Thứ Tư, 30 tháng 9, 2015

KHIÊM NHƯỜNG


Con người ngày nay thường dễ tự ái - hay nói theo cách của các bạn trẻ là dễ “quê độ”. Từ đó phát sinh nhiều chuyện xích mích, bạo lực có thể dẫn đến đổ máu như ta thường thấy nhan nhản trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng dưới nhãn quan của người Kitô hữu, con người ngày nay đang mất dần đi một nhân đức rất cần thiết để có thể có được mối quan hệ tốt trong xã hội là đức khiêm nhường.

Khiêm nhường là thái độ không tự đề cao mình, đánh giá đúng mực về bản thân. Luôn coi trọng và học hỏi cái hay của người khác. Những người khiêm nhường thường rất hòa nhã, biết kính trên nhường dưới và nghe nhiều hơn nói. Họ không tự mãn với những gì đã đạt được, nhanh chóng nhận biết và sửa đổi các khuyết điểm của mình.

Khiêm nhường dễ gây được lòng yêu mến của tha nhân và từ đó tạo được niềm tin để chinh phục người khác. Nhưng phải khiêm nhường thật sự trong lòng chứ không phải giả vờ khiêm nhường để dè bỉu, chê bai người khác như trình thuật Lc 18, 9-14 nói về dụ ngôn người Pha-ri-sêu và người thu thuế cùng lên đền thờ cầu nguyện.

Người Pha-ri-sêu hiên ngang tự nhận mình tốt lành và nhân đức. Không những vậy, ông ta còn tố gian người thu thuế. Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời. Vừa đấm ngực vừa thưa ngắn gọn: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”. Lời cầu xin rất khiêm nhường vì vậy Chúa Giêsu đã tuyên bố thẳng: “Người này (thu thuế), khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia (Pha-ri-sêu) thì không”.

Khiêm nhường luôn gắn kết với sự khoan dung, còn kiêu ngạo luôn dính líu với ganh tị và ghen ghét. Thánh Phaolô từng cảnh báo: “Đừng làm chỉ vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình.” (Pl 2,3). Ngược lại với khiêm nhường, người kiêu ngạo luôn khẳng định mình là người thông thái, toàn năng, cái gì cũng biết. Người kiêu ngạo chỉ thấy mình là tất cả, mình hay hơn, khôn hơn người khác, ý của mình luôn đúng.

Người khiêm nhường biết đánh giá đúng ưu điểm và sẵn lòng sửa chữa những khuyết điểm của mình. Còn kẻ kiêu ngạo luôn khoe khoang những điểm mạnh nhưng lại lờ đi những điểm yếu của mình. Trong cuộc sống ngày nay có nhiều người quá coi trọng danh tiếng, đẳng cấp và quyền lợi. Họ sẵn sàng “bới bèo ra bọ”, giành giật những điều tốt đẹp về mình dù có phải đụng chạm đến lòng tự trọng của người khác. Đôi khi chỉ là một tờ giấy khen, một danh hiệu trong đoàn thể nhưng vì nhiều người cùng ham muốn đạt được, chẳng ai biết khiêm nhường, chẳng ai chịu lùi ra sau mà gây nên bao tranh giành, chia rẽ mất đoàn kết.

Nếu giảng giải ý nghĩa từng từ một ta thấy khiêm nhường bao hàm nghĩa khiêm tốn và nhường nhịn. Nhường nhịn thật sự rất khó, bởi nó gây cho ta cảm giác thất bại, thua cuộc. Xét về mặt vật chất nó đem lại sự thiệt thòi về quyền lợi mà ai cũng đua tranh giành giật. Vì thế muốn có được lòng khiêm nhường trước hết chúng ta phải học cách nhường nhịn, phải biết hào phóng nhường đường cho kẻ yếu thế tiến lên dù ta có thừa khả năng để làm điều đó.

Có hai hình ảnh diễn tả về sự khiêm nhường: một là cánh buồm bằng vải, mềm mỏng không cứng cáp như tôn, sắt, thép … nhưng chính sự mềm mại đó đã giúp nó nương theo chiều gió để đưa con thuyền đi mau. Hai là đất, là nơi thấp nhất, bị mọi người đạp lên. Vừa bị bầm dập, vừa dơ bẩn nhưng lại là nơi những hạt giống được nảy mầm, cung cấp bao tài nguyên, lương thực cho con người.

Chúa Giêsu đã dạy các mộn đệ: “Nếu không trở lại mà nên như trẻ nhỏ thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 18,3). Trở nên như trẻ nhỏ tức là phải sống khiêm nhường. Con đường thơ ấu của Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu là một quá trình thực hành nhân đức khiêm nhường trong đời sống thiêng liêng. “Hãy luôn sống như trẻ thơ theo ý muốn của Chúa Giêsu trong Tin Mừng, Ngài chẳng muốn nói với ta rằng: ”Nước Trời thuộc về những người giống như trẻ nhỏ” sao?”


Cuộc đời thánh nữ Têrêsa thay đổi hoàn toàn khi bắt đầu bước vào dòng tu. Là con út trong gia đình lại có chị là bề trên và các chị khác cùng tu một dòng nên không tránh khỏi bị mang tiếng là “con ông, cháu cha; nhất thân nhì thế”. Tuy bị dèm pha, nghi kỵ nhưng thánh nữ vẫn chấp nhận làm những công việc bé nhỏ, đơn sơ thường ngày một cách vui vẻ. Đó là khiêm nhường để phục vụ chứ không phải khiêm nhường để được phục vụ.

Khiêm nhường theo lời Chúa dạy không phải là nhu nhược, nhưng là học sống vâng phục thánh ý Chúa. Thánh nữ Têrêsa luôn suy niệm Lời Chúa: “Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11,29) để vâng phục bề trên một cách đơn sơ, bé nhỏ và khiêm nhường. Muốn học được khiêm nhường cần bắt chước Têrêsa thực hiện theo thứ tự ưu tiên JOY (Jesus – Others – You). Mọi thái độ của ta phải đặt ưu tiên cho Chúa, kế đến cho tha nhân và sau cùng mới đến mình.

Đã đăng trên:                              
http://www.thanhlinh.net/node/94281

Thứ Tư, 9 tháng 9, 2015

MỪNG SINH NHẬT MẸ


Chín tháng sau lễ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội, với tiết trời mát mẻ êm dịu, với bầu trời tươi sáng của mùa thu. Giáo hội mừng lễ Sinh nhật Đức Mẹ, nên có người còn ví von đây là "lễ Noel mùa Thu”.

Phụng vụ ngày hôm nay cho chúng ta thấy Đức Maria “đã mang đến nguồn hy vọng và bình minh ơn Cứu độ cho trần thế”. Sinh nhật Mẹ báo trước hừng đông của Mặt Trời công chính, là Đức Giêsu Kitô đem đến cho toàn thể loài người ơn Cứu độ.

Mừng kính sinh nhật Đức Mẹ, chúng ta hãy cùng Giáo hội hoàn vũ: “vui mừng cử hành lễ sinh nhật Đức Trinh Nữ Maria, vì từ nơi Người đã xuất hiện Mặt Trời Công Chính, là Đức Kitô, Thiên Chúa chúng ta“. (Ca nhập lễ)

Từ ngày ông bà nguyên tổ Adam và Eva sa ngã, ăn trái cấm do sự xúi giục của ma quỉ, phản bội lại tình thương cao vời, tuyệt đối của Thiên Chúa. Loài người đã phải ngậm ngùi rời xa vườn địa đàng và lầm lũi đi trong bóng tối sự chết.

Tuy nhiên tình thương của Thiên Chúa vẫn kiên vững và vượt trên mọi sự. Ngài lại tiếp tục tô điểm lịch sử cứu độ bằng cách chọn lựa một người nữ có tên là Maria.

Maria, Eva mới là niềm hy vọng cậy trông cho trần gian đang sa lầy trong tăm tối. Từ nay những tiếng tung hô Ave sẽ thay thế cái tên Eva trong lịch sử cứu độ nhân loại. Lịch sử nhân loại đã hồi sinh, trở nên tinh tuyền sau thời gian dài bị trừng phạt do tội phản nghịch, bất tuân của ông bà nguyên tổ. Hai tiếng “xin vâng” của Maria đã làm cho sự sống của nhân loại bất toàn trong sự chết trở nên viên mãn.

Được sinh ra, cùng đồng hành với con người trong trần gian đầy dấu tích của tội lỗi nên Mẹ rất cảm thông, chia sẻ và là nơi nương tựa của những người con trần gian yếu hèn, tội lỗi. Mừng sinh nhật Mẹ là dịp tốt nhất để cảm ơn Mẹ đã có mặt trong từng cuộc đời chúng ta. Cám ơn Mẹ đã nhận chúng ta là con của Mẹ để tình Mẹ luôn dõi bước ta trong cuộc lữ hành trần thế.

Nhưng lễ sinh nhật Đức Maria không được Kitô hữu chúng ta lưu ý đúng mức vì những tất bật, lo toan trong cuộc sống. Nhiều người đã để lễ ấy vô tình qua đi hoặc thậm chí không hề hay biết có ngày lễ sinh nhật như thế. Có lẽ vì nó được xếp vào phụng vụ của một tuần lễ thường, hoặc không phải là một bậc lễ trọng!

Trong tâm tình tạ ơn và hối lỗi, chúng ta hãy dành chút thời gian để hiệp dâng Thánh lễ mừng sinh nhật người Mẹ Thánh. Chuẩn bị cho sinh nhật của Chúa Giêsu, Đấng Cứu độ trần gian. Hơn hai ngàn năm qua, Mẹ vẫn chờ đợi chúng ta đến dự tiệc Thánh mừng sinh nhật Mẹ, vẫn chờ đợi chúng ta cùng thổi nến và cắt bánh sinh nhật với Mẹ.

Lạy Mẹ Maria, mẹ là món quà quý giá nhất, là tuyệt tác tình yêu mà Thiên Chúa đã tặng ban cho chúng con. Mẹ là người quan trọng nhất trong cuộc đời, là người cầu bầu, che chở cho chúng con trong những lúc lầm lỡ, là người ủi an trong những lúc u sầu ….

Lòng Mẹ bao la tình thương như sóng biển Thái Bình ôm ấp vỗ về khi con lầm đường lạc lối. Không  có Mẹ, “giữa nơi lưu đầy ngày gian nan con biết thở than với ai?” Không có mẹ hộ phù con đâu “lớn nổi thành người” Kitô hữu, vì Mẹ là Sao Mai, Sao Biển dẫn lối cho chúng con.

“Chúc Mừng Sinh Nhật Mẹ – Happy Birthday to You”. Chúc mừng tuổi Mẹ! Chúc mừng người phụ nữ xinh đẹp tuyệt trần, trẻ trung mãi mãi và đầy ân sủng để chia sẻ cho chúng con phúc lộc của trời cao.

Mừng sinh nhật Mẹ, chúng con cùng quây quần bên Mẹ chia sẻ tấm bánh hằng sống là Đức Giêsu Kitô. Khi thổi tắt các ngọn nến cắm trên tấm bánh sinh nhật, xin Mẹ lại thắp sáng ngọn nến Đức Tin trong tâm hồn mỗi người chúng con bằng tình yêu phó thác, khiêm nhu và tinh tuyền của Mẹ.

Xin dâng Mẹ những lời kinh Mân Côi như 1001 hoa hồng tươi thắm với lời nguyện ước Mẹ - con được mãi mãi bên nhau trong cõi thiên thu bất diệt. Và “xin cho chúng con cũng tìm được niềm vui trong ngày mừng sinh nhật Đức Trinh Nữ Maria. Chính Người đã đem đến cho nhân loại niềm hy vọng và ơn cứu độ là Đức Giêsu Kitô, Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen“.

Đã đăng trên:                              
Nội san Lửa Mến tháng 9/2015
http://gdpttthathocmon.org/?p=5504#more-5504
http://www.thanhlinh.net/node/93456

Chủ Nhật, 6 tháng 9, 2015

LO MÙA KHAI TRƯỜNG

Ở Việt Nam, năm nào cũng thế, cứ sắp vào đầu năm học mới. Khi các em học sinh háo hức với niềm vui được cắp sách đến trường gặp lại bạn bè, thầy cô. Nhiều bậc phụ huynh lại không giấu được sự lo lắng, đứng ngồi không yên bởi chưa biết lấy đâu ra tiền để sắm sửa quần áo, sách vở, dụng cụ học tập và nhiều khoản đóng góp đầu năm cho con em mình.
Đối với các gia đình khá giả, khoản tiền này có thể “nhỏ như con thỏ” nhưng lại là vấn đề làm đau đầu những phụ huynh có thu nhập thấp, nhất là ở khu vực nông thôn. Hằng ngày, họ phải đầu tắt mặt tối mới tạm đủ sống, tiền kiếm được thì quá ít, trong khi bảng kê các khoản chi phí thì lại quá nhiều...
Thật ra thì nỗi lo không chỉ xuất hiện trong mùa tựu trường, lễ tết …. Cuộc sống của con người kể từ ngày bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng là một chuỗi dài những lo lắng. Bất kỳ lứa tuổi nào, nơi nào, thời điểm nào, chúng ta cũng có những nỗi lo lắng riêng của mình. Vậy chúng ta sẽ phản ứng ra sao, chúng ta sẽ thích nghi thế nào khi phải đối diện với những lo lắng ấy?
Trong bài giảng trên núi, Chúa Giê-su cũng đề cập đến sự lo lắng và đưa ra những lời giáo huấn chí tình. Một trong số những giáo huấn đó là: “Đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy.” (x.Mt 6, 25-34). Đừng lo âu thái quá tìm kiếm của ăn, cái mặc vì “Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó”.
Có bao giờ chúng ta bớt chút thời giờ, thưởng thức cảnh bình minh đang lên với lũ chim sẻ ríu rít đón chào ngày mới. Ngẫm xem chúng không gieo không gặt, không thu tích vào kho mà Thiên Chúa vẫn luôn quan tâm săn sóc, cho của ăn để cho chúng có thể tồn tại.
Hoặc giả như có dịp chúng ta một mình ngoài đồng nội trong cảnh hoàng hôn tĩnh mịch. Nghe tiếng gió reo, chiêm ngắm những bông hoa tự mọc lên, không cần ươm tơ kéo sợi mà vẫn được Cha trên trời khoác cho tấm áo đẹp lộng lẫy hơn áo bào vinh hoa tột bậc của vua Salomon.
Chim trời không có giá trị bao nhiêu, bông hoa ngoài đồng nay còn mai mất mà Thiên Chúa còn nuôi ăn, ban cho mặc đẹp. Con người là con cái Thiên Chúa chả lẽ lại không được Ngài quan tâm chăm sóc đặc biệt hơn những thứ phù vân đó sao?
Có ai trong chúng ta, nhờ lo lắng, mà “kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang tay?” Hơn nữa, dù ta có lo lắng bao nhiêu đi nữa cũng vô ích, vì mọi sự đều do ơn Chúa ban như lời thánh Phao-lô: “Tôi trồng, anh A-pô-lô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên” (1Cr 3,6). 
Những lo lắng của chúng ta là những cái lo trước mắt để kiếm thêm thu nhập, còn cái lo của Thiên Chúa là con người không quan tâm những điều nằm trong thánh ý của Ngài. Những điều cần cho thân xác như của ăn, áo mặc không đáng giá mảy may nào trước sự tín thác vào tình thương quan phòng của Thiên Chúa. 
Tín thác không đồng nghĩa với thái độ thụ động, ỷ nại phó mặc cho Chúa định liệu mọi sự, còn mình thì nằm hưởng nhàn chờ “sung rụng”. Tín thác là an tâm làm việc để kiếm tiền nuôi thân với niềm tin Chúa sẽ ban cho đủ lương thực hằng ngày như lời cầu trong Kinh Lạy Cha: “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hàng ngày” (Mt 6,11). 
Tín thác vào Chúa quan phòng cũng đồng nghĩa với việc sẵn sàng nhìn nhận những sai lầm, thiếu sót của mình để tu sửa. Khoan dung, chân thành góp ý hướng dẫn trước những khuyết điểm của người dưới. Chấp nhận các sự thất bại như cơ hội giúp mình thêm kinh nghiệm để làm tốt hơn trong tương lai.
Người không nhận biết Thiên Chúa và không tin có đời sau chỉ lo tìm kiếm hạnh phúc vật chất cho đời tạm này. Người Ki-tô hữu chúng ta tin vào Chúa nên đừng lo tìm kiếm những giá trị tương đối mà hãy lo tìm những giá trị vĩnh củu. Đó là ưu tiên làm sáng danh Thiên Chúa như Chúa Giê-su đã dạy cầu nguyện trong Kinh Lạy Cha: danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.
Mỗi tối, hãy dâng lên Thiên Chúa những lời cảm tạ vì những ơn lành Chúa đã ban và phó thác nơi Người những nỗi lo âu, vất vả trong cuộc sống. Hãy tín thác đời mình vào bàn tay Chúa quan phòng và thư thái nghỉ ngơi trong Trái Tim Chúa thay vì nằm vắt tay lên trán trằn trọc suy nghĩ lo lắng thái quá.
Thử nghĩ xem, nếu đêm nay, thần chết đến gọi ta, liệu ta có thể nói với hắn rằng: “Hãy khoan, để tôi lo kiếm thêm ít của ăn cái mặc, để tôi lo kiếm thêm một ít tiền, để tôi lo …” được không? Vì vậy hãy “quẳng gánh lo đi” để sống ung dung trong từng giây phút hiện tại. Bình tâm chu toàn các việc bổn phận với lòng mến Chúa yêu người, và tín thác cậy trông vào tình thương quan phòng của Thiên Chúa.
Mùa tựu trường năm học 2015-2016



Đã đăng trên:
http://gdpttthathocmon.org/?p=5494#more-5494