Chúa là Tình yêu” (1Ga 4,8). Ngài yêu thương con dân và đã hi sinh mạng sống mình trên thập giá một cách khổ nhục để cứu họ thoát khỏi ách thống trị của sự chết. Ngài dùng tình thương để cai trị đồng thời đòi hỏi các thần dân của Ngài cũng phải biết yêu thương như chính Ngài đã yêu thương họ. Ngài không đòi hỏi phải được phục vụ như một vị vương đế: “Con người không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá chuộc cho nhiều người” (Mc 10,45).

Như một mục tử nhân hậu chăn dắt đàn chiên, biết rõ từng con và sẵn sàng  hy sinh mạng sống vì lợi ích của con chiên (x Ga 10,45). Ngài không để một con chiên nào phải lạc đàn. Con nào ốm đau, bị thương tích thì được chăm sóc, chữa trị. Ngài đưa đàn chiên đến nơi đồng cỏ xanh mượt với suối nước mát trong để chúng ăn uống thỏa thuê và nằm nghỉ dưới bóng cây râm mát.

Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì.
Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ.
Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi.
Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính vì danh dự của Người.
(TV 23,1-3)

Muốn là công dân Nước Trời, chúng ta phải lắng nghe và thực hành Lời Ngài. Ngày cuối cùng của năm phụng vụ 2014, chúng ta lại được mời gọi lắng nghe Lời Chúa theo thánh Matthêu nói về ngày tận thế và cuộc phán xét chung (x Mt 25, 31-46). Ngày đó Chúa sẽ đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người. Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt người lành - kẻ dữ, như mục tử tách biệt chiên với dê.

Đức Giêsu Kitô vừa là vua tình yêu, nhưng vừa là thẩm phán anh minh để phân xử con người theo lẽ công bằng. Người sẽ tuyển chọn những người lành làm công dân ưu tú của Nước Trời và cho họ hưởng sự sống muôn đời. Sự tuyển chọn đó đầy tình thương yêu một cách hoàn hảo và bất ngờ đến nỗi họ phải thốt lên : “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; có bao giờ đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà cho mặc? Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến hỏi han đâu? "

Còn lại là những người bị chúc dữ sẽ bị tống vào chốn cực hình muôn kiếp “Vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã không cho mặc; Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm viếng." Và lẽ đương nhiên họ cũng kêu gào, nêu những lý lẽ tương tự để biện minh cho việc họ đã không làm cho những người anh em đồng loại!

Ngài đã tự đồng hóa mình với những kẻ bé nhỏ, những kẻ đau ốm, những kẻ tù đầy, những kẻ đói khát, trần truồng. Mỗi khi chúng ta làm một nghĩa cử yêu thương cho tha nhân là chúng ta làm cho chính Chúa như lời Ngài đã phán: ”Mỗi lần các ngươi làm cho một người bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi làm cho chính Ta“ (Mt 25, 40).

Khi nhận lãnh bí tích Thanh tẩy, chúng ta cũng đã được tham dự vào vương quyền của Đức Giêsu Kitô. Là người thừa kế, là chi thể của Ngài, chúng ta có nhiệm vụ bảo vệ và làm cho vương quyền của Ngài được mở rộng để tất cả mọi nguời nhận biết Đức Giêsu Kitô là vua vũ trụ và hết lòng tin theo Ngài. Nói cách khác, chúng ta phải củng cố và hoàn thiện vương quốc mà Đức Đức Giêsu Kitô đã thiết lập khi Ngài còn ở duơng thế bằng chính cuộc sống trần gian của chúng ta. Sống theo lương tâm ngay chính, hoà thuận, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, làm những việc lành phúc đức… để ngày càng có thêm nhiều người sống như ta. Qua đó, Nước Chúa ngày càng được mở rộng cho đến khi nào tất cả loài người đều biết sống như thế thì Vương quốc Tình Yêu sẽ tỏ hiện dưới ánh quang Thiên Chúa.

Lạy Chúa, trong những ngày cuối cùng của năm phụng vụ, Giáo Hội cho chúng con nhìn lại những chân giá trị của cuộc phán xét chung ngày tận thế. Giáo Hội cũng đặc biệt nhắc nhở chúng con về Vương Quyền của Ðức Giêsu Kitô và mối tương quan giữa hành vi của chúng con với Vương Quyền ấy. Xin cho chúng con luôn xác tín rằng chỉ vương quốc của Chúa là bền vững và đem lại hạnh phúc trường cửu cho chúng con. Xin cho mọi thành phần trong Giáo Hội luôn nêu gương bác ái yêu thương cho mọi người. Xin cho các Kitô hữu biết nhìn thấy Chúa trong anh chị em nghèo khổ, bất hạnh xung quanh để tận tình hy sinh, thương yêu giúp đỡ họ cả phần hồn lẫn phần xác. Và xin cho chúng con biết chuẩn bị ngay từ đời này những gì cần thiết, để xứng đáng được vào Vương quốc Tình Yêu là “Vương quốc vĩnh cửu và vô biên , vương quốc tràn đầy sự thật và sự sống, đầy tràn ân sủng và thánh thiện, đầy tràn tình thương, công lý và bình an”.

Mừng kính lễ Đức Giêsu Kitô Vua vũ trụ 23/11/2014


Đã đăng trên ::

Chủ Nhật, 16 tháng 11, 2014

Nén hương kính nhớ



Lễ Kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam 16/11/2014


Xin thắp hương kính nhớ
Bao nhiêu đấng anh hùng
Là cha ông tiền bối
Dòng dõi Việt Lạc Hồng
Lấy máu đào minh chứng
Đức Tin Thiên Chúa mình

Suốt hơn ba thế kỷ
Dụ cấm đạo liên miên
Hàng trăm ngàn tín hữu
Phải rời xa quê hương
Sống đất khách quê người
Nơi rừng thiêng nước độc
Vẫn kiên vững niềm tin
Ki Tô và Thập giá
Hàng nghìn người gánh chịu
Đủ mọi loại cực hình
Lao tù, gông, xiềng xích
Đầu rơi và máu chảy …
Họ ngậm ngùi gieo giống
Ươm mầm hạt Đức Tin
Tưới vun bằng máu đỏ
Giọt lệ từng bước chân
Ngược xuôi khắp sơn hà

Vì niềm tin kiên vững
Đức Ki-Tô hiến thân
Chết treo trên Thánh giá
Để cứu chuộc con người
Vì tình yêu cháy bỏng
Được hi sinh mạng sống
Cho Người dấu yêu mình
Minh chứng cho tình yêu
Không có gì tách khỏi
Tình yêu của Thiên Chúa
Thể hiện nơi Ki-tô
Là Chúa của chúng ta
Vì hi vọng đời sau
Có sự sống vĩnh cửu
Cùng với Đấng mình yêu

Xin cầu bầu cùng Chúa
Cho chúng con noi theo
Gương các Ngài anh dũng
Dám chết đi thói đời
Tham sân si mù quáng
Trong cuộc sống thường ngày
Dám sống vì Tin Mừng
Yêu thương và kính Chúa
Dù phải chịu thua thiệt
Mất mát ở đời này
Để mai sau xứng đáng
Cùng các Ngài vui hưởng
Phúc trường sinh bất diệt
Trên thiên quốc vinh quang


Đã đăng trên:

Anh hùng Đức Tin Việt Nam

La Vang – Huế 6/2013

Tôi đứng đây, giữa lòng kinh thành xưa Huế
Lăng Tự Đức, nơi một thời thiết triều bá quan văn võ
Nơi đầu não của một thời cấm đạo dữ dội nhất
Từ nơi này bao nhiêu lửa, máu và nước mắt quyện vào nhau:
 “Phá bình địa các làng Kitô giáo,
tịch thu tài sản,
khắc trên má tên làng và chữ Giatô tả đạo,
phân tán các tín đồ, giao cho lương dân cứ năm người canh một.
Những tên Tây dương đạo trưởng phải chịu hình phạt bị dìm xuống đáy biển, đáy sông …
Đạo trưởng người trong nước phải lấy chân tay dày đạp thập tự nếu không thì bị chém ngang thân...”
Qua những cuộc cấm đạo đẫm máu suốt ba thế kỷ
Với 53 sắc chỉ cấm đạo của triều đình.
Hàng chục ngàn họ đạo đã bị triệt hạ thành hoang tàn như phế tích nơi đây.

Không chỉ là 117 vị hiển thánh, mà có cả  hàng trăm ngàn tín hữu đã anh dũng Tử Đạo,
Hàng trăm ngàn nhân chứng của đức tin,
Theo gương Chúa Giêsu trên thập giá.
Các vị Tử Đạo Việt Nam đã bị cấm cách, bức bách, bắt bớ, tù đày, lăng mạ, lăng nhục
Và cuối cùng chấp nhận chết cuộc sống mình,
Chết thân xác mình, bằng trăm ngàn cực hình dã man, đau đớn.
Để tuyên chứng tình yêu chân thành
Vừa dâng lên Thiên Chúa là Cha,
Vừa đổ xuống thấm nhuần đồng lúa truyền giáo Việt Nam
Và trổ sinh muôn hạt vàng tín hữu.
Xin tạ ơn Thiên Chúa
Là Cha giàu lòng từ bi thương xót vô biên
Đã ban cho dân Chúa Việt Nam
Những chứng nhân đức tin hy sinh đổ máu đào
Góp phần vun tưới cho cánh đồng Giáo hội Việt Nam thêm màu mỡ
Cho những hạt mầm các ơn Chúa ban:
Ơn làm con Chúa, làm anh em của mọi người,
Ơn làm linh mục, ơn sống đời thánh hiến, ơn sống đời hôn nhân,
Đâm chồi nẩy lộc, kết sinh hoa thơm trái lành
Vì sự sống và sự phát triển của gia đình và xã hội.

Xin Chúa Thánh Thần mở rộng lòng tin, cậy, mến của chúng con vào Thiên Chúa,
Vào Thánh giá vô địch của Chúa Kitô,
Để đón nhận lòng Chúa thương xót vô biên,
Ban ơn giúp sức cho mỗi chúng con sống lòng từ ái, bao dung, nhân hậu.
Thắp sáng lửa tin yêu  trong gia đình,
Trong xã hội thời kinh tế thị trường
Cùng khuynh hướng cá nhân hưởng thụ duy vật chất.
Để chúng con thành những chứng nhân đức tin đầy lòng Chúa thương xót
Trong Giáo hội và xã hội hôm nay.

 (Kỷ niệm 25 năm ngày tuyên phong các Thánh Tử Đạo Việt Nam, 19.6.1988)

Đã đăng trên:

Thứ Bảy, 8 tháng 11, 2014

Bóng câu qua cửa sổ



Tháng Các Linh Hồn 2014

Đời người không dài lắm trong thời đại khoa học tân tiến ngày nay tuổi thọ của con người có tăng lên đáng kể. Có người ta mới gặp ngày nào đó mà nay đã ra đi rồi, nhanh như con chim cắt thoắt hiện trong không gian bao la vô tận hoặc như đàn ngựa non sung sức ngoài đường vụt nhanh qua cửa sổ. Có người tuổi xuân đang trào dâng phơi phới nhưng chỉ một tai nạn tích tắc đã ngừng hơi tắt thở, có người quyền cao chức trọng ra đi không ngờ sau một cơn bạo bệnh mà khoa học tiên tiến cũng bó tay.

Ngài cuốn đi, chúng chỉ là giấc mộng,
Như cỏ đồng trổi mọc ban mai,
Nở hoa vươn mạnh sớm ngày,
Chiều về ủ rũ tàn phai chẳng còn.
                               (TV 90,5-6)

Không ai biết mình sẽ sống được bao năm, bao tháng, bao ngày trên cõi đời này. Phận người rất bé nhỏ và mong manh như những sợi tơ trời tan nhanh khi vừng đông xuất hiện. Thời gian là vàng là ngọc, là thứ quý giá mà Thiên Chúa ban nhưng không cho từng người nhiều hay ít tùy theo Thánh ý của Ngài. Thời gian cũng như một dòng chảy đều đặn liên tục không bao giờ dừng lại chờ người chậm chạp, càng không bao giờ quay lại cho kẻ lỡ tay, sẩy chân sửa chữa. Chớ để cho thời gian trôi qua vô ích để rồi tiếc nuối. Phải tranh thủ, phải trân trọng, phải biết sử dụng nó một cách có ích.

Có những người cứ sống theo thói quen, dửng dưng để cho ngày tháng lặng lẽ trôi qua, không hề luyến tiếc và ngược lại cũng có nhiều người quá lo toan hối hả lao vào cuộc sống để mong tìm kiếm tiền tài, danh lợi … là những thứ “hay hư mất”. Đến khi về già nhìn lại thì thật buồn cho một đời: lãng phí, tích cóp những của phù vân mà khi nhắm mắt xuôi tay liệu có ích lợi gì cho cuộc sống đời sau bất diệt.

“Tính tuổi thọ trong ngoài bảy chục,
Mạnh giỏi chăng là được tám mươi,
Mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khổ,
Cuộc đời thấm thoát chúng con đã khuất rồi”.

                                                       (Tv
90, 10)

Tình yêu thương là cái đẹp nhất của đời người được xuất phát từ lòng mến mà Thiên Chúa đã mời gọi và trao ban. Hãy yêu thương, hãy chia sẻ cho tha nhân khi còn có có cơ hội để ta khỏi phải hối tiếc khi cơ hội vụt mất mà ta không kịp yêu thương, chia sẻ. Nếu ta cứ bận lòng và tính toán thiệt hơn, biết đâu được ngày hôm nay là ngày cuối cùng của ta trên cõi này!



Đã bao lần trong đời ta đã từng thốt lên: “Tôi sẽ …, tôi định …” nhưng cuối cùng chỉ là những lời than thở “giả như …, giá mà ….”. Vì thế hãy sống làm sao cho nhẹ nhàng và thanh thản, sống làm sao để khi ta nhắm mắt thì mọi người khóc ta, còn ta ra đi với nụ cười mãn nguyện. Mỗi ngày ta dần dần buông lơi khỏi những gì là vướng bận của cuộc đời để chuẩn bị trở về với Chúa, nơi mà cả đời ta hằng thao thức và mong đợi.

Có những người thân đã đươc Chúa gọi về trước chúng ta vì thời gian của họ đã hết, ta chẳng còn cơ hội để gặp gỡ trò chuyện, chia ngọt sẻ bùi. Những người đó xưa thật gần nhưng giờ cũng thật xa. Dù có muốn chia sẻ gì đó cho họ cũng chẳng được dẫu là một lời động viên, an ủi, một chén cơm, manh áo ... Và, dù có muốn giận, muốn hờn, muốn trách họ cũng không xong bởi lẽ họ không còn nói được với ta. Trong niềm tin sâu lắng lặng thầm, ta chỉ còn biết nguyện cầu cho họ và cũng xin họ thứ tha những thiếu sót cho ta.



Nay người, mai ta! Đó là quy luật của cuộc sống. Mỗi ngày qua đi là mỗi ngày đời sống ở dương gian của ta dần khép lại. Hãy chuẩn bị sẵn hành trang lên đường trở về với Chúa bằng những tấm giấy thông hành được kết tinh từ những những việc lành phúc đức, những hy sinh... Thánh Phaolô đã viết: “Mỗi ngày tôi phải đối diện với cái chết” (x 1 Cr 15,31) vì thế ta phải biết khôn ngoan để phân bổ quỹ thời gian sống của ta. Cần phải chuẩn bị cho ngày cái chết đến rước chúng ta về với Chúa trong thanh thản và bình an vì như vậy là ta đang tiến dần đến sự sống.

Xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống,
Ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan.
                                     (TV 90,12)


Thứ Bảy, 1 tháng 11, 2014

Tháng các linh hồn 2014: Chút lời giã biệt


Thế là em đã ra đi được gần trăm ngày! Theo phong tục Việt Nam, người ta tin rằng linh hồn người chết còn quyến luyến người thân, "hồn vía còn nặng" chưa thể siêu thoát được, vẫn còn luẩn quẩn xung quanh nhà. Nước mắt đã lăn dài, lời kinh nấc nghẹn khi hồi tưởng lại, mới gần trăm ngày thôi mà đã như ngàn thu sâu thẳm! Một trăm ngày để những nỗi đau mất mát tạm thời lắng xuống, để hình ảnh người thân dần dần mờ nhạt trong tâm tưởng những người còn sống và người chết hòa dần vào cõi thinh không, hư ảo.

Những lời kinh nguyện tắt dần trong lời thầm thĩ kêu xin: “Giêsu-Maria-Giuse xin cứu rỗi linh hồn Maria. Giêsu … Maria… Giêsu … Maria…”. Chiều nghĩa trang trở lại vẻ yên ắng, tịch mịch thường ngày. Chỉ có những làn hương khói lan tỏa nhẹ nhàng trên mộ em và những ngôi mộ “hàng xóm” trong ngày đầu tháng các linh hồn - tháng cuối năm phụng vụ Giáo hội dành để cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời.

Như một cơn mê, em đã cố không nhắm mắt sợ rằng mình sẽ ngủ một giấc thật dài trong khi ngày mai còn bết bao nhiêu chuyện phải lo toan như đã từng lo toan kể từ khi khôn lớn. Mệt lắm, nhưng em chỉ an tâm nhắm mắt khi còn thấy khuôn mặt những đứa em đã gắn bó với những hỉ, nộ, ái, ố một thời trong cuộc sống và an tâm sẽ được gọi dậy để tiếp tục những công việc trần ai còn dang dở.

Sự sống này chỉ thay đổi mà không mất đi.
Lúc con người nằm yên giấc ngủ,
mắt nhắm lại rồi là thấy tương lai.
Trọn kiếp người nay không còn nước mắt, nụ cười.
Nhưng con tin rằng ngày mai trong Chúa
Chẳng có chia  lìa, chẳng có hợp tan.
(Sự sống thay đổi – Phanxicô - TCCĐ)

Không còn được nghe em kể về hai thiên thần áo trắng giúp em trong cơn đau vật vã khi xét nghiệm cô đơn trên giường bệnh. Không còn nghe tiếng em trong phone mỗi khi có việc cần chia sẻ… Suốt đời tảo tần như một “chị hai” trong nhà, lúc lấy chồng lại lo cho chồng con. Ngày ngày đi về như con thoi giữa gia đình chung và gia đình riêng trong việc mưu sinh cơm áo. Những ngày cuối đời tưởng như đã nắm được chút hạnh phúc khi trong tay đã có tấm hộ chiếu thì căn bệnh quái ác đã cướp đi tất cả. Thôi thì tấm hộ chiếu theo em như một nỗi hạnh phúc mang theo những ước mơ của một kiếp người!

Nhưng quý giá hơn cả là tấm ”hộ chiếu nước Trời” mà em đã được lãnh nhận từ tay vị Linh mục đại diện Chúa Kitô và Hội Thánh trong nghi thức xức dầu và rước Mình Thánh Chúa vào lòng: ‘‘Chúng ta cùng nhau đến đây vì danh Chúa Giêsu Kitô, Ðấng đã cho người đau yếu được lành mạnh. Chính Ngài đã chịu đau khổ vì phần rỗi chúng ta. Ngài đang ở giữa chúng ta lúc chúng ta nhắc lại lời Thánh Giacôbê tông đồ: ‘Ai trong anh em phải yếu liệt, hãy mời các vị thay mặt Hội Thánh đến, họ hãy cầu nguyện cho người ấy, sau khi xức dầu nhân danh Chúa. Lời cầu nguyện do lòng tin sẽ cứu người bệnh; người ấy được Chúa nâng dậy, và nếu người ấy đã phạm tội, thì sẽ được Chúa thứ tha.’ (Gc 5,14-15). Chúng ta hãy phó thác người chị em của chúng ta nơi ơn lành và quyền năng Chúa Giêsu Kitô, xin Chúa làm cho bớt đau đớn, ban cho được lành mạnh và được cứu rỗi.’’

Bóng hoàng hôn đang bảng lảng trên những đôi vai thập giá, nơi đây sao cô tịch, sao thinh lặng quá! Không còn những tất bật ngược xuôi trên những dặm đường đời mưu cầu áo cơm hạnh phúc. Không còn những hạnh phúc ấm êm đầy ắp những tiếng cười, không còn lo toan, không còn hưởng thụ … Chết là bắt đầu cuộc sống mới. Ở đây ai cũng như ai, ai cũng yên nghỉ bình đẳng chờ đợi sự thay đổi cuộc sống. “Thác là thể phách, còn là tinh anh”, thể phách ngày xưa do Chúa tạo dựng đẹp đẽ nhường nào giờ đây đã và đang trong tiến trình phân hủy để trở về kiếp tro bụi.

Khi còn sống, thân xác được dành nhiều ưu tiên: nào là ăn ngon, mặc đẹp, nào là địa vị, tiền tài, danh vọng … Trên dương thế hồn nhờ xác rất nhiều. Các việc lành thân xác làm đều mang lại lợi ich cho linh hồn, việc dữ thân xác làm gây họa cho sự sống trường sinh. Còn hơi thở, xác hồn gắn bó. Hết hơi rồi, hồn xác tạm chia lìa. Đâu còn thân xác để “Lạy Chúa Trời xin mở miệng con, cho con vang tiếng ngợi khen Ngài”, đâu còn thân xác để làm những việc lành thu công, tích đức! Bấy giờ hồn không thể tự giúp mình đền tội được vì “đêm đến, không ai có thể làm việc được” (Ga 9,4) và chỉ trông chờ vào những việc lành phúc đức, những lời kinh nguyện cầu của những người còn sống để giúp hồn đền bồi những khinh tội chưa được tha và các tội khác đã được tha nhưng chưa đền tội đủ vì “nhân vô thập toàn” trong cuộc sống lữ hành.

Vậy là ngày lễ các linh hồn năm nay, không còn thấy bóng dáng em lúp xúp cắm những nén nhang trên mộ Cậu, em Hiển và những người thân quen tại nghĩa trang Giáo xứ. Không còn cùng gia đình bên những phần mộ dâng lên những lời kinh nguyện cầu cho những người thân và những người đã qua đời. Em đã về với chồng nơi nghĩa trang của những người đồng hương cho vẹn tình phu thê, dâu thảo. An táng là chờ ngày sống lại vinh quang. Nghĩa trang nào cũng là nơi an nghỉ, chờ đợi ngày phục sinh. Nơi an nghỉ chỉ là cửa ngõ để bước vào sự sống vĩnh cửu chúng ta đã và đang sống trong niềm tin vào Đấng đã phục sinh từ cõi chết là Đức Kitô.

Xin tạm biệt em yêu, tạm biệt những người thân và những người chưa quen chốn này. Xin mọi người hãy nghỉ ngơi thanh thản trong Chúa như Lời Ngài đã phán: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng(Mt 11, 28). Chúa là cùng đích và là niềm hoan lạc đời đời của con người. Chúng ta đã được Chúa tạo dựng theo hình ảnh của Ngài và chúng ta phải trở về với Ngài. Ngoài Chúa ra, không có gì tồn tại mãi mãi. Có Chúa mới có hạnh phúc thật. Chính Thiên Chúa đã phán: “Đích thân Ta sẽ đi, và Ta sẽ cho ngươi được nghỉ ngơi.” (Xh 33, 14). Hẹn gặp nhau trong những lời kinh nguyện hiệp thông và ngày cánh chung sum họp chắc chắn sẽ đầy ắp những nụ cười thay cho những giọt nước mắt ngày chia xa  tiễn biệt.


Đã đăng trên: