Thứ Ba, 27 tháng 8, 2019

VU LAN – NHỚ MẸ TRÊN TRỜI

Tháng 7 Âm lịch với những cơn mưa dầm dề như nước mắt của Ngưu Lang và Chức Nữ sướt mướt tiễn biệt, sau khi được gặp nhau hằng năm vào đêm mùng 7. Đây cũng là thời gian các tín đồ Phật giáo bước vào mùa báo hiếu với đỉnh cao là lễ Vu lan tổ chức vào giữa tháng.
Vu lan, còn được hiểu là lễ báo hiếu, là một trong những ngày lễ chính của Phật giáo. Lễ này trùng với Tết Trung nguyên của người Hán, và cũng trùng hợp với ngày Rằm tháng 7 xá tội vong nhân theo phong tục Á Đông. Đây là một đại lễ báo hiếu cha mẹ, ông bà, tổ tiên đã khuất – một tập tục đáng quý, đáng trọng của người Việt, thể hiện tấm lòng “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. 
Trong ngày này, các Phật tử khi lên Chùa lễ Phật thường cài trên ngực áo một bông hoa: "Nếu anh còn mẹ, anh sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo, và anh sẽ tự hào được còn mẹ. Còn nếu anh mất mẹ, anh sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng.
Người được hoa trắng sẽ thấy xót xa, nhớ thương không quên mẹ, dù người đã khuất. Người được hoa hồng sẽ thấy sung sướng nhớ rằng mình còn mẹ, và sẽ cố gắng để làm vui lòng mẹ, kẻo một mai người khuất núi có khóc than cũng không còn kịp nữa". (Theo tản văn Bông hồng cài áo của Thiền sư Thích Nhất Hạnh)

Tháng 7 Âm lịch cũng tương ứng với tháng 8 theo lịch Gregorien mà ta gọi là Dương lịch. Trong tháng này, người Công giáo cũng có một lễ trọng vào giữa tháng là lễ Đức Mẹ linh hồn và xác lên trời.
Mỗi người Công Giáo, ngoài người mẹ trần thế - người mẹ mà khi người khuất núi, ta thấy xót xa, nhớ thương không nguôi - còn có một người Mẹ chung của cả nhân loại luôn yêu thương, chăm sóc chúng ta suốt cuộc đời. Người mẹ có mặt trong cuộc đời chúng ta không chỉ là linh hồn mà còn cả thân xác, đó chính là Đức Trinh Nữ Maria.
Người mẹ E-và đầu tiên của nhân loại đã từ bỏ Thiên Đàng khi nghe lời con rắn rủ rê chồng cùng mình nếm thử trái cấm và từ đó “Ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn, cho đến khi trở về với đất, vì từ đất, ngươi đã được lấy ra. Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất." (St 3,19).
Trong lúc trần truồng trốn chạy khi biết mình phạm tội, E-và biết mình đã đánh mất thiên chức làm mẹ chúng sinh khi Thiên Chúa phán với con rắn: “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó." (St 3,15).
Cũng chính vì tội tổ tông đó mà khi từ giã cuộc sống trần thế, thân xác con người sẽ phải mục nát và trở về kiếp tro bụi. Nhưng Mẹ Maria là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội không hề mắc tội tổ tông và cũng không hề có tội riêng, vì suốt cuộc sống thánh thiện Mẹ hằng luôn hợp tác với ơn Chúa.
Sau khi đã mãn cuộc đời dưới đất, Mẹ đã được Chúa đưa cả hồn và xác về trời vì Mẹ không hề phạm tội, nên thân xác Mẹ, cũng như thân xác Chúa Giêsu không bị huỷ hoại tiêu tan. Thân xác Mẹ trực tiếp đi từ tình trạng dương thế qua tình trạng vinh quang mà không bị hủy hoại, mục nát.
Không giống như các Phật tử khi mất mẹ trở thành người mồ côi và ngậm ngùi nhận lấy bông hồng trắng trong ngày Vu lan với lời thơ tiếc nuối:
“Còn đâu cài đoá bông hồng
Giờ đây dáng mẹ, chìm trong ngút ngàn.”
Người Công giáo chúng ta có niềm tin chắc chắn vào Đức Kitô Phục sinh. Đức Kitô là khởi đầu của những người sống lại, và Đức Maria là khởi đầu của những người được cứu rỗi, là người đầu tiên giữa “những người thuộc về Đức Kitô” đã sống lại. Đức Mẹ về trời là ấn tín bảo đảm cho những ai tin vào Đức Kitô cũng sẽ được sống lại - dù sẽ phải trải qua một thời kỳ huỷ hoại, mục nát - và lên trời sau khi hoàn tất cuộc sống lữ hành trần gian.
Sự bảo đảm đó chỉ thành hiện thực nếu chúng ta luôn luôn cầu nguyện và tuân theo chỉ dẫn của Mẹ: sống vâng phục thánh ý Chúa (x. Lc 1,38). Chỉ một câu kinh Kính mừng, chúng ta ca tụng mẹ là Đấng đầy ân phước để rồi từ đó chúng ta xin Mẹ gìn giữ chúng ta khỏi mọi hiểm nguy trong cuộc đời.
Bắt chước Mẹ xác quyết xin vâng theo ý Chúa chứ không bắt Chúa phải theo ý của mình. Đón nhận ý Chúa với lòng tin là luôn sống vâng phục và đẹp lòng Chúa trong sự giằng co của cái tôi chính mình, đón nhận mọi thăng trầm của cuộc sống trong bình an phó thác.
Trong tâm tình hân hoan mừng kính Đức Mẹ linh hồn và xác lên trời, chúng ta vui mừng cài một bông hoa màu hồng trên áo vì có một người Mẹ bất tử, một người Mẹ ở trên thiên quốc luôn sẵn lòng ban ơn cho con cái khi chúng kêu xin. Một người Mẹ đã đi qua biết bao thăng trầm của dòng đời để có thể hiểu hết những khó khăn của con người.

Mẹ đã hiểu và chắc chắn Mẹ sẽ chia sẻ với chúng ta những khó khăn trong cuộc đời. Vì thế, chúng ta hãy cầu xin Chúa cho chúng ta - nhờ lời Mẹ chuyển cầu - sống cuộc đời thánh thiện đẹp lòng Chúa, xa tránh mọi tội lỗi, mọi dịp tội, để sau cuộc lữ hành trần thế này, chúng ta cũng được về trời hưởng phúc Thiên Đàng cùng Mẹ và các Thánh với niềm tin:
Mẹ về trời, con không mất mẹ
Mẹ về trời, dọn chỗ cho con
Mẹ về trời, khẩn cầu cùng Chúa
Cho chúng con được phúc Thiên Đàng.

Đã đăng trên:

Thứ Hai, 15 tháng 7, 2019

MẾN CHÚA - YÊU NGƯỜI


Kính mến Chúa – yêu thương người là hai điều răn trọng nhất mà mỗi Kitô hữu đều thuộc nằm lòng từ khi học giáo lý khai tâm. 

Nhưng hiện nay lối sống thực dụng ngày càng ăn sâu vào đời sống văn hóa của xã hội. Các giá trị sống, giá trị đạo đức tinh thần, lòng bao dung nhân ái, tình thương yêu đồng loại, sự hy sinh... đang dần bị thế chỗ bởi chủ nghĩa vật chất, chủ nghĩa duy lợi và chủ nghĩa cá nhân khiến con người không còn cảm giác trước nỗi đau của đồng loại.

Sự vô cảm, hay nói đúng hơn là một trạng thái tinh thần, mà khi ở trong đó, con người không có một tý cảm xúc hay tình cảm mang tính nhân bản nào đối với những sự vật, sự việc diễn ra xung quanh họ, trước mắt họ, miễn là không đụng chạm trực tiếp đến lợi ích cá nhân của họ là được. Sự thản nhiên của con người trước nỗi đau đồng loại càng nhiều, sự vô cảm càng nảy nở.

Trong Tin Mừng ta thấy Chúa Giêsu cũng nói đến sự vô cảm: "Một người kia từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-khô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy người này, ông tránh qua bên kia mà đi. Rồi cũng thế, một thầy Lê-vi đi tới chỗ ấy, cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà đi.

Nhưng một người Sa-ma-ri kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương. Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: "Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác." (Lc 10, 30-35)

Dụ ngôn người Sa-ma-ri tốt lành được Thánh Luca thuật lại sau tường thuật về một người thông luật hỏi Chúa Giêsu để thử Người về lề luật. Thầy tư tế và thầy Lê-vi là những người am hiểu về Luật nên họ cũng biết quá rõ "Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình".

Nhưng họ đang lên Đền thờ, họ thấy nạn nhân nhưng không biết anh ta sống chết thế nào. Nếu nạn nhân chết rồi mà họ đụng chạm vào thây ma, họ sẽ bị ô uế không lên Đền thờ phục vụ được. Lí do chính đáng quá, công việc tế tụng ở Đền thờ quan trọng hơn; vả lại nên để những công việc tầm thường này cho những người thấp hèn, những người có địa vị kém hơn mình! Không nói ra, nhưng Đức Giêsu không chấp nhận thái độ chấp kinh tới mức vô cảm của hai vị tăng lữ nói trên.

Lạy Chúa, cũng như người thông luật kia, nhiều lần con cũng tự hỏi: “ai là người thân cận, là anh em của con? ” Chắc hẳn những người cùng chung con đường Kitô hữu là người thân cận, là những người anh em của con. Họ đã chia sẻ với con những lời kinh nguyện, cùng đồng hành với con trong việc tông đồ bác ái, trong các công việc phục vụ cộng đồng giáo xứ. Thật dễ dàng để con nhận ra người anh em của mình. Nhưng khi họ bị áp bức, bất công … con yếu hèn không dám lên tiếng bênh vực chia sẻ với những lí do đầy khôn ngoan ngụy biện.

Có phải là anh em của con khi buổi sáng đón xe đến chỗ làm, con đã gặp một bà mẹ rách rưới bồng đứa con thơ với ánh mắt và bàn tay chìa ra van xin giúp đỡ trong dòng người tấp nập, vất vả mưu sinh. Có phải là anh em con khi những người vì hoàn cảnh nào đó đã phải từ bỏ nơi chôn nhau cắt rốn đến đây để cầu mong gầy dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Có phải là anh em con với ánh mắt buồn bã qua khung cửa lưới hẹp của chiếc xe chở phạm nhân mà con đã chợt bắt gặp trong một sáng rong chơi. Có phải là anh em con là những bệnh nhân, những bệnh nhi… đang vật vã với những cơn đau vì không có đủ tiền chữa trị … và còn nhiều nữa những mảnh đời bất hạnh. Họ nhiều quá, họ đến từ muôn hướng. Làm sao để con nhận diện được anh em của con?

Cũng có lúc con lí luận rằng hiện nay thật giả khó lường. Con muốn giúp đỡ những người nghèo khó, hoạn nạn nhưng không biết ai đích thực nghèo khó, hoạn nạn. Thôi thì đành ngó lơ cho lương tâm khỏi cắn rứt.

Chiều tan trường, lẫn trong đám đông phụ huynh đón con em trước cổng là một bà cụ già tay chống gậy, tay ngửa xin bố thí. Con vội phóng xe qua với ý nghĩ nếu mình dừng lại sẽ làm dòng người bị ùn tắc và chợt thấy 1 em học sinh nhỏ tiến lại bỏ vào tay cụ 1 đồng tiền giấy mà con nghĩ chắc cũng không nhiều nhặn gì. Nhìn ánh mắt và vẻ mặt hớn hở của em khi làm được một việc thiện lòng con như chùng lại và những lí lẽ so đo trước sau như chợt tan biến.

Lạy Thánh tâm Chúa Giêsu, xin cho con biết rung động trước những nghĩa cử đẹp, và biết chia sẻ trước những bất hạnh trái ngang. Bao nhiêu lần vì mệt mỏi, hoặc vì vô tình, vì ích kỷ hoặc vì sợ hãi, con đã nhắm mắt, con không muốn nhìn thực tại! Con không muốn can dự, không muốn dấn thân sâu xa và tích cực vào đời sống và những nhu cầu của anh em gần xa của con.

Xin cho con nhớ rằng có Chúa đang ở trong mỗi con người trong tình cảnh đau khổ. Mỗi người, đẹp hay xấu, tài giỏi hay không, ngay từ lúc đầu tiên trong lòng mẹ hay là ở tuổi già, đều là hình ảnh của Chúa. Xin cho con biết sống cho đi và hi sinh cho những người anh em của con bằng những công việc bác ái và kinh nguyện để xứng đáng là một chứng nhân loan truyền lòng yêu thương của Thánh tâm Chúa Giêsu. Amen.


Thứ Năm, 4 tháng 7, 2019

VÀI SUY NGHĨ VỀ BÁC ÁI

Trong cuộc sống xã hội, bất cứ quốc gia nào cũng vẫn còn những hoàn cảnh khó khăn bất hạnh. Dù đất nước có phát triển, xã hội có hưng thịnh đến mấy thì đâu đó trong cuộc sống vẫn có những con người bị lãng quên, bị chìm đắm trong bệnh tật, nghèo khổ. Họ không còn đủ khả năng để tự chăm sóc cho bản thân mà cần có sự chung tay giúp đỡ của toàn xã hội.

Từ xa xưa, cha ông ta đã để lại những quan niệm sống mà ai cũng được dạy dỗ từ thuở ấu thơ như: “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”, "Lá lành đùm lá rách" hay "Thương người như thể thương thân", ….

Đối với người Kitô hữu, một trong những giới răn quan trọng nhất mà Chúa Giê-Su đã dạy là: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” (Ga 15,12). Thường thì chúng ta hay nói “làm việc bác ái, chia sẻ bác ái, thực thi bác ái, ...“ nghĩa là làm việc tốt từ lòng yêu thương rộng khắp mọi người; hay như người ta thường nói là “làm từ thiện”.

Sự yêu thương đích thực chỉ đến từ sự đồng cảm. Nghĩa là khi một người nào đó đau khổ, ta cũng cảm nhận được sự đau khổ của người ấy như là chính ta đang đau khổ. Còn những trường hợp khác, khi ta đặt bản thân mình và một người có số phận bất hạnh lên bàn cân để đối sánh, rồi nghĩ rằng mình phải cứu giúp họ, thì đó chỉ là “sự thương hại”.

Sự yêu thương đó còn là sự khôn ngoan để  biết dùng tiền của chóng qua ở đời này  mà  mua hạnh phúc giầu sang  vĩnh cửu của Nước Trời như Chúa Giê-Su đã dạy các môn đệ và dân chúng đến nghe Người giảng dạy: “Hãy bán của cải mình đi mà bố thí. Hãy sắm lấy những túi tiền chẳng bao giờ cũ rách, một kho tàng chẳng hề hao hụt ở trên trời, nơi trộm cắp không bén bảng, mối mọt cũng không đục phá.” (Lc 12, 33).

Trong bài giảng trên núi, Ngài cũng nhắc nhở: “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.” (Mt 5,7). Lời Chúa qua dụ ngôn người Samari nhân lành (x. Lc 10,30-35) cũng là ví dụ cho việc cần thiết phải cứu trợ người khác. Sách Công vụ tông đồ cũng đã ghi chép việc các tông đồ đầu tiên chia sẻ tài sản của mình với nhau (x. Cv 4,32) và quyên góp giúp đỡ những người bị thiên tai (x. Cv 11,28-30).

Đồng thời để thu được kết quả tốt giữa người cho và người nhận. Tin Mừng cũng lưu ý việc hiến tặng nên thận trọng, trực tiếp để xứng đáng đến tay cá nhân hoặc gia đình người nhận (x. 2Tx 3,10); bí mật, khiêm nhường (x. Mt 06,02); và vui vẻ: “Mỗi người hãy cho tuỳ theo quyết định của lòng mình, không buồn phiền, cũng không miễn cưỡng, vì ai vui vẻ dâng hiến, thì được Thiên Chúa yêu thương.” (2 Cr 9,7).

Trong buổi tiếp kiến chung dành cho các tín hữu tại quảng trường thánh Phêrô vào sáng thứ Tư 08/05/2019 mới đây, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chia sẻ những kinh nghiệm thiêng liêng của ngài khi đến thăm các nữ tu dòng Mẹ Têrêsa: “Những nữ tu này ngọt ngào, dịu dàng và làm việc bác ái, nhưng không phải là bác ái giả hình. Khi người ta thực hành bác ái mà không có sự dịu dàng, không có tình yêu, giống như là chúng ta đổ một ly giấm vào trong hoạt động bác ái. Bác ái là vui tươi chứ không phải là chua cay.”

Bác ái giúp mọi người có cuộc sống tốt hơn, tuy nhiên thực tiễn cũng cho thấy, một số cách thực thi bác ái đã không mang lại hiệu quả như mong muốn – thậm chí còn gây ra những hậu quả xấu về sau. Do đó, vì lợi ích lâu dài của những người cần được giúp đỡ, hãy làm việc bác ái đúng cách không chỉ bằng trái tim mà còn cần cả lý trí.

Trước hết, mỗi người cần phải thực thi bác ái ngay trong gia đình, khu xóm, cộng đoàn của mình. Người đời thường hay đi tìm những nơi xa, những đối tượng lạ để biểu lộ sự quảng đại của mình; nhưng lại dễ quên những gì bình thường trước mắt hay bên cạnh. Chúng ta có thể sống nhân từ, làm nhiều nghĩa cử bác ái cho những người xa lạ, nhưng chưa chắc đã làm được những việc tương tự cho những anh chị em đang hằng ngày sống bên cạnh chúng ta.

Thế nên thật đắng lòng khi nghe những câu nói đại loại như “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, “việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng”, “làm phúc nơi nao cầu ao rách nát”, từ những người thân! Phải chăng mình đã thiếu sót vì sốt sắng, sẵn sàng hết lòng với việc của xã hội, giáo xứ và đoàn thể hơn việc gia đình?

Các hội đoàn, đoàn thể tránh kêu gọi bác ái theo kiểu “phân bổ chỉ tiêu” vừa tạo áp lực cho cá nhân đơn vị đồng thời gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ. Mỗi cá nhân, đơn vị đều có những hoàn cảnh đặc thù tùy theo điều kiện sống. Thành phố khác nông thôn, nội thành khác ngoại thành …. Phải làm sao để mọi người, mọi đơn vị đều thoải mái, không có mặc cảm khi tham gia đóng góp.

Nhiều người làm việc bác ái nhưng vẫn còn những băn khoăn, lấn cấn dù vẫn biết rằng cho đi là không cần nhận lại. Bác ái là không phân biệt vậy mà ta lại có cảm giác như người nghèo ở Campuchia đáng thương hơn người nghèo ở nơi ta sinh sống!

Có những đoàn thể lo đi bác ái ở những nơi khác, nhưng ngay trong Giáo Hội địa phương thì thiếu sự quan tâm, sâu sát. Khi tổng kết, báo cáo thành tích sẽ được kể như một sự phát triển đoàn thể ra nước ngoài. Nhưng ở vùng ngoại biên ngay trong nước, theo cách diễn đạt của ĐTC Phanxicô, thì vẫn còn những nơi, những người khó khăn cần trợ giúp!

Trước khi quyên góp cho hoạt động bác ái, hãy dành thời gian tìm hiểu về những đối tượng mà chương trình nhắm tới để có sự lựa chọn phù hợp. Nếu đó là những em bé ở trại trẻ mồ côi, hãy tặng các em quần áo, sách vở. Nếu đó là người dân thuộc các vùng xa xôi, hẻo lánh, hãy giúp họ có điều kiện tiếp cận với Chúa, với nền văn minh hiện đại bằng cách góp phần xây dựng nhà thờ, trường học…

Bác ái không chỉ đơn thuần là cung cấp vật chất. Có nhiều cách để giúp đỡ những người kém may mắn. Nếu đó là những người bị bệnh hiểm nghèo, những nạn nhân của thiên tai thì tiền là một phương thức trợ giúp hữu hiệu. Tuy nhiên, với những ai còn nghèo khó, hãy đưa cho họ công cụ và tạo điều kiện để họ có thể lao động tạo ra của cải vật chất tự nuôi sống bản thân và gia đình.

Sự trợ giúp quá dễ dàng sẽ khiến con người mang tâm lý ỷ lại và thói quen nhận sự trợ giúp của ngươi khác dù mình không khó khăn cho lắm. Hơn nữa, hiện nay vì nhiều lí do khác nhau nên ít khi người ta tổ chức trao quà tận tay người nhận. Thế nên hãy trao tặng thông qua các đấng bản quyền, cha xứ, đoàn thể… ở nơi diễn ra hoạt đông bác ái để không tạo ra thói quen xấu cho người nhận.

Bố thí vì lòng bác ái chắc chắn là điều làm đẹp lòng Chúa vì nó phù hợp với bản chất thiện hảo, nhân từ, yêu thương và quảng đại của Thiên Chúa. Tất cả những việc bác ái của chúng ta đều phải quy hướng về Thiên Chúa như Đức cố Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận đã viết: “Nếu các công việc từ thiện xã hội của con không phải vì Chúa, thì con chỉ là nhân viên của một chi nhánh Hồng Thập Tự” (Đường hy vọng 786).

Vì vậy khi bố thí cho ai của gì, chúng ta phải làm với lòng mến Chúa, yêu người thực sự. Nghĩa là không làm việc bác ái, bố thí cho ai vì khoe khoang để báo cáo thành tích, để được người khác khen thưởng… “Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy.” và “Khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.” (x. Mt 6,1-4).

Ước mong sao việc bác ái của các Kitô hữu và nhất là của các Tông đồ giáo dân chúng ta phản ánh trung thực tinh thần bác ái của Tin Mừng: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngoan. Đó là điều răn lớn nhất và đứng đầu. Còn điều răn thứ hai cũng giống điều răn ấy là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình.” (Mt 22,37-39; Mc 12,29-31; Lc 10,27) và “để họ thấy những công việc tốt anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.” (Mt 5,16). Amen.

Kỷ niệm chuyến Bác ái Ka–Đơn 22-24/5/2019 cùng HĐMV Gx. Trung Mỹ Tây.


Thứ Năm, 27 tháng 6, 2019

TRÁI TIM TÌNH YÊU

Tình yêu là một loạt các cảm xúc, trạng thái tâm lý, và thái độ khác nhau dao động từ tình cảm cá nhân đến niềm vui sướng. Nó còn là một đức tính đại diện cho lòng tốt của con người, là lòng nhân ái, là sự thông cảm sẻ chia đối với người khác như thánh Thomas Aquinas từng viết "tình yêu tạo ra điều tốt lành cho người khác".

Tôn giáo nào cũng dậy yêu thương. Giáo lý nhà Phật coi tất cả những gì trên đời này đều là phù du, chỉ có yêu thương lẫn nhau mới là thứ tồn tại vĩnh viễn, còn lại cuối cùng. Luật Môsê trong Cựu Ước cũng dạy: "Phải yêu thương tha nhân như chính mình". Khi Chúa Giêsu xuống thế làm người, Ngài đã giảng dạy yêu thương và hơn thế nữa đã thực hiện tình yêu thương một cách trọn vẹn.

Tình yêu có nhiều cung bậc sâu thẳm trong trái tim con người, nhưng thường thì khi trao gởi tình yêu, người ta mong muốn được đáp lại. Nhưng tình yêu không hẳn lúc nào cũng công bằng như thế, có người trao đi và không được đáp lại, có người trao đi và chẳng cần được đáp lại.
Trái tim là biểu hiện, là trung tâm điểm của tình yêu. "Thiên Chúa là tình yêu", nên khi nói tới tình yêu của Thiên Chúa, chúng ta liên tưởng ngay tới Trái Tim Chúa Giêsu. Tất cả mọi người, mọi thành phần đều có một chỗ nương tựa trong con tim yêu thương của Ngài. Tình yêu ấy đã trở nên vẹn toàn, trở nên cụ thể nhất khi “một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra.” (Ga 19,34).

Yêu trọn vẹn khiến Thánh Tâm nhận lãnh
Ngọn giáo đâm cho máu chảy tỏ tường
Chúng con nhìn mà kính lạy vết thương
Như bằng chứng của mối tình khôn tả.
(Thánh Thi Kinh Sách lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu)         

Những giọt máu cuối cùng đó đã minh chứng tình yêu cao quí của Chúa dành cho chúng ta: yêu cách quảng đại, yêu trọn vẹn, cho đi tất cả, hiến dâng tất cả, không đòi hỏi cũng không giữ lại một chút gì cho bản thân Ngài. Trái tim bị đâm thâu của Chúa Giêsu là bằng chứng tuyệt vời về tình yêu tuyệt mỹ của Thiên Chúa. “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.” (Ga 15,13).

Trong thực tế cuộc sống hôm nay, vẫn còn rất nhiều người sống thiếu yêu thương. Hằng ngày, chúng ta chứng kiến biết bao cảnh bạo lực xảy ra trong gia đình, nơi học đường, ngoài xã hội. Những cảnh vợ chồng cãi vã, ăn thua đủ, thậm chí giết nhau trước ánh mắt kinh hoàng của con cái.

Những video clip bạo lực học đường được chính các em học sinh ghi lại rồi tung lên mạng. Những cảnh kéo bè tụ nhóm thanh toán nhau xảy ra trên đường phố, nơi chợ búa, quán xá... mà nguyên nhân chỉ là những việc nhỏ nhặt xảy ra thường ngày.

Rồi những cảnh đói nghèo, bệnh tật không những ở những nơi vùng sâu, vùng xa mà còn ngay ở trong lòng những thành phố lớn. Những bậc tu trì chân chất, những cựu binh tàn phế, những dân đen thấp cổ bé họng bị đẩy ra khỏi nơi mình đang sinh sống để nhường chỗ cho những dự án vì lợi ích nhóm.

Người ta vẫn biết, vẫn thấy, vẫn nghe những tiếng kêu oan của họ. Nhưng người ta vẫn cứ làm ngơ không dám lên tiếng, hoặc vì bất lực, hoặc vì sợ liên lụy đến sự an toàn của bản thân. Cứ lẳng lặng chứng kiến những cảnh áp bức, cứ tìm cách thoái thác khi được mời gọi trợ giúp cho những hoàn cảnh đói nghèo, bệnh tật.

Người Ki-tô hữu không chỉ được mời gọi chiêm ngắm, sùng kính mà còn phải trở nên chứng nhân tình yêu của Thánh Tâm Chúa trong thế giới hôm nay. Chính Đức Giêsu đã dạy: Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” (Ga 15,12).

Thánh Gioan Tông đồ cũng nhắc nhở chúng ta: “Anh em thân mến, chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa. Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,7-8).

Là người môn đệ của Thánh Tâm Chúa Giêsu, chúng ta không thể chấp nhận thái độ vô cảm, dửng dưng. Cũng không chấp nhận chỉ nói về tình thương nhưng không sống yêu thương hoặc coi thường khinh bỉ những người tội lỗi.

Vì vậy, chúng ta hãy xin Thánh Tâm Chúa thứ tha và xin Ngài ban cho chúng ta một quả tim mới, một quả tim biết yêu thương, biết thổn thức, biết rung động, biết đập với nhịp đập của Thánh Tâm Chúa để đền đáp phần nào tình yêu vô tận mà Chúa đã dành cho chúng ta.

Chúng ta hãy lấy lòng nhân từ cảm hóa những người tội lỗi giúp họ trở về đường ngay, nẻo chính. Hãy tha thứ, làm ơn và cầu nguyện cho kẻ làm hại chúng ta. Hãy thăm viếng những người đang sống trong cảnh túng nghèo quẫn bách, bệnh tật, tù đày, già cả, cô đơn, khuyết tật … để cứu chữa, hoặc làm giảm bớt những cơn đau của họ.

Hãy hạn chế sử dụng và giảm bớt chi tiêu đối với những gì không cần thiết để giúp đỡ người nghèo hoặc các công trình tôn giáo và xã hội, tham gia những việc có ích cho cộng đồng. (x. Thư công bố Năm Thánh Tôn vinh các Thánh Tử Đạo Việt Nam của HĐGM VN ngày 1/5/2018)

Mừng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, chúng ta cùng cầu xin Chúa ban cho chúng ta có được một chút Trái Tim của Ngài. Trái tim không bao giờ cạn kiệt tình yêu, một tình yêu hy sinh tự hiến không đắn đo suy tính hơn thiệt với tha nhân.

Một trái tim không ngủ yên, biết trăn trở quan tâm đến những vất vả, khó khăn, mệt nhọc, gian khổ... của những người chung quanh. Luôn tha thiết mong ước làm sao để những trái tim khác cũng nhận được hạnh phúc trong tình yêu.

Xin Chúa cho trái tim chúng ta không phải là “trái tim mùa đông” nhưng là một con tim nồng ấm tình người, cũng không phải là “trái tim ngục tù” nhưng là con tim quảng đại với anh chị em. 

Một trái tim đong đầy tình yêu sẽ làm cho con người chúng ta bung ra khỏi những cái vỏ ích kỷ, những cái khung nhỏ nhen chật hẹp để sống một trời mới đất mới với không gian lồng lộng và thời gian bao la bất tận. Trái tim đó làm cho chúng ta nhận ra mọi người là con cùng một Cha, anh em cùng một nhà trong tình yêu bao la của Thánh Tâm Chúa.



Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2019

THÁNG HOA DÂNG MẸ


Tháng Năm với những tiếng ve kêu râm ran trên tán lá vườn nhà sau cơn mưa rào bất chợt. Những cây phượng vĩ còn sót lại trong sân trường cũng bắt đầu nở hoa … báo hiệu mùa hè lại đến. Người Công giáo Việt Nam cùng Giáo hội hoàn vũ, lấy tháng Năm hằng năm dành riêng cho việc kính Đức Mẹ Maria, mẹ Chúa thiên đình với tên gọi rất dân dã là Tháng Hoa.
Tháng Hoa là dịp để giáo dân bày tỏ lòng sùng kính Mẹ Maria – Mẹ Thiên Chúa. “Per Mariam ad Jesum: qua Mẹ Maria đến với Chúa Giêsu”. Các giáo xứ tưng bừng, rộn rã bước vào mùa dâng hoa kính Đức Mẹ với nhiều thể loại phong phú như rước kiệu, dâng hoa... tuỳ vào tập quán, điều kiện của mỗi địa phương.
“Giáo dân bao xiết mừng
Tiếng ca hòa vang lừng
Cùng nhau hái nhiều đóa hoa
Đượm lên tiến dâng Đức bà.”

Lời bài hát  đã được in sâu trong kí ức tuổi thơ lại vang lên với những cảm xúc về những loài hoa, sắc hoa, lời ca, điệu múa dâng hoa… Hoa với muôn sắc xinh tươi, hương thơm ngào ngạt để tô thắm vũ trụ đã được Thiên Chúa tạo tác. Hoa đã trở thành bạn thân thiết với con người: khi vui người ta tặng hoa để chúc mừng nhau, khi buồn người ta cũng trao gởi lẵng hoa như trao gởi tấm lòng đồng cảm thân thương.
Hoa cũng có những tiếng nói riêng như hoa Hướng dương biểu trưng cho mặt trời toả sáng, sưởi ấm lòng người. Hoa Mười giờ gởi ta một tình yêu thuỷ chung, son sắt. Hoa Phượng gợi ta nhớ lại những phút giây tuổi học trò vui đùa trên sân trường hồn nhiên, trong sáng. Hoa Lưu ly với lời tha thiết yêu thương “xin đừng quên tôi” . Sắc hoa cũng biểu trưng cho tình cảm, lòng tin của con người như sắc xanh của lòng Cậy, đỏ của lòng Mến, trắng của lòng Trong Sạch, tím của lòng Khiêm Nhường,  vàng của Niềm Tin, Hồng của Tình Yêu…   
“Hoa muôn sắc con dâng trước toà
Màu tươi thắm hương ngát tốt xinh
Hoa muôn sắc con dâng trước toà
Còn thua kém tươi Mẹ Chúa Thiên Đình.”


Nhưng hơn hết  là những bông hoa lòng, những bông hoa Mân Côi. Hoa Mân Côi là sứ điệp của tình yêu, sứ điệp ơn cứu độ và là kinh nguyện Phúc Âm được kết dệt từ mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể, sống cuộc đời dương thế, chịu chết khổ hình, sống lại và lên trời được suy gẫm qua 20 mầu nhiệm: năm sự Vui, năm sự Sáng, năm sự Thương, năm sự Mừng. Mỗi khi cất lên lời kinh: “Kính mừng Maria đầy ơn phúc… là chúng ta kết thành đóa hoa Mân Côi kính dâng Mẹ.
Trong tháng Hoa, ngoài việc tham dự dâng hoa, rước kiệu, đọc kinh Mân Côi. Chúng ta cùng nhau sốt sắng dâng lên Mẹ, những đóa “hoa lòng” thánh thiện: những gương sáng, những việc lành, những nghĩa cử bác ái với tha nhân trong đời sống thường ngày, những kinh nguyện chung mỗi tối trong gia đình; những bông hoa tin, cậy, mến; những hi sinh, đau khổ, bệnh tật
Như thế, Mẹ Maria không chỉ là “nhịp cầu” dẫn đưa chúng ta trở về với Thiên Chúa mà còn nối kết chúng ta lại với nhau bằng tình yêu đích thực, bằng tình huynh đệ hiệp thông. Từ trời cao, chắc hẳn Mẹ Maria rất vui mừng và cầu bầu cùng Chúa ban muôn ơn lành cho những ai sốt mến thành tâm hướng về Mẹ trong tháng hoa đầy hương sắc.
GĐPTTT CG chúng con xin dâng lên Mẹ những công việc bác ái, những hi sinh thầm lặng, những đóa hoa Mân Côi trong các giờ kinh Đền tạ với tâm tình thơm thảo. Xin Mẹ cầu bầu cùng Chúa cho các đoàn viên chúng con được gắn bó đoàn kết với nhau, có lòng nhiệt thành và đức vâng lời để xứng đáng là những người con của Thánh Tâm Chúa Giêsu – người con yêu dấu của Mẹ.


Nội san Lửa Mến – tháng 05/2019


Thứ Hai, 6 tháng 5, 2019

LỄ LÁ HÔM NAY


Khi thấy Đức Giê-su cỡi trên lưng lừa tiến về thành Giê-ru-sa-lem. Một đám người rất đông cũng lấy áo choàng trải xuống mặt đường, một số khác lại chặt nhành chặt lá mà rải lên lối đi. Dân chúng, người đi trước, kẻ theo sau, reo hò vang dậy: Hoan hô Con vua Đa-vít! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa! Hoan hô trên các tầng trời. (Mt 21, 8-9)

Trong tâm lý của quần chúng Do Thái thời đó - tâm lý của người dân nhược tiểu sống dưới ách đô hộ của đế quốc Rôma - Đức Giê-su là vị Vua Giải Phóng Dân Tộc nên khi thấy Người cùng các môn đệ tiến vào Giê-ru-sa-lem, họ nghĩ rằng niềm vui được giải phóng đã gần kề.

Không vui sao được, khi người đang cỡi trên lưng lừa chính là người đã hóa nước thành rượu trong tiệc cưới Ca-nan. Đã làm phép để với một ít bánh và vài con cá đã cho hàng ngàn người ăn no nê. Đã làm cho kẻ mù được thấy, kẻ què được đi … và cũng chính là người đã làm cho Lazarô, một kẻ đã chết ba ngày được sống lại. Với “72 phép thần thông biến hóa” đáng nể như vậy, chắc chắn binh hùng tướng mạnh của người La Mã sẽ phải cúi đầu khuất phục!

Chắc hẳn những tiếng reo hò “Hoan hô ! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa !” trong ngày Chúa nhật Lễ Lá hôm đó đong đầy âm sắc của niềm vui, của hy vọng, của hoà bình. Những tiếng hoan hô đó phải lớn lắm - lớn hết sức mình có thể - và kèm theo đó là sự tham gia của cả thể hình với những khuôn mặt đầy phấn khích, những cánh tay vẫy cao những cành lá.

Nhưng cũng chính đám đông ấy trong buổi sáng thứ Sáu Tuần Thánh lại vang dậy tiếng hò hét mang đầy âm sắc của dữ dằn, của khát máu, của sự loại trừ: “Đóng đinh nó vào thập giá ! Đóng đinh nó vào thập giá !”. Những tiếng la hét ấy đã khiến Philatô phải băn khoăn: “Thế ông ấy đã làm điều gì gian ác ?”. Câu trả lời của đám đông vẫn là: “Đóng đinh nó vào thập giá !” và càng gào lên ghê gớm hơn khi Philatô tự cho là mình vô can và phủi tay : “Máu hắn cứ đổ xuống đầu chúng tôi và con cháu chúng tôi !”. (Mt 27, 22-25)


Theo nhà tâm lý học xã hội Gustave Le Bon: đám đông thường bị điều khiển bởi sự vô thức của mỗi cá nhân, hành động tùy theo những kích thích ngẫu nhiên. Họ đặc biệt dễ bị tác động, nội tâm của họ xuất hiện một sự thúc dục phải biến nhanh ý tưởng thành hành động.

Hiệu ứng đám đông còn có thể được hiểu là những suy nghĩ hoặc hành vi của con người thường xuyên chịu tác động của những người khác. Đây là một phản ứng tâm lý rất tự nhiên, không hề xấu. Thế nhưng, khi hiệu ứng này có thể giết chết một con người, đó không còn là chuyện nhỏ.

Những kích thích và tác động ở đây chính là niềm mong ước của dân Do Thái muốn được giải phóng khỏi ách kềm kẹp của đế quốc Rôma và sự “ganh ăn ghét ở” của giới lãnh đạo Do Thái thời đó. Họ sợ đám đông rời bỏ mình đi theo Đức Giê-su và việc đó ảnh hưởng đến những đặc lợi, đặc quyền mà từ trước đến nay họ vẫn được hưởng vì vậy “các thượng tế và kỳ mục trong dân nhóm họp tại dinh của vị thượng tế tên là Cai-pha, và cùng nhau quyết định dùng mưu bắt Đức Giê-su và giết đi.” (Mt 26, 3-4)

Ngày Chúa nhật Lễ Lá hôm nay mang đến cho chúng ta bài học bổ ích và mang tính rất thời sự dù sự việc đã xảy ra cách đây hơn 2000 năm. Con người hiện nay sống trong thời đại công nghệ “4G”, có thể nói đang có một thế hệ trưởng thành từ mạng xã hội, một thế hệ “check in, like, comment …” mỗi lúc và mọi nơi. Những thói quen từ mạng xã hội có thể là niềm vui của người này, nhưng đôi khi lại là sự phiền phức của kẻ khác.

Nó tác động đến cuộc sống của con người; thậm chí làm thay đổi nếp sống, cách nghĩ của nhiều người. Nó giúp những người ở xa nhau nửa vòng trái đất cũng trở nên gần gũi nhờ tương tác đều đặn hàng ngày. Nhưng đôi khi lại khiến những người ở rất gần trở nên xa cách…. Tất cả là do cách mỗi người sử dụng, cũng như ứng xử với mạng xã hội.

Mạng xã hội có sức mạnh “phù phép” đông đảo người nghe theo, tin theo và làm theo. Mặt khác, có rất nhiều hậu duệ của những “thượng tế và kỳ mục” sở hữu sẵn “máu bài trừ” người khác bằng cách truyền đi những thông điệp mang tính chất kích động và chống lại một ai đó (thường là những người nổi trội hơn mình, … hoặc đơn giản chỉ là ai đó “thấy ghét”!).

Khi những thông điệp mang tính “bêu xấu” được truyền đi một cách có chủ đích, có hệ thống, và chuyên nghiệp thì vấn đề càng trở nên nguy hiểm hơn. Trong khi đó, từng cá nhân trong đám đông thường bị “lu mờ lý trí” hay “mê muội” như bị thôi miên và được dẫn dắt bởi những lời lẽ kích động của những “anh hùng bàn phím”.

Một comment chê bai có thể chưa mang lại nhiều tác động tiêu cực, nhưng khi một đám đông cực đoan cùng “hùa” vào chê bai thì hậu quả thật khó lường. Sự a dua tập thể chính là một con dao vô hình, có thể lấy đi sự tự tin, niềm vui, cướp đi ước mơ, hoài bão, thậm chí sinh mạng con người… Liệu chúng ta có thực sự còn muốn tham gia vào một cuộc chỉ trích, phê phán ai đó nếu biết được rằng một lời nói nhỏ bé của mình có thể khiến họ phải tìm đến cái chết?

Rất nhiều người thú nhận họ lên án, “like”  hay “view” cho một người chỉ vì dư luận xung quanh đang làm thế mà không thực sự tìm hiểu cặn kẽ câu chuyện. Gần đây kênh YouTube mang tên “Khá Bảnh” với hàng loạt video “chém gió, dạy đời" gây sốc với cách hành xử kiểu giang hồ như văng tục, chửi bới, đốt xe, khoe tiền … đã thu hút được sự chú ý của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ với hàng triệu lượt xem và bình luận là một ví dụ.  

Hẳn những nhà sáng lập ra Instagram, Twitter hay Facebook… có thể không bao giờ mong muốn sản phẩm của mình sẽ mang lại phiền toái đau thương cho con người, bởi vì những trang mạng xã hội  thật ra chỉ là phương tiện giải trí, gắn kết mọi người. Vì thế, khi chưa tìm hiểu kỹ càng, xin đừng nghe theo những “thượng tế và kỳ mục” thời nay để biến mạng xã hội thành những công cụ mang tính hủy diệt như đám đông Do Thái xưa vội vã “hoan hô” rồi ngay sau đó lại hét to “đả đảo”!  

2019

Thứ Hai, 4 tháng 2, 2019

TẢN MẠN CUỐI NĂM



Những ngày cuối năm, dường như thời gian trôi nhanh hơn bình thường khi một vòng tuần hoàn của trái đất sắp khép lại. Những hối hả, lo toan của cuộc sống đời thường nhanh chóng lấp đầy quỹ thời gian của mỗi người.

Có người vẫn vất vả ngược xuôi trong cuộc mưu sinh, tối tăm mặt mũi với những nỗi lo cơm áo gạo tiền. Có người tất bật cố gắng hoàn thành những công việc chưa hoàn thành của năm cũ. Nhưng cũng có những người chậm rãi, trầm tư và lặng lẽ bên dòng thời gian ôn lại bao kỷ niệm buồn vui, những thành công hay thất bại.

Buồn vì một năm nữa sắp trôi qua, ta lại già thêm chứ không phải lớn thêm một tuổi như lúc còn trẻ con. Thêm tuổi đời là thêm những vết nhăn của lo toan trên vầng trán và đôi vai cũng dần dà trĩu nặng gánh mưu sinh. Buồn vì những cuộc chia ly tiễn biệt với những người thân quen già trẻ lớn bé. Buồn vì thế thái nhân tình hay những mất mát thua thiệt trong cuộc sống bon chen.

Vui vì những thành quả ta đạt được sau bao nỗ lực cố gắng. Vui vì sự quan tâm giúp đỡ, chia sẻ của biết bao người dành cho ta khi thất bại và vấp ngã để ta có thể tự đứng dậy và tiếp tục bước đi trên chính đôi chân của mình. Vui vì những lúc đau yếu hay chùn chân, ta vẫn còn một chỗ dựa vững chắc là gia đình. Đó không chỉ là nguồn vui mà còn là điều hạnh phúc.

Ta đã đã tiêu phí bao nhiêu thời gian cho những lúc “trà dư tửu hậu”, say sưa với những trò giải trí, sa đà vào mạng xã hội vô bổ? Bao nhiêu điều tiếc nuối, bao nhiêu toan tính chưa thực hiện, bao công việc còn dang dở? Đã bao lần ta mải mê chạy theo “mồi phú quý, bả vinh hoa”? Bao nhiêu người thân yêu, bạn bè đã rời xa - ở lại với ta sau bao sóng gió thăng trầm của cuộc sống?

Thời gian là thứ hữu hạn nhưng nó có thể làm mọi thứ già đi, bạc trắng theo nó. Đời người không biết trải qua bao nhiêu lần cuối năm? Không ai có thể trả lời được cho đến khi nhắm mắt “trở về làm cát bụi”. Người biết nắm bắt thời gian là người có khả năng làm chủ cuộc sống, gặt hái thành công cho chính mình. Thêm một tuổi đời, sức khoẻ có kém hơn trước nhưng bù lại kinh nghiệm sống nhiều hơn.

Ta mới “ngộ” ra rằng có những thứ chúng ta đang có, chúng ta không hề biết quý trọng. Có rất nhiều thứ chúng ta đang có mà chúng ta cảm thấy bình thường thì đó lại đang là niềm khao khát của biết bao người khác. Có rất nhiều thứ ta mải mê kiếm tìm nhưng không bao giờ thỏa mãn. Có những thứ đang có khi mất đi rồi ta không bao giờ tìm lại được.

Một trong số những quà tặng quý giá nhất mà Chúa đã ban tặng cho ta chính là sức khỏe. Cha ông ta cũng đã muốn gửi gắm đến những thế hệ sau bức thông điệp ngắn gọn nhưng súc tích qua câu nói “sức khỏe là vàng”. Dù tinh thần ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe nhưng cũng có lúc nó không thể điều khiển được cơ bắp hay những hệ thống đang vận hành cơ thể của ta. Vì thế phải cân đối giữa công việc, vui chơi, nghỉ ngơi và chăm sóc bản thân.

Cuộc đời không hoàn hảo và ta cũng sẽ chẳng thể nào làm nó hoàn hảo hơn. Thế nên, đôi khi cũng cần nhìn những điều không hoàn hảo đó như một phần tất yếu nên có và cần phải có trong cuộc sống. Như vậy, ta sẽ sống thanh thản và bao dung hơn. Một năm sắp trôi qua, không gian của sai lầm và tiếc nuối lại rộng hơn. Có những lời lẽ không hay đã thốt ra, có những việc không nên cũng đã làm, có những tổn thương ta đã gây ra cho ai đó và có cả những lời tri ân đã bị ta bỏ lỡ.

Một lời cảm ơn, một lời xin lỗi, một lời yêu thương chẳng bao giờ là quá muộn. Hãy nói cảm ơn vì những thành tựu một năm qua vì chắc chắn ta sẽ chẳng thể đạt được nếu chỉ có một mình. Hãy cám ơn những người đã chia sẻ, giúp đỡ ta bằng cách này hay cách khác vì “đối với một tín hữu lòng biết ơn là trung tâm của đức tin: một Kitô hữu không biết cám ơn là một người đã quên đi tiếng nói của Thiên Chúa”. (ĐTC Phanxicô)

Và đừng quên xin lỗi những ai mà mình đã trót làm tổn thương, lời xin lỗi như một lời thú tội để lòng mình nhẹ nhõm hơn.Xin lỗi là lời khó nói nhưng cần thiết, khi thiếu nó, các nứt rạn nhỏ trở thành lớn hơn – cả khi không muốn – cho tới khi trở thành các hố sâu. Không phải vô tình trong lời kinh Lạy Cha Chúa Giêsu đã dậy chúng ta kiểu nói này: “Xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con” (Mt 6,12)”. (ĐTC Phanxicô)  

Vâng, xin hãy tha thứ cho người đã vay mượn ta một chút ân tình hay vật chất mà mãi không chịu trả. Những người chỉ cần đến ta khi họ gặp khó khăn. Thậm chí, với cả những kẻ thù ghét, xúc phạm đến ta. Tha thứ không phải chỉ vì lỗi lầm của họ mà là vì việc xóa đi ân oán trong lòng, ta đã từ bỏ được bản năng “tham - sân - si” để sống độ lượng, bác ái và vị tha hơn.

Những ngày cuối năm, tự nhủ lòng mình hãy ăn, uống, ngủ, nghỉ, nói, cười… và sống chậm lại một chút để cảm nhận cuộc sống yên bình. Hãy lắng nghe con tim mình với nhịp đập không bận rộn, không lo toan, không vương vấn. Hãy tạ ơn Chúa vì những gì ta đã có hay đã mất để ta biết yêu thương và quý trọng hơn những gì mình đang có hôm nay.

Đã đăng trên:
http://www.conggiaovietnam.net/index.php?m=home&v=detail&ia=18958