Thứ Sáu, 29 tháng 4, 2016

CHÚT TÂM TÌNH THÁNG HOA DÂNG MẸ

Cứ mỗi độ tháng Năm về, người Công giáo Việt Nam cùng Giáo hội hoàn vũ tưng bừng, rộn rã bước vào mùa dâng hoa kính Đức Mẹ Maria, mẹ Chúa thiên đình với tên gọi rất dân dã là “tháng Hoa Đức Bà”. Các giáo xứ lại nô nức bước vào mùa dâng hoa kính Đức Mẹ với nhiều thể loại phong phú như rước kiệu, dâng hoa… tùy vào tập quán, điều kiện của mỗi địa phương. 

“Hoa thắm nở đẹp đồng nội xa

Mùa hoa về hương ngát trời bao la

Con yêu Mẹ nhiều hái về ngàn đóa mà tiến dâng.”

Khúc hát dâng hoa (Hải Triều)

Bài hát diễn tả lòng mến tha thiết của những người con mộc mạc chân chất với những đóa hoa đồng cỏ nội mộc mạc đã dần dần đi vào lòng tín hữu với những điệu múa dâng hoa tràn đầy hương sắc và dạt dào tình cảm. Hoa được Thiên Chúa tạo tác với muôn sắc xinh tươi, hương thơm ngào ngạt đã điểm tô thêm cho vẻ đẹp vũ trụ. Hoa cũng trở thành bạn thân thiết với con người: người ta dùng hoa trong các nghi lễ thờ cúng, các lễ hội …, tặng hoa cho nhau nhân những dịp lễ kỉ niệm, kết thân với nhau bằng những nụ hoa và cũng có thể xa nhau bằng những vòng hoa tiễn biệt.

Tại Châu Âu, tháng Năm là thời điểm chuyển giao của mùa xuân và mùa hè, là thời điểm muôn hoa đua nở, vạn vật tràn đầy sức sống và màu sắc. Theo Lm. Đoàn Quang, CMC (Nguyệt san Trái Tim Đức Mẹ tháng 5-08 trg 4), vào những thế kỷ đầu, người Rôma tổ chức những ngày lễ tôn kính Hoa là Nữ thần mùa Xuân, đánh dấu sự kết thúc một mùa đông dài. Các Kitô hữu ban đầu đã thánh hóa tập tục trên và tổ chức những cuộc rước kiệu hoa và cầu nguyện cho mùa màng phong phú. Có nơi người ta tổ chức các cuộc “Rước xanh” bằng việc đi cắt các cành cây xanh tươi đang nở hoa, đưa về trang hoàng trong các nhà thờ và đặc biệt các bàn thờ dâng kính Đức Mẹ.

Tập tục này đã được Đức Thánh Cha Piô VII khuyến khích, Đức Piô IX đã ban ơn toàn xá cho những ai tham dự việc đạo đức này. Đức Thánh Cha Piô XII, trong Thông điệp “Đấng Trung gian Thiên Chúa”, nhấn mạnh “việc tôn kính Đức Mẹ trong tháng Năm là việc đạo đức được thêm vào nghi thức Phụng vụ, được Giáo hội công nhận và cổ võ”. Và năm 1965, Đức Thánh Cha Phaolô VI cũng đã nêu lên những giá trị cao quý của việc tôn kính Đức Mẹ trong tháng Năm:

“Tháng Năm là tháng mà lòng đạo đức của giáo dân đã kính dâng cách riêng cho Đức Mẹ. Đó là dịp để bày tỏ niềm tin và lòng kính mến mà người Công giáo khắp nơi trên thế giới có đối với Đức Mẹ Nữ Vương Thiên đàng. Trong tháng này, các Kitô hữu, cả ở trong thánh đường cũng như nơi tư gia, dâng lên Mẹ từ những tấm lòng của họ những lời cầu nguyện và tôn kính sốt sắng và mến yêu cách đặc biệt. Trong tháng này, những ơn phúc của Thiên Chúa nhân từ cũng đổ tràn trên chúng ta từ ngai toà rất dồi dào của Đức Mẹ” (Tông huấn về việc tôn kính Đức Mẹ, số I).

Đất nước Việt Nam với muôn ngàn “kỳ hoa, dị thảo” và những tín hữu có lòng mến mộ đặc biệt đối với Đức Mẹ đã tổ chức các hình thức rước kiệu, dâng hoa vào tháng kính Đức Mẹ theo lịch phụng vụ của Giáo hội từ những thế kỷ trước. Muôn hoa ngàn sắc đã được cha ông ta chắt lọc và đưa vào lời ca, điệu múa dâng hoa chúc tụng cảm tạ và mừng kính Mẹ. Vãn hoa dâng kính Đức Bà là một trong số những thể loại mà những ai đã từng lớn lên ở những xứ đạo đồng bằng miền Bắc không thể không biết.

Đức Bà thờ Chúa một bề,
Hoa quỳ chăm chắm hướng về thái dương.
Tội nguyên không nhiễm khác thường.
Hoa sen trên nước chẳng vương bùn lầy.
Lòng đầy thánh sủng giáng lâm,
Hoa lê tuyết đượm mầu thơm khác vời.
Tuổi cao phúc đức càng đầy,
Lạ lùng hoa cúc nở ngày vãn thâu.
Toà cao thần thánh kính chầu,
Hoa mai đỉnh núi nở đầu trăm hoa.
Muôn loài cám mến âu ca,
Hoa đơn phú gần xa vui vầy.
Các ơn Chúa phó trong tay,
Hoa lan vương giả hương bay ngạt ngào.

Nghinh hoa tụng kỳ chương (Phạm Trạch Thiện – 1852) 

Những nét đẹp của cuộc đời Mẹ đã được xưng tụng qua ý nghĩa của bảy loài hoa theo quan niệm truyền thống Việt Nam: như hoa Quỳ hướng về vầng thái dương, Mẹ luôn một niềm quy hướng về Chúa. Mẹ tinh tuyền như hoa Sen, gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn. Mẹ tràn đầy ân phúc của Thiên Chúa giáng lâm như hoa Lê tuyết thấm đượm hương sắc tuyệt vời. Như hoa Cúc sung mãn trong nắng hanh vàng của mùa thu, tuổi càng cao phúc đức Mẹ càng tràn đầy. Mẹ được muôn loài tôn kính như hoa Mai đỉnh núi được phong tặng ngôi vị đứng đầu trăm hoa. Mẹ Thiên Chúa phú quý cao sang như hoa Mẫu đơn nhưng lại gần gũi và bao dung với mọi người bằng tình thương của một người mẹ. Như hoa Lan tinh tế dịu dàng mà tỏa hương ngát thơm, Mẹ Thiên đình vương giả vì được các ơn Chúa phó trong tay.

Bảy loại hoa cùng năm sắc màu đã hòa thành một tấu khúc tuyệt vời tôn vinh Mẹ đầy ơn phúc vì Mẹ chính là đóa hoa Huyền Nhiệm trong vườn hoa Thiên quốc đầy hương sắc!

Xin dâng lên Mẹ sắc hoa đỏ là màu Máu Thánh Con Mẹ đã đổ ra trong hy tế của giao ước mới cứu độ con người. Màu đỏ còn diễn tả sự đau khổ hy sinh của Mẹ “chịu như dao sắc thâu nơi lòng mình” dưới chân thập giá để hiệp thông với người Con yêu dấu. Đó cũng là màu của những giọt máu tử đạo âm thầm của các chứng nhân Tin Mừng, là màu hoa thắm sắc hy sinh, là đời sống khó khăn, vất vả của tất cả mọi thành phần dân Chúa.

Nhiệm thay hoa đỏ hồng hồng,
Nhuộm thêm Máu Thánh thơm chung lòng người.
Vì thương Con gánh tội đời,
Chịu như dao sắc thâu nơi lòng mình.

Sắc hoa trắng chỉ sự trong sạch của tâm hồn, màu trắng tinh khôi của đức đồng trinh vẹn tuyền của Mẹ. Xin dâng lên những tâm hồn non trẻ, đang thiếu vắng niềm tin, sự đơn sơ trong trắng và lòng nhiệt thành. Xin Mẹ thương gìn giữ và dìu dắt để tất cả các bạn trẻ luôn biết nhận thức được đâu là những giá trị tốt xấu của cuộc sống. Biết xa tránh những cạm bẫy xấu xa của tội lỗi và gìn giữ tâm hồn luôn được sạch trong như tấm áo trắng lãnh nhận khi chịu phép rửa tội.

Xinh thay hoa trắng tốt lành,
Ví cùng nhân đức đồng trinh Đức Bà.
Nguyên tuyền hơn ngọc hơn ngà,
Sáng trong hơn tuyết cùng là hơn gương.

Như hoa quỳ, hoa hướng dương luôn hướng về mặt trời. Mẹ là biểu tượng của lòng tin kiên vững, luôn hướng về Thiên Chúa. Màu hoa vàng còn chỉ đức mến vẹn toàn, diễn tả lòng yêu mến và trung thành của Mẹ. Xin dâng lên những người cha, những người mẹ nặng gánh gia đình. Xin Mẹ thương nâng đỡ phù trì, để họ biết noi gương Mẹ, luôn trung kiên tin tưởng vào tình yêu Chúa để chu toàn trọng trách giáo dục con cái nên người và là chứng nhân của Tin Mừng Chúa Kitô giữa lòng đời.

Quí thay này sắc hoa vàng
Sánh nhân đức mến Bà càng trọng hơn.
Một niềm tin kính nhơn nhơn,
Vững vàng cậy mến trong cơn vui sầu,

Màu hoa tím chỉ sự tuân phục, xin vâng theo thánh ý Chúa của Mẹ ngay từ giây phút sứ thần truyền tin đến trọn cuộc đời. Màu tím đơn sơ mà thấm nhuần nhân đức khiêm nhu tuyệt hảo của Mẹ. Sắc tím u buồn còn như muốn che khuất cả con đường đức tin khi điểm đến là đỉnh cao Thập Giá. Nguyện xin Mẹ giúp chúng con biết tháp nhập những đau thương, bệnh tật, tang tóc, cô đơn, thử thách trong đời với hiến tế Thập Giá của Đức Kitô. Xin cho những tâm tình, những cố gắng, những dấn thân âm thầm, những quên mình để đem lại niềm vui cho người khác của mọi thành phần dân Chúa trên khắp hoàn vũ này được trở nên của lễ cứu độ cùng với Chúa Kitô Phục Sinh.

Dịu thay hoa tím càng màu.
Ý trên bà những cúi đầu vâng theo.
Bằng lòng chịu khó trăm chiều,
Khiêm nhường nhịn nhục hằng yêu hãm mình.

Sắc hoa xanh ca tụng nhân đức trọn lành thánh thiện của Mẹ. Hoa xanh cũng tượng trưng cho tuổi thơ hồn nhiên, tươi đẹp và đầy trong sáng mà Chúa đã ban cho chúng con qua con cái của chúng con. Ngày xưa Mẹ đã nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ thơ Giêsu như thế nào; thì hôm nay cúi xin Mẹ dạy cho chúng con biết noi gương Mẹ để lo lắng cho con cái chúng con luôn biết bước đi trong đường lối của Chúa.

Lạ thay là sắc hoa xanh.
Mừng Bà nhân đức trọn lành cực cao.
Dờn dờn sau trước một màu,
Quản chi sương nắng dãi đầu ngày đêm.

Cũng xin dâng lên Mẹ những đóa “hoa lòng” thánh thiện: những gương sáng, những việc lành, những nghĩa cử bác ái với tha nhân trong đời sống thường ngày, những kinh nguyện chung mỗi tối trong gia đình. Xin cho những đóa hoa chúng con tiến dâng được kết trái nhân đức, những nhân đức trọn lành mà suốt đời Mẹ đã thi hành vâng theo ý Chúa. Từ trời cao, xin Mẹ cầu bàu cùng Chúa ban muôn ơn lành cho đoàn con cái sốt mến tâm thành hướng về Mẹ trong tháng hoa đầy hương sắc và dạt dào tâm tình con thảo. Amen.

Đã đăng trên:

Nội san Lửa Mến tháng 5.2016

http://www.thanhlinh.net/node/102641

http://gpcantho.com/bai-viet-giao-phan-can-tho-chut-tam-tinh-thang-hoa-dang-me-9960.aspx

LAO ĐỘNG

Tháng Năm với những ngày nắng gay gắt, nóng như nung vẫn chưa vơi. Những cơn mưa chờ đợi vẫn chưa thấy tới và tình hình khô hạn, xâm nhập mặn tại Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên Việt Nam vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện. Thời tiết đã thực sự gây khó khăn cho cuộc sống và sản xuất của những người lao động, đặc biệt  là những người phải làm việc nhiều dưới ánh mặt trời. Biết thế nhưng ngày ngày người ta vẫn phải gồng mình lao động đổ mồ hôi để biến đổi các vật chất tự nhiên thành của cải vật chất cần thiết cho cuộc sống của mình.
Nhiều quốc gia đã đồng tình dành ngày đầu tiên của tháng Năm làm ngày Quốc Tế lao động để tỏ lòng biết ơn và tôn vinh những người lao động. Giáo Hội Công giáo cũng luôn đòi hỏi và đề cao công bình xã hội cho giới lao động. Năm 1955, Đức Thánh Cha Piô XII đã tuyên bố quan điểm của người Công giáo về ngày Lễ Lao Động, và tuyên xưng Thánh Giuse Lao Động là Ðấng Bảo Trợ giới lao động thợ thuyền. 

Năm nay, ngày Quốc Tế lao động rơi vào Chúa Nhật Thứ VI Phục Sinh nên Giáo hội không cử hành Phụng vụ lễ Thánh Giuse Thợ. Theo Tin Mừng, Thánh Giuse sống ở Nagiarét, làm nghề thợ mộc để nuôi sống bản thân và phụ giúp Đức Maria nuôi dưỡng Đức Giêsu. Trong bối cảnh gia đình Nagiarét, việc lao động của thánh Giuse đã nằm trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Bởi vì việc Chúa Giêsu nhập thể làm người cũng cần có những nhu cầu vật chất như bao con người.

Thiên Chúa đã muốn con người cùng lao động trong chương trình sáng tạo của Người. Sau khi thiết lập vũ trụ, Người cho con người quyền làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất với lời chúc lành sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất (x. St 1,28). Và trước khi con người sa ngã, “Đức Chúa là Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn Ê-đen, để cày cấy và canh giữ đất đai.” (St 2,15).

Nhưng cũng giống như nguyên tổ loài người xưa kiêu ngạo, muốn làm cho mình được tinh khôn nên đã ăn trái cấm vì vậy con cháu đã phải cực nhọc đổ mồ hôi trán mọi ngày trong đời mới kiếm được miếng cơm manh áo (x. St 3,17-19). Có một thời, người ta quá đề cao một vài thành tựu có được do sức lao động và khoa học kỹ thuật với những tên gọi, khẩu hiệu cao ngạo đại loại như “bình trị thiên, có sức người sỏi đá cũng thành cơm …”. Đành rằng lao động là vinh quang, nhưng đằng sau cái vinh quang đó là biết bao gian khổ nhọc nhằn đầy ắp những giọt mồ hôi nước mắt, có khi là máu và thậm chí là mạng sống con người.

Kinh Thánh cũng rất nghiêm khắc với sự ở không, biếng nhác lao động. Kẻ lười biếng sẽ không có gì để ăn và có nguy cơ chết đói (x. Cn 13,4 và 21,25), thánh Phaolô cũng không ngần ngại nói thẳng với những người ngán ngẩm lao động: “ai không chịu làm thì cũng đừng ăn!” (2 Th 3,10). Với dân tộc Việt Nam, cha ông ta cũng đã rút ra được những bài học kinh nghiệm thực tiễn để lại trong kho tàng ca dao: “Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ” hoặc “Có làm thì mới có ăn, không dưng ai dễ mang phần đến cho”.

Trong xã hội, mỗi người đều phải có nghĩa vụ đóng góp những sản phẩm do công sức lao động của mình làm ra vì một mình ta không thể đáp ứng được tất cả những nhu cầu của bản thân. Hưởng dùng của cải vật chất do công lao của người khác làm ra là ta đã mắc nợ và đến lượt ta phải trả nợ với đời. Nhưng từ xưa đến nay (và có lẽ mai sau) vẫn còn có những kẻ “không gieo mà gặt, ngồi mát ăn bát vàng …”. Trên các trang báo, truyền hình và các phương tiện truyền thông người ta đã đưa lên nhiều thủ đoạn tinh ranh, xảo quyệt nhằm chiếm đoạt tài sản, của cải vật chất của người khác.

Ngược lại, một vấn đề vẫn gây nhức nhối cho xã hội hiện nay là thực trạng lao động nhiều nhưng việc làm phù hợp thì ít. Năm nào cứ đến mùa tuyển sinh, tốt nghiệp thì người ta lại khơi lên những con số không ít các lao động trẻ với những tấm bằng tốt nghiệp trong tay không tìm được việc làm hoặc phải làm những việc không phù hợp với ngành nghề được đào tạo. Và cái vòng lẩn quẩn ấy cứ thế xoay đều, không có việc làm thì “nhàn cư vi bất thiện, đói bụng đầu gối phải bò” bằng mọi cách!

Chắc hẳn Đức Giêsu cũng đã phải vất vả phụ giúp và tiếp nối công việc của cha Giuse để lo việc kinh tế trong gia đình với Mẹ Maria. Nhưng Người đã nâng lao động lên tầm giá trị cao hơn khi tuyên bố với đám đông dân chúng đi tìm Người sau khi được ăn bánh no nê: “Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận." (Ga 6,27).

Trong ngày Quốc Tế lao động và khai mạc tháng hoa kính Đức Mẹ, chúng ta hãy cầu nguyện và noi gương bắt chước Thánh Giuse cùng Mẹ Maria trong gia đình Nagiarét xưa: sống và lao động theo đúng ý nghĩa là góp phần làm vinh quang cho Thiên Chúa qua sự sáng tạo vũ trụ, con người.

Xin cho mọi người lao động không chỉ làm một cách máy móc, chiếu lệ, qua loa cho mau hết giờ để kiếm nhiều lợi ích, tiền của cho bản thân; nhưng mang một ý nghĩa cứu độ và phục vụ, lao động theo lời mời gọi của Thiên Chúa.

Xin cầu nguyện cho mọi người lao động đều có công ăn việc làm xứng đáng với địa vị và khả năng của mình để làm vơi bớt đi những bất công và gánh nặng cho xã hội. Xin cho mọi thành quả lao động của con người được như của lễ đẹp lòng dâng lên Chúa với lòng biết ơn cảm mến chân thành.



Đã đăng trên:

Chủ Nhật, 3 tháng 4, 2016

BÍ TÍCH CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT


Năm 2000, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong bài giảng ngày lễ phong thánh Thánh nữ Maria Faustina đã chính thức công bố Chúa nhật II Phục sinh sẽ được gọi là Chúa nhật kính Lòng Thương Xót Chúa. Ngài đã mô tả về Ngày Lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa như sau: “Theo một cách đặc biệt, đây là ngày Chúa Nhật dành để tạ ơn về lòng thương xót mà Thiên Chúa đã tỏ ra cho chúng ta trong suốt mầu nhiệm Phục Sinh của Người”.

Ngày Lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa cũng chính là Ngày Thứ Tám (Octave Day) của Mùa Phục Sinh như là cách thức để đưa chúng ta đến sự hiệp thông trọn vẹn vào việc Đức Giêsu Phục Sinh. Ngày Lễ này như là một sự hội tụ tất cả các lăng kính vào trong ánh sáng của Chúa Giêsu Phục Sinh. Từ đó tỏa chiếu ra từng tia sáng chói lọi cao vời về tình yêu thương nhân từ và ân huệ của Thiên Chúa cho toàn cả thế giới thông qua sự chiến thắng của Thiên Chúa Phục Sinh trên tội lỗi, sự chết và ma quỷ.

Việc chọn ngày Chúa Nhật thứ nhất sau lễ Phục Sinh làm ngày lễ kính Lòng Thương Xót của Thiên Chúa có một ý nghĩa sâu xa, cho thấy mối dây liên lạc mạnh mẽ giữa mầu nhiệm Phục Sinh của việc Cứu Chuộc và mầu nhiệm Lòng Thương Xót Chúa. Thật vậy, các bài đọc của ba năm phụng vụ trong ngày Chúa Nhật này đều dành để nói về lòng thương xót của Thiên Chúa.

Chiều ngày thứ nhất trong tuần sau khi chịu chết và được mai táng, Đức Giêsu Phục Sinh đã hiện đến giữa các môn đệ vốn đang còn bàng hoàng, lo âu vì những biến cố dồn dập xảy ra. Người cho các ông xem tay và cạnh sườn và nói nói với các ông: "Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em." Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ." (x. Ga 20,19-31).

Đoạn Tin Mừng trên mô tả việc Chúa Giêsu Phục Sinh thiết lập ra Bí Tích Hòa Giải, một trong những bí tích vĩ đại về Lòng Thương Xót của Người. Tội lỗi đã làm con người xa rời Thiên Chúa: Ađam sau khi phạm tội thì lẩn tránh cái nhìn của Người, không dám gặp dù Người đích thân đến tìm ông. Khi đã được thanh tẩy bằng nước qua Bí tích Rửa Tội, con người được giải thoát khỏi tội tổ tông nhưng hậu quả của tội lỗi vẫn làm mọi trật tự nơi vũ trụ, nơi con người bị xáo trộn.

Thánh Phaolô đã cảm nhận rất sâu sắc: “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm.” (Rm 7,19). Con người không làm chủ được bản thân của mình. Lý trí báo cho họ biết là điều ấy không đúng, không được làm, nhưng ý chí không còn vâng phục lý trí nữa mà sẵn sàng dấn thân vào điều xấu. Hậu quả của tội lỗi còn làm cho con người sợ ánh sáng, sợ phải đối diện trước mặt Chúa. Thánh Gioan đã nói: “Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không diệt được ánh sáng.” (Ga 1,5), vì tất cả những điều xấu sẽ bị phơi bày.

Con người càng rời xa Chúa thì càng dễ chìm ngập trong những đam mê của tội lỗi. Tội lỗi làm cho con người bất an, tội lỗi càng nặng bao nhiêu , lương tâm con người càng áy náy buồn phiền bấy nhiêu. Đó chính là tâm trạng của vua Đavít: “Bao lâu con lặng thinh không thú lỗi, thì gân cốt rã rời, cả ngày con gào thét.” (TV 32, 3).

Có lẽ ai trong chúng ta cũng đều có kinh nghiệm về tội lỗi. Một hình ảnh rất cảm động, ngay cả những linh mục khi tĩnh tâm hằng năm cũng đều xếp hàng để được xưng tội. Những người từng ngồi tòa lắng nghe tội của người khác, nhưng khi đối diện với Thiên Chúa, cũng là những tội nhân.

Trước mặt Thiên Chúa ai cũng giống ai, tất cả đều là tội nhân; nhưng khác một điều là người tội nhiều hay ít, kẻ tội này người tội kia. Người càng lớn tuổi, chức càng cao, quan hệ rộng bao nhiêu thì cạm bẫy kéo theo cũng nhiều bấy nhiêu và vì thế bản thân sẽ rất dễ dàng vướng vào tội lỗi. Từ đó dễ nhận ra càng làm lớn thì càng dễ gặp những thử thách cám dỗ và như vậy có khi tội càng nặng hơn! Càng làm lớn ở đây hiểu theo nghĩa lớn về tuổi tác, lớn về địa vị, về kinh nghiệm …

Nhưng Thiên Chúa vẫn luôn chờ đợi và tha thứ tội lỗi cho con người trong suốt lịch sử cứu độ. Trong đáp ca ngày lễ, điệp ca: Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (x. Tv 118,1-29) đã nhắc nhở điều đó. Và trong mùa chay, chúng ta cũng đã được nghe rất nhiều câu chuyện trong Kinh Thánh nói về Tình Yêu và Lòng Thương Xót của Người.

Dụ ngôn ”cây vả không ra trái” (Lc 13,6-9) cho thấy lòng thương xót của Thiên Chúa thật vô cùng vô tận và Ngài vẫn kiên nhẫn chờ đợi, mong ngóng chúng ta sinh hoa kết trái theo thánh ý của Ngài. Dụ ngôn “người cha nhân hậu”  (Lc 15,11- 32) cho thấy Thiên Chúa chính là người cha nhân hậu, là Đấng giàu lòng thương xót. Người yêu thương tha thứ đối với các tội nhân, và mặc cho họ phẩm giá làm người. 
Cảm động nhất là câu chuyện về người phụ nữ ngoại tình (Ga 8,2-11). Theo luật Do Thái, bà ta sẽ bị ném đá cho đến chết. Trước khi bị ném đá, người ta đã dắt người tội phạm ấy đến trước mặt Chúa Giêsu, để xem Người cư xử thế nào. Trước vấn đề này, Đức Giêsu chậm rãi viết trên đất, tâm tình như chùng xuống, không hừng hực như những người đang kết án, để làm cho mọi việc lắng đọng. Người chậm giận trước tội lỗi của người phụ nữ và bảo họ rằng: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi”. Câu nói ấy đã đụng chạm vào con tim mỗi người, bởi người ta rất thích ném đá nhau, kết tội nhau, nhưng che giấu tội của mình cho thật khéo. Vì thế khi nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi. Khi chỉ còn lại một mình Đức Giêsu và người phụ nữ thì đứng ở giữa, Người đã nói: “Tôi không kết án chị đâu!”. Đấng Thánh tinh tuyền và giàu Lòng Thương Xót đã tha tội cho một kẻ đáng chết: “Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!”.
Chính vì thế, khi mở Năm Thánh Lòng Thương Xót, ý định của Đức Thánh Cha Phanxicô là muốn khơi lên Lòng Thương Xót để con người đừng lẩn trốn, mà hãy quay về với Thiên Chúa hầu lãnh nhận lòng thương xót của Người. Có khi nào chúng ta bình tâm suy gẫm để nhận ra là mình đã được tha thứ và thoát khỏi án chết đời đời nhờ Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, nhờ Máu và Nước từ Trái Tim đau thương của Chúa trên cây Thánh Giá bị lưỡi đòng chọc mở tuôn đổ ra hay không?!
Năm Thánh Lòng Thương Xót mời gọi chúng ta trở về giao hòa với Thiên Chúa để làm mới lại cuộc đời. Trở về với Thiên Chúa để nhận ra con người thật của mình, tôn vinh Thiên Chúa để được yêu thương hướng dẫn, để rồi không còn buông theo những đam mê trần tục tầm thường. Khi đã sống trong lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa qua Bí Tích Hòa Giải, bổn phận của chúng ta là phải biết đem lòng nhân từ đó của Người đến cho tha nhân, cho hàng xóm láng giềng của chúng ta.
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói: "Tương lai của nhân loại trên mặt đất này sẽ ra sao? Chúng ta không được biết. Tuy nhiên, con người có thêm tiến bộ thì không may cũng không thiếu kinh nghiệm đớn đau. Nhưng ánh sáng của lòng thương xót Chúa sẽ chiếu sáng đường đi cho con người trong thiên niên kỷ thứ ba. Người cũng cho rằng chỉ khi nào con người cảm nhận được lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa dành cho nhân loại thì con người mới có thể "nhìn vào anh chị em của mình với đôi mắt mới, với thái độ vị tha và liên đới, đại lượng và tha thứ".
Sáng thứ Sáu 04-03-2016, trước khi chủ sự nghi thức sám hối tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến khoảng 500 tham dự viên của khóa học về toà trong. Khóa học nhằm giúp các chủng sinh và linh mục mới chịu chức cử hành đúng đắn Bí Tích Hòa Giải. Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Ai cũng có thể nhận được ơn tha thứ của Thiên Chúa. Thiên Chúa là Cha yêu thương luôn chờ đợi tất cả con cái Người, nhất là những ai lầm lạc hay những người xa cách. Bí Tích Hòa Giải là nơi đặc biệt để cảm nghiệm lòng thương xót của Thiên Chúa”.
Năm Thánh Lòng Thương Xót là cơ hội để tội nhân làm hòa với Thiên Chúa, là năm Giáo Hội dùng kho tàng ân sủng mà Thiên Chúa đã ban để tha thứ tội lỗi và tha luôn vạ cho dân của Người. Đây quả là một năm hồng ân tuyệt vời, năm mà con người có thể sà vào lòng thương xót của Thiên Chúa để lãnh nhận tình yêu thương, để được ra đi bình an như Chúa đã nói với người phụ nữ tội lỗi. Hãy quay về với Thiên Chúa qua Bí Tích Hòa Giải để ngụp lặn trong lòng thương xót của Ngài như Thánh vương Đavít đã làm:
Bởi thế, con đã xưng tội ra với Ngài,
chẳng giấu Ngài lầm lỗi của con.
Con tự nhủ: "Nào ta đi thú tội với Chúa,"
và chính Ngài đã tha thứ tội vạ cho con.
(Tv 32, 5)






XIN CHO CON ĐỨC TIN


Nếu mắt tôi không thấy
Và ngón tay không xỏ
Những dấu đinh tay Người
Tay không đặt cạnh sườn
Tôi không thể nào tin.

Như ngày xưa Tô-ma
Con người trần mắt thịt
Duy lý, duy thực nghiệm
Luôn hoài nghi, yêu sách
Đòi lý lẽ minh bạch
Nhân, vật chứng rõ ràng
Chỉ tin vào sự thật
Khi mắt thấy, tay sờ.

Đặt ngón tay vào đây
Hãy nhìn xem tay Thầy
Đặt tay cạnh sườn ta
Đừng cứng lòng như đá
Nhưng hãy tin nơi Thầy.

Được mắt thấy, tai nghe
Dung nhan Người sống lại
Tiếng yêu thương tha thiết
Bữa Tiệc ly ngày qua
Đôi tay được đụng chạm
Tới xác thân thánh Người
Tô-ma chợt bừng tỉnh,
Quỳ lạy tôn vinh Người:

Lạy Thiên Chúa của con!
Lạy Thiên Chúa của con!

Anh tin vì thấy Thầy
Phúc thay người không thấy
Nhưng vẫn tin nơi ta.

Con là kẻ hậu sinh
Chỉ tin theo bằng chứng
Của các tông đồ xưa
Qua lời dạy Giáo Hội
Xin cho con Đức Tin
Lòng tin bằng hạt cải
Để rao truyền chân lý
Đức Kitô chịu chết
Phục Sinh sau ba ngày
Cho con người được sống
Hưởng vinh quang với Người.



Jos. Hoàng Mạnh Hùng
Chúa Nhật II Phục Sinh