Thứ Hai, 15 tháng 7, 2019

MẾN CHÚA - YÊU NGƯỜI


Kính mến Chúa – yêu thương người là hai điều răn trọng nhất mà mỗi Kitô hữu đều thuộc nằm lòng từ khi học giáo lý khai tâm. 

Nhưng hiện nay lối sống thực dụng ngày càng ăn sâu vào đời sống văn hóa của xã hội. Các giá trị sống, giá trị đạo đức tinh thần, lòng bao dung nhân ái, tình thương yêu đồng loại, sự hy sinh... đang dần bị thế chỗ bởi chủ nghĩa vật chất, chủ nghĩa duy lợi và chủ nghĩa cá nhân khiến con người không còn cảm giác trước nỗi đau của đồng loại.

Sự vô cảm, hay nói đúng hơn là một trạng thái tinh thần, mà khi ở trong đó, con người không có một tý cảm xúc hay tình cảm mang tính nhân bản nào đối với những sự vật, sự việc diễn ra xung quanh họ, trước mắt họ, miễn là không đụng chạm trực tiếp đến lợi ích cá nhân của họ là được. Sự thản nhiên của con người trước nỗi đau đồng loại càng nhiều, sự vô cảm càng nảy nở.

Trong Tin Mừng ta thấy Chúa Giêsu cũng nói đến sự vô cảm: "Một người kia từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-khô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy người này, ông tránh qua bên kia mà đi. Rồi cũng thế, một thầy Lê-vi đi tới chỗ ấy, cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà đi.

Nhưng một người Sa-ma-ri kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương. Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: "Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác." (Lc 10, 30-35)

Dụ ngôn người Sa-ma-ri tốt lành được Thánh Luca thuật lại sau tường thuật về một người thông luật hỏi Chúa Giêsu để thử Người về lề luật. Thầy tư tế và thầy Lê-vi là những người am hiểu về Luật nên họ cũng biết quá rõ "Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình".

Nhưng họ đang lên Đền thờ, họ thấy nạn nhân nhưng không biết anh ta sống chết thế nào. Nếu nạn nhân chết rồi mà họ đụng chạm vào thây ma, họ sẽ bị ô uế không lên Đền thờ phục vụ được. Lí do chính đáng quá, công việc tế tụng ở Đền thờ quan trọng hơn; vả lại nên để những công việc tầm thường này cho những người thấp hèn, những người có địa vị kém hơn mình! Không nói ra, nhưng Đức Giêsu không chấp nhận thái độ chấp kinh tới mức vô cảm của hai vị tăng lữ nói trên.

Lạy Chúa, cũng như người thông luật kia, nhiều lần con cũng tự hỏi: “ai là người thân cận, là anh em của con? ” Chắc hẳn những người cùng chung con đường Kitô hữu là người thân cận, là những người anh em của con. Họ đã chia sẻ với con những lời kinh nguyện, cùng đồng hành với con trong việc tông đồ bác ái, trong các công việc phục vụ cộng đồng giáo xứ. Thật dễ dàng để con nhận ra người anh em của mình. Nhưng khi họ bị áp bức, bất công … con yếu hèn không dám lên tiếng bênh vực chia sẻ với những lí do đầy khôn ngoan ngụy biện.

Có phải là anh em của con khi buổi sáng đón xe đến chỗ làm, con đã gặp một bà mẹ rách rưới bồng đứa con thơ với ánh mắt và bàn tay chìa ra van xin giúp đỡ trong dòng người tấp nập, vất vả mưu sinh. Có phải là anh em con khi những người vì hoàn cảnh nào đó đã phải từ bỏ nơi chôn nhau cắt rốn đến đây để cầu mong gầy dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Có phải là anh em con với ánh mắt buồn bã qua khung cửa lưới hẹp của chiếc xe chở phạm nhân mà con đã chợt bắt gặp trong một sáng rong chơi. Có phải là anh em con là những bệnh nhân, những bệnh nhi… đang vật vã với những cơn đau vì không có đủ tiền chữa trị … và còn nhiều nữa những mảnh đời bất hạnh. Họ nhiều quá, họ đến từ muôn hướng. Làm sao để con nhận diện được anh em của con?

Cũng có lúc con lí luận rằng hiện nay thật giả khó lường. Con muốn giúp đỡ những người nghèo khó, hoạn nạn nhưng không biết ai đích thực nghèo khó, hoạn nạn. Thôi thì đành ngó lơ cho lương tâm khỏi cắn rứt.

Chiều tan trường, lẫn trong đám đông phụ huynh đón con em trước cổng là một bà cụ già tay chống gậy, tay ngửa xin bố thí. Con vội phóng xe qua với ý nghĩ nếu mình dừng lại sẽ làm dòng người bị ùn tắc và chợt thấy 1 em học sinh nhỏ tiến lại bỏ vào tay cụ 1 đồng tiền giấy mà con nghĩ chắc cũng không nhiều nhặn gì. Nhìn ánh mắt và vẻ mặt hớn hở của em khi làm được một việc thiện lòng con như chùng lại và những lí lẽ so đo trước sau như chợt tan biến.

Lạy Thánh tâm Chúa Giêsu, xin cho con biết rung động trước những nghĩa cử đẹp, và biết chia sẻ trước những bất hạnh trái ngang. Bao nhiêu lần vì mệt mỏi, hoặc vì vô tình, vì ích kỷ hoặc vì sợ hãi, con đã nhắm mắt, con không muốn nhìn thực tại! Con không muốn can dự, không muốn dấn thân sâu xa và tích cực vào đời sống và những nhu cầu của anh em gần xa của con.

Xin cho con nhớ rằng có Chúa đang ở trong mỗi con người trong tình cảnh đau khổ. Mỗi người, đẹp hay xấu, tài giỏi hay không, ngay từ lúc đầu tiên trong lòng mẹ hay là ở tuổi già, đều là hình ảnh của Chúa. Xin cho con biết sống cho đi và hi sinh cho những người anh em của con bằng những công việc bác ái và kinh nguyện để xứng đáng là một chứng nhân loan truyền lòng yêu thương của Thánh tâm Chúa Giêsu. Amen.


Thứ Năm, 4 tháng 7, 2019

VÀI SUY NGHĨ VỀ BÁC ÁI

Trong cuộc sống xã hội, bất cứ quốc gia nào cũng vẫn còn những hoàn cảnh khó khăn bất hạnh. Dù đất nước có phát triển, xã hội có hưng thịnh đến mấy thì đâu đó trong cuộc sống vẫn có những con người bị lãng quên, bị chìm đắm trong bệnh tật, nghèo khổ. Họ không còn đủ khả năng để tự chăm sóc cho bản thân mà cần có sự chung tay giúp đỡ của toàn xã hội.

Từ xa xưa, cha ông ta đã để lại những quan niệm sống mà ai cũng được dạy dỗ từ thuở ấu thơ như: “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”, "Lá lành đùm lá rách" hay "Thương người như thể thương thân", ….

Đối với người Kitô hữu, một trong những giới răn quan trọng nhất mà Chúa Giê-Su đã dạy là: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” (Ga 15,12). Thường thì chúng ta hay nói “làm việc bác ái, chia sẻ bác ái, thực thi bác ái, ...“ nghĩa là làm việc tốt từ lòng yêu thương rộng khắp mọi người; hay như người ta thường nói là “làm từ thiện”.

Sự yêu thương đích thực chỉ đến từ sự đồng cảm. Nghĩa là khi một người nào đó đau khổ, ta cũng cảm nhận được sự đau khổ của người ấy như là chính ta đang đau khổ. Còn những trường hợp khác, khi ta đặt bản thân mình và một người có số phận bất hạnh lên bàn cân để đối sánh, rồi nghĩ rằng mình phải cứu giúp họ, thì đó chỉ là “sự thương hại”.

Sự yêu thương đó còn là sự khôn ngoan để  biết dùng tiền của chóng qua ở đời này  mà  mua hạnh phúc giầu sang  vĩnh cửu của Nước Trời như Chúa Giê-Su đã dạy các môn đệ và dân chúng đến nghe Người giảng dạy: “Hãy bán của cải mình đi mà bố thí. Hãy sắm lấy những túi tiền chẳng bao giờ cũ rách, một kho tàng chẳng hề hao hụt ở trên trời, nơi trộm cắp không bén bảng, mối mọt cũng không đục phá.” (Lc 12, 33).

Trong bài giảng trên núi, Ngài cũng nhắc nhở: “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.” (Mt 5,7). Lời Chúa qua dụ ngôn người Samari nhân lành (x. Lc 10,30-35) cũng là ví dụ cho việc cần thiết phải cứu trợ người khác. Sách Công vụ tông đồ cũng đã ghi chép việc các tông đồ đầu tiên chia sẻ tài sản của mình với nhau (x. Cv 4,32) và quyên góp giúp đỡ những người bị thiên tai (x. Cv 11,28-30).

Đồng thời để thu được kết quả tốt giữa người cho và người nhận. Tin Mừng cũng lưu ý việc hiến tặng nên thận trọng, trực tiếp để xứng đáng đến tay cá nhân hoặc gia đình người nhận (x. 2Tx 3,10); bí mật, khiêm nhường (x. Mt 06,02); và vui vẻ: “Mỗi người hãy cho tuỳ theo quyết định của lòng mình, không buồn phiền, cũng không miễn cưỡng, vì ai vui vẻ dâng hiến, thì được Thiên Chúa yêu thương.” (2 Cr 9,7).

Trong buổi tiếp kiến chung dành cho các tín hữu tại quảng trường thánh Phêrô vào sáng thứ Tư 08/05/2019 mới đây, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chia sẻ những kinh nghiệm thiêng liêng của ngài khi đến thăm các nữ tu dòng Mẹ Têrêsa: “Những nữ tu này ngọt ngào, dịu dàng và làm việc bác ái, nhưng không phải là bác ái giả hình. Khi người ta thực hành bác ái mà không có sự dịu dàng, không có tình yêu, giống như là chúng ta đổ một ly giấm vào trong hoạt động bác ái. Bác ái là vui tươi chứ không phải là chua cay.”

Bác ái giúp mọi người có cuộc sống tốt hơn, tuy nhiên thực tiễn cũng cho thấy, một số cách thực thi bác ái đã không mang lại hiệu quả như mong muốn – thậm chí còn gây ra những hậu quả xấu về sau. Do đó, vì lợi ích lâu dài của những người cần được giúp đỡ, hãy làm việc bác ái đúng cách không chỉ bằng trái tim mà còn cần cả lý trí.

Trước hết, mỗi người cần phải thực thi bác ái ngay trong gia đình, khu xóm, cộng đoàn của mình. Người đời thường hay đi tìm những nơi xa, những đối tượng lạ để biểu lộ sự quảng đại của mình; nhưng lại dễ quên những gì bình thường trước mắt hay bên cạnh. Chúng ta có thể sống nhân từ, làm nhiều nghĩa cử bác ái cho những người xa lạ, nhưng chưa chắc đã làm được những việc tương tự cho những anh chị em đang hằng ngày sống bên cạnh chúng ta.

Thế nên thật đắng lòng khi nghe những câu nói đại loại như “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, “việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng”, “làm phúc nơi nao cầu ao rách nát”, từ những người thân! Phải chăng mình đã thiếu sót vì sốt sắng, sẵn sàng hết lòng với việc của xã hội, giáo xứ và đoàn thể hơn việc gia đình?

Các hội đoàn, đoàn thể tránh kêu gọi bác ái theo kiểu “phân bổ chỉ tiêu” vừa tạo áp lực cho cá nhân đơn vị đồng thời gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ. Mỗi cá nhân, đơn vị đều có những hoàn cảnh đặc thù tùy theo điều kiện sống. Thành phố khác nông thôn, nội thành khác ngoại thành …. Phải làm sao để mọi người, mọi đơn vị đều thoải mái, không có mặc cảm khi tham gia đóng góp.

Nhiều người làm việc bác ái nhưng vẫn còn những băn khoăn, lấn cấn dù vẫn biết rằng cho đi là không cần nhận lại. Bác ái là không phân biệt vậy mà ta lại có cảm giác như người nghèo ở Campuchia đáng thương hơn người nghèo ở nơi ta sinh sống!

Có những đoàn thể lo đi bác ái ở những nơi khác, nhưng ngay trong Giáo Hội địa phương thì thiếu sự quan tâm, sâu sát. Khi tổng kết, báo cáo thành tích sẽ được kể như một sự phát triển đoàn thể ra nước ngoài. Nhưng ở vùng ngoại biên ngay trong nước, theo cách diễn đạt của ĐTC Phanxicô, thì vẫn còn những nơi, những người khó khăn cần trợ giúp!

Trước khi quyên góp cho hoạt động bác ái, hãy dành thời gian tìm hiểu về những đối tượng mà chương trình nhắm tới để có sự lựa chọn phù hợp. Nếu đó là những em bé ở trại trẻ mồ côi, hãy tặng các em quần áo, sách vở. Nếu đó là người dân thuộc các vùng xa xôi, hẻo lánh, hãy giúp họ có điều kiện tiếp cận với Chúa, với nền văn minh hiện đại bằng cách góp phần xây dựng nhà thờ, trường học…

Bác ái không chỉ đơn thuần là cung cấp vật chất. Có nhiều cách để giúp đỡ những người kém may mắn. Nếu đó là những người bị bệnh hiểm nghèo, những nạn nhân của thiên tai thì tiền là một phương thức trợ giúp hữu hiệu. Tuy nhiên, với những ai còn nghèo khó, hãy đưa cho họ công cụ và tạo điều kiện để họ có thể lao động tạo ra của cải vật chất tự nuôi sống bản thân và gia đình.

Sự trợ giúp quá dễ dàng sẽ khiến con người mang tâm lý ỷ lại và thói quen nhận sự trợ giúp của ngươi khác dù mình không khó khăn cho lắm. Hơn nữa, hiện nay vì nhiều lí do khác nhau nên ít khi người ta tổ chức trao quà tận tay người nhận. Thế nên hãy trao tặng thông qua các đấng bản quyền, cha xứ, đoàn thể… ở nơi diễn ra hoạt đông bác ái để không tạo ra thói quen xấu cho người nhận.

Bố thí vì lòng bác ái chắc chắn là điều làm đẹp lòng Chúa vì nó phù hợp với bản chất thiện hảo, nhân từ, yêu thương và quảng đại của Thiên Chúa. Tất cả những việc bác ái của chúng ta đều phải quy hướng về Thiên Chúa như Đức cố Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận đã viết: “Nếu các công việc từ thiện xã hội của con không phải vì Chúa, thì con chỉ là nhân viên của một chi nhánh Hồng Thập Tự” (Đường hy vọng 786).

Vì vậy khi bố thí cho ai của gì, chúng ta phải làm với lòng mến Chúa, yêu người thực sự. Nghĩa là không làm việc bác ái, bố thí cho ai vì khoe khoang để báo cáo thành tích, để được người khác khen thưởng… “Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy.” và “Khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.” (x. Mt 6,1-4).

Ước mong sao việc bác ái của các Kitô hữu và nhất là của các Tông đồ giáo dân chúng ta phản ánh trung thực tinh thần bác ái của Tin Mừng: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngoan. Đó là điều răn lớn nhất và đứng đầu. Còn điều răn thứ hai cũng giống điều răn ấy là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình.” (Mt 22,37-39; Mc 12,29-31; Lc 10,27) và “để họ thấy những công việc tốt anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.” (Mt 5,16). Amen.

Kỷ niệm chuyến Bác ái Ka–Đơn 22-24/5/2019 cùng HĐMV Gx. Trung Mỹ Tây.