Thứ Tư, 6 tháng 8, 2014

Kí sự: GĐPTTT CGS Giáo xứ Trung Mỹ Tây, Hóc Môn hành hương năm Đức Tin - Kỉ niệm 2 năm thành lập

Từ lúc 4g00 sáng ngày 13/06/2013, các anh chị em đoàn viên đã tụ tập đông đủ tại Thánh Đường Giáo xứ cùng nhau dâng ngày hành hương cho Thánh Tâm Chúa Giêsu trong Thánh lễ do Cha phụ tá JB. Đào Quốc Chung chủ tế. Đúng 5g00, khi trời còn tờ mờ sáng, đoàn đã khởi hành trong sự rộn ràng, hân hoan, phấn khởi. Trên xe, bác xứ đoàn trưởng đã giới thiệu chương trình và sơ nét về địa điểm hành hương gồm có: Đài Đức Mẹ Lộ Đức thuộc giáo xứ Long Hương, Nhà thờ Chánh toà - tòa Giám mục Bà Rịa và Nhà thờ mồ kính các vị tử đạo Bà Rịa. Để bảo đảm sức khỏe cho chuyến đi, ông đoàn phó đã phân phối đến tận tay từng thành viên khẩu phần ăn sáng và nước uống. Sau khi ăn sáng, Cha phụ tá đã mời gọi toàn thể thành viên cùng đọc kinh cầu nguyện cho chuyến hành hương và sau đó là phần văn nghệ với những bài hát sinh hoạt đạo-đời theo từng tràng pháo tay vang lên rộn rã.
Lúc 7g 45 đoàn bắt đầu chinh phục đỉnh núi Dinh với 320 bậc thang để tiến lên tượng Đức Mẹ và Thánh giá được Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống làm phép ngày 07/07/2011. Được biết đài Đức Mẹ Lộ Đức thuộc giáo xứ Long Hương được xây dựng từ năm 1960 tuy chưa được xếp vào danh sách các trung tâm hành hương của Giáo phận Bà Rịa nhưng là nơi giáo dân và ngay cả các du khách thích dừng chân để tham quan và cầu nguyện. Đường lên với Thánh giá Chúa và Mẹ thật dài và mệt mỏi với 14 chặng đàng Thánh giá được xây dựng dọc theo lối đi. Đoàn phải dừng lại nhiều lần để nghỉ mệt và cũng để chụp hình ghi lại những cảnh quan lân cận tuyệt đẹp từ trên cao. Sau khi đã tập trung đầy đủ, Cha phụ tá cùng toàn thể thành viên đã cùng dâng lên Chúa và Mẹ Maria những lời kinh, những lời khấn nguyện cho Giáo xứ, cho GĐPTT cùng những người thân trong gia đình. Giờ kinh nguyện chấm dứt với phép lành toàn xá và bài hát “Mẹ ở con về” tha thiết ngân vọng theo từng bước chân đoàn hành hương xuống núi. Tại chân núi đoàn đã được đại diện giáo xứ Long Hương trao tặng những chai “Nước phép núi Đức Mẹ giáo xứ Long Hương” như một món quà của Mẹ cho đoàn con thỏa cơn khát. Xin cám ơn giáo xứ Long Hương và chào tạm biệt với những cái bắt tay siết chặt hẹn ngày gặp lại.
Đoàn tiếp tục thăm viếng Nhà thờ Chánh toà và tòa Giám mục Bà Rịa. Tại đây Cha phụ tá liên hệ để đoàn có thể chào và ra mắt Đức Cha Tôma Nguyễn Văn Trâm - Đức Giám mục tiên khởi của Giáo phận Bà Rịa. Nhưng rất tiếc vì Đức Cha mới được giải phẫu còn đang tĩnh dưỡng nên đoàn không dám làm phiền và kính gởi lời chào, thăm hỏi Ngài thông qua Cha phụ trách văn phòng tòa Giám Mục. Nhà thờ Chánh toà giáo phận nổi bật hẳn với hai ngọn tháp cao 45 mét trong màu đá hoa cương trang trọng với sáu quả chuông có đường kính từ 60 cm đến 114 cm. Bước qua cổng sân tiền đình là tượng đài Đức Maria Mẹ Thiên Chúa, Bổn mạng Giáo phận và là Tước hiệu của Nhà Thờ Chánh Tòa. Phía bên phải là Núi đá Đức Mẹ Lộ Đức xây từ năm 1952 và bao quanh tường rào nhà thờ là 14 chặng đàng Thánh giá với những non bộ, cây cảnh … đầy tính nghệ thuật. Ngay trước cửa chính diện thánh đường là tượng hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô trụ cột của Giáo Hội. Toàn bộ sân nền và tường nhà thờ đều được ốp đá hoa cương, tạo nên ấn tượng vững bền của Giáo Hội.
Bên trong nhà thờ, đoàn đã choáng ngợp trước vẻ đẹp lộng lẫy nhưng trang nghiêm. Khu vực Cung thánh được thiết kế theo dạng thức hình tròn liên cấp. Bàn tiệc Thánh Thể làm bằng cẩm thạch trắng với kích thước 4 mét dài và 1 mét 20 rộng đặt tại vị trí trung tâm, mặt trước là bức phù điêu khắc hoạ lại khung cảnh bữa tiệc thiết lập Bí tích tình yêu, mặt sau là nơi niêm ấn thánh tích của ba vị chứng nhân đức tin đến từ ba miền đất nước: miền Nam với thánh Matthêô Lê Văn Gẫm, tín hữu thuộc xứ Long Điền, Bà Rịa, tử đạo ngày 11-05-1847 tại Chợ Đũi, giáo phận Sài Gòn; miền Trung với thánh Phêrô Hoàng Khanh, tử đạo ngày 12-07-1842 tại Hà Tĩnh, giáo phận Vinh; miền Bắc với thánh nữ Anê Lê Thị Thành, tử đạo ngày 12-07-1841 tại Phúc Nhạc, giáo phận Phát Diệm. Di cốt của ba vị thánh tử đạo được cẩn khảm trong một tấm phù điêu ghi khắc chân dung của 117 vị hiển thánh tử đạo. Bệ đài Thánh Kinh và Nhà Tạm Thánh Thể được đặt hai bên tượng Chúa chịu nạn. Dưới chân tượng Chúa chịu nạn là huy hiệu với dòng chữ Hiền lành và Khiêm nhường và ngai toà của Đức Giám mục. Các khung cửa sổ kính màu với hình ảnh mười hai Thánh Tông Đồ phía trên Cung thánh và đặt dọc suốt hai bên tường nhà thờ dưới ánh sáng mặt trời soi rõ hai mươi mầu nhiệm Mân côi, hoà với những đường nét nghệ thuật của mười bốn chặng đàng Thánh Giá. Hai bên cuối nhà thờ là tượng hai thánh bổn mạng Giacôbê và Philipphê quen thuộc với những giáo dân Bà Rịa vẫn đứng tại vị trí quen thuộc hai bên cửa chính nhà thờ và hai toà giải tội đã có từ rất lâu, nay được phục chế theo đúng hình dáng cũ.
Sau giờ cầu nguyện trước Thánh Thể và nhận lãnh phép lành toàn xá, đoàn đã chụp hình lưu niệm và được hướng dẫn tiếp tục hành hương Nhà thờ mồ kính các vị tử đạo. Nhà thờ mồ kính các vị tử đạo Bà Rịa nằm cách Nhà thờ Chánh Toà khoảng 300m, trên khu đất trước đây là nghĩa trang giáo xứ. Dù chỉ là một ngôi nguyện đường khiêm tốn, không có dáng vẻ gì đặc biệt, nhưng đây chính là nơi cất giữ cả một ký ức hào hùng của cộng đoàn tín hữu Bà Rịa. Chính ngay trên mảnh đất này, vào năm 1861, trong cuộc hách bại Kitô giáo dưới triều vua Tự Đức, một nhà ngục đã dược dựng lên để giam giữ các tín hữu trong cuộc truy lùng các giáo dân vùng Bà Rịa, gồm các họ đạo Phước Dinh (Phước Lễ hiện nay), Thôm ( Long Tân), Thành ( Long Điền ) và Đất Đỏ. Bốn chữ - Biên Hòa Tả Đạo - được xăm vào hai bên má các tù nhân như lời bêu nhục Kitô giáo và cũng là lý do để các Kitô hữu bị giam cầm, ngươc đãi. Nhà ngục Phước Dinh được dành riêng để giam hơn 300 đàn ông, còn đàn bà và con trẻ được giam ở các nhà ngục khác ở Long Kiên, Long Điền và Đất Đỏ.
Từ tháng 9 năm 1861, các tín hữu bị giam tù phải chịu rất nhiều khổ cực đớn đau. Đêm 7 tháng 1 năm 1862, khi quân đội Pháp tiến quân từ Vũng Tàu theo ngã sông Dinh đế đánh chiếm Phước Tuy, quan quân triều đình biết là không thể kháng cự nổi nên đã quyết đinh rút khỏi Bà Rịa. Vì không muốn tha người Công Giáo, trước khl rút quân họ đã nổi lửa đốt cháy các nhà ngục, thiêu sống các tù nhân. Chính trong đêm ấy, mạng sống của các chứng nhân đức tin đã được trọn vẹn dâng lên Thiên Chúa trong cuộc tử đạo như một lễ vật toàn thiêu. Sáng ngày 08.01.1862, Cha Croc và Cha Tri, người đang phải lẩn tránh nhưng cũng đã từng cải trang vào gặp các tín hữu đang bị giam cầm, đã có mặt tại nơi nhà ngục Phước Lễ chứng kiến thi thể của 288 tín hữu vừa bị thiêu sinh. Các cha đã cho đào ba ngôi mộ lớn gần bên nhà ngục để an táng các tín hữu đã chết vì Đạo Chúa. Tháng 10 năm 1865, Linh mục Thừa sai Jules Jean-Baptiste Errard đến nhận nhiệm sở Bà Rịa, cha tìm gặp các nhân chứng và thân nhân của các vị tử đạo, ghi lại tên tuổi theo từng họ đạo và nơi bị giam giữ. Cha cũng cho cải táng hài cốt các vị từ ba ngôi mộ trước đây và an táng chung vào một ngôi huyệt đào ngay trên nền ngục thất cũ. Trong dịp sang Hồng Kông chữa bệnh năm 1871, cha đã đặt làm một ngôi mộ nổi trên mặt đất bằng đá cẩm thạch đưa về thay cho ngôi mộ bằng gạch trước đây. Bốn phiến cẩm thạch mang những dòng chữ được tạc khắc ghi nhớ cuộc khổ nạn và cái chết của các nhân chứng đức tin. Cha cho cất một ngôi nguyện đường ngay trên phần mộ, từ đó đã là nơi các cha thường xuyên đến dâng lễ, và cũng có các nhóm hành hương từ nhiều nơi tìm đến cầu nguyện.
Sau khi thuyết minh xong về sự tích Nhà thờ mồ, Cha phụ tá đã hướng dẫn đoàn cầu nguyện với chủ đề “Ai bền đỗ đến cùng người ấy sẽ được cứu rỗi”. Lời Chúa trong Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Mathêu (Mt 10, 18): “Anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy” cùng bài hát “Bài ca ngàn trùng” vang lên giữa lòng nhà thờ mồ đã gợi nhớ tới lời kêu gọi của vị Cha chung của TGP – Đức Hồng Y JB. Phạm Minh Mẫn - nhân dịp kỉ niệm 25 năm việc tuyên phong các Thánh Tử Đạo Việt Nam: “Hãy cùng nhau chung lòng cầu khẩn xin Chúa Thánh Thần mở rộng lòng tin đón nhận lòng Chúa thương xót vô biên và tạ ơn Thiên Chúa là Cha giàu lòng từ bi thương xót vô biên, thương ban cho dân Chúa tại Việt Nam những chứng nhân đức tin đã hy sinh đổ máu đào, góp phần vun tưới cho cánh đồng Việt Nam thêm màu mỡ, cho những hạt mầm các ơn Chúa ban đâm chồi nẩy lộc, kết sinh hoa thơm trái lành, vì sự sống và sự phát triển của gia đình và xã hội.”
Tạm biệt thị xã Bà Rịa với những địa chỉ hành hương đầy ý nghĩa trong Năm Đức Tin, đoàn đã đến khu bãi tắm Trân Châu – Long Hải để dùng cơm trưa, sinh hoạt và tắm biển. Đoàn đã lên xe trở về Hóc Môn lúc 16g00, trên xe phần văn nghệ lại được tiếp tục và kéo dài như bất tận cho đến khi Cha phụ tá mời gọi toàn đoàn cùng nhau dâng những lời kinh, tiếng hát tạ ơn Thánh Tâm Chúa Giêsu và Mẹ Maria đã ban cho một ngày hành hương tuyệt vời. Bác xứ đoàn trưởng cũng không quên cám ơn Cha phụ tá, các vị ân nhân, tài xế cùng toàn thể đoàn viên GĐPTTT và thân nhân đã cộng tác để chuyến hành hương được kết thúc tốt đẹp và hẹn gặp lại trong các chuyến hành hương sắp tới. Bài hát “Tán tụng hồng ân” một lần nữa lại vang lên trong niềm vui cảm tạ cùng với những lời tạm biệt trong tình yêu Thánh Tâm Chúa Giêsu.
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét