Thứ Năm, 21 tháng 1, 2016

NÊN MỘT

"Ut unum sint", xin cho tất cả nên một. Sự hợp nhất đã bắt nguồn từ chính Đức Kitô trong lời cầu nguyện tại Bữa Tiệc Ly: “Lạy Cha, Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con” (Ga 17,20-21).

Trong một cộng đoàn, mọi hồng ân, mọi chức vụ, mọi hành động khác nhau đều xuất phát từ chính một Thiên Chúa. Thần khí Chúa ban cho mỗi người mỗi khác: người được ban cho lời khôn ngoan, kẻ khác thì được lời thông minh; người khác được đức tin; kẻ khác nữa được ơn chữa bệnh; có người được ơn làm phép lạ, có kẻ được ơn tiên tri, người khác được ơn phân biệt các thần trí; có người được ơn nói nhiều thứ tiếng; người khác được ơn giải thích các thứ tiếng, … tất cả trong cùng một Thánh Thần duy nhất thực hiện. (x. Cr 12, 4-11)

Dấu chỉ để nhận ra hồng ân của Thánh Thần trong cộng đoàn chính là sự yêu thương, hiệp nhất. Mỗi thành viên đều được Thánh Thần ban cho ít, nhiều khả năng nào đó. Nhờ những khả năng đó mà họ yêu thương cộng đoàn, khiêm tốn và tôn trọng những khả năng của người khác trong tinh thần hiệp nhất. Nếu ai vin vào khả năng này nọ để gây chia rẽ cộng đoàn cũng như không yêu thương, phục vụ anh em thì những khả năng đó chỉ xuất phát từ tà khí chứ không do Thần khí Chúa.

Trong đoàn thể, tình yêu Chúa Kitô đưa chúng ta đến chỗ tránh mọi hình thức chỉ trích anh chị em. Nếu cần góp ý, ta có thể góp ý một cách chân tình và tế nhị. Hãy nói về mọi người và mọi việc họ làm một cách hiền từ nhẹ nhàng, đặc biệt khi nói về những anh chị em lãnh đạo đã được mình đề cử. Lời phê bình gay gắt hoặc tức tối rất gần với lời nói hành hoặc vu khống.

Hãy khiêm tốn và tập thói quen dẹp bỏ đi cái tôi to lớn và những ý hướng tham vọng về chức tước, địa vị và quyền lực tiềm ẩn trong thâm tâm có sẵn trong mỗi người. Nếu biết được một thành viên nào đó trong đoàn thể có thể gây gương mù, gương xấu, chúng ta hãy cầu nguyện và góp ý cho họ. Nếu anh chị em nào có vô tình hay cố ý xúc phạm đến mình, hãy lấy Lòng Thương Xót mà tha thứ, hòa giải với nhau.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã nói không phải niềm tự hào hay khả năng có thể phục vụ để xây dựng sự hiệp nhất của Giáo Hội. Thay vào đó, tính dịu dàng, sự khiêm hạ và rộng lượng có thể xây dựng nên sự hiệp nhất.

Chúa Giêsu đã nêu ra một dấu chỉ mà thế gian nhờ đó sẽ nhận ra các môn đệ đích thực của Người: người ta cứ dấu này mà nhận ra các con là môn đệ của Thầy, là các con yêu thương nhau. Thánh Phaolô đã kêu gọi các tín hữu giáo đoàn Galata: Vậy bao lâu còn thời giờ, chúng ta hãy làm điều thiện cho mọi người, nhất là cho những anh em trong cùng đại gia đình đức tin. Thánh Phêrô cũng viết những lời tương tự: Hãy tôn trọng mọi người, hãy yêu thương anh chị em. (x. 1Pr 2,17)

Chúng ta cũng được mời gọi tập sống hiệp thông trong đoàn thể của mình với tình yêu thương huynh đệ qua những sinh hoạt thường kỳ: những giờ kinh Đền tạ luân phiên, những giờ kinh Tôn Vương, những buổi học tập, hội họp, những khi thực hành bác ái …. Chúng ta đừng ngần ngại khi thể hiện những cử chỉ tế nhị quan tâm, giúp đỡ nhau. Đừng băn khoăn khi nói những lời tử tế, chân thành để động viên, khích lệ nhau. Đó sẽ như là muối men và ánh sáng giúp biến đổi đời sống cộng đoàn, nhờ đó, chúng ta sẽ trở nên một đoàn thể môn đệ đích thực của Thánh Tâm Chúa Giêsu.

Tuần lễ cầu cho các Kitô hữu hợp nhất 2016

Đã đăng trên:
http://gdpttthathocmon.org/?p=6249#more-6249

Thứ Sáu, 1 tháng 1, 2016

SỐNG TRONG LÒNG THƯƠNG XÓT

Bước vào năm 2016, cùng với Giáo hội Công giáo hoàn vũ, Giáo hội Việt Nam sống trong Năm Thánh Lòng Thương Xót với việc Tân Phúc-Âm-hóa Đời sống xã hội. Cửa Thánh tại bốn Đại Vương cung thánh đường ở Roma và các Cửa Thánh Nhà thờ Chính Tòa hay Trung Tâm hành hương tại các giáo phận địa phương trên toàn thế giới cũng đã được khai mở.

Với Năm Thánh Lòng Thương xót, Đức Giáo Hoàng Phanxicô muốn đặt trọng tâm nơi Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, Đấng luôn mời gọi các tín hữu trở về với Ngài. Trở về gặp gỡ Ngài sẽ giúp chúng ta biết thực thi lòng thương xót. Thiên Chúa là Đấng toàn năng và hay thương xót, Ngài tỏ lộ sự toàn năng của Ngài qua lòng thương xót. Không chỉ trong lịch sử, nhưng cho đến đời đời, con người vẫn luôn sống dưới ánh mắt thương xót của Chúa Cha: “Vì lòng thương xót của Chúa bền vững muôn đời” (Tv 136).

Lòng Thương Xót của Thiên Chúa đã trở nên sống động và hiện hữu nơi Đức Giêsu Kitô, là nguồn gốc ơn Cứu độ. Lời nói, hành động và toàn bộ con người của Ngài đã thể hiện lòng thương xót của Thiên Chúa giữa lòng trần gian.  Qua việc thiết lập bí tích Thánh Thể, Ngài đã muốn muôn đời tưởng nhớ đến Ngài và cuộc Vượt Qua dưới ánh sáng của Lòng thương xót. Cũng trong chính bối cảnh lòng thương xót ấy, Chúa Giêsu đã trải qua Khổ Nạn và Cái Chết, thăng hoa Tình yêu cao cả thể hiện trên Thập giá.

Trong Năm Thánh, mỗi tín hữu được mời gọi hành hương qua Cửa Thánh. Qua Cửa Thánh tức là hoán cải để Lòng Thương Xót Chúa bao bọc và để chúng ta cũng có lòng thương xót đối với người khác như Chúa Cha đối xử với chúng ta. Người  đi qua Cửa Thánh hay tham dự một cử hành phụng vụ chung tại một nhà thờ được Đức giám mục địa phương chỉ định có Cửa Thánh  sẽ được hưởng ân xá với điều kiện xưng tội và rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng.
Bên cạnh đó, hãy sống Năm Thánh bằng những hành vi cụ thể: không phán xét, không kết án, không nói xấu nhau, tha thứ và trao hiến chính thân mình hầu trở nên khí cụ của sự tha thứ. “Cha Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xứ với các con như vậy, nếu mỗi người trong các con không thật lòng tha thứ cho anh em mình” (Mt 18,35). Thực sự đón nhận và loan truyền lòng thương xót của Chúa cho người khác. Chuyên cần cầu nguyện, biết quan tâm và yêu thương nhau ngay từ trong gia đình và phát triển mối quan tâm tới những người xung quanh.
Mở mắt và mở cõi lòng mình ra để chia sẻ cho những ai đang sống trong những “vùng sâu, vùng xa” của kiếp nhân sinh. Những người nghèo khổ, những người bị cướp đi phẩm giá của họ và các bệnh nhân. “Tại sao ngươi không thương xót bạn ngươi như ta đã thương xót ngươi?” (Mt 18,33). Hãy làm việc bác ái đối với tha nhân cả thể xác và tinh thần theo lời dạy của Chúa Giêsu: cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, khuyên bảo, dạy dỗ, an ủi... (x. Mt 25, 31-45).


Hội đồng Giám mục Việt Nam cũng kêu gọi “mỗi người Công giáo phải trở thành nhân tố tích cực trong việc xây đắp nền văn minh tình thương và văn hóa sự sống. Không có những chứng nhân của lòng thương xót, xã hội sẽ trở thành một sa mạc hoang vu, cằn cỗi, không sức sống … Đáp lại lời kêu gọi của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, anh chị em hãy tích cực thực thi lòng thương xót”.

Sống Năm Thánh Lòng Thương Xót với việc Tân Phúc-Âm-hóa Đời sống xã hội làm ta nhớ lại những lời Kinh mười bốn mối mà có lẽ ai trong chúng ta cũng đã thuộc nằm lòng từ tấm bé: “thương người có mười bốn mối. Thương xác bẩy mối, thứ nhất: cho kẻ đói ăn, thứ hai: cho kẻ khát uống, thứ ba: cho kẻ rách rưới ăn mặc, thứ bốn: viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc, thứ năm: cho khách đỗ nhà, thứ sáu: chuộc kẻ làm tôi, thứ bảy: chôn xác kẻ chết. Thương linh hồn bẩy mối, thứ nhất: lấy lời lành mà khuyên người, thứ hai: mở dậy kẻ mê muội, thứ ba: yên ủi kẻ âu lo, thứ bốn: răn bảo kẻ có tội, thứ năm: tha kẻ dể ta, thứ sáu: nhịn kẻ mất lòng ta, thứ bảy: cầu cho kẻ sống và kẻ chết.”

Truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam là lấy chữ nhân, tức con người làm gốc. Cho đến nay, lời cổ nhân vẫn thường khuyên nhủ chúng ta phải “Thương người như thể thương thân”. Thương thân là thương chính bản thân mình. Khi đói không cơm ăn, khi lạnh không có áo mặc, khi ốm đau không có thuốc uống và không ai chăm sóc… lúc đó ta mới cảm nhận được mình rất thương bản thân mình.



Thương người là thương xót mọi người chung quanh, quan tâm, chia sẻ và sẵn sàng giúp đỡ mọi người khi gặp khó khăn. Nếu bản thân đã từng trải qua đau khổ, bệnh tật, túng thiếu, tù đầy… thì khi gặp những người cùng cảnh ngộ, hãy cảm thông, chia sẻ, giúp đỡ, quan tâm tới họ như chính với bản thân mình. Thương người như thể thương thân là ta yêu quý bản thân như thế nào thì cũng đối xử với những người chung quanh như thế.

Đó là các bệnh nhân và những người già yếu và cô đơn. Sống trong bệnh tật đau khổ, không người thân gần gũi. Hãy đến chăm sóc, an ủi và mang Lời Chúa đến với họ. Tạo cho họ có cơ hội được rước lễ hoặc tham dự Thánh lễ và kinh nguyện cộng đoàn. Họ có thể là những người đang bị giam cầm, là những người bị giới hạn sự tự do, đang chịu hình phạt vì những tội xúc phạm đến con người. Lòng từ bi thương xót của Chúa có thể biến đổi tâm hồn họ. Hãy hiệp thông cầu nguyện để họ cũng được hưởng nhờ ân xá Năm Thánh mỗi khi họ nghĩ đến và cầu nguyện với Chúa Cha.

Thiên Chúa luôn tha thứ đối với người đã ăn năn, đặc biệt là khi người đó chạy đến với Bí tích Giải tội với một trái tim chân thành, muốn được hòa giải với Chúa Cha kể cả những người đã dùng tới biện pháp phá thai, hủy hoại mầm sống con người. Tất cả các Linh mục, trong Năm Thánh này, đều có được năng quyền để giải gỡ trọng tội này cho những người phá thai có lòng ăn năn, xin tha thứ cho họ. Ngoài ra còn có hơn 800 linh mục được Đức Giáo Hoàng bổ nhiệm là “Nhà rao truyền Lòng Thương Xót” sẽ đi đến nhiều miền khác nhau của thế giới để làm nhiệm vụ của “thầy giảng và cha giải tội của Lòng Thương Xót” với năng quyền đặc biệt là tha cho những tội mà trước đây chỉ dành cho Tòa Thánh.


Trong mầu nhiệm các Thánh thông công, chúng ta cũng vẫn liên kết với những người đã qua đời với đức tin và đức ái mà họ đã để lại cho chúng ta. Khi nhớ tới họ trong việc cử hành Thánh Lễ, chúng ta hãy cầu nguyện cho họ, để khuôn mặt đầy lòng thương xót của Chúa Cha giải thoát mọi tàn dư tội lỗi họ đã phạm, và cánh tay nhân từ của Ngài ôm chặt lấy họ trong cõi phúc đời đời.

Lòng thương xót phải xuất phát từ trái tim, từ tư tưởng đến hành động. Muốn được vậy, trong Mùa Chay của Năm Thánh, cần phải suy niệm các trang Thánh Kinh về Lòng Thương Xót của Chúa Cha để có kinh nghiệm và khám phá dung nhan Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Siêng năng lãnh nhận Bí tích Hòa Giải, nhất là những người trẻ. Trở về với Chúa để tìm lại ý nghĩa cuộc sống, hưởng ơn bình an đích thực, đó là được sống trong đại dương bao la Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. 

Tự rèn luyện tâm hồn thường xuyên, thấm nhuần lời Chúa để có thể hòa nhập vào giữa lòng thế giới công bố và thực thi sứ mạng của Chúa Giêsu được mô tả trong Tin mừng Lu-ca: Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa.” (Lc 4,18-19).


Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu, hiện thân sống động của Lòng Thương Xót như Chúa Cha. Xin giúp chúng con sống Năm Thánh như lòng Chúa ước mong. Xin biến đổi tâm hồn và hành động của chúng con, để nhờ ơn Chúa giúp, chúng con biết tha thứ và yêu thương nhau thật lòng. Xin cho chúng con luôn biết quan tâm đến những nhu cầu của nhau, biết cùng nhau xây dựng gia đình, Giáo hội và xã hội ngày càng tốt đẹp hơn. Amen.


Đã đăng trên:
http://gdpttthathocmon.org/?p=6193#more-6193