Thứ Hai, 27 tháng 2, 2017

TIỀN CỦA (SUY NIỆM CHÚA NHẬT TUẦN 7 TN A)


Sau những ngày nghỉ Tết, dòng người lại tấp nập trở về thành phố. Cuộc muu sinh lại tiếp tục vì các nhu cầu của đời sống. Ai cũng lo lắng sao cho có thể kiếm được thật nhiều tiền để thỏa mãn tối đa các nhu cầu sống. Hầu như mọi thứ trong đời sống vật chất đều có thể đánh đổi bằng tiền. Thậm chí tiền có thể mua cả một số giá trị tinh thần nếu như người ta muốn bán nó. Chính vì thế mà người ta đã ví von đề cao đồng tiền đến mức: “Tiền là tiên là Phật, là sức bật của tuổi trẻ, là sức khỏe của tuổi già, là cái đà danh vọng, là cái lọng che thân, là cán cân công lý …”. 

Ban đầu, người ta kiếm tiền để sống, nhưng càng ngày người ta càng muốn sở hữu nhiều hơn. Người đời thường hay "đứng núi này trông núi nọ" nên không ngại bỏ thời gian, công sức, bất chấp thủ đoạn, thậm chí bán rẻ lương tâm, đạo đức để theo đuổi mục đích kiếm cho thật nhiều tiền. Khi đó đồng tiền bắt đầu đóng một vai trò chính yếu, thậm chí còn quyết định đời sống sinh hoạt của con người.

Mặt tích cực của đồng tiền là có thể nâng cao dân trí, cải thiện đời sống xã hội. Nó mang lại niềm vui và hạnh phúc cho con người, nó có thể sửa xấu thành đẹp, có thể thay đổi cuộc đời nghèo khổ thành giàu sang tột bực. Nhưng cũng chính nó cướp đi niềm vui và hạnh phúc của con người, vì tiền thường đi liền với bạc: bạc tình, bạc nghĩa …. Dựa vào mãnh lực của đồng tiền, người ta có thể biến không thành có, đổi trắng thay đen hoặc trở nên kiêu căng ngạo nghễ, khinh dễ đồng loại.

Tục ngữ Pháp có câu: “Tiền có thể là một tên đầy tớ tốt, nhưng lại trở thành ông chủ xấu”. Khi người ta mù quáng lao vào kiếm tiền bằng mọi giá thì những giá trị khác của cuộc sống dễ dàng bị bỏ quên, không còn biết đến những gì đáng quý và quan trọng hơn, thậm chí đánh mất cả bản thân. “Mạnh vì gạo bạo vì tiền”, tiền bạc không những làm hư hỏng con người,  mà nó còn làm cho nhân loại lạc vào sa đọa, vì đồng tiền mà người ta sẵn sàng gieo đau khổ cho nhau và làm cho xã hội bất an, điên đảo.


Hiểu được lòng dạ của con người, Chúa Giêsu đã dạy cho cho chúng ta bài học: "Không ai có thể làm tôi hai chủ: vì hoặc nó sẽ ghét người này, và yêu mến người kia, hoặc nó chuộng chủ này, và khinh chủ nọ. Các con không thể làm tôi Thiên Chúa và tiền của được.” Chúa không khuyên chúng ta bàng quan với tiền bạc, nhưng Người muốn chúng ta đừng quá lao tâm tổn lực chạy theo đồng tiền mà quên đi những giá trị sống khác. Đừng để hết tâm trí vào việc tìm kiếm những giá trị tương đối mà hãy lo tìm những giá trị vĩnh cửu.

Những lo lắng của chúng ta là những cái lo trước mắt để kiếm tiền kiếm bạc, còn cái lo của Thiên Chúa là lo con người không quan tâm những điều nằm trong thánh ý của Người. “Vì thế Thầy bảo các con: Chớ áy náy lo lắng cho mạng sống mình: lấy gì mà ăn; hay cho thân xác các con: lấy gì mà mặc. Nào mạng sống không hơn của ăn, và thân xác không hơn áo mặc sao?”

Chúa không muốn ta sống vô lo, vô trách nhiệm. Người muốn chúng ta phải biết lo lắng, biết tính toán, biết hoạch định, biết phòng xa để cùng cộng tác với Người trong việc hoàn thiện và cứu độ thế giới. Là người Kitô hữu chúng ta phải tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa, Người luôn làm những điều tốt đẹp nhất cho chúng ta. Chim trời có giá trị không bao nhiêu, bông hoa ngoài đồng nay còn mai mất mà Chúa còn nuôi ăn, cho mặc đẹp. Huống chi con người là con cái Thiên Chúa lại không được Người quan tâm chăm sóc đặc biệt hơn những thứ phù vân đó?

Thế nên, chúng ta hãy tín thác vào Chúa. Hãy để cho Chúa hướng dẫn cuộc đời chúng ta. “ Vậy các con chớ áy náy lo lắng mà nói rằng: Chúng ta sẽ ăn gì, uống gì, hoặc sẽ lấy gì mà mặc? Vì chưng, dân ngoại tìm kiếm những điều đó. Nhưng Cha các con biết rõ các con cần đến những điều đó. Tiên vàn các con hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa và sự công chính của Người, còn các điều đó, Người sẽ ban thêm cho các con. Vậy các con chớ áy náy lo lắng về ngày mai. Vì ngày mai sẽ lo cho ngày mai. Ngày nào có sự khốn khổ của ngày ấy".

Ngày ngày, hãy dâng lên Thiên Chúa những lời kinh đền tạ vì những ơn lành Chúa đã ban và phó thác nơi Người những nỗi lo âu, vất vả trong cuộc sống. Hãy tín thác đời mình vào bàn tay Chúa quan phòng và thư thái nghỉ ngơi trong Chúa. Đừng quá mong cầu tiền của vì tiền của là thứ trao tay hết người này đến người khác không thể còn mãi được. Hãy chu toàn bổn phận của mình bằng những khả năng và hoàn cảnh Chúa ban. Hãy làm cho nén bạc đời mình sinh lợi thêm cho Chúa và để cuộc sống của chúng ta thực sự có ích cho tha nhân.

Lạy Chúa, chúng con tin vào sự quan phòng và phó thác đời sống trong tay Chúa. Xin Chúa chúc phúc cho những công việc chúng con làm để nuôi sống bản thân, gia đình và góp phần xây dựng xã hội. Xin cho chúng con biết dùng tiền của làm cho “danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”. Amen.

YÊU THƯƠNG (SUY NIỆM CHÚA NHẬT TUẦN 7 TN A)


Trong Tin Mừng Chúa Nhật VII thường niên, Chúa Giêsu tiếp tục giáo huấn môn đệ hoàn thiện luật cũ. Luật Mô-sê đòi hỏi phải yêu thương, nhưng luật Tân Ước của Đức Ki-tô dạy phải “yêu kẻ thù”. Tinh thần của luật cũ là “mắt đền mắt, răng đền răng” nhưng luật yêu thương mới mời gọi ta “cầu nguyện cho kẻ ngược đãi anh em”.  Chúa Giêsu dạy chúng ta phải yêu thương hết mọi người: kẻ thù của mình, kẻ ghét mình, kẻ ngược đãi và vu khống mình… để chúng ta được nên trọn lành giống như Chúa Cha trên trời.

Trong cuộc sống, chúng ta va chạm với nhau rất nhiều qua lời nói vô tình, cử chỉ vô ý …. Nếu chấp nhất, những việc đó có thể là nguyên nhân của chuyện thù ghét oán hờn. Tình yêu mà Chúa Giêsu đề nghị không khép kín nơi đồng bào hay những người thân nghĩa, mà còn đối với cả kẻ thù. Thật là khó! Bởi lẽ, trong tương quan con người với nhau, cách xử sự mà Chúa đề nghị trên đây sẽ bị coi là nhu nhược, yếu thế.

Trong bối cảnh xã hội đầy bon chen toan tính và loại trừ lẫn nhau, người ta dễ bốc đồng, hay dùng bạo lực để giải quyết những mâu thuẫn, muốn trả thù cho thỏa mãn tự ái, cho hả lòng tức giận. Người Kitô hữu  làm thế nào để giữ được lời dạy của Chúa? Nếu muốn có được sự yêu thương, trước hết, chúng ta phải học cách tha thứ. (Mẹ Thánh Têrêsa)

Nói tha thứ cho những kẻ xúc phạm và làm hại mình rất dễ trong lý thuyết nhưng rất khó trong thực hành, đến nỗi người ta đã thốt lên: “Sống để bụng, chết mang theo”. Tuy nhiên khó khăn không phải là không làm được, gương của Đức Giêsu xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ làm hại Ngài: Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Hay như gương bao nhiêu thánh nhân tử đạo cũng đã bắt chước Thầy Chí Thánh để cầu nguyện cho những kẻ bách hại mình.

Để có thể tha thứ, trước hết hãy nhớ mình cũng là kẻ có tội, vì vậy hãy tha thứ để được thứ tha. Kế đến phải nhớ rằng nếu không tha thứ, chính bản thân chúng ta là người chịu thiệt vì cứ nuôi mãi những điều ấm ức trong lòng. Và quan trọng nhất, tha thứ để chúng ta nên giống Chúa Cha trên trời, là Đấng hoàn hảo. Vì vậy chỉ những ai có sự thánh thiện mới dễ dàng tha thứ cho người khác, vì đó là đòi hỏi để họ được nên thánh.


Lạy Chúa, xin cho chúng con biết yêu thương như Chúa đã yêu thương. Yêu như Chúa yêu là không chỉ là yêu những người chúng con yêu mà là yêu cả những người đang ghét chúng con. Xin cho chúng con hàng ngày cũng biết tha cho kẻ xúc phạm chúng con và xin cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen.

GIỮ LUẬT (SUY NIỆM CHÚA NHẬT TUẦN 6 TN A)


Chu toàn lề luật là việc tốt, nhưng sẽ tốt hơn nhiều nếu sống đúng tinh thần của lề luật. Luật cũ gắn liền với giao ước giữa Thiên Chúa và dân Do Thái còn mang nặng tính cách hình thức, thích hợp với não trạng dân chúng vào thời ấy.
Luật mới gắn liền với giao ước giữa Đức Kitô và dân mới tức là Giáo Hội. Đây là luật tình thương, gắn liền với sự kết hợp thân mật giữa cá nhân với Đức Kitô. Đây cũng là luật vượt trội hơn luật cũ và bổ túc cho luật cũ, vì phải có đức tin và tình mến sâu xa nơi Đức Kitô.
Chúa Giê-su đòi hỏi các môn đệ không dừng lại ở những việc tuân giữ luật một cách hình thức mà đòi hỏi một tinh thần tuân thủ, xuất phát tự nội tâm, tự cõi lòng và trở nên nguồn gốc cho mọi tư tưởng, lời nói và việc làm.
Hãy yêu mến Thiên Chúa hết tâm hồn, hết trí khôn là một sự đòi hỏi gắt gao. Chính vì thế, khi giữ luật, Chúa Giêsu đòi chúng ta phải chính trực hơn các luật sĩ và biệt phái thì mới được vào Nước Trời.
Luật yêu thương của Đức Kitô đòi hỏi ta phải giữ luật không chỉ bề ngoài mà tận trong tâm hồn vì có lòng giận ghét đã là đã giết người, có ý muốn ngoại tình đã là ngoại tình trong tư tưởng rồi. Phải bao dung hơn vì không còn “mắt đền mắt, răng đền răng”  nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa. Phải triệt đề hơn vì nếu mắt phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mà ném đi;  nếu tay phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy chặt mà ném đi. Tóm lại luật yêu thương đòi hỏi ta phải công chính hơn tới mức hoàn thiện “như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48)
Quan niệm sai lầm và hẹp hòi về sống đạo chỉ là đi nhà thờ, xem lễ và giữ những việc luật buộc vẫn tồn tại trong chúng ta. Bởi thế mỗi người chúng ta hãy tự vấn lương tâm xem luật Chúa đối với chúng ta là một gánh nặng hay là gánh nhẹ nhàng. Chúng ta đã giữ luật Chúa với tinh thần nào: qua loa chiếu lệ hay là vì lòng yêu mến Chúa.

Lạy Chúa, xin đừng để chúng con tự mãn vì đã chu toàn những gì luật buộc, nhưng xin giúp chúng con biết làm mọi việc chỉ vì mến Chúa và yêu người. Amen.

MUỐI VÀ ÁNH SÁNG (SUY NIỆM CHÚA NHẬT TUẦN 5 TN A)


Cả hai hình ảnh muối và ánh sáng đã được Chúa Giêsu dùng để nói lên sứ vụ truyền giáo của người môn đệ. Người ta dùng muối để nêm nếm thức ăn là thứ gia vị làm cho món ăn thêm đậm đà, ngon miệng và  còn dùng nó để ướp thức ăn cho khỏi hư hỏng thối rữa. Các môn đệ của Chúa được kêu gọi phải là muối mặn để ướp cho thế gian khỏi sa ngã, khỏi hư hỏng.

Môn đệ Chúa còn phải là ánh sáng chiếu giãi thế gian. Người ta không thắp đèn rồi để nó xuống đáy thùng nhưng đặt trên giá cao để soi sáng cho cả nhà. Môn đệ của Chúa sống giãi sáng trước mặt tha nhân tức là phải nêu gương sáng, làm việc lành trước mặt người đời để họ xem thấy những việc lành ấy mà ngợi khen cha trên trời.  

Cuộc đời mỗi Kitô hữu là 1 ngọn nến sáng. "Các con là sự sáng thế gian. Một thành phố xây dựng trên núi, không thể che giấu được. Và người ta cũng không thắp đèn rồi để dưới đáy thùng, nhưng đặt nó trên giá đèn, hầu soi sáng cho mọi người trong nhà. Sự sáng của các con cũng phải chiếu giãi ra trước mặt thiên hạ, để họ xem thấy những việc lành của các con mà ngợi khen Cha các con trên trời".

Để giữ ngọn lửa tâm hồn luôn cháy sáng, chúng ta được mời gọi tham dự và chia sẻ trong cuộc sống thường ngày: gương mẫu trong gia đình và mối quan hệ hàng xóm láng giềng, đồng nghiệp …. Nhất là khi chúng ta được mời gọi tham gia công việc bác ái và tông đồ của các đoàn thể, của giáo xứ dù là một công việc đơn sơ, thầm lặng nhất như quét dọn nhà thờ …

Nhưng có nhiều lúc ngọn lửa lại dần tàn lụi. Tàn lụi khi con người cảm thấy tự mãn với những việc mình đã cống hiến, tàn lụi khi ta so đo hơn thiệt với những người anh em và thậm chí để mưu cầu lợi ích riệng tư nào đó. Có những người tự hào vì những đóng góp của mình và sau khi được “ghi tên bảng vàng” lại rút lui trong khi mình vẫn còn điều kiện và khả năng cống hiến.

Lại có những khi “chất mặn” trong ta lại nhạt dần chỉ vì ý nghĩ mình phải được tôn trọng hơn vì mình đóng góp nhiều hơn và tệ hơn là mục đích mình tham gia các đoàn thể, các công việc của Giáo xứ để tự đánh bóng mình, để lấy oai trong những ngày lễ lớn còn những sinh hoạt thầm lặng thường ngày thì để người khác làm với lí do “tôi bận lắm”. "Các con là muối đất. Nếu muối đã lạt, người ta biết lấy gì mà ướp cho mặn lại? Muối đó không còn sử dụng vào việc chi nữa, chỉ còn ném ra ngoài cho người ta chà đạp lên nó”.


Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con được như ngọn nến chấp nhận tiêu hao để thắp sáng cuộc đời Kitô hữu. Xin cho chúng con luôn được là những hạt muối Kitô ướp cho cuộc đời luôn mặn nồng. Xin cho ánh sáng cây nến rửa tội luôn cháy mãi trong chúng con để chúng con biết yêu thương và phục vụ cộng đoàn dân Chúa không ngơi nghỉ với khả năng nhỏ bé của mình. Amen.